Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thánh Đamianô

THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ 
GIÁM MỤC HIỂN TU, TIẾN SĨ 
(+ 1072)

Ravenna kinh thành trang lệ soi bóng bên bờ Địa trung hải, những lâu đài cao ngất của tư nhân san sát chen chân với những thành trì kiên cố của các vị lãnh chúa.

Nhưng cạnh ngôi nhà đồ sộ như vênh váo phô trương vẻ lộng lẫy, khách thập phương không khỏi mủi lòng khi nhìn thấy một nếp nhà nhỏ hẹp của một gia đình nghèo đông con. Song chính từ nơi tồi tàn này, xuất hiện một vị đại thánh làm rạng danh Giáo hội một thời: thánh Phêrô Đamianô.

Cuộc đời thơ ấu của thánh nhân thật là những ngày đen tối ảm đạm. Tiếng khóc chào đời của Phêrô đồng thời cũng là tiếng khóc vĩnh biệt người mẹ hiền. Mồ côi cha, mẹ rất sớm, Phêrô phải sống nhờ lòng thương của cô giúp việc. Ít lâu sau, Phêrô được một người anh đưa về nuôi. Theo lẽ quyền huynh thế phụ, anh phải thay mặt cha mẹ trông nom dưỡng nuôi em tử tế, song ông lại đã coi Phêrô như đứa tôi đòi, hành hạ em trăm bề nghìn cách.

Nhưng Thiên Chúa nhân từ vô cùng, thấu suốt tình cảnh đáng thương của Phêrô. Ngài soi lòng cho người anh khác, cũng tên là Đamianô, đến xin em côi cút về nuôi và chăm chỉ săn sóc như con đẻ. Nhờ anh, Phêrô được đi học và qua liền ba lớp ở Ravenna, Fanza và Parne. Sẵn có tư chất thông minh sắc sảo, Đamianô học tấn tới mau lẹ và thu lượm được những kết quả vẻ vang. Bằng chứng cụ thể là năm 25 tuổi Phêrô đã lần lượt được bổ nhiệm làm giáo sư tại Parnô và Ravenna.

Sống giữa dòng đời đầy gương xấu, cám dỗ và tội lỗi, Phêrô đã nuôi ý tưởng muốn sống một cuộc đời ẩn tu.

Vào một buổi sớm tinh sương, Phêrô lặng lẽ ra đi hướng về phía tu viện Aven không một ai hay biết. Nhận ra là một thanh niên tuấn tú và đầy hứa hẹn, tu viện trưởng vui vẻ tiếp nhận Phêrô. Và chỉ trong một thời gian ngắn, bề trên đã gọi Phêrô mặc áo và khấn dòng.

Vì năng thức khuya dậy sớm đọc kinh nguyện ngắm, nên ngài đã mắc chứng bệnh đau màng óc mà ngài phải lâu ngày mới chữa khỏi. Trong những ngày nằm dưỡng bệnh, ngài đã biết lợi dụng thời giờ một cách hữu ích, bằng cách suốt ngày miệt mài xem Kinh Thánh, lấy ra những "Lời hay ý đẹp" để thuyết trình cho anh em tu sĩ. Phêrô nghiễm nhiên trở nên một nhà diễn giảng Kinh thánh tài tình. Danh tiếng đó truyền lan khắp vùng và ai nấy đều mong ước được nghe ngài giảng thuyết.

Với tài ba xứng hợp Phêrô lần lượt được giữ chức quản lý rồi thăng tu viện trưởng.

Là một tu sĩ gương mẫu, đức độ, tài ba, giờ đây Phêrô lại tỏ ra là một tu viện trưởng khôn ngoan và đầy kinh nghiệm. Người ta nói, thời ngài, tu viện được hưng thịnh nhất, số đệ tử tăng gấp bội, ngài phải xây thêm hai, ba tu viện nữa.

Tuy thêm nhà dòng và số tu sĩ, ngài vẫn có thể để mắt trông coi săn sóc hết mọi nhà và gần gũi với từng người một bằng cách gửi thư, sai người đại diện hoặc chính ngài đích thân tới thăm.

Qua những bức thư ngài để lại, người ta có thể biết tỉ mỉ về đời sống của các vị ẩn tu thời đó.

Ngài khéo léo trong việc hướng dẫn và khích lệ các tu sĩ tiến mạnh trên đường trọn lành, điều mà ngài chú trọng hơn hết.

Hiểu rõ vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong công cuộc thánh hoá và tiến đức của mỗi người, hơn ai hết Phêrô Đamianô đã có một tâm tình sùng mộ Đức Mẹ cách riêng; đồng thời cổ võ lòng sùng mộ đó nơi các người chung quanh.

Chính ngài đã làm sống lại thói quen đọc kinh kính Đức Mẹ sau mỗi lần hát kinh nhật khoá. Người ta còn nói chính ngài đã sáng tác ra bản kinh khuôn mẫu cho những kinh nhật khoá hiện hành.

Lòng nhiệt thành đạo đức của vị tu viện trưởng không chỉ giới hạn trong bốn bức tường ngăn của chốn tu trì, nhưng còn như ngọn lửa hằng tỏa ánh sáng và sức nóng ra chung quanh. Ngài đã giao dịch với các tu sĩ trong vùng để họ bàn hỏi cũng như được ngài ban lời dẫn dụ khôn ngoan.

Khi giao tiếp, lời ngài nói hoặc rất ngọt ngào, mềm dẻo làm cho người nghe thêm hăng hái phấn chấn để dấn bước trên đường tu đức, hoặc như nhát búa đập vào đầu những người ngoan cố; ngài không ngại nói nặng lời để cảnh cáo những tu sĩ chỉ mải mê thu tích tiền của, vui đời và cư xử không khác gì một người trần tục. Khi gặp dịp, ngài cũng không quên lựa lời yên ủi, khích lệ. Lần kia, một tu sĩ phàn nàn với ngài rằng trước khi vào tu viện chẳng được học hành gì cả. Ngài trả lời an ủi: "Giỏi thường là căn cớ sinh ra nhiều sự xấu, quá ước ao nên giỏi giang thông thái có thể là một mối nguy cho tâm hồn".

Nếu đã chăm lo cho đời sống các tu sĩ như thế, thì ngài cũng không quên săn sóc đến số phận các nữ tu. Ngài hằng giúp họ những ý kiến khôn ngoan hầu giúp các chị biết chịu đựng cách anh hùng những gian lao thử thách của cuộc đời để có thể vươn tới đỉnh trọn lành.

Là một người đầy tâm huyết hằng lo cho sự rỗi của mọi người như vậy, Phêrô Đamianô không khỏi đau lòng khi sống trong hoàn cảnh bi đát và xa hoa của Giáo hội đương thời. Chính ngài đã thú nhận sự thật đau lòng đó bằng mấy giòng chua xót sau đây trong cuốn Liber Gomorrhianus: "Các tu sĩ như chán chường không còn muốn tuân giữ kỷ luật và đường trọn lành; các giáo sĩ triều thì ăn ở không khác gì một người đời, có người thì ẩu đả, bóc lột của nhau ".

Hai vết thương đã đục khoét và làm bạc nhược sức sống của Giáo hội hơn cả là: "Tội buôn bán đồ thánh và đời phóng đãng của hàng giáo sĩ. Tội xấu xa đó còn len lỏi ngay tới cả ngai toà thánh Phêrô do con người phóng túng của Biển đức X ".

Chúng ta có thể tưởng tượng Giáo hội thời kỳ ấy lâm vào một tình trạng rối ren, suy đồi đến mực nào!

Trong khoảng từ năm 1045- 1049, nghĩa là chưa đầy năm năm mà ngôi thánh Phêrô đã có tới sáu lần thay ngôi đổi chủ.

Ấy là chưa kể đến những chuyện giáo chủ giả danh, những tội "buôn thánh bán thần", những thói ăn chơi đàng điếm của hàng giáo sĩ và giáo dân… Hoàn cảnh đồi bại đó còn là nguyên cớ thúc đẩy bao người ly khai với Giáo hội để lập thành những bè đảng và giáo phái. Nhắc lại trang sử đen tối đó chính là thức tỉnh mối đau lòng của những tâm hồn đạo đức và có tâm huyết như Đamianô, nhưng đồng thời cũng khơi thêm ngọn lửa mến yêu và tin tưởng của chúng ta đối với Giáo hội, vì biết rằng "nếu Giáo hội chỉ là một tổ chức hoàn toàn nhân loại khác, thì chính những đớn hèn và đồi bại của hàng giáo sĩ đã giết chết Giáo hội từ lâu không để Giáo hội tồn tại đến ngày nay ". Nhưng sở dĩ trải qua bao cuộc thăng trầm cũng như qua bao cơn bách hại mà Giáo hội còn sống và trẻ trung là vì Giáo hội còn có Chúa ở với để nâng đỡ phù trì; vì Giáo hội còn là một tổ chức của Chúa, như lời Chúa Giêsu đã phán trước khi về trời:

"Ta sẽ ở với các con cho đến tận cùng nhân thế ".

Trước tình cảnh đau thương đó, Phêrô Đaminanô biết rằng có đứng lên hô hào cải cách thì lời ngài cũng không hơn gì một tiếng nói trong sa mạc vang lên để rồi vụt tắt không một dư âm đáp lại, hoặc như một hòn sỏi ném xuống ao hồ.

Nhận định như thế, nên ngài chỉ còn biết âm thầm với Chúa trong những lời nguyện tha thiết và sống đời đạo đức để làm gương. Chứng cớ là vua Henricô đã nhiều lần khẩn khoản vị tu viện trưởng thánh thiện, mà nhà vua rất cảm phục những nhân đức của ngài, về ở với Đức Giáo Hoàng Clêmentê để làm cố vấn cho ngài. Nhưng một cách tích cực hơn, Đamianô còn ghi lại những "đồi bại" mà ngài đã chứng kiến trong cuốn sách nhan đề là Liber Gomorrhianus để làm bài học cho người hậu thế, đồng thời để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hàng giáo sĩ đương thời.

Lời thật mất lòng: cuốn sách vừa ra đời, người ta đã nhao nhao lên tiếng, tố cáo ngài với Đức Giáo Hoàng Lêô IX, và vu khống cho ngài nhiều tội khác. Tuy bị xử đối lạnh nhạt, nhưng ngài vẫn luôn luôn tỏ tình mến yêu và tôn kính Đấng thay mặt Chúa. Sau khi đã biên thư thanh minh với Đức Giáo Hoàng, ngài đã lui về sống cuộc đời "mai danh ẩn tiếng". Địa vị và tiếng ngài như bị lu mờ hẳn dưới triều Đức Victoriô II. Nhưng nhờ một bức thư gửi cho Đức Giáo Hoàng với những lời lẽ rắn rỏi và thẳng thắn mà hai bên đã đi đến chỗ hiểu nhau! Cũng vào năm đó, ngài lâm bệnh nặng tưởng rằng thập tử nhất sinh, nhưng ngài đã qua cơn bệnh, một cách lạ lùng. Phải chăng ý Chúa nhiệm mầu đã muốn ngài được khỏi bệnh để ngài còn phải đảm đương những công việc quan trọng trong Giáo Hội…

Cuộc đời hoạt động của ngài lại bắt đầu mở màn từ đây. Đức Têphanô IX kế vị Đức Víctôriô II đã phong cho ngài làm Hồng Y Giám mục thành Ostia, nhưng chẳng được bao lâu Đấng đại diện Chúa lại băng hà và Giáo hội còn trải qua một cơn rối ren.

Bá tước Tusculum và một nhóm người quý tộc đã không đếm xỉa tới lời di chúc của Đức Têphanô IX vừa qua đời, họ hội nhau ban đêm và bầu Giám mục Venlêtri lên ngôi Giáo Hoàng, hiệu là Biển đức X. Phêrô Đamianô và các Hồng Y đều kịch liệt phản đối cuộc bầu cử bất hợp pháp ấy. Nhưng các ngài không sao lọt được vào Rôma để thi hành ý định. Để chống đối một cách tiêu cực, một số người lánh mình trong tu viện Cassinô, một số khác đến Florencia phục tang Đức cố Giáo hoàng Têphanộ Đamianô trở về Phông Aven mang theo một tâm tưởng đau buồn và lo lắng cho tương lai của Giáo hội.

Không bao lâu sau, cuộc bầu cử Giáo hoàng chính thức lại được tổ chức và ai nấy đều hy vọng đức tân Giáo Hoàng Nicôla II sẽ đem lại cho Giáo hội những ngày mai tươi sáng…

Nhận thấy chỉ Đamianô mới có thể đảm đương công việc trọng đại, đức tân Giáo Hoàng đã đặt ngài làm sứ thần Tòa thánh tại Milanô. Một vinh dự to lớn, nhưng cũng là một gánh nặng cho Đamianô vì nơi đây còn tập trung nhiều tay "anh chị" phản Giáo hội. Nhưng với những kinh nghiệm khôn ngoan sẵn có, chỉ trong một thời gian ngắn, ngài đã thu phục được nhân tâm: những người bội giáo lần lượt trở về quy phục Giáo hội: với phương sách khi cương khi nhu Đamianô đã thay đổi hẳn bộ mặt của kinh thành Milanô: xưa bội giáo, nay quy phục; xưa là bầy chiên ghẻ, nay trở nên đám chiên hiền.

Tuy được địa vị cao sang và lòng dân ái mộ, nhưng Đaminanô vẫn thèm khát lý tưởng một cuộc đời ẩn tu. Ngài liền đệ đơn xin từ chức sứ thần và luôn thể chức Giám mục Hồng Y Ostia. Đức Nicôla II không chấp thuận lời ngài xin. Phải chăng thánh ý Chúa còn muốn dùng cánh tay ngài để ngăn cản thù địch Giáo hội trong cơn khủng hoảng sắp tới. Cơn khủng hoảng đó gây ra do chính cái chết bất ngờ của Đức Nicôla II.

Trong khi hàng giáo phẩm, các Đức Hồng Y tuyển bầu Anselmô Bôdiô Giám mục thành Lúc (Lucque) lên ngôi Giáo hoàng với tước hiệu là Alêxandr II, thì bọn bội giáo lại nịnh hót hoàng hậu Anê và nhóm hội đồng bầu giám mục Parnô.

Đamianô lấy quyền cha linh hướng biên thư khiển trách và đe loi hoàng hậu. Bà hối hận và nhận thấy mình là nạn nhân của bọn lừa dối phỉnh nịnh. Bà tới Rôma ẩn mình trong tu viện thánh nữ Pêtrôni để sống cuộc đời sám hối và chết thánh thiện ở đó. Nhờ Phêrô Đamianô mà một người đã nên thánh và Giáo hội đã qua cơn khủng hoảng để trở lại những ngày an bình trật tự.

Một lần nữa, Đamianô lại muốn trở về với cuộc đời yên lặng trong tu viện mà ngài hằng kháo khát. Đức cố Giáo hoàng Nicôla II trước đã phủ nhận lời Đamianô xin từ chức, thì nay Đức Alêxandr II lại rất vui lòng chiều theo ý ngài; nhưng Đức hồng Y Hiđêrangđê không ưng ý và đe phạt 100 năm đền tội nếu Đamianô từ chức.

Chí đã quyết, và lòng chỉ ước muốn được yên tĩnh hướng về Chúa, Đamianô vui lòng chịu phạt. Trở về tu viện Phông Aven, ngài giãi bày tâm sự qua những bức thư gửi Đức Thánh Cha, gửi Hồng Y Hiđêrangđê và nữ tu Atsur để thanh minh sự từ chức của mình. Qua những bức thư đó, người ta nhận thấy tâm hồn của một người đầy lòng hy sinh, khiêm tốn và không màng chi danh vọng.

Lui về Fông Aven, Đamianô sống những ngày còn lại rất khắc khổ. Ngài giam mình suốt ngày trong căn phòng nhỏ hẹp, với kỷ luật khắt khe, làm bạn cùng roi da và xích sắt. Dầu vậy, tâm hồn ngài lúc nào cũng hân hoan ca hát Thánh vịnh hoặc trầm ngâm suy niệm lời Sách thánh.

Sử liệu còn ghi: thánh nhân mến đức khiêm nhường lắm. Ngài đã đựng bánh ăn của mình trong chậu rửa chân, ngủ trên manh chiếu cói trải trần trên đất. Rồi trong giờ kinh chung, sau khi khuyên nhủ anh em tu sĩ, ngài công khai thú lỗi và lấy roi đánh mình.

Tuy vậy thánh nhân vẫn chưa được hoàn toàn thảnh thơi. Vì cảm phục đức khôn ngoan của ngài, Đức Alêxanđria II luôn viết thư hỏi ý kiến ngài trong việc cai trị Hội thánh. Nhờ những thư đó, ngài càng thấu rõ hoàn cảnh bi đát của Giáo hội. Mối đau buồn lại một lần nữa dâng lên trong tâm hồn người đạo đức ấy.

Vào năm 1066, nhận lời mời của Điđiê (Didier) người bạn tâm phúc, Đamianô tới tu viện Cassinô và qua nghỉ ở đó 20 ngày. Cũng vào năm đó, nhân có chuyện xích mích giữa Giám mục và tu sĩ miền Florencia, Đức Alêxandr II lại cử ngài đến để lo việc hòa giải. Ngài không sợ dùng lời thẳng thắn khiển tu sĩ và giáo dân Florencia đã dám vượt quyền xét sử của Toà thánh. Dân chúng bất mãn, họ hò nhau tới trách mắng và vu khống cho ngài nhiều tội kể cả tội buôn bán đồ thánh. Nhưng ai có thể tin lời vu cáo đó là thực, một khi nhận ra rằng thánh nhân đã hao mòn sức lực cũng chỉ vì suốt đời đã chiến đấu, bài trừ thói xấu đó. Hùng hồn hơn: Chúa làm để minh chứng tâm hồn công chính của thánh nhân: phép lạ thánh Giám mục Đamianô đi trên than lửa hồng đỏ rực mà không bị nao. Toàn dân đã hối lỗi và trở về quy phục Giáo hội.

Một lần nữa, Hồng Y giám mục Đamianô phải rời bỏ chốn tịch liêu để sang Đức xử việc Hoàng đế Henricô ly dị với hoàng hậu. Tới nơi, ngài liền triệu tập hội đồng và thẳng thắn tuyên bố: ly dị là một hành động khiếm nhã và phạm pháp không xứng với một giáo hữu thường, còn nói chi đến một bậc quân vương…

Nơi đây một lần nữa Đamianô đã làm cho nền luân lý công giáo được chiến thắng vẻ vang. Công việc xong xuôi, ngài trở về sống những ngày bình an và sốt sắng.

Tới năm 1071, Đức Giám mục Ravenna từ trần. Toàn dân buồn sầu vì mất chúa chiên. Nhưng niềm hân hoan lại chóng nở trên khuôn mặt mọi người khi họ nghe tin đấng kế vị là người đồng hương với họ: đó là Phêrô Đamianô.

Tuy đầu bạc răng long, Đamianô cũng vẫn hăng hái chu toàn nhiệm vụ chúa chiên. Một ngày kia, trên đường về Rôma để tường trình công việc, ngài đã phải dừng bước tại tu viện Phangia vì một cơn sốt rét phũ phàng. Người ta đưa ngài sang tu viện Nữ Vương các thiên thần để điều trị. Nhưng tại đây Đức Mẹ đã muốn đưa linh hồn ngài về trời, để ở đó ngài làm ích cho Giáo hội bằng lời bầu cử. Ngài qua đời êm ái giữa tiếng hát kinh ngợi khen sốt sắng của đoàn tu sĩ vây quanh giường. Hôm đó nhằm ngày 22-02 năm 1072.

Tin thánh nhân từ trần truyền đi nhanh chóng khắp vùng. Người ta nô nức đến kính viếng xác ngài và coi như một người thánh. Xác thánh nhân được chôn cất trong thánh đường. Trên mộ có ghi những lời ngài đã xin khi còn sống: "Nay bạn sống thì xưa tôi cũng đã sống, giờ đây tôi thành người thiên cổ thì mai ngày cũng sẽ đến lượt bạn; bạn hãy cầu cho tôi, hãy thương đến nắm tro tàn của Phêrô này; hãy cầu nguyện, khóc than và kêu xin: lạy Chúa xin tha thứ cho người tôi tớ Chúa ".

Qua nhiều lần cải táng, lần cuối cùng vào ngày 26-09-1898, hài cốt thánh nhân được để tại đại thánh đường mang danh thánh nhân.

Nơi đây đã xẩy ra nhiều phép lạ chứng tỏ uy quyền và lời bầu cử mạnh thế của thánh nhân. Dân thành Phangia ghi ơn ngài và nhận ngài làm đấng bảo trợ, vì họ thú nhận nhờ ngài mà họ đã thoát qua nhiều cơn tán phá và tai nan.

Nhận thấy sự nghiệp cũng như huân công vĩ đại của thánh nhân, Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh và mừng lễ kính ngài vào ngày 21-02 hằng năm.

839    21-02-2019