Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Thánh Đêicôla.

THÁNH ĐÊICÔLA SÁNG LẬP TU VIỆN LURA
(+ 625)

Vào cuối thế kỷ VI, tu sĩ Côlôniabanô, người Ái Nhĩ Lan được bề trên cho phép rời bỏ quê hương, tiến vào lục địa để mở một chiến dịnh truyền giáo. Cùng nung nấu một lòng nhiệt thành tìm vinh quang Thiên Chúa như Côlôniabanô, nhiều tu sĩ khác cũng tình nguyện lên đường theo Côlôniabanộ Đêicôla là một trong số những chí nguyện quân Phúc âm đó.

Tuy cao niên hơn anh em đồng đội, nhưng đức hy sinh và chí nhiệt thành của Đêicôla không hề chịu thua kém. Vẻ mặt của ngài lúc nào cũng bình thản biểu hiệu một tâm hồn an bình thánh thiện. Có một ngày chính Côlôniabanô đã đánh bạo hỏi cho biết tại đâu Đêicôla lúc nào cũng giữ được nét mặt vui tươi trong sáng chứng tỏ tâm hồn ngài không bao giờ bị xao xuyến rối loạn. Đêicôla trả lời cho hay vì không gì có thể cướp mất Chúa khỏi lòng mình được.

Sau nhiều ngày lênh đênh vượt biển, đoàn chiến sĩ Phúc âm đã cập bến và tới cư ngụ ở một miền quê Pháp hẻo lánh, gần dẫy núi Vônsơn (Vonsges). Lối sống hiền hoà và lòng đạo đức của anh em đã dần dần cảm hoá được dân chúng miền đó. Không bao lâu, số người xin nhập dòng mỗi lúc một đông đến nỗi Côlôniabanô lại cùng với Đêicôla và một số thầy khác phải di chuyển tới Luyxơi (Luxeuil) để lập một cộng đồng khác. Từ một cánh rừng hoang vu Luyxơi nay đã biến thành một tu viện danh tiếng nhờ ảnh hưởng của Đêicôla. Mỗi ngày tu viện đã mở rộng cửa để đón những khách thập phương tới hoà mình trong bầu khí trầm lặng và thánh thiện của các tu sĩ. Có những người, lúc đến với cõi lòng nặng trĩu ưu tư vì đời sống quá khứ tội lỗi, nhưng sau đã ra về với tâm hồn thanh thản. Thực ra đối với những người lương thiện, thì chốn tu trì đó là một môi trường thuận tiện cho việc thánh hoá bản thân. Những gương hy sinh đạo đức và cuộc sống trầm lặng của các tu sĩ đối với họ chính là những bài học tu đức hiệu lực. Nhưng đối với những kẻ ham mê tội lỗi, thì sự thánh thiện và những gương sáng đạo đức kia chỉ là một cái gai chướng mắt mà họ sẽ tìm cách khử trừ đi. Có lẽ cũng vì lý do đó mà hoàng hậu Brunêhan (Brunehant) đã xin vua ra lệnh giải tán tu viện Luyxơi, để bà được dễ bề phóng túng. Vì thế một ngày kia, người ta thấy có một võ quan cưỡi ngựa mang lệnh của nhà vua đến giải tán tu viện.

Như chim lìa đàn, các tu sĩ mỗi người một ngả, kẻ về quê, người theo tu viện trưởng đi nơi khác. Cuộc chia ly thật là buồn thảm. Anh Đêicôla bấy giờ tuy già nua ốm yếu, nhưng ý nhất quyết theo chân tu viện trưởng Côlôniabanô vì lòng lưu luyến. Nhưng vì tuổi già sức yếu, ngài chỉ đi được vài dặm rồi mệt lả không sao đi tiếp được nữạ ngài đành quỳ dưới chân Côlôniabanô để xin phép lành từ biệt và hứa sẽ không trở lại Luyxơi bao giờ. Còn lại một mình với nỗi sầu ly biệt, Đêicôla vừa lang thang qua rừng hoang để tìm chỗ tạm trú. Vừa đói, nhọc, nhất là khát nước quá mà không tìm đâu ra lấy một giọt. Với lòng tin tưởng mãnh liệt Chúa sẽ phù trợ, Đêicôla quỳ gối nguyện cầu.

Rồi như được ơn soi sáng, ngài cầm gậy thọc xuống đất, tức thì một mạch suối trong vọt ra, suối đó ngày nay vẫn còn chẩy và người ta gọi tên là suối thánh Đêicôla.

Sau khi đã giải khát, ông lão lại tiếp tục cuộc hành trình qua hoang địa. Đi mãi đến một nơi kia mới gặp một người chăn lợn. Thấy một ông già gầy còm, có lối trang phục kỳ dị, anh chàng hoảng sợ toan cắm đầu chạy trốn. Nhưng Đêicôla đã lên tiếng ngay để anh chàng yên dạ:

"Tôi chỉ là một lữ khách, một tu sĩ đây mà, có chi mà sợ. Anh có thể làm ơn chỉ cho tôi một nơi nào ở được không?"- Người chăn lợn trả lời:

"Thưa cụ, tôi cũng không được rõ tại đây nơi nào có thể ở được. Nhưng cụ cứ đi nữa tới Luthra, nơi đó tuy hơi lầy, nhưng có thể định cư được vì còn có nước uống".

"Anh có thể làm phúc đưa lão đến đó được không?"

"Chết! Tôi đi sao được, vì còn vướng đàn lợn, ai trông cho mà đi ?"

"Được anh cứ yên trí, tôi sẽ cắm chiếc gậy này ở đây và đàn vật của anh sẽ chỉ ăn quanh quẩn ở đây, không đi đâu xa mà sợ. Anh đừng lo, cứ dẫn tôi tới đó". Sau một giờ hành trình, người đó trở lại và thấy y như lời ông lão nóị  Đoàn vật con nào con nấy ăn no rồi quây quần quanh chiếc gậy.

Đêicôla tới một địa điểm mà ngày nay là thành phố Lura (Lure), và dựng lều ở đó. May mắn hơn nữa là gần đấy lại có một ngôi nhà nguyện nhỏ kính thánh Martinô. Ngày ngày Đêicôla đến đó cầu nguyện lâu giờ. Cả ban đêm, dầu xa xôi và tối tăm ngài cũng lần bước tìm đến để tâm sự với Chúa, lòng đạo đức thánh thiện của ngài không bao lâu sau đã được nhiều người ngưỡng mộ. Bà quả phụ của lãnh chúa Vêpharê rất mộ mến và kính phục đức khiêm tốn và khó khăn của ngài. Bà đã nhường quyền sở hữu cho ngài tất cả khu đất chung quanh nhà nguyện, và cung cấp cho thánh nhân nhiều nguồn lợi khác để ngài thiết lập một tu viện. Người ta kể chính thánh nhân đã tìm địa điểm và ngắm phương hướng để đặt nền móng cho tu viện. Và khi đã tìm được vị trí thích hợp, là chính chỗ hiện nay đang để hài cốt của ngài, thánh nhân đã sung sướng kêu lên lời Thánh vịnh: "Đây là nơi tôi an nghỉ đời đời, tôi sẽ ở đây mãi vì tôi ưng ý ."

Ngài cũng xây hai nhà nguyện dâng kính thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Tu viện vừa xây xong đã có nhiều người tìm đến mong nương dưới bóng nhân đức của ngài. Chẳng bao lâu, Đêicôla đã trở nên người cha của một cộng đồng đông đúc giầu lòng hy sinh và quảng đại. Nhịp sống thánh thiện và trầm lặng nơi đây như khép kín trước mọi biến chuyển thăng trầm của thế sự và lòng người đảo điên.

Nhưng bỗng một ngày tiếng chó sủa inh ỏi và với tiếng nhạc ngựa vang rền mỗi lúc một gần phá vỡ bầu không khí yên hàn của tu viện. Thì ra đó là cuộc săn thú rừng do vua Clôtariô II tổ chức. Một con lợn rừng bị đuổi riết. Cùng đường, con vật liền chạy xộc vào ẩn trong buồng riêng của tu viện trưởng Đêicôla. Ngài hiền từ vuốt ve con vật dữ tợn. Các người đi săn vẫn theo hút con thú. Tới nơi họ kinh ngạc thấy con vật dữ tợn đang ngoan ngoãn nép mình dưới chân ông lão. Họ đem câu chuyện lạ lùng kể cho vua nghe. Nhà vua chỉ còn biết kính phục ngài như một vị thánh sống. Sau đó vua tới gặp Đêicôla. Cuộc hội kiến tuy vắn vỏi, nhưng đã thắt chặt thêm mối thân tình. Cử chỉ phong nhã, từ tốn và đức độ của Đêicôla càng làm cho nhà vua thêm kính phục và mộ mến ngài hơn. Nhất nữa, khi vua lại được biết nhà tu hành tuổi tác đó cũng là môn đệ của Côlônianbanô, vua càng tỏ lòng ưu ái đối với Đêicôla. Vua hứa sẽ cung cấp lương thực và nâng đỡ nhà dòng về mọi mặt. Nhưng kinh nghiệm về thế sự thăng trầm và lòng người đổi thay đã khiến con người khôn ngoan đó không quá ỷ lại vào sự giúp đỡ của người trần, nhưng chỉ một lòng tin tưởng vào Chúa Quan phòng; và ngài đã muốn tu viện của mình trực thuộc một mình Toà Thánh mà thôi. Vì thế dù già nua ngài cũng đã lên đường đi Rôma triều yết Đức Giáo Hoàng để xin Ngài chuẩn phê luật dòng.

Tương lai của nhà dòng thế là đã được bảo đảm, và mái tóc bạc phơ của ngài đã báo trước những ngày tàn tạ. Đêicôla đặt Côlôniambanô là môn đệ và cũng là cháu làm tu viện trưởng để thay ngài trông coi tu viện trong những ngày già yếu và khi ngài đã khuất.

Ngày 18-1 năm 625 như linh cảm thấy ngày giờ mệnh chung của mình đã gần đến, ngài cho gọi các tu sĩ lại bên giường ban lời huấn dụ và phép lành sau hết. Rồi sau khi đã chịu của ăn đàng do chính tay Côlôniabanô cháu ngài, thánh nhân từ từ nhắm mắt trút linh hồn giữa lúc tiếng hát kinh của các thầy vừa dứt.

Xác ngài được an táng trong nhà nguyện gần buồng của ngài nằm. Trải qua bao thời kỳ tao loạn và phá phách, mộ ngài vẫn còn đó để chứng kiến lòng tôn sùng của giáo dân.

938    18-01-2020