Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Thánh Êuphrôniô

THÁNH SIMPHÔRIANÔ TỬ ĐẠO

Gia đình Simphôrianô được liệt vào bậc vị vọng nhất trong thành phố Autun, vì có những bậc tổ tiên anh hùng, lại giầu sang và quyền thế. Nhưng điều mà gia đình ấy lấy làm vinh dự và hạnh phúc hơn cả chính là đã được nhận biết và tin theo chân lý. Vào thế kỷ II, hai linh mục thừa sai Bêninha và Anđôkia tới giảng đạo tại Autun đã được gia đình này tiếp đãi nồng hậu. Hai nhà truyền giáo đã rửa tội cho con cái họ và những người bà con bạn hữu của gia đình ân nhân này.

Trong khung cảnh gia đình tốt phúc ấy, Simphôrianô lớn lên với nhiều đức tính tốt. Trí óc của cậu mỗi ngày thêm mở mang, lịch lãm vì học vấn, còn tâm hồn cậu được rèn đúc kỹ càng bởi giáo lý tinh tuyền của Phúc âm. Vì thế, dù giữa tuổi hoa niên mà Simphôrianô đã tỏ ra khôn ngoan chín chắn trước tuổi, khiến các bậc lão thành cũng nhiều phen kính nể. Lúc này cậu thực là bông hoa tô điểm cho Autun, nhưng mai ngày cậu sẽ là đấng bảo trợ của thành phố đó. Giữa bao quyến rũ và nguy hiểm của tuổi thanh niên, Simphôrianô vẫn giữ được tâm hồn trong trắng. Những gương xấu và tội lỗi của một thế giới ngoại giáo vây quanh không làm nhơ bẩn được tâm hồn thanh sạch của người thanh niên ấy. Được như vậy cùng là nhờ ở kết quả của một nền giáo dục công giáo mà Simphôrianô đã lĩnh nhận nơi bà hiền mẫu Augusta.

Người mẹ hiền đó mỗi ngày đều dạy con đọc một vài trang Sách Thánh và bắt con chú ý đến những đoạn có thể giúp ích cho việc đào tạo trí tuệ và tâm hồn của con. Bà vui mừng thấy con ngày một tiến tới trong tình yêu Chúa, và vững mạnh đủ để lướt thắng những thử thách và quyến rũ chờ đợi con mai ngày. Phải chăng bà đã tiên cảm thấy môi trường con bà sống là một môi trường nguy hiểm?

Thực vậy, Autun tuy là thành phố có một giòng lịch sử vẻ vang và cố cựu, nhưng lại là nơi ngự trị của quỷ thần. Vì nơi đây dân chúng sống theo mê tín, dị đoan và rất sùng bái thần Cybel, Apôllô và Điana.

Vậy tới ngày lễ mừng thần Cybel, dân chúng sau khi đã ăn uống say sưa và chơi bời thoả thích, họ đổ xô tới khấn vái và sụp lạy trước tượng thần được mệnh danh là mẹ các thần. Sau đó tượng nữ thần được kiệu qua các phố, và bất cứ ai đi qua đều phải cúi mình thờ lạy thần tượng.

Tuy nhiên, có một chàng thanh niên tuổi chừng đôi mươi gặp đám rước đó, chàng rất tức bực và nhất định không chịu bái kính. Chàng thanh niên đó chính là Simphôrianô. Dân chúng thấy vậy liền la hét om sòm:

- Hãy tôn thờ thần Cybel đi !

- Tôi tôn thờ Thiên Chúa hằng sống chứ không thờ một tượng gỗ câm. Một vài người nói:

- Nó có đạo !

Rồi người ta bắt và giải nộp Simphôrianô cho Hêracliô, một pháp quan Rôma biệt phái với nhiệm vụ thanh trừng các người công giáo. Lòng đầy tin tưởng vào Đấng đã hứa trợ giúp ai tuyên xưng danh Người trước mặt các vua quan, Simphôrianô hiên ngang và vui vẻ đi đến pháp đình.

Người giáo hữu trẻ tuổi đó được dẫn đến trước mặt Hêracliô, ông này lên giọng hách dịch hỏi Simphôrianô:

- Anh kia, tên gì, con nhà nào ?

- Tôi tên là Simphôrianô, tôi là người công giáo.

- Có đạo à ? Ngươi làm thế nào mà có thể trốn thoát cho đến bây giờ ? Vì lâu nay ta có thấy ai xưng đạo nữa đâu. Nhưng thôi, hãy cứ trả lời cho ta hay, tại sao anh lại không tôn thờ tượng mẫu thần ?

- Thưa ông, tôi đã nói là tôi theo đạo công giáo. Tôi chỉ thờ lạy một vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng ngự trị trên trời cao thẳm, chứ không bao giờ chịu cúi mình trước một hư tượng của quỷ thần. Trái lại, tôi chỉ muốn cho tượng đó một nhát búa để đập nó vỡ ra tan tành.

Nghe lời nói cương quyết và ngạo mạn như thế, quan án quay ra nói với viên võ quan ngồi cạnh ông:

- Thằng này không những đã xúc phạm đến thần minh, mà còn tỏ ra lếu láo và bất trị nữa. Nó có ở thành phố này không?

- Vâng, hắn là người ở đây, và gia đình hắn vào bậc vị vọng và thế giá nhất trong thành.

Sau đó, Hêracliô lại quay ra nói với Simphôrianô:

- Ừ, anh lấy đó làm vinh dự lắm phải không ? Nhưng anh không biết sắc lệnh của Hoàng đế sao ? Hãy đọc cho nó nghe.

Bấy giờ một viên lục sự đọc sắc lệnh của Hoàng đế. Vừa đọc xong, quan án lại quay ra nói với thánh tử đạo:

- Anh nghĩ sao ? Tôi chỉ có thể khép anh về hai tội: bất kính các thần minh và bất tuân pháp luật. Vậy nếu anh không nghĩ lại, tôi không thể nào tha chết cho anh được, nhưng sẽ trị tội anh để làm gương cho người khác.

Trước lời đe dọa đó, thánh tử đạo không hề nao núng, nhưng được ơn trên nâng đỡ, ngài lớn tiếng tuyên xưng đức công chính và lòng từ bi nhân lành của Chúa.

Thấy những cố gắng của mình vô hiệu, đối lại người chiến sĩ của Chúa Kitô vẫn một niềm cương quyết giữ vững lập trường, nên Hêracliô truyền đánh roi ngài như đánh một tên nô lệ. Đánh xong, ông truyền giam Simphôrianô vào ngục thất, hy vọng rằng những ngược đãi và cực nhọc của lao tù sẽ làm cho ngài sờn lòng thối chí chăng. Sự thực lại xảy ra khác hẳn điều ông đã nghĩ, vì Chúa hằng nâng đỡ con cái Người.

Hết hạn giam tù, Hêracliô lại truyền điệu tù nhân đến. Lúc này thân xác của thánh tử đạo suy nhược và gầy còm vì bị đánh đòn và giam tù, khiến ai trông thấy ngài cũng phải mủi lòng! Trong khi đó thì tinh thần ngài lại rất vững mạnh và sáng suốt đủ để khinh chê những lời dụ dỗ và hứa hẹn của vị pháp quan Rôma.

Vừa thấy Simphôrianô, Hêracliô làm bộ xót thương, một tình thương còn ngàn lần nguy hiểm hơn những lời đe dọa. Ông nói:

- Này Simphôrianô, hãy nghĩ xem, anh sẽ phải thiệt thòi biết bao nếu anh không tôn thờ các thần minh bất tử ? Anh hãy vâng lời đi và ta hứa cho anh một chức vụ và địa vị quan trọng trong hàng ngũ quân đội của nhà vua. Lại nữa, anh sẽ được trọng thưởng cân xứng với chức vụ của anh. Anh hãy nghĩ đến những nguy hiểm phải chịu, nếu như hôm nay anh không chịu uốn gối trước tượng mẫu thần và các thần minh cao cả của chúng ta.

Simphôrianô đáp lại:

- Quan lớn không nên mất giờ để nói những lời phù phiếm huyền hoặc như thế. Nếu mỗi ngày không cố gắng để tập lấy một đức tính tốt mới mà lại tập một điều nguy hại, thì người ta càng phải kinh hãi biết bao, nếu mỗi ngày cứ lạc xa đường công chính để vô tình sống buông theo nết hư thói xấu!

Vị pháp quan Rôma vẫn cố gắng gặng Simphôrianô nói một lời chối đạo! Một lần nữa, ông lại nhắc đến những lời hứa hẹn phỉnh phờ, và hào hứng kể lại những danh vọng đang chờ đón thánh tử đạo ở triều đình.

Trước những lời tâng bốc, phỉnh phờ đó, Simphôrianô chỉ dửng dưng đáp lại:

- Quan toà dùng quyền thế mình mà dương bẫy cho kẻ vô tội, tức là tỏ ra thiếu liêm khiết. Những của cải và danh vọng mà chúng tôi trông đợi nơi Đức Giêsu Kitô, chúng tôi biết rằng thời gian sẽ không làm hư hỏng. Trái lại, những của cải mà ma quỷ hứa hẹn cho các ông, sẽ giam giữ các ông trong lưới dò của chúng, và làm cho các ông phải lo âu xao xuyến đêm ngày. Của cải của chúng tôi không thuộc về trần gian này và thù địch cũng không hề cướp mất được. Niềm hoan lạc của các ông ngắn ngủi và giống như một cục đá lạnh sớm biến tan khi vừa có một tia sáng mặt trời. Lạc thú của các ông cũng mau qua, chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng tôi một hạnh phúc vô tận.

Xấu hổ vì thất bại, Hêracliô hét lên giận dữ:

- Thôi đủ rồi, ta không đủ kiên nhẫn để nghe thêm những lời ba hoa của ngươi nữa. Hãy vâng lời ta mà tôn thờ mẹ của các thần minh, nếu không ta buộc lòng phải tuyên bố xử trảm ngươi.

Nghe lệnh đó, mặt thánh tử đạo liền sáng hẳn lên. Ngài khẳng khái đáp lại và một lần nữa tuyên xưng Danh Chúa:

- Tôi chỉ kính sợ một Thiên Chúa toàn năng và độc nhất, và tôi chỉ phụng sự một mình Người. Quan chỉ có quyền trên thân xác tôi, chứ không có quyền gì đối với linh hồn tôi.

Nhưng hồn chai đá của Hêracliô vẫn không hề lay chuyển. Bừng bừng sát khí và giận dữ, ông đọc lời tuyên án sau đây:

- Tên Simphôrianô phạm tội bất tuân thượng lệnh, vì đã từ chối thờ phượng chư thần, lại còn dùng lời ngạo mạn bất xứng xúc phạm đến bàn thờ; vậy ta tuyên bố kết án xử trảm nó để rửa hận cho các thần minh và bênh vực cho pháp luật.

Đó là án lệnh sẽ chấm dứt cuộc đời trần gian của chiến sĩ Chúa Kitô, nhưng lại mở ra cho ngài cánh cửa của thiên đàng lạc uyển.

Sau khi tuyên án, lý hình liền dẫn thánh nhân ra ngoài thành để nhận ngành vạn tuế mà Chúa Giêsu Kitô sẽ dành để cho những ai tuyên xưng Danh Người. Trên đường đi đến pháp trường, không ngờ Simphôrianô lại gặp bà thân mẫu Augusta, hai mẹ con gặp nhau, lúc ấy đã diễn ra một tấm tuồng vô cùng cảm động.

Chắc hẳn bà Augusta đã theo dõi cuộc tra khảo, và lòng người mẹ hiền đó đã bao phen se lại khi thấy người con yêu dấu của mình phải đánh đòn và giam trong ngục thất u ám. Dầu sao, tâm tình đạo đức của bà vẫn được để lên trên hết, bà đã tham dự vào cuộc chiến đấu của con, thì bà cũng được nhìn con thắng trận. Người mẹ can đảm đó đã trèo lên tường thành, gần cửa mà Simphôrianô sẽ phải đi qua để nói với con mấy lời vĩnh biệt. Người ta kể rằng: bấy giờ bà mẹ khả kính vì mái tóc bạc phơ cũng như vì nhân đức cao vời đó, đã tỏ ra xứng đáng với bà mẹ của các anh em Macabêô. Bà không khóc lóc làm mềm lòng con mình, nhưng từ trên tường thành cao, bà đã nhắn nhủ con những lời đầy can đảm và đượm tình mẫu tử:

- Simphôrianô! Con yêu dấu, con hãy nhớ đến Thiên Chúa hằng sống. Con hãy can đảm lên, đừng sợ cái chết dẫn đưa con tới sự sống. Con hãy nâng lòng lên, hãy nhìn Đấng ngự trị trên trời cao. Không, con sẽ không mất mạng sống đâu, nhưng con đã đổi nó để lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn. Lát nữa con sẽ qua khỏi đời này để tiến vào nơi vinh quang vô tận.

Được khích lệ, người giáo hữu trẻ tuổi đã hiên ngang và sung sướng giơ đầu cho lý hình chém.

Gần nơi thánh Simphôrianô chịu hành hình, có một giếng nước, tại đây, những giáo hữu đạo đức đã an táng thi hài con bà Augusta ở nơi đó, đợi ngày xây cho đấng thánh một đài kỷ niệm xứng đáng.

Vào quãng thế kỷ IV, thánh Sympliciô Giám mục Autun đã xây trên mộ thánh tử đạo Simphôrianô một nhà thờ mà chính ngài đã xức dầu cung hiến.

Tới đầu thế kỷ V, thánh Êuphrôniô lại dựng ở gần đó một nhà dòng và một đại giáo đường, trong đó có đặt hài cốt thánh Simphôrianộ Đến thế kỷ VII, thánh Lêgêrô còn xây trong chính ngôi đại giáo đường đó một ngôi mộ mới, rồi chuyển tất cả di hài của thánh tử đạo và của song thân ngài để ở đó.

Thánh Simphôrianô được đặt làm bổn mạng thành Autun, và lễ kính ngài luôn luôn được mừng cách rất trọng thể. Trong những thời kỳ rộng đạo, rất nhiều giáo hữu đã đến kính viếng nơi mộ ngài. Thánh Cassianô đã từ miền nam Ai cập cũng đến kính viếng; thánh Martinô cũng quỳ đây cầu nguyện khi ngài tới đó gieo rắc Lời Chúa và các phép lạ để mời gọi những anh em bên lương dân còn lại từ bỏ tà thần mà trở về với đạo thánh.

Hợp với lòng sùng kính của giáo hữu và các thánh trên trời, chúng ta cũng hãy dâng lời cầu xin và thầm nguyện noi gương anh dũng của ngài để sống xứng đáng cuộc đời của một giáo hữu liêm khiết và thánh thiện, và nếu cần phải đổ máu để minh chứng đức tin, tuyên xưng Danh Chúa, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng dâng hiến mạng sống.

457    13-11-2019