Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Thánh Giá - Mầu nhiệm của tình yêu

Thứ năm tuần XXIII TN  

 

Ga 3, 13-17

 

THÁNH GIÁ – MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU

 

Hôm nay Hội thánh cử hành lễ Suy tôn Thánh Giá. Nơi Thánh giá, Hội thánh gẫm suy và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua việc Chúa Con nhập thể. Trên thập giá, Người Con đã đi đến tận cùng thân phận con người trong sự vâng phục Thánh Ý Cha một cách toàn vẹn. Để bởi cái chết cứu độ và sự phục sinh vinh hiển của ngài, Người Con ấy, Đức Giêsu Kitô, đền tạ sự công bình của Thiên Chúa Cha và bày tỏ tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa Cha cho con người.  Trên Thánh giá, Đức Giêsu Kitô giang rộng đôi tay ôm lấy cả trần gian tội lụy này và đưa kiếp người hèn mọn của chúng ta vào trong cung lòng của Thiên Chúa Cha trong một đời sống mới.

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống muôn đời. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:13-17).

Đức Giêsu nhắc lại cho Nicôđêmô một biến cố đã xảy ra trong cuộc Xuất Hành, biến cố này Người biết rất rõ, vì là “vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”: con rắn đồng Môsê đã đúc và giương cao trong sa mạc (x. Ds 21,4-9), và Người bình luận tích đó rằng tích đó tượng trưng cho những gì sắp xảy ra cho Người. Con Người sắp được giương cao trên thập giá để tất cả những ai nhìn lên Người thì sẽ được cứu.

Thánh Giá vừa là sự đau khổ nhưng cũng là chiến tích của Thiên Chúa. Vì chính từ Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Thập giá đã chiến thắng thần chết, chiến thắng địa ngục. Nhưng nhìn ở một góc độ, thì thập giá quả là một nỗi kinh hoàng khiến chúng ta sợ hãi. Nỗi kinh hoàng mà chúng ta vẫn gặp đó đây trên hành trình cuộc đời: đau khổ, tội lỗi, sự ác, bất công, tàn bạo và tận cùng là cái chết. Tấm thân trần trụi của Đấng treo trên thập giá mãi mãi hằn sâu những dấu tích ấy.

Khi phạm tội, tổ tông loài người đã khước từ tình yêu Thiên Chúa, muốn loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, Ngài còn hứa ban ơn cứu độ. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh báo trước về việc Chúa Giêsu chết treo trên thánh giá. Ai nhìn lên con rắn thì được chữa lành. Ai tin vào Chúa Giêsu thì cũng chữa lành khỏi tội và tìm thấy sự sống như lời Kinh thánh quả quyết: “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Nhân loại muốn đạt được ơn cứu độ phải tin vào Đức Giêsu, Đấng chịu giương cao trên thánh giá.

Nicôđêmô đã không hiểu điều Đức Giêsu ám chỉ khi Người nói “ông cần được sinh lại bởi trên”, bây giờ lại càng ngỡ ngàng khi nghe nói đến việc “giương cao Con Người”. Ông ngạc nhiên và có lẽ cũng buồn nữa. Ông im lặng lắng nghe, chứ không biết hỏi thế nào nữa. Ông chưa được soi sáng bởi ánh sáng Phục Sinh, nên những gì ông đang được nghe lúc này là mầu nhiệm không sao dò thấu đối với ông. Ông chưa hiểu được rằng “Tin vào Đấng được giương cao” có nghĩa là đưa mắt nhìn lên “Đấng Chịu đóng đinh”, là Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá, và dựa vào Người mà đo lường mọi quyết định của ông, để cho Người hướng dẫn các quyết định của ông. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” chính là coi Người là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” như thế cũng có nghĩa là phải từ bỏ nhiều thứ, hy sinh nhiều chuyện. Tác giả TM IV nói rằng một  ngày nào đó người ta “sẽ nhìn lên Đấng họ đã dâm thâu” (Ga 19,37). Vào ngày đó, Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập trên trần gian.

Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ, biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.

Cuộc sống hằng ngày của con người vốn bị chi phối bởi tội lỗi, bởi bóng tối của sự dữ. Mong sao mỗi người biết chiêm ngưỡng thánh giá Chúa với tất cả niềm tin và biết can đảm vác thập giá mình mỗi ngày. Trung thành theo Chúa trên con đường thập giá, chúng ta sẽ được chung phần vinh hiển với Ngài vì chính Ngài đã hứa: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”( Ga 12,32).

Không nỗi buồn nào tê tái hơn nỗi buồn bị người mình yêu phản bội; và càng đau xót hơn khi người ấy cố tình đẩy mình vào một cái chết đau thương, nhục nhã. Vâng, thế mà Thầy Giêsu đã tự nguyện chấp nhận để người mình yêu phản bội và đưa mình lên cây thập giá. Và đàng sau “nỗi buồn Giêsu” là “sự điên rồ, liều lĩnh” của một vị Thiên Chúa đã dám hy sinh Người Con Một của Ngài để chết thay cho loài tạo vật mà Ngài đã tạo dựng nên nhưng đã phản loạn chống lại Ngài. Chỉ có một lời giải đáp thoả đáng cho sự phi lý cùng cực đó của thập giá Chúa Kitô, đó là tình yêu của Thiên Chúa quá lớn “đến nỗi đã ban Con Một” để nhờ Người Con đó chịu chết, chúng ta khỏi phải chết; và nhờ Ngài phục sinh, chúng ta được sống mãi với Ngài

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.

 

 

853    13-09-2017