Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Theo “Thứ tự ưu tiên các lễ trong Phụng Vụ” được trao cho chúng con, Phụng vụ nói rõ rằng chúng ta có thể cử hành Thánh Lễ An Táng vào các Chúa Nhật đặc biệt. Tuy nhiên, đối với Thánh lễ Hôn Phối, không có hướng dẫn cụ thể được đưa ra. Thưa cha, trong mùa thường niên, liệu một Thánh lễ Hôn Phối được cử hành vào ngày Chúa Nhật không? Nếu được, thì sử dụng Thánh lễ phụng vụ Chúa Nhật hay một Thánh lễ Hôn Phối nghi thức? Xin cha vui lòng cho con biết về màu áo lễ và chúc lành hôn phối, và liệu đôi hôn phối có thể được chúc lành trong một Thánh lễ Chúa Nhật không? - J. A., Villupuram, Tamil Nadu, Ấn Độ
.

Đáp: Đây là một lĩnh vực mà các giáo phận và trong một số trường hợp, Hội Đồng Giám Mục, có thể đưa ra các quy tắc cụ thể phù hợp với các mối quan tâm mục vụ địa phương. Do đó, những gì tôi nói ở đây đều quy chiếu đến các quy chế phổ quát, nhưng mọi thứ có thể thay đổi từ nơi này sang nơi khác.

Trước hết, có một sự phân biệt theo bậc lễ. Người ta phải xem khi nào Thánh lễ Hôn Phối có thể được cử hành, và thứ hai phải xem khi nào có thể sử dụng Thánh lễ Hôn Phối nghi thức. Những điều này không trùng khớp với nhau.

Các quy chế tổng quát được tìm thấy trong Nghi thức Hôn Phối. Sau đây là một đoạn trích từ một phiên bản được phê duyệt cho Hoa Kỳ vào năm 2014:

“28. Bởi vì Hôn nhân được hướng tới sự gia tăng và thánh hóa dân Chúa, nên lễ cử hành thể hiện một tính cách cộng đoàn, vốn khuyến khích sự tham gia của cộng đoàn giáo xứ, ít nhất là thông qua một số thành viên. Liên quan đến phong tục địa phương và như dịp lễ gợi ý, nhiều Hôn phối có thể được cử hành cùng một lúc, hoặc việc cử hành Bí tích có thể diễn ra trong cộng đoàn ngày Chúa Nhật.

“32. Nếu một Nghi thức Hôn Phối được cử hành vào một ngày có tính cách sám hối, đặc biệt là trong Mùa Chay, thì cha xứ phải khuyên vợ chồng quan tâm đến tính chất đặc biệt của ngày đó. Việc cử hành Thánh lễ Hôn Phối vào Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh là phải tránh hoàn toàn.

“Nghi thức được sử dụng

“33. Trong việc cử hành Hôn phối trong Thánh lễ, nghi thức được mô tả trong Chương I được sử dụng. Trong việc cử hành Hôn phối không có Thánh lễ, nghi thức nên diễn ra sau Phụng vụ Lời Chúa theo quy chế của Chương II.

“34. Khi Hôn phối được cử hành trong Thánh lễ, Thánh lễ Nghi thức “Cử hành hôn phối” được sử dụng với lễ phục màu trắng, hoặc màu của ngày lễ. Tuy nhiên vào các ngày được liệt kê trong các số 1-4 của ‘Bảng ghi ngày phụng vụ xếp theo thứ tự ưu tiên’, Thánh lễ trong ngày được sử dụng với các bài đọc riêng, với sự dưa thêm việc Chúc Lành Hôn Phối và, nếu thích hợp, thêm công thức riêng cho việc chúc lành cuối lễ.

“Tuy nhiên, nếu trong dịp Giáng sinh và mùa Thường Niên, cộng đoàn giáo xứ tham dự một Thánh lễ Chúa Nhật, mà trong đó cử hành Hôn phối, Thánh lễ Chúa Nhật được sử dụng. Tuy vậy, vì Phụng vụ Lời Chúa được điều chỉnh, để cho việc cử hành Hôn phối có tác động rất lớn trong việc nói về giáo lý của Bí tích, và về bổn phận của vợ chồng, khi không là Thánh lễ 'Cử hành hôn phối' được cử hành, một trong các bài đọc có thể được lấy từ các văn bản được cung cấp cho việc cử hành hôn phối (số 144-187).”

‘Bảng ghi ngày phụng vụ xếp theo thứ tự ưu tiên’ có các số 1-4 là như sau:

“1.Tam nhật Phục sinh tưởng niệm sự Thương khó và Phục sinh của Chúa.

“2. Lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống. Các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh. Thứ tư lễ Tro. Các ngày trong Tuần thánh, từ Thứ Hai đến hết Thứ Năm.

Các ngày trong tuần Bát nhật Phục sinh.

“3. Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung. Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời.

“4. Các lễ trọng riêng, tức là:

“a) Lễ trọng kính thánh Bổn mạng chính của địa phương như một thành, một tỉnh,

“b) Lễ trọng cung hiến hay kỷ niệm ngày cung hiến nhà thờ riêng của địa phương,

“c) Lễ trọng mừng thánh Bổn mạng hoặc lễ mừng Đấng Sáng lập hoặc lễ Bổn mạng chính của Dòng, hay Tu hội” (Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Như chúng ta có thể thấy ở trên, theo nghi thức La tinh, các lễ Hôn phối có thể được tổ chức vào hầu hết các ngày trong năm.

Thánh Lễ Hôn Phối thực sự bị cấm vào Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh, mặc dù trong cơn nguy cơ tử hoặc vì một lý do rất nghiêm trọng khác, nghi thức Hôn phối ngoài thánh lễ có thể được cử hành hợp lệ. 

Thành lễ Hôn phối không được khuyến khích trong mùa chay tịnh, nhưng không bị cấm. Một số giáo phận có các quy chế đặc biệt, vốn gia tăng sự nản lòng chính thức gần như đến mức cấm vậy.

Vào các ngày trong Bảng ghi ngày phụng vụ xếp theo thứ tự ưu tiên, Thánh lễ của ngày phải được cử hành với màu lễ phục phụng vụ tương ứng. Do đó, thí dụ, mặc dù về mặt lý thuyết, một nghi thức hôn phối có thể được cử hành vào ngày cầu cho mọi tín hữu đã qua đời (ngày 2-11), hoặc vào Chúa Nhật Mùa Chay hoặc Mùa Vọng, rất ít đôi nam nữ muốn kết hôn trước mặt một linh mục mang áo tím sám hối, hoặc đọc lời nguyện cho các tín hữu đã qua đời. (Zenit.org 2-7-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/marriages-on-sundays/