Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Thánh nữ Bibiana

Ngày 02 tháng 12
THÁNH NẾ BIBIANA
ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO

"Hạnh phúc cho những ai chịu bách hại vì sự công chính, vì họ sẽ được hưởng vinh quang thiên quốc" (Mt 5,10). Không phải chỉ một mình thánh nữ Bibiana đã thực hiện được câu đó, song còn cả gia đình ngài nữa, vì Thiên Chúa đã đoái thương biến gia đình ngài thành một cây trổ sinh những bông hoa thơm ngát mà trong đó thánh nữ là một đóa hoa điểm tô công phu nhất.

Dưới thời Julianô, Hoàng đế Rôma, ông vua vô cùng độc ác, số giáo dân bị kết án tử đã lên tới con số bảy ngàn. Nhà vua như say sưa với cái thú giết người không tiếc tay ấy, mặc dầu trước khi lên ngôi ông đã theo đạo công giáo.

Cuộc đời vương giả cũng như những cám dỗ sâu xa đã lôi ông từ một người nhu mì đạo đức xuống hố trụy lạc sâu thẳm.

Tâm trí ra u mê, Julianô bỏ đạo, đi thờ lạy ma quỷ và đã đang tâm giết hại các tín hữu của Chúa.

Những tấm gương anh hùng của các thánh tử đạo đã khiến vị đô trưởng Rôma là Flavianô phải suy nghĩ. Nhờ ơn Chúa soi sáng, Flavianô mỗi ngày một thâm tín rằng: Thiên Chúa mà người kitô giáo tôn thờ và sẵn sàng chịu chết vì Người phải là Thiên Chúa chân thật, đáng kính thờ hơn mọi ngẫu tượng nhà nước. Từ cảm phục tới đón nhận quãng đường không còn xa bao nhiêu. Vì thế, Flavianô cùng với phu nhân là Dafrôsa và hai ái nữ tên là Dêmêtria và Bibiana đã bí mật học giáo lý và chịu phép thánh tẩy.

Ơn Chúa Thánh Linh đổ xuống trên cả gia đình, khiến họ trước là những con người nhút nhát và lãnh đạm, nay trở nên nhiệt thành và can đảm, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì danh Chúa. Ban ngày Flavianô vẫn tỏ ra là một công chức nhiệt thành với nhiệm vụ. Nhưng khi bóng tối bao trùm vạn vật, thì ông lại tra tay vào nghĩa vụ mà một giáo hữu sốt sắng không bao giờ bỏ qua, đó là công việc chôn cất xác các thánh tử đạo. Nhiều tháng qua đi với những công việc mạo hiểm như thế mà vẫn không một ai hay biết. Nhưng vì tai vách mạch rừng, một ngày kia, trong khi thi hành công việc, Flavianô bị mấy người ngoại giáo bắt gặp và vì thế công việc đã được phúc trình lên Hoàng đế Julianô.

Nhà vua liền cho đòi đô trưởng Flavianô đến và sau khi được biết ông và cả gia đình ông đều là người công giáo nhiệt thành, Julianô tỏ thái độ vô cùng giận dữ: Vua phán bảo to tiếng:

- Tên bất trung kia, ta đã cho ngươi cùng gia đình ngươi hưởng bổng lộc triều đình, thế mà ngươi dám phụ bạc các thần nhà nước và cả chính ta ư ?

- Tâu Bệ hạ, hạ thần vốn tôn kính Hoàng đế và vâng phục quốc pháp, có bao giờ hạ thần phản nghịch Hoàng đế hay làm điều gì phản dân hại nước đâu.

- Nhà ngươi nếu muốn sống và tiếp tục hưởng bổng lộc triều đình, thì ngay bây giờ, phải tuyên bố bỏ cái đạo nhà ngươi thờ đi, bằng không nhà ngươi sẽ khó thoát khỏi tử hình.

Flavianô không hề nao núng trước lời đe dọa ấy, nhất quyết không bao giờ từ bỏ đức tin và phúc tử đạo đang đón chờ. Để hả giận, Julianô liền cất chức đô trưởng Flavianô và truyền lý hình đánh đòn ông ngay trước mặt mình.

Flavianô ngất đi khi chịu những cực hình dã man và tỉnh lại ngài lại nghe đọc bản án phát lưu khỏi Rôma sáu nghìn dặm. Nhưng ba ngày sau, vì quá kiệt sức, linh hồn ngài được về hưởng nhan Chúa trước khi tới nơi đầy ải.

Flavianô yên nghỉ rồi, nhà vua liền tịch thu gia sản, đồng thời truyền nhốt Dafrôsa không cho ăn uống gì hầu ép buộc bà bỏ đạo. Nhưng dầu đói khát cực khổ, bà cũng vẫn một dạ trung thành với đức tin. Thấy thế, nhà vua liền giao bà cho Faustus, một người ngoại giáo thuộc hoàng tộc, để ông này thuyết phục bà vừa bỏ đạo vừa bằng lòng kết hôn với mình. Nhưng ý Chúa lại khác, Người vẫn có thể đổi cứng ra mềm và biến sói thành chiên. Vậy, thay vì chinh phục Dafrôsa, Faustus lại bị bà chinh phục. Ông đã trở lại đạo công giáo và được linh mục Gioan rửa tội. Hai mươi chín ngày sau, câu truyện Faustus trở lại công giáo đến tai nhà vua, Julianô cho gọi ông đến và tra tấn ông một cách hết sức dã man. Không chịu nổi những cực hình ấy, Faustus trút linh hồn, miệng còn mấp máy lời tán tụng Thiên Chúa. Nhà vua truyền ném xác thánh ra đồng và cấm không ai được chôn cất. Nhưng ban đêm, bà Dafrôsa lén khâm liệm xác thánh và đem về an táng tại nhà tư. Năm ngày sau, Thiên Chúa cất linh hồn bà về thiên đàng và xác bà cũng được hai con chôn cất ngay tại chỗ.

Giết cả hai ông bà Flavianô và Dafrôsa rồi, Julianô vẫn chưa hết tức giận, vì thế vua lại truyền bắt nốt hai người con của ông bà nữa. Đêmêtria quá sợ hãi nên chết ngay sau khi bị thẩm vấn. Còn Bibiana, nhà vua trao cho một mụ đàn bà độc ác tên là Rufina. Chôn cất chị xong Bibiana phải theo về ở với mụ Rufina. Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, Bibiana không bao giờ nao núng trước những lời đường mật cũng như giọng điệu đanh đá của mụ. Mụ cố sức làm cho Bibiana mất đức tin. Nhưng vô ích, vì ngài hằng bền vững trung thành với vị Phu Quân Nhân Ái là Chúa Giêsu đang dành sẵn triều thiên tử đạo cho ngài.

Sáu tháng sau, mụ Rufina làm báo cáo đệ lên Julianô. Rất tức bực vì thái độ "bướng bỉnh" của Bibiana, nhà vua truyền điệu ngài ra đấu trường và ở đó ngài bị đánh đập tàn nhẫn. Bốn ngày sau, Bibiana thổ ra máu và linh hồn bay lên thiên quốc, hợp hoan với vị Phu Quân, Đấng mà ngài hằng tận tình yêu mến. Xác thánh ngài bị phơi ra đấu trường suốt hai ngày, tuy nhiên, không một thú vật nào dám xúc phạm đến xác thánh ấy. Ngày thứ ba, linh mục Gioan nương bóng tối đến khâm liệm xác thánh về an táng tại nhà thánh nữ, bên xác cha mẹ ngài.

Thiên Chúa chẳng những ân thưởng thánh nữ Bibiana triều thiên tử đạo vinh quang trên thiên quốc, mà còn làm cho tôi tớ trung kiên của Người được sùng mộ ở nơi dương thế nữa. Thực vậy, mặc dầu sống trong cảnh bách hại hãi hùng, các giáo dân tại thủ đô Rôma cũng bày tỏ một cách cụ thể lòng tôn kính vị thánh nữ tử đạo. Bên mộ ngài luôn luôn có người tới cầu nguyện. Julianô thấy vậy truyền bắt tất cả những ai lai vãng tới mộ thánh nữ. Nhưng gian ác vẫn không thắng nổi lòng tin. Giáo hữu không đến ban ngày được thì họ tới lúc đêm khuya. Để thưởng công thánh nữ và an ủi giáo dân trong kỳ gian lao, Chúa đã cho nhiều người được khỏi bệnh tật phần xác, những ai đến kính viếng ngài, lúc trở về đều cảm thấy tâm hồn can đảm và bình an khác thường.

Lòng sùng mộ thánh nữ mỗi ngày một bành trướng rộng rãi. Từ Rôma, lòng sùng mộ ấy đã lan tới các miền phụ cận rồi vượt biên giới sang các quốc gia lân bang. Thành Sêvilla bên Tây Ban Nha đặt ngài làm quan thầy, đồng thời nhiều hôïi đoàn khác, nhất là các hội đoàn thiếu nữ cũng đã tôn ngài làm quan thầy bầu cử và hằng noi gương bắt chước đời sống trong trắng cũng như cái chết anh hùng của ngài.

Giáo hội dành ngày 02.12 để kính nhớ thánh nữ Bibiana và ngày nay, toàn thể giáo hữu trên thế giới đều tôn kính và coi ngài như một tấm gương trong sáng về sự can đảm và đức phó thác siêu việt.

Ước gì mọi người cũng như mọi gia đình đều coi trọng bài học mà thánh nữ Bibiana và gia đình ngài đã oanh liệt ghi bằng chữ vàng và lưu lại cho hậu thế soi chung.

1104    02-12-2019