Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Thánh Patriciô (Patrick)

THÁNH PATRICIÔ 
TÔNG ĐỒ NƯỚC AI LEN

Thánh Patriciô (Patrick) hẳn là một nhân vật lịch sử có thực, nhưng đời sống của thánh nhân hiện nay còn nhiều điểm vẫn chưa được xác định. Chẳng hạn, về niên tuế của thánh nhân, có người xếp vào khoảng từ năm 389-461; người khác lại chủ trương từ năm 383-493: ngay đến cả quê quán của thánh nhân còn mơ hồ hơn nữa. Người nói là miền Dumbarton Cốtlen, người khác lại cho xứ Ai Len (Irlande) là nơi sinh trưởng của ngài; một số khác lại quả quyết quê hương ngài là xứ Gôn (Gaule). Cũng không một tài liệu chính đáng nào cho biết về tuổi thiếu thời và thánh nhân được giáo dục ra sao. Theo tương truyền, ngày hài nhi Patriciôâ chịu phép Thánh tẩy đã xẩy ra nhiều sự lạ, và sau đó cậu được giao cho một vú nuôi có tính cay nghiệt trông nom.

Vào năm 404 một toán cướp người Ai Len đã đến cướp phá trại của Canpuniô (Calpurnius) ông thân sinh ra Patriciôâ, và bắt nhiều người đem đi trong đó có cả Patriciôâ lúc ấy đã lên 16 tuổi. Tục truyền bọn cướp đã bán Patriciôâ cho một người tên là Milchu ở mạn bắc Britania (Grande Bretagne) và ông này giao cho Patriciôâ công việc trông coi đoàn vật; Patriciôâ đã khuyên được một người con trai và hai con gái của chủ nhân trở lại đạo. Ông chủ rất hài lòng vì thấy Patriciôâ giúp việc đắc lực, nên đã muốn nhờ người mai mối để lập gia đình cho Patriciôâ, như thế ông có thể ràng buộc Patriciôâ với gia đình ông một cách chặt chẽ hơn. Nhưng Patriciôâ phải một phen bỡ ngỡ khi thấy rằng người phụ nữ mà người ta định mai mối cho chàng lại chính là cô Lupait em gái của mình.

Theo cuốn "Tự thú" do chính ngài đã viết, người ta còn được biết tù nhân trẻ tuổi đó đã bị đem đến mạn tây, và những gian lao, khổ nhục của đời tù đầy và kiếp sống làm tôi đã đổi hẳn tâm tính của người thiếu niên ấy. Từ trước đến nay chàng đã sao nhãng những nhiệm vụ của một người giáo hữu, nhưng giờ đây chàng nhìn nhận cuộc đời khổ ải của mình như một tai họa trời giáng phạt. Vì thế chàng quay trở về với Chúa và cố gắng chuộc lại tự do đã mất bằng một đời sống thánh thiện hơn. Chàng lợi dụng thời gian đó để học tiếng Ai Len, một ngôn ngữ rất thích dụng cho chàng sau này. Dần dần chàng quen với phong tục và tinh thần của một dân tộc mà rồi đây chàng sẽ giảng Phúc âm cho họ. Thời gian lưu đầy lần thứ nhất kéo dài tới bảy năm. Sau đó Patriciôâ tìm cách trốn thoát.

Cũng trong cuốn " Tự thú ", ngài đã kể lại như sau: "Trong khi tôi đang thẫn thờ lê bước hướng về một căn lều mà tôi định tới đó ở liều, bỗng tôi nghe tiếng một thủy thủ gọi, tôi liền theo họ xuống tầu, hy vọng sẽ chinh phục được những lương dân trên tầu cho Chúa Kitô ". Và sau đây là câu chuyện xẩy ra trong lúc ngài cùng bọn họ vượt trùng dương. Ngài kể lại: "Một ngày kia tầu cạn hết lương thực, người hoa tiêu tự thân đến nói với tôi: "Thế nào, anh là một người có đạo, anh không có thể cầu nguyện cho chúng tôi được sao? Vì chúng tôi đang phải nguy cơ chết đói cả " .

Bấy giờ bằng một giọng tin tưởng và rõ ràng tôi nói với họ: "Các anh hãy lấy hết lòng thành kính và tin tưởng mà chạy đến với Thiên Chúa tôi thờ, để xin Người ban cho các anh lương thực ngày hôm nay, vì đối với Người không có gì mà Người không làm được". Nhờ ơn Chúa, công việc xẩy ra quả như lòng họ mong muốn. Một đàn lợn ở đâu chạy đến trước mặt chúng tôi và họ đã giết được một số lớn".

Sau một thời gian khá lâu, Patriciôâ lại phải bán thân làm nô lệ một lần nữa, nhưng lần này chỉ có trong vòng hai tháng. Phải chăng đó là thời gian các thủy thủ đổi lòng và xử tàn nhẫn với ngài? Về điểm này, cuốn "Tự thú " đã kể lại với giọng điệu rất bí ẩn. Patriciôâ nói đến một giấc mơ trong đó ngài thấy một tảng đá khổng lồ rơi đè lên ngài; nhờ kêu cầu tiên tri Êlia ngài thoát nạn; rồi ánh sáng mặt trời giãi vào tảng đá làm cho nó bỗng nhẹ như lông hồng. Người ta tin rằng trong câu chuyện giấc mơ kỳ dị đó, thánh nhân đã muốn ám chỉ đến những năm làm việc tông đồ vất vả tại Ai Len.

Mấy năm sau, trở về Britania, Patriciôâ may mắn lại gặp được cha mẹ mình. Ai có thể tả hết được những câu chuyện hàn huyên, những nỗi vui mừng trong cuộc hội ngộ đó. Những trái tim già đã héo hắt vì quá nhớ thương con nay một phần nào được trẻ lại vì thấy con như chết mà sống lại… Nhưng chẳng bao lâu, Patriciôâ lại thấy một thị kiến trong đó ngài được mời gọi đi truyền rao Phúc âm cho xứ Ai Len. Ngài kể lại: "Tôi thấy một người tên là Victôricô từ Ai Len đến với tôi và có mang theo rất nhiều thư. Người ấy trao cho tôi một lá, tôi vừa đọc được mấy chữ đầu: "Đây là tiếng nói xứ Ai Len" thì đồng thời, tôi lại nghe vẳng bên tai tôi có tiếng kêu của những người ở gần rừng Foclut, họ đồng thanh kêu: "Lạy Đấng Thánh, chúng tôi khẩn khoản xin ngài đến với chúng tôi ". Tới đây, tôi cảm động không sao đọc tiếp được bức thư và tôi tỉnh dậy, lòng tràn ngập mừng vui và sốt sắng.

Tình quyến luyến của gia đình lúc này cũng không có thể giữ Patriciôâ lại được. Ngài quyết tâm nghiên cứu chương trình hành động, củng cố ơn kêu gọi và đồng thời tu bổ lòng đạo đức, thâu lượm thêm những kiến thức về luật Chúa và Thánh kinh mà ngài còn thiếu. Rồi thánh nhân từ giã quê hương lên đường đi xứ Gôn. Hai nơi ngài thường lui tới và cư ngụ lâu hơn cả là tu viện Lêranh (Lerins) và Ôxe (Auxerre). Nơi đây ngài đã được hai vị Giám mục rất thông thái và đạo đức là Amatôrê và Germanô huấn luyện về tu đức và thần học. Có lẽ Đức Giám mục Amatôrê đã truyền chức phó tế cho Patriciôâ. Sau một thời gian tu luyện, Đức Giám mục Germanô thấy môn đệ của mình đã đủ năng lực và đức độ, ngài liền xin Đức Giáo Hoàng truyền chức Giám mục cho Patriciôâ và sai ngài sang truyền đạo bên Ai Len thấy đức Giám mục Pallade vừa từ trần. Đức tân Giám mục vội vã lên đường, cùng với mấy người bạn đồng hành nữa hướng về phía hòn đảo xa xăm nơi mà xưa kia Chúa đã gọi ngài.

Người ta phỏng đoán có lẽ thánh nhân đã ghé tầu ở Wicklow và truyền đạo ở đó một thời gian. Sau đó ngài lại men theo miền duyên hải phía đông tới Ulster, nơi đây ngài khuyên được một tù trưởng thế lực là ông Dichu trở lại đạo. Người ta nhận thấy rằng trong công cuộc truyền giáo của ngài, vị tông đồ chú trọng để thuyết phục các vua hoặc những vị thủ lĩnh của bộ lạc, vì biết họ có ảnh hưởng lớn đối với dân; đàng khác cũng chỉ những người ấy mới có thể cung cấp cho ngài được một địa sở để xây dựng giáo đường.

Bỏ Nathi vì gặp phải nhiều trở ngại, Giám mục Patriciôâ tiến lên mạn bắc tới lãnh thổ của quốc vương Léoghaire, ông hoàng đó tuy rất có thiện cảm với Giám mục, nhưng vẫn không chịu trở lại, dầu vậy ông vẫn để cho các người trong gia đình được tự do theo đạo, Conall em của quốc vương đã trở lại và nhường cho Đức Giám mục một khu đất để xây nhà thờ. Ngài cũng lập ở đó một tu viện và giao quyền trông coi cho Gosact là con một vị thừa sai mà ngài đã quen biết khi còn bị giam tù.

Tại Connaught, ba lần Đức Giám mục Patriciôâ đã xuất du truyền giáo.

* Lần thứ nhất, mở đầu bằng một cuộc gặp gỡ với hai người khách lạ tại Tara. Đó là hai người con của tù trưởng Amolngaid, đại diện bảy anh em đến xin nhờ quốc vương Lêôghane giải quyết vấn đề phân chia gia tài cho họ. Nhờ tài phân xử khéo léo của quốc vương Lêôghane và Giám mục Patriciôâ, bảy người đều được thoả mãn. Endae tên một trong hai người khách lạ đã nhường phần gia tài của mình cho vị thánh tông đồ. Ngài liền theo họ đi thẳng tới miền Foclut để gieo tin mừng Phúc âm cho thổ dân miền đó. Tin ngài đến được lan truyền nhanh chóng. Một số đông những sư đã ra ngăn cản không cho Đức Giám mục vào đất của họ. Đức Giám mục Patriciôâ giơ tay trái lên trời và chúc dữ cho tên trùm trưởng của bọn họ là Rechrad hắn liền ngã quỵ và chết tại chỗ, cả bọn hoảng hốt thoái lui. Kết quả cuộc truyền giáo này là một số đông người trở lại, và một ngôi giáo đường khá to được mọc lên tại ven rừng gần biển.

* Cuộc truyền giáo thứ hai được đánh dấu bằng một câu truyện khá kỳ dị. Thiết tưởng cũng nên kể lại đây vì nó giúp chúng ta hiểu rõ thêm diện mạo của vị tông đồ xứ Ai Len. Vào một buổi sáng đẹp trời, Đức Giám mục Patriciôâ cùng với các đồ đệ ngồi đàm đạo bên một bờ giếng. Một lát sau, hai người con gái của quốc vương là nàng Ethnae và Fedelm tới giếng rửa mặt và thấy thầy trò Đức Giám mục đang ngồi đàm đạo. Ngờ các ngài là những vị thổ thần xuất hiện, hai nàng cất tiếng hỏi: "Xin lỗi các ngài, các ngài ở đâu, và từ đâu đến?" Đức Giám mục Patriciôâ đáp:

"Thiết tưởng các người nên hỏi cho biết giòng giống và Thiên Chúa chúng tôi thờ là ai mới phải ?" Cô thứ nhất lại hỏi tiếp: "Thiên Chúa là Đấng nào và Người ở đâu ?"

Được Thánh Thần soi sáng, Đức Giám mục Patriciôâ dịu dàng dẫn dụ cho hai cô: "Thiên Chúa chúng tôi thờ là Thiên Chúa của hết mọi người, của cả vũ trụ, Người ở trên trời, trong trời và dưới trời… Người có một Quý Tử cùng vĩnh cửu và đồng bản thể với Người: Người Con đó không trẻ hơn người Cha và người Cha cũng chẳng già hơn Con. Có Thánh Thần ở giữa hai Đấng; và Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần không bao giờ chia rẽ nhau. Phần tôi, tôi muốn cho các cô là con vua trần gian mà được xe duyên với Vua trên trời, các cô có bằng lòng và tin theo những lời tôi nói không ?" Hai thiếu nữ ấy đều đồng thanh đáp lại: "Xin Ngài hãy kíp dạy cho chúng tôi biết phải tin theo Vua trên trời đó như thế nào, để được thấy long nhan Người, chúng tôi sẵn lòng làm theo như lời ngài nói ". Đức Giám mục Patriciôâ hỏi họ có tin phép rửa tội, và rất nhiều câu hỏi khác nữa có liên quan tới đức tin. Cả hai đều mau mắn thưa:

"Chúng tôi tin". Bấy giờ ngài làm phép rửa cho hai thiếu nữ ấy và trùm đầu họ một khăn trắng. Sau đó hai nàng lại đòi cho được xem mặt Chúa Kitộ Đức Giám mục Patriciôâ bảo họ: "Nếu các cô chưa đi qua cái chết và không chịu lấy Thánh Thể, các cô không thể nào được xem thấy mặt Chúa Kitô". Hai thiếu nữ ấy lại thưa: "Xin cho chúng tôi chịu Thánh Thể đó, để chúng tôi có thể xem thấy Chúa Kitô là bạn của chúng tôị" Các cô được chịu lễ và lịm đi như chết. Nhưng sau mấy phút hai cô đã tỉnh lại; niềm hoan lạc như còn vương vấn trên khuôn mặt của mỗi người…

Câu chuyện trên đây được nhiều sách kể lại và thực ra nó cũng có một phần nào giá trị lịch sử vì ngày nay người ta còn thấy mộ của hai thiếu nữ kia gần giếng Crogan. Nhưng những yếu tố nhân tạo thêm thắt vào câu chuyện cũng quá rõ rệt. Người ta chỉ có thể cho rằng đó là một bài giáo lý sơ lược và căn bản được trình bày dưới hình thức một câu truyện hầu khêu gợi sự chú ý của người học đạo. Dầu sao nó cũng là một tài liệu quí giá vì nó mà chúng ta được biết trong thời đó trước khi cho người tân tòng chịu bí tích, người ta quen hỏi những câu hỏi nào, và đàng khác lối diễn giảng của thánh Patriciôâ thường đưa về Chúa và mầu nhiệm cốt yếu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Những câu truyện còn truyền tụng trong miền Ulidia chứng tỏ cuộc truyền giáo của thánh Patriciôâ ở đây đã làm ngài phải tốn bao mồ hôi nước mắt. Phải lâu năm lắm ngài mới tiến được vào miền đó, và con số người trở lại cũng chẳng được là bao. Nhưng tư cách và đức độ của vị tông đồ đã làm cho dân chúng rất cảm phục.

Với nhiệt khí tông đồ, ngài luôn luôn chạy rảo khắp miền để gieo tin mừng Phúc âm, uỷ lạo tân tòng tại các giáo khu mới, lập nhiều toà Giám mục và truyền chức cho nhiều linh mục, kiến thiết nhiều tu viện nam nữ để đào tạo những tâm hồn thánh thiện. Là một con người có đức tin mạnh mẽ, thánh nhân hằng trông cậy mọi sự ở nơi Chúa và đưa mọi sự về Người. Những áp lực đe doạ hay bắt bớ cũng không làm lay chuyển lòng tin sắt đá hay đánh đổ được chí can trường của thánh nhân. Ngài có một thâm cảm chắc chắn rằng đời sống khó khăn nghèo nàn và gian truân có ích lợi cho mình hơn là được giầu có và khoái lạc. Ngài chỉ ước ao một điều là được đổ máu ra vì Chúa và phải ném làm mồi cho các chó và thú vật sâu xé.

Trong câu chuyện mưu sát thánh Ođran dưới đây (lễ mừng ngài ngày 6 tháng 3), người ta được biết đức Giám mục Patriciôâ đã nhiều phen thoát chết một cách lạ lùng. Có một người quý phái kia tên là Folge nhất định giết Đức Giám mục để báo thù vì ngài đã phá của hắn một ngẫu tượng rất quý. Các bạn hữu của thánh nhân biết ý định của hắn mà không nói cho ngài biết. Một ngày kia Đức Giám mục có việc phải đi qua gần nhà người quý phái. Ođran, người đánh xe của Đức Giám mục nói với ngài rằng: "Thưa Đức cha, từ lâu con vẫn đánh xe cho Đức cha, nhưng hôm nay con mạn phép xin Đức cha thay phiên con làm người đánh xe". Thực ra ông Ođran nói vậy vì biết rằng Folge đã mai phục ở một nẻo đường để chờ Đức giám mục đi qua và giết. Đức Giám mục Patriciôâ lúc này làm người xà ích còn Ođran thì ngồi trong xe. Tới một khúc quặt kia, Folge liền xông ra và phóng lao đâm trúng kẻ ngồi trong xe và tưởng rằng đời của Đức Giám mục Patriciôâ đã kết liễu…

Tác giả Muirchu, người chép tiểu sử của thánh nhân còn nhấn mạnh đến đời sống đạo đức và siêng năng cầu nguyện của thánh nhân, ông cho biết: Mỗi ngày thánh nhân thường hát Thánh vịnh, các ca vãn và đọc sách Khải huyền. Mỗi giờ, ngày cũng như đêm, ngài làm dấu thánh giá có tới trăm lần, và mỗi khi đi đường gặp một thánh giá dựng bên đường, ngài liền xuống xe và đến quỳ cầu nguyện mấy phút trước thánh giá. Đó là dấu chứng tỏ linh hồn thánh nhân luôn kết hợp vàø đàm đạo với Chúa: ngài đã cầu nguyện để múc ở đó ơn soi sáng và nghị lực.

Đức Giám mục Patriciôâ làm việc cho đến khi sức lực đã suy tàn mới lui về miền Sôn (Saul) thuộc Ulida để nghỉ ngơi và dọn mình chết trong yên lặng. Một thiên thần Chúa hiện đến báo tin cho ngài biết ngày mệnh chung sắp tới. Thánh nhân định bỏ Saul và đi đến Armagh nhưng dọc đường vị Giám mục lão thành đã trông thấy một bụi cây bên đường cháy sáng rực mà không bị tiêu tan: thiên thần Chúa được phái đến để bảo ngài đừng đi nữa. Thánh nhân vâng lệnh trở về.

Vậy ngài trở lại Saul và gửi thân ở đó. Đêm thứ nhất, sau khi Đức Giám mục quá cố, thi thể ngài được các thiên thần coi giữ với những tiếng ca và cung đàn réo rắt; giáo dân Ulida coi xác ngài mấy ngày sau. Nhiều phép lạ đã xẩy ra chứng tỏ sự thánh thiện của vị tông đồ.

Để định nơi mai táng xác ngài theo như lời thiên thần dặn bảo, người ta phải đặt thi hài ngài trên xe có hai con bò kéo. Hai con vật đi và dừng lại ở chỗ nào thì đó là chỗ để phần mộ Chúa đã chọn cho ngài. Nơi đó ngày nay là  Down Parick với một giáo đường cổ kính đánh dấu nơi người thánh đã an giấc hạnh phúc ngàn thu.

Qua mọi thời, dân Ai Len vẫn một lòng thành kính ghi ân sâu xa đối với vị thánh Giám mục, và tôn kính ngài như vị tông đồ đệ nhất của quốc gia, vì ngài đã vất vả để sinh họ trong đức tin và dẫn đưa dân tộc họ tới nguồn sáng chân thật của Phúc âm.

1458    17-03-2019