Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Thánh Piô Giáo Hoàng

THÁNH PIÔ CẢ
GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
(+155)

Hôm nay Giáo hội mượn lời tiên tri Giêrêmia sau đây để đọc trong bài ca dâng lễ: "Đây, con sẽ nhân danh Ta mà giảng dạy và Ta đặt con cai trị các dân tộc và các quốc gia, để con nhổ tỉa, phá đổ xây dựng và vun trồng" (Gr 1,9-10). Phải chăng lời tiên tri đã tóm tắt sứ mệnh của các vị Đại diện Thiên Chúa trên trần gian, và cách riêng, đời sống và việc làm của thánh Piô Giáo Hoàng.

Tương truyền thánh Piô quê thành Aquilê, một thành phố cổ nổi tiếng trên đất Ý. Nhưng không may, năm 452, thành này bị quân của Attila phá huỷ và bắt dân đến Vênê lập nghiệp. Thân phụ thánh nhân là ông Ruphinô, một võ quan thời danh đã từng phục vụ cho nhiều triều Hoàng đế. Thánh Piô còn một người em trai thông thái tên là Hêmát. Chính Hêmát đã viết tăïng thánh nhân một tác phẩm nhan đề là "Đấng chăn chiên" (Pastor). Trong sách này, Hêmát tả lại tất cả sinh hoạt của Giáo hội trong thời sơ khai, và nhất là nói về nghi lễ sám hối. Mặc dầu viết rất tỉ mỉ về phẩm chức Giám mục và các thầy Phó tế, Hêmát lại nói rất ít về vị Giám mục duy nhất cai quản Giáo đoàn Rôma.

Tuy nhiên, căn cứ vào tác phẩm đặc biệt này, chúng ta có thể biết được mấy nét đại cương về đời sống thánh Piô. Ngay khi còn nhỏ, thánh nhân đã được khen là người có đức hạnh và thông thái. Ngài đã cùng với Hêmas theo học tại nhiều thành phố nổi tiếng về văn học trong Đế quốc Rôma. Song song với việc học là việc đào luyện tính tình. Nơi bà hiền mẫu, thánh Piô đã hấp thụ những đức tính hiền hoà, trong sạch, bác ái và thừa hưởng nơi thân phụ tinh thần can đảm, trí khôn sắc bén và ý chí cương quyết. Với ơn Chúa và với những đức tính cao đẹp đó, thánh Piô đã vững tay lái con thuyền Giáo hội suốt mười lăm năm trường!…

Theo niên sử Giáo hội, thánh Piô lên ngôi Giáo Hoàng quãng năm 140, dưới thời Hoàng đế Antôninô, giữa lúc Giáo đoàn Rôma bị nhiều cơn bách hại. Dầu vâïy Giáo đoàn vẫn mỗi ngày một hùng mạnh và tăng thêm con số. Nhưng điều làm cho thánh nhân buồn hơn cả là một số phần tử trong cộng đồng, kể cả các giáo sĩ, đã không can trường trước những thử thách của đức tin: nhiều người sa ngã và không ít những kẻ hèn nhát! Để cứu vãn tình thế đau thương ấy, Đức Thánh Cha tha thiết kêu gọi lòng thống hối của mọi phần tử Giáo hội. Như thánh Gioan Tiền hô xưa, ngài chuyên giảng về lòng sám hối đền tội. Ngài thường nhắn nhủ: "Anh em hãy thực lòng thống hối để đức tin và ân sủng đến thanh tẩy mọi tội lỗi của anh em. Và do đó, nước Chúa được hiển trị trong tâm hồn anh em". Có lẽ cũng vì thế, nhiều tác giả cổ thời đã gọi thánh nhân là "Vị Giáo Hoàng kêu gọi lòng thống hối". Ngoài ra để cụ thể hóa lời rao giảng, thánh Piô còn phát động nhiều phong trào ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Chính ngài ăn chay mỗi tuần ba lần. Ban ngày, ngài lẩn lút đi rửa tội cho tân tòng, khích lệ các tín hữu bị giam trong ngục. Tối đến, ngài giảng Phúc âm, dạy giáo lý hay cắt nghĩa Thánh thư cho bổn đạo hội tại nhà tư hay trong hang toại đạo. Và khi giáo dân đã chia tay về nhà, thánh nhân còn quỳ lại cầu nguyện và đánh tội. Người ta nói mỗi đêm ngài chỉ ngủ độ hai tiếng đồng hồ. Với đời sống khắc khổ và thánh thiện, thánh Piô đã lấy lại tinh thần cho đoàn chiên, bảo trợ họ trước những cơn gió bách hại của các Hoàng đế, cũng như đã ngăn ngừa khỏi những ảnh hưởng dịch tễ của bè rối. Thực thế, 15 năm trên ngôi Giáo Hoàng, thánh Piô đã đương đầu với nhiều bè rối, đáng kể nhất là bè rối Marcion. Bè rối này chủ trương Thiên Chúa của người Do Thái không phải là Thiên Chúa thực, vì Người đã dựng nên những cái thuộc về vật chất. Vì thế họ đã nghĩ rằng phải có một "Hữu thể" (L’Être) khác hoàn toàn hơn Thiên Chúa sáng tạo mà người Do Thái tôn thờ.

Về phần Chúa Giêsu, họ chủ trương rằng Người bởi Hữu thể hoàn toàn kia mà ra và dù sống ở thế gian, Chúa Giêsu không có nhân tính, xác của Chúa chỉ là hình thái bề ngoài chứ không có thực như mỗi người chúng ta. Từ những điểm sai lạc đó họ đưa ra một thuyết luân lý nghiêm khắc: cấm ăn thịt, cấm kết hôn. Bè rối này lan truyền rất nhanh và nẩy sinh nhiều bè rối khác. Vì thế năm 144, thánh Piô đã kết án và gạt họ ra ngoài Giáo hội. Ngoài ra, còn bè rối Cerdon, bè rối Valenstinô là những phái thuộc bè rối Trực quan thuyết (gnose) đã từ các xứ Đông phương xâm nhập vào Rôma.

Cộng tác đắc lực với thánh Piô trong việc cản ngăn bè rối, có thánh Justinô, một triết gia minh giáo nhiệt thành. Từ xứ Samaria tới Rôma quãng năm 141, thánh Justinô đã mạnh dạn bênh vực mọi tín điều về Chúa Giêsu. Ngài được phúc tử đạo tại Rôma năm 165 và được Giáo hội mừng lễ ngày 14 tháng 4 mỗi năm.

Còn thánh Piô, dù tuổi già sức yếu, dù phải chống chọi cam go với mọi kẻ thù của Giáo hội, ngài vẫn một lòng tận tụy với sứ mệnh. Dưới đời Giáo Hoàng của ngài, Giáo hội được thêm 15 toà Giám mục và rất nhiều linh mục. Theo sử gia Baroniô, thánh Piô cầm lái con thuyền Giáo hội cho đến phút cuối cùng của đời sống, nghĩa là tới khi ngài vừa hiên ngang giơ đầu cho lý hình, vừa sốt sắng đọc lời thánh vịnh: "Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa, vì Chúa đã cứu chữa con, Chúa đã không để quân thù nhạo cười con" (Ca nhập lễ). Hôm ấy là ngày 11-7-155.

512    21-03-2020