Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Thánh Satuninô, Đatiphô và các bạn tử đạo Phi Châu

THÁNH SATUNINÔ,THÁNH ĐATIPHÔ 
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO PHI CHÂU

Sau sắc dụ cấm đạo đầu tiên, Hoàng đế Điôclêtianô, nhân lễ kỷ niệm 25 năm trị vì, đã ban ân xá phóng thích nhiều tù nhân: cửa khám mở, họ sung sướng trở về với gia đình, làm lại đời sống tự do… Nhưng còn ai sung sướng hơn những tín hữu kiên trung và nhiệt thành. Họ hãnh diện trở về với xứ sở không như những phạm nhân khác, nhưng như những người lính chiến thắng hồi hương, sau bao ngày nằm gai nếm mật trên chiến địa… Họ về mang theo đức tin anh dũng và lý tưởng tông đồ hoàn toàn bất khuất. Toàn thể Giáo hội thuộc đế quốc Rôma đón nhận những ngày bình an và tự do…

Nhưng ngắn ngủi thay những ngày bằng yên! Bóng cờ Thánh giá phất phới nổi bật trên nền trời xanh chưa được mấy tháng thì trời mây đã kéo đen nghịt báo hiệu những cơn cuồng phong bách hại đang tới… Sắc dụ ân xá hết giá trị, làn khí bắt đạo mỗi ngày một căng thẳng đến nghẹt thở. Lý do chỉ vì sự bất mãn và khát máu của hai ông tổng trấn Mácximinô và Galêniô. Hai ông này vốn tính ghét đạo và càng ghét hơn khi thấy người công giáo được tự do hội họp và cử hành các lễ nghi. Vì thế, nhân cơ hội nắm quyền trị nước trong thời gian Hoàng đế lâm bệnh, hai ông lập tức lấy danh nghĩa Hoàng đế ra nhiều sắc dụ cấm đạo. Chỉ thị ban ra, người công giáo lại một phen lao đao cùng quẫn, nhất là năm 304.

Một trong những điểm quan hệ đọc thấy trong sắc dụ là: "Cấm hàng giáo sĩ và toàn thể giáo dân không được đọc hay giữ sách thánh, không được hội họp để cử hành lễ nghi hay bàn luận về một vấn đề gì". Là một xứ thuộc quyền cai trị của Rôma, Phi châu cùng chịu chung một số phận của Giáo hội Rôma. Nhưng với đức tin, người công giáo không sợ những mưu mô tàn sát của chính quyền. Không kể sắc dụ nghiêm nhặt của Hoàng đế và sắc dụ truy nã ráo riết của đoàn công an cảnh sát, những giáo hữu sốt sắng thành Cartagô và thành Abitênê hằng tuần vẫn hội họp trong một căn nhà ngoại ô. Theo lệ thường chủ toạ buổi hội là Đức Giám mục Funđanô thành Abitênê, ông già lịch sử đã dày công vun xới đồng lúa Phúc âm. Nhưng từ ngày ngài bị bắt và bị hành quyết vì đức tin, một linh mục thánh thiện nhất được cử làm chủ toạ: đó là cha Satuninô. Những buổi hội thường nhóm tại nhà ông Phêlíc, một tín hữu đầy đức tin; hay tại dinh thự thầy độc thư nhân đức Êmêritô. Những buổi hội quá công khai và tự nhiên ấy không bao lâu đã lọt mắt công an…

Chủ nhật kia, đang khi mọi người còn triền miên trong kinh phụng vụ dưới sự chủ toạ của cha Satuninô, thì một đoàn quân mang khí giới bất chợt xông vào. Không nói nửa lời họ hung hăng trói cha Satuninô và tất cả tín hữu có mặt điệu về biện lý cuộc. Đây là quý danh mấy vị tên tuổi mà văn liệu còn để lại: cha Satuninô, vị chủ tọa duy nhất; hai thầy độc thư Đatiphô và Êmêritô; chị Maria, một trinh nữ thuộc giáo đoàn; rồi các ông Âmpen, Cassianô, Đaniên, Đantô, Cêcilianô, Máttinô và Têlicô… Kế đến là các bà Gianuria, Magarita, Pompônia, Bêrêđina, Honora, Víttoria; sau cùng là em bé mười tuổi Hilariô… Cần nhắc lại rằng đó chỉ là quý danh các vị đại diện cho đoàn đông chiến sĩ tử đạo người Phi Châu, mà cha Satuninô và thầy Đatiphô là những nhà hướng dẫn nổi danh.

Không một tài liệu nào cho ta biết về thời niên thiếu và hoàn cảnh gia đình của các vị. Hơn thế, vì nhiều lý do chúng ta cũng không thể kể hết những chi tiết cuộc thẩm vấn và hành hình của các thánh. Sau đây chỉ là những đoạn trích sống động một buổi lấy khẩu cung cha Satuninô, thầy độc thư Đatiphô và Êmêritô, ông già Têlica, chàng Phêlíh, bà lão Víctoria, chị Maria và em bé Hilariô. Những đoạn văn này tuy vắn nhưng nói lên hết lòng tin sắt đá và chí khí oanh liệt của các ngài.

Sau mấy ngày sống trong ngục, các ngài bị điệu đến công trường. Tại đây chính quyền đã chuẩn bị sẵn một đống củi.

Họ muốn làm sỉ nhục người công giáo hầu lay chuyển đức tin của các vị bằng cách thiêu hủy công khai tất cả sách thánh họ đã tịch thu được trước mặt số đông dân ngoại.

Trước cảnh đau lòng, các ngài chỉ quỳ gối cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn của cha Satuninô. Lời cầu xin đã thấu tới trời. Chúa yêu ủi các thánh, mở mắt dân ngoại và cảnh cáo những người âm mưu bằng một phép lạ. Vừa lúc quan tổng trấn đến, những điệu quân nhạc réo rắt rền vang một góc trời làm tăng thêm niềm hân hoan và kiêu hãnh đang dâng lên trong lòng người dân ngoại, thì một luồng sáng lạ từ trời chiếu xuống, bao quanh đống lửa vừa nhóm. Ngọn lửa vẫn cháy, người lương dân chăm chú nhìn với vẻ bỡ ngỡ, và tất cả đoàn người tử đạo vẫn sốt sắng cầu nguyện… Kết quả sau hơn một giờ nằm trong đống lửa, toàn bộ sách thánh không hề nao. Khi ngọn lửa đã tàn, tổng trấn Mácximinô và bọn tuỳ tùng lo sợ, và càng lo sợ hơn trước tiếng hò và vô trật tự của đám dân. Lợi dụng tình thế rối loạn, nhiều tín hữu xông vào cướp lại hết sách. Quyền phép Chúa đã toàn thắng, niềm yên ủi tràn ngập lòng người tín hữu…

Để trấn tĩnh lòng dân, và lấy lại uy tín, tổng trấn Mácximinô hạ lệnh lập toà hỏi cung. Trả lời các câu hỏi của tổng trấn, vị quan toà duy nhất, các thánh chỉ đồng thanh đáp lại một câu: "Chúng tôi là những Kitô hữu, chúng tôi thường hội họp để ca tụng Thiên Chúa, chúng tôi quý chuộng và yêu mến sách thánh. Chúng tôi quyết chết vì đức tin hơn là sống phản bội Thiên Chúa, Vua của muôn Vua…"

Thấy không kết quả, tổng trấn Mácximinô bèn truyền biệt giam mỗi người một nơi, với thâm ý cho tiện việc dụ dỗ, đe loi, và lấy khẩu cung…

Hai hôm sau, trong công trường đầy ánh nắng, hơn một ngàn dân thành Abiten đứng chen nhau. Với nét mặt bừng đỏ vì ánh nắng và hơi người, họ tròn mắt nhìn về một góc khán đài nơi phát ra tiếng gọi hách dịch của tổng trấn Mácximinô:

- Tên Satuninô đâu ?

- Dạ, thưa tổng trấn, tôi đây.

- Ăn nhịp với câu trả lời đầy khiêm tốn. Cha Satuninô từ từ bước ra, hai tay bị trói quành sau lưng và hai chân kéo lê chiếc xiềng sắt kêu lẻng kẻng trên mặt sập. Những tia nắng mai âu yếm phủ trên toàn thân cha, khiến mọi khán giả nhận ra hết vẻ đẹp siêu nhiên hiển hiện trên nét mặt biểu hiện một tâm hồn trung tín, can đảm…

- Tại sao nhà ngươi dám chống lệnh Hoàng đế, tụ hội dân thành, làm những việc dị đoan của tà đạo?

- Thưa quan trấn, chúng tôi cử hành thánh lễ tôn vinh Thiên Chúa chân thật, chứ không làm việc dị đoan. Đạo chúng tôi vì thế không phải là tà đạo như quan trấn tưởng. Trái lại chỉ có đạo công giáo, đạo do chính Thiên Chúa truyền dậy mới là đạo thật. Đã thế chúng tôi không làm điều chống lệnh Hoàng đế.

Và cho tới phút cuối cùng của đời sống, cha Satuninô chỉ trả lời trăm ngàn câu hỏi khác của quan toà bằng một lời duy nhất. Cha nói với tất cả niềm thâm tín: "Tôi là Kitô hữu, là linh mục, là người ước ao chết vì danh Thiên Chúa chân thật".

Đến lượt hai thầy độc thư Êmêritô và Đatiphô. Ngay buổi sơ thẩm, thầy Đatiphô đã can đảm tuyên xưng đức tin bằng một câu hàm súc, thấm nhuần nhiều ý nghĩa mà cho tới nay người ta còn truyền tụng: "Chỉ những ai trung tín với Thiên Chúa, người ấy mới đích thực phụng sự dân tộc". Nhưng quan toà và hầu hết thính giả không hiểu lời nói thâm thúy ấy. Họ hò hét mỗi lúc một hăng và như căm hờn uất hận đến điên rồ! Sau cùng họ đòi quan toà cho lý hình xé thân thánh nhân ra trên giường sắt. Với giọng mị dân sẵn có, tổng trấn Mácximinô không trì hoãn một giây.

Quay sang thầy Êmêritô, tổng trấn Mácximinô hất hàm hỏi:

- Còn Êmêritô, có phải chúng hội họp trong nhà ngươi không?

- Dạ thưa phải.

- Hừ, ngươi bạo gan thật, ngươi không biết lệnh hoàng đêá sao?

- Thưa tôi biết lắm, nhưng chúng tôi chỉ vâng lệnh Hoàng đế khi lệnh ấy hợp với điều Thiên Chúa truyền dậy.

Hai mắt tròn xoe, tổng trấn quát thầy Êmêritô thậm tệ, rồi truyền gọi bọn đao phủ tra tấn thầy! Những chiếc dùi cui rắn chắc chan chát đập vào người thầy khiến mọi người phải rùng mình. Sau những ngày giam đói trong ngục, thân hình thầy gầy đét, chỉ còn da bọc xương, và lúc này như nướng dưới ánh nắng gần giờ ngọ! Trong khi nhận những dát đánh chắc nịch, thầy Êmêritô than thở: "Lạy Chúa, hạnh phúc cho con và cho những ai được chịu đau khổ vì Chúa.

Chúng con là những người được chọn mà Chúa đã tiên báo trong Phúc âm. Chúa là sức mạnh của con. Xin Chúa nâng đỡ con và tha thứ cho những người hành hạ thân xác con". Lòng can đảm và chí hy sinh của hai thầy phải chăng là tấm gương phấn khích những tín hữu tiếp chân bước lên vành móng ngựa: ông già Têlica và chàng thanh niên Phêlíc.

Sau tiếng gọi giương oai của tổng trấn, ông già Têlica bước ra với tất cả phong thế một người quý phái và bạt thiệp. Câu đầu tiên ông già nói lớn trước quan toà và lũ đông dân thành là lời cầu nguyện thống thiết: "Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con, xin ban cho con hoàn tất đời sống con vì danh Chúa ".

- Têlica, ngươi đã già rồi, ngươi đã hưởng thụ bao ân huệ của Hoàng đế và quốc dân Rôma, tại sao ngươi cố tình từ chối đạo cha ông, bỏ thờ các vị thần linh, đi theo tà đạo Giêsu? Vì kính nể tổ tiên ngươi, ta thay mặt Hoàng đế khuyên ngươi mau trở về chính đạo, dâng hương tế thần, bằng không ta buộc lòng chém đầu ngươi làm gương cho kẻ khác.

- Thưa tổng trấn, tôi chỉ biết và giữ luật Thiên Chúa dậy thôi. Phải, tôi già rồi, nhưng càng già tôi càng phải cố trung thành với luật của Thiên Chúa hơn. Giêsu không phải tà đạo, nhưng là đạo chân chính độc nhất do Thiên Chúa ban truyền. Vì thế xin quan đừng uổng lời dụ dỗ hay dọa nạt tôi. Tôi từ lâu ước ao được chết vì Đấng làm thủ lĩnh đạo Giêsu chân chính!

Tiếp lời ông già Têlica là những câu trả lời đầy can đảm của chàng thanh niên Phêlíc. Không để quan toà hỏi, chàng trẻ tuổi cứ thong thả nói, nhấn mạnh từng chữ: "Tôi xin thưa để quan khỏi phải hỏi! Tôi là thanh niên công giáo, tôi đã dự nhiều buổi hội, cử hành lễ nghi. Tôi muốn sống để thờ phượng Thiên Chúa và chết để làm vinh danh Người.

Thần minh quan lớn thờ chỉ là những khối kim khí vô hồn. Tôi rất kính trọng Hoàng đế và những ai thay quyền ngài, nhưng đồng thời vẫn đặt Thiên Chúa và luật Người truyền trên hết. Tôi hân hạnh tỏ lòng kính Hoàng đế và phụng sự dân tộc Rôma bằng cái chết vì đức tin người Kitô hữu!"

Tiếng quan tổng trấn quát, vang chuyển cả khán đài…

Biết không thể khuất phục được chàng thanh niên số một thành Abitênê, tổng trấn Mácximianô đuổi chàng vào và gọi vội bà lão Víctoria, cậu bé Hilariô và chị Maria ra. Bước lên vành móng ngựa, ba người như ba mẹ con, chào nhau bằng cái nhìn thân mật, rồi cùng ngước mắt về trời rồi cầu xin ơn Chúa. Không chậm trễ, ba người thi nhau đáp lại những câu hỏi của quan toà, hạ thấp giọng, tổng trấn dịu dàng hỏi:

- Bà, cô và em cũng là những Kitô hữu? Tội nghiệp!

Hiểu thâm ý giả của quan toà bà lão Víctoria thưa cương quyết:

- Dạ, chúng tôi là những Kitô hữu cả, nhưng chúng tôi không tội nghiệp, trái lại rất hân hạnh.

Bực mình, ông nhìn thẳng vào mắt em bé Hilariô dọa nạt:

- Em bé kia, khôn thì bỏ đạo, kẻo ta hớt tóc, cạo đầu cắt tai và khoét mắt đi bây giờ.

Hilarinô vừa chỉ vào bà lão Victoria và chị Maria vừa bình tĩnh trả lời:

- Xin quan lớn cứ làm như ý quan lớn muốn, tôi là con nhà có đạo, muốn được phúc như bà và chị tôi đây!

Điệu cười chua chát của Mácximinô vang lên làm tăng thêm vẻ ngơ ngác vừa cảm phục vừa căm tức của đám dân ngoại.

Hilariô được ơn Chúa càng tỏ ra bình tĩnh và can đảm hơn. Làm sao quên được câu trả lời thứ hai đầy can đảm của cậu bé xinh trai ấy:

"Tôi muốn làm em bé chết vì đức tin hơn làm ông quan lớn triều vua vì thờ thần linh". Không nói thêm, quan toà chỉ vào chị Maria và hỏi:

- Còn cô kia, cô nghĩ sao? Cô hãy bỏ đạo để bảo toàn lấy sắc nước hương trời và tuổi đôi mươi đầy hứa hẹn của cô.

- Thưa quan lớn, xin quan lớn hiểu cho rằng: tôi là người Kitô giáo, tôi muốn đẹp lòng Thiên Chúa hơn đẹp lòng thế gian, muốn tận hiến tuổi thanh xuân cho Người hơn là vâng lời quan lớn giữ cho người đời.

- Như thế nghĩa là cô muốn chết?

- Dạ, tôi ước ao chết, chết vì đức tin, vì lòng yêu mến Vua cực Thánh và vì vinh dự của người dân Rôma!

Rồi đột nhiên cả ba người, với ba giọng của ba thứ tuổi, đồng thanh hô to: "Vạn tuế Hoàng đế Kitô ". Đáp lại tiếng hoan hô anh dũng ấy là tiếng hò la inh ỏi của đám dân trong công trường. Họ xô nhau, rối loạn, kêu gọi quan toà hãy giết những tên "phù thủy" Giêsu ấy đi. Những tiếng hò thất vọng nói lên hết nỗi căm hờn đang nung nấu tâm hồn họ…

Các thánh bị điệu về ngục, chờ ngày lĩnh triều thiên và cành lá tử đạo…

Các thánh về trời, để lại cho giáo đoàn Phi Châu những tấm gương anh dũng, có sức phấn khích lòng trung tín và khơi sâu dòng máu đức tin. Ngày nay việc Giáo hội kính nhớ các thánh vào ngày 11-02 mỗi năm càng làm sống động thêm lòng trìu mến của người công giáo năm châu dâng lên các bậc tiền nhân anh dũng.

1708    12-02-2018