Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Thánh Simon và Giuđa tông đồ

 

Chúng ta được biết rất ít về hai thánh tông đồ vì hình như các ngài chỉ được Chúa Giêsu chọn như những người “phụ tá”. Trong Phúc âm, thánh Máccô (Mc 3,18) và thánh Matthêu (Mt 10,4) xếp thánh Simon đứng thứ 11 và thánh Luca (Lc 6,15) ghi tên ngài vào hàng thứ 10 trong số các tông đồ. Còn thánh Giuđa, chúng ta đọc thấy đứng thứ 11 trong Phúc âm thánh Luca và mang tên là Thađêô, đứng thứ 10 trong Phúc âm thánh Maccô và Matthêu. Sự kiện về ngôi thứ của hai thánh nhân gợi cho chúng ta hình dáng những người thợ được thuê vào lúc 5 giờ chiều (Mt 20,6), và những khách mời hèn mọn (Lc14,10) mà Chúa nói trong Phúc âm. Vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn sơ rằng sở dĩ các ngài có một chỗ ngồi kém quan trọng trong số các tông đồ, có lẽ vì đã theo Chúa sau cùng hay vì còn trẻ tuổi.

Thánh Simon mang tên hiệu là Cananêan. Theo tiếng Hy lạp, có nghĩa là “nhiệt thành”; nó nhắc cho chúng ta lời tiên tri Êlia: “Sự nhiệt thành với Chúa Giavê đã nung nấu tôi” (III Reg 29,10). Riêng về cuộc đời giảng đạo và cuộc tử nạn của ngài, chúng ta có nhiều sử liệu khác nhau. Theo ông Nicêphorê Callistô, một tác giả thời danh vào thế kỷ XIV, thì thánh nhân giảng đạo ở Phi châu và miền Granda Britania. Ý kiến này phù hợp với sự quyết đoán của nhiều sử gia Hy lạp, tuy nhiên ít được coi là chính xác. Vì theo thánh Fortuna, Giám mục thành Poitiers và ở cuối thế kỷ thứ VI, chúng ta biết thánh Simon và thánh Giuđa được mai táng tại Ba tư. Tác giả cuốn “Dã sử về các tông đồ” cũng chép: Hai thánh nhân lãnh phúc tử đạo tại Suanir thuộc Ba tư. Đàng khác, và ở thế kỷ IX, tu sĩ dòng Êpiphanô trong cuốn “Tiểu sử thánh Anrê tông đồ” lại viết: Tại Nicopsis, một tỉnh nhỏ gần miền Caucasie, người ta còn giữ được hài cốt thánh Simon. Cũng nơi đây và ở quãng thế kỷ thứ VII, nhiều giáo hữu Hy lạp đã góp tiền xây một nhà thờ kính thánh nhân. Sau hết, từ xưa, trong đền thờ cổ kính thánh Phêrô tại Rôma, vẫn có một bàn thờ kính riêng hai thánh Simon và Giuđa. Vậy phải chăng căn cứ theo những sử liệu trên mà trong cuốn “tử đạo” của dòng thánh Giêrônimô, người ta đã quyết hai thánh tông đồ tử đạo ngày 01 tháng 07, và kính lễ các ngài vào ngày 28.10.

Thánh Giuđa, mặc dầu được nhắc đến nhiều hơn trong Phúc âm, cũng không cho chúng ta biết rõ mấy về dòng tộc, cuộc đời rao giảng và cuộc tử đạo của ngài. Tuy nhiên, điều chắc chắn, ngài là một trong mười hai vị tông đồ, mang tên hiệu là Thađêô và đã được thánh Giêrônimô tặng khen là “Người có bản lĩnh”. Trong bữa tiệc ly, chính ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ ra cho thế gian?” (Ga 14,22); và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ai mến Thầy sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến họ, và chúng ta sẽ đến với họ và chúng ta sẽ ở lại nơi họ... (Gn 14,23).

Thánh Giuđa sung sướng vì là người đầu tiên được biết cách sống thân mật với Thiên Chúa cách hoàn hảo và thân tình hơn ông Giakêu. Hơn thế, theo Phúc âm (Mt 13,55; Mc 6,3), thánh Giuđa là người làng Nagiarét, con ông Clôpas và bà Maria, anh em với Chúa Giêsu, thánh Simon và thánh Giacôbê sau làm giám mục thành Giêrusalem. Về sau, ông Ôrigênê tìm được một bức thư nhỏ của thánh Giuđa; nhờ đó, người ta có thể đoán rằng thánh Giuđa cùng đi rao giảng Phúc âm với “Những anh em Chúa Giêsu” (x. 1Cr 9,5). Tuy nhiên không biết rõ ngài đi rao giảng những nơi nào!

Vì theo thánh Giêrônimô, thánh Giuđa giảng Tin mừng tại Osrosênê, và theo ông Nixêphôrê Callistô, ngài truyền bá Phúc âm tại Mêsôpôtamia. Đàng khác, thánh Paulinô Nola lại chủ trương thánh Giuđa là tông đồ xứ Libia. Riêng về cuộc tuẫn giáo của thánh Giuđa, hiện nay không có một sử liệu nào xác thực. Tuy nhiên cho đến bây giờ các sách “tử đạo La tinh” vẫn giữ ý kiến của thánh giám mục Phôtuna cho rằng xác thánh tông đồ đã được mai táng tại Ba tư.

 

Sau hết, để bổ khuyết vào những sử liệu trên, chúng ta cùng với tác giả Tillemont kết luận rằng: “Không gì chắc chắn hơn trong sự kiện này là thú nhận chúng ta không hiểu chi về những điều thực sự chúng ta không biết và hãy hãm dẹp tính tò mò, ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng đời sống mai ẩn của các vị đại thánh dạy chúng ta ăn ở khiêm nhường, ẩn dật, trước mặt nhân loại hầu được hiển sáng hơn trong vinh quang của Người.

5986    27-10-2017