Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Thánh Thêcla

THÁNH NỮ THÊCLA, ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO

Trong những thế kỷ đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, không một vị thánh nào, dù là các Tông đồ Chúa, đã được giáo hữu tôn sùng bằng thánh Thêcla đồng trinh tử đạo. Nhiều nhà thờ, nhiều thị xã và nhiều xứ đạo nhận thánh nữ làm bổn mạng. Đâu đâu người ta cũng biết đến tên thánh nữ. Chả thế, khi muốn ca ngợi nhân đức của ai, người ta hay nói: ông kia bà nọ là Thêcla hiện thân; và ai được sánh với Thêcla thì cả là một vinh dự.

Mặc dầu là một vị thánh thời danh, nhưng chúng ta lại biết rất ít về đời sống và cuộc tử đạo của thánh nữ. Người ta cho rằng thánh nữ có lẽ sinh ở Iconium, hiện nay là thị xã Koniale, ở về phía tây bắc núi Taurus, trên những cao nguyên của miền Tiểu Á.

Thánh nữ chào đời vào quãng năm 30. Cha mẹ thánh nữ đã lo giáo dục Thêcla thành người thiếu nữ đoan trang và đức độ. Theo thánh Mêthođô Olympô, thì Thêcla rất uyên thâm về văn chương và triết lý. Khi Thêcla khôn lớn, ông bà thân sinh muốn gả con cho một thanh niên tài đức, con nhà quý phái tên là Thamyris, nhưng thánh nữ nhất định từ chối, vì lòng đã ước nguyện sống trinh khiết.

Thiên Chúa hằng thương giúp những người đầy thiện chí, vì thế thánh nữ đã gặp được thời cơ thuận tiện để thực hiện lý tưởng cao đẹp. Quãng năm 45, thánh Phaolô và thánh Barnabê đã đến thành Antiôkia thuộc xứ Pisidi, một trung tâm quan trọng của những người Do thái di cư. Đang lúc việc truyền giáo có nhiều kết quả tốt đẹp, các ngài đã bị người Do thái trục xuất và buộc lòng dừng lại ở Iconium. Trong thời gian lưu lại ở thành phố nhỏ bé này, hai thánh tông đồ đã rửa tội cho một số khá đông người Hy lạp và Do thái. Các ngài được ơn Chúa, làm nhiều phép lạ làm chứng cho giáo thuyết chân thực của Chúa Kitô. Vì thế bọn tư tế và các thầy phù thủy nổi cơn ghen, xúi giục chính quyền và dân chúng đuổi các ngài ra khỏi lãnh thổ. Mặc dầu bị cấm đoán không được đi lại nhà dân chúng, hai thánh tông đồ cũng không ngần ngại lén lút đến thăm các giáo hữu thành Iconium nhiều lần. Nhờ đó, Thêcla có nhiều dịp nghe thánh Phaolô giảng.

Theo tác giả cuốn “Phaolô công vụ” thì, trong những lần trở lại thành Iconium, thánh Phaolô và thánh Barnaba thường trọ tại nhà ông Onêsiphôrô, một tín hữu rất sốt sắng, rồi chiều tối đến, các ngài tới nhà hội giảng Phúc âm cho các giáo hữu. Hôm đó nhờ ơn Thánh Linh, thánh Phaolô giảng một bài rất hùng hồn về đức trinh khiết của Kitô giáo. Những ý tưởng mới mẻ và thâm sâu này đã làm rung động tâm hồn Thêcla rất nhiều. Từ hôm ấy, Thêcla thường cùng với thân mẫu đến nhà ông Onêsiphôrô nghe thánh tông đồ giảng dạy. Thánh Gioan Kim khẩu còn kể: “Khi Thánh Phaolô bị người Do thái vu cáo, làm rối loạn trong thành, và ngài bị chính quyền bắt giam, Thêcla lo buồn đến quên ăn biếng ngủ, chỉ lẩn quẩn ở hội đường để rồi một hôm trốn nhà đến thăm thánh Phaolô. Nhưng đến nơi, lính canh ngăn cản không cho ngài vào.

Sau cùng thánh nữ phải cởi hoa tai và kiềng vàng đút lót cho quân cai ngục mới có thể vào tận nơi thăm thánh tông đồ. Lần này, theo lời dạy của thánh Phaolô và với ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Thêcla quyết sống đời trinh khiết. Quả đúng như lời thánh Gioan Kim khẩu nói: “Người nữ khôn ngoan của chúng ta đã hy sinh vàng bạc và những đồ trang sức bên ngoài để mua lấy những bảo vật tô điểm linh hồn, là những ân sủng thiêng liêng của đức tin và đức trinh khiết”.

Việc thánh nữ Thêcla trở lại công giáo và tuyển chọn đời sống trinh khiết đã làm cho nhiều người thân thuộc bỡ ngỡ. Riêng Thamyri, người thanh niên đã muốn chọn Thêcla làm bạn đường hết sức buồn rầu và quyết tâm cản trở. Chàng nghĩ rằng: có khuyên răn nói ngọt hay đe dọa cũng vô ích; phương thế hiệu nghiệm hơn cả là tố cáo thiếu nữ với chính quyền. Vì thế Thêcla bị tố cáo là người công giáo và mang tội thất ước về hôn nhân. Nhưng việc làm của Thamyri không làm cho lòng Thêcla phải lung lạc, mà lại thêm bền vững với lý tưởng hơn. Kết quả việc làm của anh chàng “thất tình” ấy là Thêcla phải ba lần ra toà, và sau cùng bị tuyên án xử thiêu. Nhưng Thiên Chúa bao giờ cũng vẫn dành phần thắng lợi cho tôi tớ trung tín của Người. Đứng giữa đống lửa bùng bùng bốc cháy, thánh nữ vẫn tươi cười hớn hở như được hưởng một nguồn vui vô tận. Ngọn lửa hung tàn không dám thiêu đốt thánh nữ, mà tự nhiên còn trổ ra những đóa hoa tươi muôn màu muôn sắc bao phủ lấy ngài. Đồng thời tự trời cao, một luồng sáng êm đẹp chiếu xuống như để khứng nhận lòng trinh bạch và đức tin anh hùng của thánh nữ. Trước phép lạ huy hoàng và nhãn tiền ấy, dân chúng sợ hãi bỏ chạy tán loạn.

Sau cuộc vinh thắng này, Thêcla được gặp lại thánh Phaolô, rồi tình nguyện đi theo giúp ngài trên những bước đường truyền giáo. Từ đây Thêcla phải chịu nhiều nỗi vất vả cay cực, nhiều gian lao nguy hiểm đến tính mạng vì chân lý Phúc âm. Lần kia tại Antiokia, thánh nữ bị một viên quan bách quân muốn dùng mưu sâu chước độc, dùng lời ve vãn để hãm hại. Nhưng với ý chí sắt đá và với ơn Chúa, thánh nữ đã quyết liều mạng sống để bảo vệ trinh tiết. Vì thế trong những trận giằng co giữa viên sĩ quan, thánh nữ đã xé tan chiếc áo khoác và bẻ nát những tấm huy chương danh dự của y. Vừa tức giận, vừa xấu hổ lại vừa sợ quân luật Rôma, viên sĩ quan bắt nộp Thêcla cho quan án với lá đơn tố cáo tội Thêcla là người công giáo lại cả dám phỉ nhổ thần minh. Kết quả là thánh nữ bị kết án đem ra hý trường làm mồi cho vật dữ và làm trò vui cho dân thành.

Khi dân chúng đã đứng chật hí trường, lý hình điệu Thêcla ra. Vì bị tra tấn quá nhiều, mình mẩy thánh nữ như bị rạn nứt. Sau khi đã trói chặt hai tay thánh nữ vào một cột sắt, lý hình thả ba con sư tử đói từ dưới hầm ra. Mọi người đều rởn tóc gáy nghĩ rằng thế nào Thêcla cũng bị chúng xé xác ngay lập tức… Nhưng Chúa khiến mọi sự việc xảy ra khác hẳn, Thêcla vẫn bình tĩnh hát vang lời ca vịnh: “Những người quyền thế bách hại con vô cớ, nhưng lời Chúa làm cho con kính sợ, con vui mừng nghe lời Chúa như đã tìm thấy một kho tàng lớn” (Tv 118, 161.162). Trong khi đó ba con sư tử trở nên nhu mì như ba con chiên ngoan ngoãn, nằm dưới chân thánh nữ và hướng mắt về phía khán giả như để bảo vệ “người trinh nữ khôn ngoan” của Thiên Chúa. Sự kiện lạ lùng này đồn đến tai quan thị trấn Antiôkia. Ông truyền lệnh cho dẫn thánh nữ đến và hỏi: “Ngươi là ai và ngươi mang bùa ngải gì trong mình mà thú dữ không dám động chạm đến?”. Thánh nữ trả lời: “Tôi là một nữ tì của Thiên Chúa, Đấng làm chủ cả vũ trụ. Trong tôi không có bùa ngải gì, nhưng chỉ có lòng tin Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là Đấng Cứu Tinh của nhân loại”. Nghe vậy, ông thị trấn không hỏi thêm một lời nào nữa, liền ký giấy trả tự do cho Thêcla và buộc ngài phải đi ra khỏi thành.

Theo lời dạy của thánh Phaolô, Thêcla trở về Iconium và tiếp tục giúp đỡ việc truyền giáo. Trong lúc này thánh nữ đã làm cho nhiều người trở lại.

Thánh nữ còn bôn ba nhiều nơi, lấy đời sống ẩn tu, đức trinh khiết và lòng bác ái làm chứng cho Phúc âm. Dầu không có tài liệu nào nói về cái chết của thánh nữ, ngay từ khi ngài còn sống, người ta vẫn kính tặng ngài danh hiệu “thánh tử đạo”.

 

 

3406    20-09-2017