Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Thánh tích quý giá của Thánh Pio 5 dấu

Thánh tích quý giá của Thánh Pio 5 dấu

Tổng cộng 6 thánh tích của một trong những vị thánh nổi tiếng thế kỷ 20 đang được đưa đến các nhà thờ và giáo xứ trên đất Mỹ, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ngài.

 

Vào năm 1947, giọng ca tenor vĩ đại của Ý, Beniamino Gigli, đã xuôi nam để gặp gỡ một linh mục dòng Phanxicô, người nổi tiếng với những phép lạ. Khi tiếp xúc, cha Piô đã nói với ngôi sao opera nổi tiếng hàng đầu trong thế hệ của mình rằng, họ của ông có nghĩa là “tinh khiết” theo tiếng Ý, không phù hợp với trái tim của ông này lúc đó. Vị linh mục khuyên ca sĩ Gigli hãy tôn trọng sự thiêng liêng của hôn nhân, và kể từ đó, hai người trở thành bạn thân. Khi qua đời vào năm 1968 và được tuyên thánh năm 2002, cha Piô xứ Pietrelcina đã trở thành một trong những vị thánh Công giáo được nhiều người biết đến trong thế kỷ 20.

Vào lúc sinh thời, vị thánh được nhiều người yêu mến được cho rằng có thể thực hiện các phép lạ như bay lên, chữa lành bệnh tật, đọc được suy nghĩ và phân thân ở hai địa điểm khác nhau. Kể từ khi ngài được Chúa gọi về vào năm 1968, nhiều ơn lành khác nhờ lời chuyển cầu của ngài đã được các tín hữu kể lại. Qua lời cầu nguyện, thánh Piô 5 dấu vẫn tiếp tục giúp hàn gắn những nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Và thông qua thánh tích, ngài có thể cùng lúc hiện diện ở nhiều nơi.

Khăn tay đẫm mồ hôi vài giờ trước khi chết

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cha thánh và 15 năm sau khi ngài được tuyên thánh, các tín hữu Mỹ vô cùng may mắn khi có thể tiếp cận được một số thánh tích cấp 1 của ngài. Thông thường, để được xem là thánh tích cấp 1, di vật để lại phải là một phần cơ thể của vị thánh (chẳng hạn xương cốt). Những thánh tích, được trưng bày tại nhiều thành phố Mỹ từ ngày 16.9 đến 1.10, bao gồm găng tay không ngón của ngài, những lớp mài từ dấu thánh, gạc bông dính vết máu, một lọn tóc, áo choàng và khăn tay sũng mồ hôi trước khi ngài tạ thế. Đây cũng là chặng hai của chương trình đưa thánh tích đến gần với tín hữu Mỹ trong năm đặc biệt này, với chặng đầu từ ngày 6 đến 21.5, nhờ vào sự tài trợ của Quỹ Thánh Piô, trụ sở tại New York.

Chào đời ở miền nam nước Ý vào năm 1887 với cái tên Francesco Forgione, ngài đã bày tỏ ước mơ muốn trở thành một linh mục khi mới 10 tuổi, và gia nhập dòng Phanxicô 5 năm sau đó, đổi tên là Piô. Ở tuổi 23, thầy Piô được phong chức linh mục, và sống cuộc đời bình dị, lặng lẽ, nếu không xảy ra những sự kiện bất ngờ sau đó. Vào ngày 20.9.1918, lúc 31 tuổi, trong lúc nghe tín hữu xưng tội, Padre Pio phát hiện bằng chứng đầu tiên cho thấy sự xuất hiện dấu thánh: những vết hằn trên cơ thể, đau đớn và chảy máu ở các vị trí tương tự vết thương chịu khổ hình của Chúa Giêsu. Hiện tượng này tiếp diễn suốt 50 năm, cho đến ngày ngài mất. Theo một số nhân chứng, máu chảy từ các vết thương tỏa mùi thơm giống hương hoa, và dù máu không ngừng chảy, chỗ vết thương không bao giờ bị nhiễm trùng.

Chạm vào chiếc găng tay không ngón

“Mọi người nói rằng ngài phải mất đến nửa lít máu mỗi ngày”, theo ông Luciano Lamonarca, Chủ tịch Quỹ Thánh Piô. Những vị thánh khác cũng từng mang dấu thánh trên người, như thánh Phanxicô (thế kỷ 13). Ông Lamonarca cho hay, bất chấp những vết nhục hình xuất hiện thường trực trên cơ thể cha thánh Piô, khi lìa thế, da của ngài không hề có vết thương nào, “như thể da của trẻ sơ sinh”. Trước những lời đồn ác ý cho rằng những vết thương trên do vị linh mục dùng axít carbolic tạo nên, trong đó có sử gia Sergio Luzzatto, ông Lamonarca đã bác bỏ bằng cách kể lại trải nghiệm của chính mình. Vào năm 2011, trong lúc đau buồn vì vợ sẩy thai, hai vợ chồng ông đã tiếp xúc với một chiếc khăn tay dính máu của cha thánh Piô. Họ ngửi thấy một mùi hoa hồng nồng nàn, thường xuất hiện ở các thánh tích, và òa khóc nức nở. Không lâu sau đó, ông Lamonarca và vợ đã có tin vui.

Chủ tịch Quỹ Thánh Piô, người cùng quê với vị thánh, cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa, và có lẽ cả thánh nhân, đã trao sứ mệnh cho mình. Trong khi những nhóm khác nỗ lực bảo tồn di sản của cha Piô bằng cách tiếp tục duy trì những bệnh viện và giáo xứ mà ngài đã xây dựng và làm cho nổi tiếng, ông Lamonarca muốn mang cha thánh đến đại đồng công chúng. “Tôi cảm thấy mình cần phải mang trải nghiệm riêng chia sẻ cho những người khác”, ông nói. “Mỗi tổ chức đều gắng sức quảng bá di sản của cha Piô..., trong khi việc đưa các thánh tích đến nhiều nơi trên đất Mỹ là điều chưa từng được thực hiện trước đó”.

LING LANG

8306    06-10-2017