Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Thánh Tôma Aquinô: Con Người Tri Thức & Thánh Thiện tt

4. Chân lý và Đức Ái

 

Các bậc thầy cũng thường dễ nổi nóng khi thấy tư tưởng của mình bị công kích. Còn Tô-ma luôn luôn bảo vệ tư tưởng của mình cách điềm tĩnh và với tính tự chủ tuyệt diệu. Ngài tự tin nơi chính mình. Tốt hơn cả hãy nghe ngài nói, lúc Tổng Hội của Dòng triệu ngài tới để bảo vệ ích lợi cho các tu sĩ khất thực, chống lại sự công kích mạnh mẽ và nguy hiểm của các vị giảng sư ở Paris, Tô-ma thưa : "Thưa anh em, anh em hãy tin tưởng nơi Chúa, Đấng đã thương gọi anh em đến phục vụ Người. Tôi đã đọc qua cuốn sách nhỏ gian xảo công kích chúng ta. Tôi thấy cuốn đó không dựa nhiều trên chân lý đức tin và cách kết cấu với những bản văn của các thánh, mà sách đó nại tới những gì không được vững chắc. Đáp lại sự châm biếm đó, sau khi cầu xin Chúa Thánh Linh, Đấng vạch trần mọi sai lầm và mạc khải những điều còn trong bí ẩn, tôi sẽ trả lời bằng một cuốn sách hợp với chân lý".

 

Nhưng Tô-ma đã không bảo vệ chính mình mà chỉ muốn bảo vệ chân lý. Một lần kia, trong một cuộc bảo vệ luận án, có người đã công khai chống lại ý tưởng của Tô-ma, ngài lại cứ nín thinh. Lúc bị anh em trách cứ, ngài trả lời : "Này anh em, tôi nghĩ nên bỏ qua cho vị tân giảng sư trong ngày nhận chức của ông; đừng làm bẽ mặt ông trước các vị tiến sĩ khác. Còn phần đạo lý của tôi, tôi không sợ một vị tiến sĩ nào phản bác, dù họ có nói đã được Thiên Chúa trợ giúp, dù họ dựa trên thế giá các thánh hay những nguyên lý chân thực nào".

 

Người ta có thể thắc mắc, phải chăng đời sống trí thức có thể lấn át việc thực thi lòng bác ái ? Nhưng đời sống trí thức nơi Tô-ma là gì nếu không phải là mang hết tâm trí và sức lực để phục vụ người khác. Ngay bộ Tổng Luận Thần Học, với Tô-ma, công trình đó cũng là do thúc bách của một lòng bác ái trí thức, mong muốn giúp anh em sinh viên đang loay hoay với vô vàn các vấn đề, với các cuộc tranh luận rắc rối. Tô-ma không thích tìm vinh danh cho mình, mà nhằm để giúp ích cho người khác. Tô-ma đã chết vì công việc, chết đang khi làm việc như chính Tổ phụ Đa Minh của ngài. Tô-ma yêu thích việc giảng thuyết, ngay cả cho những người dân thường đơn sơ, và ngài chỉ có thể làm việc đó ở Neapoli, vì Tô-ma không hề học một ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ và, dĩ nhiên, tiếng la tinh. Việc nghiên cứu và giảng dạy như thế cũng là một công việc của đời sống bác ái chứ ! Đàng khác, người ta cũng nhấn mạnh rằỉng Tô-ma đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp người nghèo.

 

5. Chân lý là chính Thiên Chúa

 

Tuy nhiên, điều khiến những người chung quanh ngài ngạc nhiên hơn cả chính là tinh thần cầu nguyện của Tô-ma, cầu nguyện nối kết với đời sống trí thức. Luôn luôn, khi phải nghiên cứu hay tham gia một cuộc tranh luận nào; khi phải dạy dỗ, viết lách hay đọc bài, ngài đều bắt đầu bằng cách tìm nơi kín đáo để cầu nguyện, cầu nguyện trong nước mắt, cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho vấn đề của mình. Khi gặp một vấn đề càng khó khăn, càng có nhiều nghi vấn, thì chính lúc cầu nguyện, ngài lại càng thấy sáng suốt hơn, tìm ra giải pháp một cách lạ lùng. Người ta kể rằng, một lần kia, khi gặp một khúc mắc khó khăn về Bí Tích Thánh Thể, ngài đã viết ra giải đáp của mình, đặt trên bàn thờ, rồi cầu nguyện : "lạy Chúa Giê-su, Đấng thực sự hiện diện trong bí tích kỳ diệu này, Ngài là Đấng Tạo Hóa, Ngài đã dựng nên mọi vật cách lạ lùng, con khẩn nài xin Chúa giúp con hiểu được Ngài trong vấn đề con đang tìm kiếm; để giảng dạy đạo lý của Ngài theo đúng chân lý; (...) nếu điều con viết về Ngài là chân thật, thì xin Ngài cho con nói, trình bày cách sáng sủa. Nhưng nếu con đã viết điều gì không hợp với Đức Tin và lạc xa mầu nhiệm trong bí tích này, thì xin Ngài đừng để sách vở của con trình bày những điều sai lạc với Đức Tin Công Giáo".

 

Nếu như Tô-ma đã dám nói mình nhận học được từ việc cầu nguyện nhiều hơn do học hỏi, thì chính là vì ngài đã cầu nguyện về những gì mình nghiên cứu; và sau đó, lại đem tất cả sức mạnh của trí tuệ vào hoạt động; ngài biết rằng sức mạnh đó không hoạt động được do chính nó, nhưng do ân sủng của Chúa đã dẫn dắt .

 

Nơi Tô-ma, chúng ta thấy rõ mối tương quan mật thiết giữa đời sống cầu nguyện và đời sống trí thức. Chúng ta tìm thấy sự thánh thiện của ngài trong cách thức thực thi đời sống trí thức. Tuy nhiên, tất cả những nhân đức nhận thấy nơi Tô-ma thì người ta cũng có thể nhận thấy ở chỗ khác và nơi những người khác. Nét đặc biệt của Tô-ma chính là đã nên thánh ngay trong chính việc sử dụng lý trí và trong đời sống trí thức. Thật không thể sống các nhân đức như thế trong đời sống trí thức mà không có một tình yêu lớn. Chẳng hạn, trong bộ Tổng Luận Thần Học, có vô số những luận đề mà người ta có thể so sánh với những lỗ tổ ong mà ô nào cũng đầy mật ngọt; trong số đó, có nhiều luận đề không còn ích lợi gì cho người ngày nay, nhưng không hề có luận đề nào không được chú tâm đặc biệt và được bàn luận với những lý chứng hay nhất, bằng cách viết chính xác nhất. Điều đó cho thấy, Tô-ma không chỉ có một trí thông minh sáng suốt, nhưng hơn nữa, ngài đặt hết tâm lực vào công việc, và đó là thái độ của một người không có đam mê nào khác hơn đam mê chân lý. Tính chất khách quan của chúng trước đối tượng đã làm cho ngài như hoàn toàn xóa mình đi và chỉ có nỗ lực duy nhất muốn giải thích cho người khác hiểu, làm cho người ta nhận ra được chính vấn đề. Như thế chẳng phải là một sự quên mình tuyệt vời sao ?

 

Lòng can đảm và tâm hồn lớn của Tô-ma biểu lộ rõ trong cuộc đối thoại với Aristote; đồng thời, qua Aristote ngài muốn đối thoại với cả lý trí của nhân loại. Lòng can đảm đó, thực tế, chẳng là gì khác hơn niềm tin tưởng hết lòng vào Chúa, cậy dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Lòng can đảm và khiêm tốn đó đồng thời cũng biểu lộ trong thái độ cương quyết gắn bó với truyền thống mà không hy sinh sự thật. Thiết tưởng phải là một vị thánh mới có thể dung hợp được thái độ của một nhà canh tân đồng thời cũng là người tuân theo truyền thống. Người ta cho rằng ngài đã chiếm hữu được chân lý. Điều đó chắc làm ngài ngạc nhiên. Tô-ma không hề dám nghĩ mình chiếm hữu chân lý; ngược lại, theo ngài, một tư tưởng chân thực dù thô thiển nhất cũng là sự tham dự khiêm tốn vào chân lý là Thiên Chúa, một chân lý tràn ngập chung quanh ta. Quả thật, Tô-ma tỏ ra chắc chắn về điều mình tin, điều đã được thấy; ngài khẳng định hay chối điều gì một cách xác tín; nhưng Tô-ma lại cũng quan tâm nhiều đến những điều còn nghi ngờ, ngài hết mình tìm kiếm nền tảng cho những điều không hiển nhiên hoặc không có sự bảo đảm của Đức Tin. Nhất là Tô-ma luôn ý thức rằng một tư tưởng phàm nhân, dù rất đúng đắn, cũng không thể so sánh được với thực tại Thần linh. Không bao giờ Tô-ma mang thái độ chiếm hữu chân lý, không bao giờ ngài coi chân lý, coi những lý lẽ bàn luận như là sản phẩm riêng của trí tuệ mình.

 

Trước khi Tô-ma qua đời, ngài được ơn chiêm niệm thiên phú và những điều ngài kinh nghiệm được là những điều không thể diễn tả, vì thế ngài không thể viết được gì hơn lời tuyên xưng : "So với những gì đã thấy, thì mọi điều tôi viết ra, đối với tôi, chỉ giống như rơm rác". Thực ra, không cần chờ đến kinh nghiệm này Tô-ma mới nhận ra sự nhỏ nhoi của suy tư nhân loại. Trong mọi tác phẩm của Tô-ma, người ta đều thấy tinh thần khiêm tốn trước thực tại; ngài luôn cảm thấy rằng những gì giống với ánh sáng và quyền năng thì đều phát xuất từ Thiên Chúa. Sự khiêm tốn đó xuất phát từ sự thật về tương quan thụ tạo với Tạo Hóa. và nhất là dựa trên xác tín của niềm tin về Thiên Chúa như nguồn mạch mọi thiện hảo và mọi sự cao cả.

 

Ngài khát khao Chân Lý, vâng, nhưng đó là thứ Chân Lý như suối nguồn của mọi chân lý, Chân Lý tuyệt diệu, là chính Thiên Chúa. Khi còn trẻ, ngài đã từng hỏi cha tu viện trưởng Monte Cassino : "Thưa cha, Thiên Chúa là gì ?". Suốt cuộc đời, đó vẫn là vấn đề độc nhất của tâm hồn Tô-ma; ngài chỉ quan tâm đến những gì liên quan tới Thiên Chúa. Nhưng đó cũng là lưu tâm đến tất cả mọi sự dưới cái nhìn của Đức Tin, nhìn tất cả tạo thành trong ánh sáng của Thiên Chúa; Thiên Chúa như cùng đích và ý nghĩa của mọi hành động cũng như cuộc sống con người; Thiên Chúa như Đấng Nhập Thể và Cứu Độ trong Đức Giê-su Ki-tô; và Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, Đấng hằng sống trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta.

 

Người ta có thể nghĩ rằng ngài đã không bộc lộ tâm hồn của mình cho chúng ta. Điều đó đúng; nhưng chúng ta cũng thấy, hơn một lần, ngài nói với chúng ta về ý nghĩa cuộc đời của mình; dĩ nhiên ngài không trực tiếp nói điều đó, nhưng mỗi lần ngài nói về đời sống chiêm niệm, chúng ta hiểu được ngài đã sống, và đã diễín tả lại kinh nghiệm đó. Theo Tô-ma, chúng ta chiêm niệm bằng tình yêu, không phải là tình yêu với chính việc chiêm niệm nhưng là tình yêu với Đấng mình chiêm niệm. Chúng ta hãy đọc những câu văn của một con người đã chẳng "trực tiếp bộc lộ tâm hồn mình" như thế nào :

 

"chiêm ngưỡng là điều vui thú, nhưng nhất là chiêm ngưỡng người mình yêu" ;

 

"Tình yêu của anh ở đâu, con mắt của anh ở đó";

 

"Người yêu mến Chúa bừng cháy khát khao chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ngài";

 

"Nơi những người mà tình yêu Thiên Chúa bao trùm thì nhận thức - vốn là nguồn phát sinh tình yêu - có được trọn vẹn sức mạnh của nó, vì đối tượng nhận thức đó chính là lòng nhân lành của Thiên Chúa, xét như cùng đích của chúng ta và tuôn đỗ các thiện hảo của Người vào trong chúng ta. Một nhận thức như thế về Thiên Chúa không thể có nơi những người không yêu mến Người";

 

"Người yêu không hài lòng với những hiểu biết hời hợt bên ngoài nhưng muốn đi sâu vào sự thân mật với người mình yêu".

 

Nhà trí thức Tô-ma còn viết : "Ở trần gian này, không phải trí tuệ nhưng chính tình yêu làm cho hoàn hảo và thánh hóa, vì tình yêu nối kết với Thiên Chúa. Nhưng trí tuệ, trong ánh sáng Đức Tin, tỏ cho chúng ta biết phía bên kia của toàn thể chân lý, Đấng ta yêu mến".

 

Tại sao lại muốn yêu để hiểu biết hơn ? Hay muốn biết để yêu nhiều hơn ? Nhận thức làm phát sinh tình yêu, và tình yêu lại làm phát sinh nhận thức, làm cho nhận thức nên cụ thể hơn, đó chính là đời sống chiêm niệm của thánh Tô-ma. Tư tưởng của ngài diễn tả chính những gì ngài đã cảm nghiệm. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy một đời sống chiêm niệm như thế, thay vì tự mãn, ẩn kín với hồng ân của mình, lại làm phát sinh một sức hoạt động tông đổ, thúc đẩy truyền đạt, rao giảng. Thánh nhân còn nói : "Soi chiếu thì hoàn hảo hơn chỉ bừng sáng". Lời nói phát xuất từ đời sống chiêm niệm sẽ không làm giảm bớt đi nhưng chỉ gia tăng tình yêu nơi mình và thêm ân sủng cho người khác. Bởi đó, khẩu hiệu "contemplari et contemplata aliis tradere" -chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm, lại cũng trở thành khẩu hiệu của Dòng Anh Em Thuyết Giáo, khẩu hiệu đó, Tô-ma đã sống cách gương mẫu.

 

Tôi vẫn thắc mắc tại sao Tô-ma lại vào dòng Anh Em Thuyết Giáo. Ở tuổi 20, thường chúng ta không biết bản năng sẽ dẫn mình đi đâu. Nhưng nơi Tô-ma, ân sủng Thiên Chúa hướng dẫn ngài và ngài đã sống sung mãn ơn gọi của mình trong đoàn sủng Thuyết Giáo. Có lẽ mãi về sau Tô-ma mới hiểu được rõ ràng điều đó: ngài đã vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo để gặp được Thiên Chúa và để có thể "trao" Thiên Chúa cho người khác, bằng kiến thức và lời rao giảng.

 

Chúng ta sẽ không thể hiểu được đời sống trí thức của Tô-ma nếu quên rằng chính Đức Tin đã thấm nhuần hoàn toàn con người đó. Tình yêu thúc đẩy việc tìm hiểu lòng Tin. Thật vậy, Tô-ma đã nỗ lực tìm hiểu niềm Tin của mình bằng tất cả năng lực của suy tư nhân loại cùng mọi đức tính của lý trí; nhưng trước khi trở thành một hiểu biết, niềm tin đã là một sự gắn bó, một sự chấp nhận. Chúng ta có thể nói rằng Thánh Tô-ma đã giữ được niềm tin trẻ thơ của mình ngay giữa những suy lý thần học cao siêu nhất. Trong một bài giảng nổi tiếng, ngài đã nói : "Một bà lão tin thì biết nhiều hơn Aristote và Platon". Chính ngài cũng biết nhiều nhờ lòng tin hơn là nhờ trí thức. Trên giường bệnh, trước Thánh Thể mà vị linh mục trao cho ngài, Tô-ma đã đặt toàn bộ học thuyết của mình để Giáo Hội xét định, và ngài tin tất cả những gì vị linh mục khiêm tốn này đã nói về mầu nhiệm mà chính ngài đã viết biết bao điều. Ngài còn nói :

 

"Ở trần gian này, nếu lòng Mến lớn hơn niềm Tin chính là do lòng Mến được niềm Tin chiếu sáng. Và nếu chúng ta có một ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa, thì đó không phải là vị Thiên Chúa thực sự được yêu; hơn nữa, đó cũng không phải là tình yêu đích thực. Đức Tin cũng được coi như giai đoạn đầu của hưởng kiến. Khát vọng hưởng kiến Thiên Chúa là tiếng thét gào sâu thẳm nhất của tình yêu. Thực vậy, tình yêu thúc đẩy tâm hồn tìm biết những gì mình tin, như thế để càng yêu mến hơn; sau cùng là khát vọng hưởng kiến".

 

Ở điểm này, thánh Tô-ma có cùng quan điểm với thánh Gio-an Thánh Giá, vị này viết "Hãy gạt bỏ tấm khăn ngăn cản cuộc gặp gỡ kỳ diệu này". Niềm hy vọng hưởng kiến Thiên Chúa trải dài suốt bộ Tổng Luận Thần Học. Khi Đấng bị đóng đinh mà ngài vẫn từng cầu nguyên nói với ngài : "Tô-ma, con đã viết thật hay về Cha, con muốn phần thưởng gì ?"; thánh nhân trả lời : "Chỉ mình Ngài, Lạy Chúa".

 

Kết : Một ơn gọi nên thánh trong đời sống trí thức

 

Tôi đã nói rằng Tô-ma muốn tự xóa mình đi trước đối tượng và không để lộ ra những tình cảm của tâm hồn mình. Tuy nhiên, những ai học hỏi ngài đều có cảm nhận về một sự hiện diện cá vị mãnh liệt. Cảm nhận đó thật khó mà phân tích. Thực vậy, ngài có lối hành văn riêng, có phương pháp suy tư riêng, có những ý tưởng riêng, nhưng ngài còn có cái gì khác hơn nữa, nơi Tô-ma đó là một sự hiến dâng trọn vẹn bản thân cho công việc của sự khôn ngoan.

 

Đơn sơ vốn tính chất là của những tâm hồn không quay lại với chính mình, của những tâm trí được hưởng kiến mà vẫn đơn sơ như niềm tin của đứa trẻ nơi Tô-ma; cả con người của ngài hiện diện trong các tác phẩm có vẻ như "khô khan" đó; đó là một sự trong suốt của tâm trí đối với chân lý .

 

Quả vậy, ta thấy được một sự trong suốt, hơn nữa, đó là sự thuần khiết. Chúng ta có thể tìm thấy tính chất trong suốt đó nơi một vài nhà thông thái và tư tưởng gia, nhưng nơi Tô-ma, dường như có một điều gì mang tính cách Tin Mừng. Nói đến Tô-ma, chúng ta không thể không nghĩ đến câu : "phúc cho những tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được xem thấy Thiên Chúa".

 

Chúng ta được ở dưới sự bảo trợ của một bậc thầy, đồng thời như một người bạn vĩ đại.

Sách tham khảo :

 

* J.P.Torrell,OP, Initiation à St.Thomas d'Aquin, Éd.Universitaires Fribourg Suisse, Éd. du Cerf, Paris, 1993

 

* O.H.Pesch, Thomas d'Aquin, Éd. du Cerf, Paris, 1994

 

* M.J.Congar, Article Théologie, dans le Dictionnaire de théologie, t.XV, col.378-392, 447-502.

 

* Initiation théologique, 4 volumes, selon le dispositif de la Somme théologique, Paris, Éd.du Cerf, 1950-1954

 

* A.D.Sertillanges, St.Thomas d'Aquin, Paris, 1910; La philosophie morale de St.Thomas d'Aquin, P.U.F. Paris, 1922

2691    28-01-2019