Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Thầy đây mà ! Sợ gì !

 

 

Vừa rồi như một mối duyên,  con tham dự thánh lễ giỗ, kỷ niệm lần thứ 70 ngày mất của cha Philipphê Phan Văn Tuyền.

 Cuộc đời của ngài rất là tuyệt vời! Nếu chúng ta chịu khó để ý, chúng ta ngâm cứu một tí. Ngài sinh năm 1913, tại họ đạo Cái Mơn, là một cái nôi của Giáo Hội miền Tây. Cái Mơn đã sinh ra thánh Minh, ngài sinh năm 1815, và bị tử đạo năm 1853, và cha Philipphê Phan Văn Tuyền cũng thuộc họ hàng của thánh Philipphê Phan Văn Minh . Ba mẹ của ngài là ông cố Matthêu Trị và bà cố Anna Quốc. Cả hai dòng họ ông bà nội ngoại  đều được cho là những người đạo đức. Ông bà cố sinh ra được tám người con:  4 trai và 4 gái . Và cha Philipphê Tuyền là người con thứ ba. Từ nhỏ lớn lên thì cha Tuyền học ở họ Đạo Cái Mơn ở dưới thời cha Isidoro Đượm.

 Ngài 13 tuổi thì được Đức Tân Giám Mục gọi vào chủng viện Sài Gòn rồi sau 14 năm học ở tiểu chủng viện Sài Gòn và đại chủng viện Sài Gòn thì thầy Philipphê Tuyền được thụ phong linh mục vào mùa thu và chính xác là ngày 21 tháng 9 năm 1940 tại Sài Gòn.  Với bài sai thì cha Tuyền trở về với giáo phận Vĩnh Long phục vụ, dĩ nhiên  cha Tuyền thuộc họ đào Cái Mơn thuộc giáo phận Vĩnh Long.  Giáo phận Vĩnh Long thì được thành lập năm 1938 với Giám Mục tiên khởi là Đức Cha Ngô Đình Thục.

 Với bài sai đầu đời của linh mục, Cha Philipphê Tuyền được chỉ định làm Cha Phó họ Giồng Miễu (Thạnh Phú) từ năm 1940 đến năm 1944. Với nhiệt huyết đầu đời linh mục , ngài hoạt động rất là mạnh. Và vâng lời bề trên cha Tuyền được gọi về  họ Giồng Giá thuộc quận Ba Tri . 

Những năm ấy chiến tranh rất khốc liệt. Giồng Giá là vùng hoạt động của Việt Minh. Rồi thỉnh thoảng lính Tây đến oanh tạc và dân chúng chết rất là nhiều . Sống trong bầu khí âu lo và sợ hãi. và đến năm 1946  thì cuộc chiến càng leo thang. Dĩ nhiên con người, ai cũng ham sống sợ chết . Thì cha Tuyền xin phép về gia đình nghỉ thôi. Chuyện đó bình thường, sợ chết mà ! Nhưng chỉ được vài tháng, vì vâng lời Đức cha , cha Tuyền đã trở lại Giồng Giá  để sống và lo cho giáo dân Giồng Giá  từ mùa Phục Sinh năm 1947. Lo cho dân với cái lòng mục tử, ngài lo cho dân cho người nghèo,  lo cho giáo dân đi xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh năm 1947. Những người ghét đạo vu cáo cho Cha nào là theo Tây, nào là cha theo Tây, nào là đủ thứ hết.

Và sau đó một đêm tối đẹp trời tháng 7 năm 1947, người ta đi tới và người ta lừa đảo và người ta gõ cửa gọi: "Tây tới, Cha mở cửa đi, để con dắt Cha đi trốn". Và rồi sau đó cha đã là đi và ra đi lần cuối cùng trong cuộc đời, không ai còn gặp ngài nữa . Và xét cho cùng, ngài tử đạo. Bởi vì người ta đã đánh ngài và chôn ngài và mất xác luôn. Đến hai năm sau, sau một giấc mơ người giáo dân tìm đến và đi bốc mộ ngài đưa ngài về Đài Đức Mẹ ở Giồng Giá cho đến bây giờ.

Sở dĩ mà, con nhớ đến cuộc đời của cha  Philiphê Phan Văn Tuyền bởi vì thấy nơi ngài có một cái gương sáng không chỉ đạo đức mà là can đảm để dấn thân. Thay vì đi tìm  cái sự an thân ở gia đình, sống ở gia đình, thì ngài lại trở về mục vụ cho họ đạo Giồng Giá và cuối cùng phải nói rằng ngài được diễm phúc tử đạo.

Một mục tử đã dám hy sinh, dám lên đường, đối diện với những đau khổ để lo cho giáo dân và cuối cùng đã chết. Chúng ta thấy, hình ảnh đó là một hình ảnh rất đẹp nơi người mục tử. Người mục tử, người môn đệ của Đức Kitô, là những người như thế ! Là những người không đi tìm cho mình sự an thân, không đi tìm cho mình vinh quang, không đi tìm cho mình sự an nhàn. Chúng ta thấy nơi cuộc đời của các môn đệ, nó phảng phất cái đi tìm vinh quang. Khi mà, chúng ta nhớ khi Chúa Giêsu làm cái phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dân tôn Chúa Giêsu đi làm Vua thì các môn đệ có vẻ cũng thích lắm ! Bởi vì bà mẹ của ông Giacôbê và Gioan đi tới nói với Chúa Giêsu: - Khi mà về Nước của Ngài thì xin nhớ đến hai thằng con của con .

Bởi vì trong cái ánh mắt của cuộc đời, trong cái ánh mắt của con người, khi mà Chúa Giêsu lên làm Vua thì ít ra các môn đệ cũng sẽ được làm quan!  bởi vì ít ra như người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ chẳng lẽ mình đi theo Chúa mà Chúa làm lớn mà mình không được hưởng. Thế nên rồi, dẫu rằng đi theo Chúa đó, các môn đệ không hiểu được cái cuộc đời và cái hành trình đi theo Chúa như thế nào và các môn đệ có lẽ sau khi Chúa Giêsu chết và Phục Sinh, các môn đệ mới hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời Chúa Giêsu.

Ngày hôm nay chúng ta thấy, trang Tin Mừng rất ngắn, thánh Mátthêu thuật lại gì?  Sau khi mà cho dân ăn no thì Chúa Giêsu lại giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước. Và Chúa Giêsu giải tán họ bởi vì Chúa Giêsu không muốn họ tôn mình làm vua. Bởi vì biết được ý định của dân chúng, và rồi Chúa Giêsu lên núi một mình và Ngài cầu nguyện ở đó. Và Chúa Giêsu biết rằng, Chúa Giêsu biết chắc chắn,  bởi vì ít nhiều gì cũng sống với dân chài lưới và biết được sóng gió mà giữa đêm đen sẽ rất là nguy hiểm phong ba, bão táp đến. Nhưng mà Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đi xuống thuyền và với cái hành động mà đẩy các môn đệ đi xuống thuyền, ta cảm thấy nếu dưới cái nhìn,  ánh mắt của người đời, ta xem ra nó có cái gì đó hơi ác . Bởi vì Chúa Giêsu không muốn các môn đệ đi tìm vinh quang. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ đi theo Chúa chỉ vì vinh quang bề ngoài. Và rồi với cái hình ảnh Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đi ra biển khơi, giữa đêm tối đầy hiểm nguy đó ! Chúng ta lại có dịp để nhìn lại đời sống đức tin của chúng ta.

Đời sống đức tin của chúng ta: chúng ta được hiểu, chúng ta được biết, chúng ta được thấy, và trong cái quan niệm bình dân. Hình như, mỗi người chúng ta quan niệm Chúa Giêsu như một Đấng lấp đầy chỗ trống trong cuộc đời của chúng ta. Chúa Giêsu lấp đầy cái thiếu vắng và yếu đuối của con người về lý luận cũng như về trong thực tế của cuộc đời.

Khi mà đối diện với những sự ác,  những cái hiện tượng thiên nhiên mà mình không lý giải được thì đa số người ta cứ bảo là Chúa. Và người ta lắp đầy cái  sự hiểu biết của con người, cái giới hạn của con người, bằng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nhưng mà rồi ngày hôm nay, chúng ta thấy khoa học phát triển. Tất cả cái hiện tượng  bão tố đó, thì dường như Thiên Chúa không còn chỗ đứng nữa. Bởi vì khoa học đã phát triển, và họ đã tìm ra những nguyên nhân bão tố, sấm sét, lũ lụt và hình như người ta không có nghĩ đến Thiên Chúa nữa và Thiên Chúa không còn hiện diện trong cuộc đời này.

Và cuộc sống của chúng ta cũng vậy! Nhiều khi chúng ta thấy buồn cười lắm! Vui thì chẳng bao giờ chúng ta nhớ đến Chúa. Nhưng mà khi đau khổ chúng ta lại biết tìm đến với Chúa và cầu cứu. Và đứng trước mặt Chúa, chúng ta lại cảm giác giống như là, Chúa là Đấng an ủi cuộc đời của chúng ta. Còn  khi chúng ta đầy đủ thì chúng ta dễ quên.

Thực sự thì, Chúa Giêsu của chúng ta không phải như thế đâu. Đức tin của chúng ta, chúng ta phải có một cái nhìn sâu hơn, cao hơn,  rộng hơn.

Chính Thiên Chúa đã gửi Người Con duy nhất của mình xuống trong trần gian này. Lẽ ra, Người Con duy nhất đó, sống trong cái hạnh phúc ngàn đời, nhưng rồi lại quăng Người Con duy nhất ấy vào trong dòng đời và trong lòng đời, với biết bao nhiêu là gian trá. Chúa Giêsu trong cái vinh quang của Ngài, đã đi xuống trên trần đời và sống giữa thế gian. Thế gian chứ không phải là thế ngay và rồi người ta đã tìm mọi cách để giết Người Con Chí Ái  của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa Cha đã ném Chúa Giêsu vào trong cuộc đời này. Vào cái cuộc đời đầy sóng gió và bi đát nhất là người ta đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.  Người ta đã không nhân nhượng Người Con duy nhất của Thiên Chúa Cha và rồi chúng ta thấy Thiên Chúa đã không giữ gìn Người Con của mình. Thiên Chúa đã quẳng Người Con vào trong thế gian để cho Người Con đó nếm nhục, nuốt sầu.

 Và sau các phép lạ gọi là vinh quang, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ tìm đến và hưởng cái vinh quang như các ông nghĩ. Mà Chúa Giêsu lại yêu cầu đưa các ông đi qua biển, giữa cái sóng gió của cuộc đời.

 Thiên Chúa của chúng ta là như thế đấy. Thiên Chúa không phải là nơi để mà an ủi,  để mà lấp đầy cái chỗ trống như chúng ta nghĩ . Hay là, Chúa là  cái nguồn mà gọi là nơi đau khổ do chúng ta gây ra, chúng ta lại đến để chúng ta lấp đầy.

 Chúng ta nhìn thấy, cái sự lựa chọn của cha Philipphê Phan Văn Tuyền. Là một linh mục, nếu như   ở trong gia đình thời chiến tranh ngài cứ ở gia đình thì chắc chắn sẽ thoát được cái cơn nguy biến . Nhưng rồi ngài để cho giáo dân bơ vơ.  Ngài ở gia đình thì ngài được đầy đủ sự cung phụng, chăm sóc của ông bà cố  cũng như gia đình. Bởi vì gia đình mà có một người con làm cha, ai ai cũng thương cả! Không ai muốn con mình phải đi vào những cái nơi khó khăn. Những gia đình nào có các con của mình đi vào những nơi truyền giáo thì sẽ có cảm nghiệm như thế. Ông bà cố đau buồn bởi vì, con của mình phải đi đến những cái nơi mà khó khăn vật chất, khó khăn về tất cả . Nhưng rồi,  lựa chọn của Cha Philipphê Tuyền đã không tìm được nơi bình an mà cha Tuyền đã chấp nhận để trở về với họ đạo, để chấp nhận trả giá với cuộc đời của mình.  Và  chúng ta thấy cha đã quyết định trở về với giáo xứ của mình.  Cha Philipphê Tuyền khởi đi từ lòng tin . Tin vào Thiên Chúa đã yêu thương chọn lựa  ngài trở thành Mục Tử. Và Thiên Chúa đã mời gọi cha Tuyền sống đời linh mục.

Và đức tin của chúng ta cũng vậy. Chúng ta được mời gọi không sống trong cái  sự an nhàn thư thái nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta chống lại sự dữ.  Như Chúa Giêsu mời gọi Phêrô đi trên mặt biển và trong Kinh Thánh chúng ta thấy : Biển là nơi của ma quỷ,  phong ba bão táp của sự dữ. Và chúng ta thấy chọn lựa của cha Philipphê Tuyền cũng là chọn lựa của các ngôn sứ .

Dừng lại một chút ở bài đọc mà chúng ta vừa nghe,  kể về ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ Êlia có quyền và tự do đi theo dân chúng để thờ thần Ba-an, để chọn cuộc sống yên ổn, chọn một cuộc sống an nhàn. Thế nhưng rồi Êlia,  đã chọn cái thái độ chống lại sự dữ chống lại sự ác, chiến đấu, sự chính nghĩa của Thiên Chúa và rồi , Êlia đã chấp nhận đổ máu đào . Chọn lựa của cha Philipphê Tuyền, chọn lựa của Êlia, chọn lựa của nhiều ngôn sứ cũng chính là chọn lựa   và mời gọi  cũng như như tra vấn đời sống đức tin của chúng ta . Chúng ta không có nhìn và chúng ta không quan niệm đời sống đức tin của chúng ta như một Thiên Chúa để lấp đầy những thiếu sót, thiếu vắng, thiếu hụt của chúng ta nhưng đức tin mời gọi chúng ta dần thân  đi trên mặt biển gặp những phong ba bão táp của cuộc đời.  Đức tin mời gọi chúng ta dấn thân như cha Philipphê Tuyền .Đức tin mời gọi chúng ta dấn thân như các ngôn sứ, như các thánh tử đạo, sống chiến đấu với cái ác trong xã hội và ngay cả trong tâm hồn chúng ta, chứ không phải đi tìm nơi nương náu sự bình an.

Với phép lạ hóa bánh ra nhiều chúng ta thấy, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cùng hành động bằng sự đóng góp 5 cái bánh và 2 con cá. Nếu chúng ta không dám hiến dâng. Nếu chúng ta không dám hành động. Nếu chúng ta không đi đến trên mặt biển đầy sự ác, thì cuộc đời của chúng ta vô nghĩa. Chúng ta đi ra ngoài biển, chúng ta đón nhận sự ác. Chúng ta sống giữa sự dữ này, giữa cuộc đời  đầy bon chen này, đầy tranh chấp đầy hận thù này. Không phải  vì chúng ta mạnh, không phải vì chúng ta giỏi, không phải vì chúng ta tài, không phải vì chúng ta thánh, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa ở cùng chúng ta.

Điều  mà sợ nhất là đức tin của chúng ta ra nên chai đá.  Mà điều sợ nhất, là chúng ta thiếu đức tin. Như Phêrô một con người yếu đuối, Phêrô cũng sẵn sàng bước chân xuống thuyền để đi. Và cái cảm nhận của Phêrô, chúng ta thấy cũng như chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm thấy đức tin chúng ta mãnh liệt. Chúng ta bước đi, cuộc đời chúng ta huyên hoan, bởi vì chúng ta làm được điều này, điều kia. Và chúng ta tưởng chừng đức tin của chúng ta lớn lắm. Thế nhưng rồi, khi bước ra với cuộc đời đời này, với tất cả những cái khó khăn, những cái thử thách, chúng ta được mời gọi sống cho Tin Mừng. Vừa thấy những cái khó khăn đó tới ! Đôi khi chúng ta cảm thấy sợ, đôi khi chúng ta cảm thấy hoảng,  bởi vì đức tin của chúng ta yếu kém.

Kính thưa anh chị em và các bạn ngày hôm nay trong tâm tình chia sẻ anh chị em và các bạn có thể nói rằng: những lời này cảm thấy sao nó hung hăng quá, dữ tợn quá ! Nhưng xin thưa rằng, nó rất là chân tình và chân thành.

Nếu trong đời sống đức tin của chúng ta chúng ta thường quan niệm Thiên Chúa như một Đấng chúng ta đến, chúng ta trút vào tất cả những cái buồn phiền của chúng ta. Một đức tin để chúng ta đến đó, chúng ta khóc lóc, chúng ta thân thưa với Chúa nhưng mà chúng ta quên rằng : Lời Chúa hôm nay, mà đức tin mời gọi: chúng ta thúc đẩy, chúng ta vào cuộc đời với những khó khăn, với những thử thách của nó. Đức tin mời gọi chúng ta chế ngự nó .

Ước gì mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ không chỉ chúng ta được gặp gỡ, được nâng đỡ của Chúa mà chúng ta đón nhận sức mạnh đức tin đó!  Sau khi thánh lễ đã hết, khi chúng ta ra về , để chúng ta cùng cộng tác với Chúa xây dựng một cuộc đời đẹp hơn khởi đi từ lòng tin.

 

Và với tất cả niềm tin, tôi mời anh chị em cùng đứng lên để tuyên xưng niềm tin ấy, trong Đức Giêsu Kitô chúng ta.

 

 

 

1020    10-08-2017