Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Theo Chúa và từ bỏ mọi sự

Thứ Tư tuần XXXI TN

Lc 14, 25-33

THEO CHÚA VÀ TỪ BỎ MỌI SỰ

          Thiên Chúa mời gọi, con người tự do đáp trả và con người có thể nói tiếng không với Người. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho biết: nếu chấp nhận bước theo tiếng gọi của Chúa, con người phải từ bỏ cách triệt để, hy hiến tất cả những gì có thể là thân thương, yêu quí nhất của mình, kể cả mạng sống mình để trở nên môn đệ thực thụ của Chúa. (x. c.26). Và dĩ nhiên, phần thưởng của người biết hy sinh từ bỏ để sống cho Chúa thì không gì ở trần gian này có thể sánh được hay mua lấy được (x. Mc 10, 29 – 30).

Một trong những điều Ngài từng đòi buộc các ông là: Nếu muốn trở thành môn đệ của Ngài thì hãy từ bỏ mình và vác Thập giá mà theo Ngài. Trang Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên điều ấy. Và rồi ta thấy trong cuộc sống dương thế, Chúa Giêsu đã dùng lời nói và hành động của mình để dạy dỗ các môn đệ nhiều điều Ngài mời gọi các ông: hãy theo Thầy và Ngài cũng cho các ông biết: số phận của các ông được đồng hóa với số phận của Ngài.

"Có rất đông người cùng đi với Đức Giêsu..." (25), thánh sử Luca muốn nói rằng Chúa Giêsu nói với đám đông, nghĩa là với tất cả các môn đệ đang đi theo Người và sẽ đi theo Người (trong đó có chúng ta nữa). Chúa Giêsu nói gì? "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ...." Đây là một hành đông có 2 động tác song song vừa "dứt ra" và vừa "bỏ đi". Dứt ra khỏi những dây tơ vương ràng buộc, cản lối. Bỏ đi những thứ rườm rà, vô bổ. Ở đây Chúa Giêsu bảo "dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống của chính người môn đệ nữa" (25).

Thoạt nghe chúng ta cho rằng: Chúa Giêsu dạy chúng ta bất kính, bất hiếu đối với cha mẹ, xem nhẹ tình nghĩa phu thê, huynh đệ... vậy thì có nghịch lý với luật yêu thương?. Nhưng thật ra ở đây Chúa Giêsu chỉ cho ta một bậc thang giá trị: Thiên Chúa trên hết, ngay cả tình con thảo, nghĩa vợ chồng cũng vẫn đặt dưới Tình Yêu đối với Thiên Chúa. Thật thế, người môn đệ không được chỉ chết cho mình, mà còn vác thập giá và đi theo Đức Ki-tô (27). Thập giá họ vác là dấu chỉ họ chết cho thế gian, họ đã cắt đứt mọi ràng buộc tự nhiên, đồng ý chấp nhận thân phận bị bách hại có thể mất mạng sống.

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33). ‘những gì mình có ở đây có thể là của cải vật chất, nhưng cũng có thể là thì giờ, tài năng, sức khỏe, năng lực….Sự từ bỏ ở đây Đức Giê-su nhắm tới thái độ tinh thần của chúng ta qui phục Thiên Chúa; chúng ta không được để cho bất cứ sự vật gì có thể ngăn cản bước đường chúng ta thực thi thánh ý Chúa; ngăn cản chúng ta làm môn đệ của Người; hay nói như thánh Phao-lô: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.

Hai dụ ngôn được gắn liền với những gì đi trước bằng một từ kiên quyết "quả thế" mời gọi những ai muốn làm môn đệ Đức Ki-tô cần suy nghĩ cách nghiêm chỉnh. Như người dự định xây cây tháp, cần phải tính toán tổng chi là bao nhiêu, xem mình có đủ khả năng, đủ tài chính để thực hiện trọn vẹn công trình không: Nếu không sẽ bị người đời chê cười vì không đủ sức để thực hiện.    Hoặc hình ảnh một vị vua đi giao chiến mà không rõ sức mình, lực lượng quân đội, vũ khí thế nào. Nếu cảm thấy không thể đương đầu với quân thù thì cần phải sai sứ giả sang cầu hòa (x. c.31-32). Việc đi theo Chúa Ki-tô được so sánh qua 2 hình ảnh trên, ý nói: cần phải suy nghĩ kỹ trước khi khởi sự một công việc quan trọng. Đây là việc đi theo Chúa Ki-tô, không có vấn đề dấn thân nửa vời.

Sau khi giới thiệu 2 dụ ngôn, thánh Luca đưa ra một điều kiện được ngài quan tâm nhiều đến, đó là: người môn đệ phải từ bỏ những gì mình có (33) Như vậy, ai không quyết định từ bỏ mọi sự, kể cả chính mạng sống mình sẽ thất bại ê chề. Nếu còn tính toán đến tiền bạc, khả năng, địa vị... là những cản trở người môn đệ trên con đường theo Chúa. Câu kết của lời giáo huấn này lập lại cùng một câu với đòi hỏi nơi người môn đệ ở đoạn trên "Ai không làm như thế, thì không thể trở thành môn đệ tôi được" (c. 26.27.33). Câu nói như muốn nhấn mạnh: chỉ còn một con đường duy nhất làm môn đệ Đức Ki-tô, đó là :Từ bỏ mọi sự.

Theo Chúa phải từ bỏ mọi sự và phải vác Thập giá của mình. Từ bỏ nào cũng là thập giá. Tuy nhiên, có những thập giá ngoài sự chọn lựa: Thập giá của bệnh tật, thập giá của tai họa, thập giá về những khiếm khuyết, những hạn chế của bản thân… là những thập giá dù muốn hay không ta cũng buộc phải vác. Nếu ta vác trong niềm tin, trong tự do và trong tình yêu, thì thập giá sẽ thăng hoa thành thánh giá trui rèn đức tin và nhân đức của chúng ta, giúp ta trưởng thành trong đời sống nhân linh và giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn, trở thành môn đệ thực thụ của Người. Còn nếu chúng ta bất nhẫn, kéo lê thập giá, thập giá sẽ làm ta thất vọng, sẽ trở nên một ách nặng nề và sẽ đè bẹp chúng ta.

Người môn đệ theo Chúa Giêsu đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình cảm khác, chấp nhận vác thập giá vì họ cảm nhận được “niềm vui theo Chúa”.

Đó là niềm vui vượt lên trên mọi niềm vui thế gian, là niềm vui thánh thiện được gặp gỡ Chúa, được cảm nhận tình yêu Chúa trong cuộc đời. Niềm vui này được tạo ra từ sự nhiệt tâm phục vụ Chúa và tha nhân. Mặc dù thập giá trên vai người môn đệ nặng nề, nhưng tình yêu Chúa đỡ nâng, che chở, tạo nên sức mạnh và niềm vui giúp người môn đệ trung tín bước theo Chúa. Niềm vui theo Chúa là niềm vui chia sẻ. Người môn đệ hạnh phúc gặp được Chúa trong cuộc đời, nên họ khao khát đem tin vui này đến cho mọi người bằng tình yêu thương, sự quan tâm, sự giúp đỡ và sự sẻ chia.

Chúa muốn những kẻ theo Ngài phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi. Ngài không chấp nhận "cầm cày mà còn quay lưng lại đằng sau". Thật vậy, những kẻ đứng núi này trông núi nọ thường là bỏ cuộc, và những kẻ bắt cá hai tay là kẻ thua thiệt nhất. Đúng như Pierre Charles nói: "Có nhiều kẻ không lên đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi".

Chúng ta đã chọn Chúa làm cùng đích cuộc đời, nhưng nhiều lần chúng ta chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, hy sinh, mất mát. Xin Chúa cho chúng ta đừng nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hỏi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên cơ hội giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn.

 

 

 

4161    08-11-2017