Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Thi hành thánh ý Chúa như Mẹ

29/01 – Thứ ba tuần 3 Thường Niên

Dt 10, 1-10; Mc 3,31-35

THI HÀNH THÁNH Ý CHÚA NHƯ MẸ

          Lời của Chúa Giêsu thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (Mc 3, 32-35).

          Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta".

          Tiêu chuẩn để là mẹ và anh em của Chúa không phải là huyết thống, nhưng là việc gắn bó với cùng một chính nghĩa, sự dấn thân cho cùng một lý tưởng, ý muốn chỉ sống để phục vụ Chúa Cha vô điều kiện mà thôi. Không gì thay đổi cả để đảm nhận, không thỏa hiệp những đòi hỏi của Tin Mừng, ta phải cắt đứt những mối liên hệ cũ và thiết lập những mối liên hệ mới thuộc một trật tự khác.

          Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu không những vì Mẹ đã cho Ngài thịt máu của mình nhưng nhất là vì Mẹ hiệp nhất với Ngài trong việc tự do và vui vẻ chu toàn ý Chúa Cha. Khi hành động như Mẹ; chúng ta có thể trở thành anh chị em của Chúa Kitô cách đích thực hơn là nếu chỉ có liên hệ huyết thống với Ngài mà thôi.

          Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người: “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.

          Ta thấy Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng như không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ theo huyết thống, Chúa Giêsu muốn đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Chúa.

          Và Chúa còn giải thích thêm:phàm ai thi hành  muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh chị em tôi là mẹ tôi (Mt 12, 50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều. Chính Chúa Giêsu đã đến để thiết lập mối quan hệ mới này: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi (Mt 12,49). Chúa muốn nói, những kẻ thân tình thật với Chúa trong mối liên hệ mới này đó chính là những kẻ thi hành ý Thiên Chúa.

          Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.

          Qua những lời này, Chúa Giêsu cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Maria có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Chúa Giêsu cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

          Với lời khẳng định: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.

          Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.

          “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa”: Lời nói trọng tâm nầy chứa đựng ít nhất một ghi nhận tiêu cực về gia đình huyết thống của Đức Giêsu. Những thân nhân huyết thống “ở bên ngoài”, những người đang đến đó không phải để nghe Lời Người nhưng để ngăn cản Người thi hành sứ vụ của Người vì cho rằng “Người đã mất trí” (3, 21), đối lập với những thân nhân đức tin “ở bên trong”, tức là tất cả những ai lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Máccô muốn làm nổi bật hai mẫu gia đình: gia đình huyết thống thì “ở bên ngoài”, còn gia đình đức tin thì “ở bên trong”.

          Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43, 16; Tv 29, 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40, 9). Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6, 47-48).

          Ta phải thú nhận rằng, thường chúng ta hay làm theo ý ta hơn là theo ý Chúa. Có những lúc chúng ta biết đó là không hợp ý Chúa vậy mà chúng ta cứ vẫn làm; cũng có những lúc chúng ta biết Chúa muốn cho chúng ta làm thế này nhưng chúng ta vẫn lại làm thế khác. Chính vì thế mà mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa vẫn còn thật lỏng lẻo và vẫn còn là thứ yếu trong cuộc sống của chúng ta.

         

839    28-01-2019