Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Thiên Chúa bất bạo lực

 

Trong quyển sách minh triết sâu sắc của mình, quyển Vén màn bạo lực, Gil Bailie viết cho chúng ta đọc một phần đáng kinh ngạc trong tập nhật ký của thuyền trưởng James Cook, nhà khoa học và nhà thám hiểm lừng danh người Anh. Năm 1777, khi đến hòn đảo Tahiti, một ngày nọ, ông được Tộc trưởng bộ lạc ở đây mời đến xem nghi lễ sát tế một người đàn ông để họ dâng lên thần Eatooa. Sát tế người đàn ông này trong hy vọng thần Eatooa sẽ nâng đỡ bộ lạc trong cuộc chiến sắp xảy ra. Cook, dù thân thiện với sắc tộc này, ông không thể giấu giếm sự ghê tởm với hành động mà ông xem là vừa man rợ vừa mê tín. Sau đó, trong một buổi nói chuyện với tộc trưởng, qua người thông dịch, ông nói rằng, nếu việc này xảy ra tại Anh quốc, người ta sẽ treo cổ ai đã làm những việc này.

Đối với ông, ý tưởng giết một ai đó để xoa dịu Thượng đế là một việc ghê tởm. Nhưng, có một điểm thật sâu cay trong chuyện này, mà khi làm rõ ra, chúng ta mới thấy rằng, chúng ta chưa bao giờ ngưng việc giết người dưới danh nghĩa Thiên Chúa, chúng ta chỉ thay đổi tên gọi mà thôi. Thổ dân gọi đó là sát tế, chúng ta gọi đó là án tử hình. Trong cả hai trường hợp, đều có người phải chết, vì chúng ta thấy rằng Thiên Chúa cần và muốn cái chết này xảy ra vì một lý do thần thánh nào đó.

Tất cả mọi người, cho đến tận ngày hôm nay, đều đã luôn luôn gây nên những chuyện bạo lực với danh nghĩa Thiên Chúa, và tin rằng bạo lực đó không chỉ hợp lý mà thật sự còn là điều Thiên Chúa đòi buộc. Lập luận của việc này là, Thiên Chúa cần chúng ta làm những việc bạo lực này cho Ngài.  Vì thế, trong các nền văn hóa cổ thường hay có việc giết người để tế thần. Ở thời Trung cổ, Giáo hội Kitô có Tòa dị giáo, họ tin Chúa muốn chúng ta giết những người vi phạm giáo lý. Ngày nay, chúng ta thấy một dạng mới của tâm thức này trong các nhóm Hồi giáo cực đoan, họ  tin Thượng Đế muốn những người vô đạo bất kể loại nào đều phải chết để nhằm làm trong sạch tôn giáo.

Chúng ta đã và đang luôn luôn bào chữa cho việc giết người và đủ loại bạo lực khác bằng danh nghĩa Thiên Chúa, và chúng ta thường trưng ra các bản văn trong Kinh thánh, có vẻ như nói rằng Thiên Chúa hạ lệnh dùng bạo lực dưới danh nghĩa của Ngài. Nhưng, chúng ta đã sai. Dù có nhiều bản văn, xét qua có vẻ ngụ ý như Thiên Chúa ra lệnh dùng bạo lực (nhưng về bản chất chúng là kiểu biểu tượng và theo thuyết nhân cách thần, không thể dùng để biện hộ cho cách suy diễn như thế được), nhưng chúng ta sẽ thấy, nếu đọc Kinh thánh từ đầu cho đến cuối, một mặc khải tiệm tiến (hay ít nhất, về phần chúng ta, là một nhận thức tiệm tiến) về sự bất bạo lực của Thiên Chúa, một mặc khải kết lại trong Chúa Giêsu, Đấng đã chứng tỏ một Thiên Chúa triệt để bất bạo lực. Ý niệm sai lầm của chúng ta về Thiên Chúa trong Cựu Ước, một Đấng dường như đã ra lệnh hủy diệt đến cùng nhiều dân tộc, ý niệm này thực sự quá ban sơ và mê tín khi đặt cạnh khái niệm về Cha của Chúa Giêsu, Đấng đã gởi con mình đến thế gian trong hình hài một hài nhi yếu ớt, và rồi để Ngài bất lực chết trước mặt một đoàn dân đang cất giọng nhạo cười. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là Đấng tuyệt không có bạo lực, và Ngài còn yêu cầu chúng ta đừng làm những chuyện bạo lực dưới danh Ngài.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Trong Tin mừng theo thánh Gioan (8, 2-11) có kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang tội ngoại tình. Thánh Gioan kể lại câu chuyện như sau: Một đám đông những người ngoan đạo đưa cô đến với Chúa Giêsu và bảo Ngài rằng họ đã bắt quả tang cô phạm tội ngoại tình, và ông Môsê  (người trung gian cao nhất của Chúa) đã ra lệnh cho họ rằng, với tội này, cô phải bị ném đá đến chết. Về phần mình, Chúa Giêsu chẳng nói gì, mà chỉ ngồi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên mặt đất. Rồi, ngước lên, Ngài bảo họ rằng: “Ai trong các ngươi không có tội, thì hãy lấy đá ném trước đi!” Rồi ngài lại ngồi xuống và lại lấy tay viết trên cát. Thật không thể tin được, họ đã hiểu được ý Ngài, mà vứt đá đi rồi bỏ về.

Chuyện gì đã xảy ra? Điểm mấu chốt để giải thích chuyện này là ở việc Chúa Giêsu lấy ngón tay viết trên mặt đất. Ai viết bằng ngón tay mình? Ai viết hai lần? Chính là Thiên Chúa. Và sự được Thiên Chúa viết bằng ngón tay và viết hai lần, chính là Mười Điều răn, và Ngài đã phải viết lần thứ hai vì lần thứ nhất ông Môsê đã “phá vỡ” nó. Từ đỉnh núi đi xuống, ông mang theo hai phiến đá giới răn, ông thấy dân đang thờ ngẫu tượng và trong cơn kích động vì lòng đạo và luân lý, ông đập vỡ hai tảng đá giới răn lên con bò vàng và lên đầu dân. Môsê là người đầu tiên phá vỡ giới răn và ông phá vỡ nó về mặt thể lý, ông nghĩ rằng cần phải thực thi bạo lực vì Thiên Chúa. Rồi, khi đã phá vỡ hai phiến đá giới răn, ông phải lên núi một lần nữa, và xin Thiên Chúa viết lại, nhưng trước khi viết lại cho ông, Thiên Chúa truyền cho ông một mệnh lệnh nghiêm khắc: Đừng đập lên đầu dân bằng Mười điều răn! Đừng bạo lực dưới danh nghĩa của Ta!  Những người muốn ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã hiểu ra được động thái của Chúa Giêsu. Còn ông Môsê, người trung gian của họ thì lại hiểu sai.

Dù thế, chúng ta quá thường, bằng nhiều kiểu cách khác nhau, vẫn cứ ném đá lên đầu người khác bằng giới răn, và mang niềm tin sai lầm rằng Thiên Chúa muốn sự bạo lực đó.

J.B.Thái Hòa dịch

638    24-05-2018