Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Thiên Chúa kiên nhẫn

22/03/2019

Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay 

St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28; Mt 21, 33-43. 45-46

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

          Vườn nho là nhà Israel và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền là những người lãnh đạo trong Israel: tư tế, kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm khác biệt giữa hai câu truyện Vườn Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu kể cho cử tọa của Ngài nghe dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-43). Trong dụ ngôn này Ngài ví ông chủ như là Chúa Cha. Vườn nho là tất cả những tâm hồn khao khát theo Chúa, là Giáo Hội. Những tá điền canh tác là các tư tế, thủ lãnh trong dân. Các đầy tớ đi thu hoa lợi là các tổ phụ, các ngôn sứ. Còn con trai yêu dấu của chủ là chính Ngài

          Chúa Giêsu biết rõ những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ có một cái tôi rất lớn được xây dựng bằng thành trì của sự kiêu ngạo, tự phụ, tự tôn, luôn coi mình là đạo đức hơn người. Thế nên, bản thân họ rất khó nhận ra con người thực chất của chính mình để sám hối. Vì thế, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn: “Những tá điền sát nhân”.

          Ngài kể về những người làm công ác nhân, thất đức khi đối xử bất nhân với những người nhà của chủ được sai đến, không những thế, sự bất nhân của họ còn được sử dụng ngay với chính con của ông chủ, nên họ đã giết luôn cả đứa con thừa tự và cướp luôn vườn nho.

          Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.

          Chúa Giêsu muốn cho các thính giả đang nghe Ngài cũng như các đọc giả hôm nay, những người đang tìm kiếm Ngài, bước theo Ngài thấy được tình yêu Thiên Chúa đối với con người, Thiên Chúa luôn yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

          Người đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người thật chu đáo (x.Mt 21,33), sai các Ngôn sứ đến để nâng đỡ, dẫn dắt họ. Nhưng tất cả đều bị dân Người bội phản, bất trung, đối xử tàn bạo khủng khiếp (Mt 21,35-36). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn yêu thương đợi chờ và cuối cùng sai chính Con Một yêu dấu của Người (Mt 21,37), là Ngôi lời Nhập thể đến, Ngài đã dùng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài để bảo vệ, cứu chuộc dân Ngài, tái tạo dân mới, một dân biết làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi ( Mt 21,43).

          Trãi qua những thăng trầm của lịch sử và những chuyển biến của xã hội, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có lúc đã gặt hái được kết quả lớn lao, nhưng cũng có khi gặp những trở ngại khó khăn. Người tông đồ như là những viên đá bị người đời loại bỏ, gây cản trở, nhưng Thiên Chúa lại dùng những viên đá ấy để xây dựng Giáo hội của Người. Khi ra đi thi hành sứ mạng, người tông đồ luôn gặp khó khăn thử thách. Điều này chính Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của Ngài. Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

          Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Trong mọi thời, người tông đồ luôn phải đối diện với khó khăn, bách hại. Thế nhưng, ngay trong những lúc khó khăn ấy thì tinh thần người tông đồ lại càng hăng say nhiệt thành với sứ mạng, với lệnh truyền của Thầy Giêsu. Giáo hội chưa bao giờ thiếu những tông đồ nhiệt thành. Thời nào cũng có những con người trẻ sẵn sàng hy sinh và dấn thân để loan báo và làm chứng cho tin mừng.

          Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương con người đến tột cùng. Một tình yêu mà xét trên bình diện con người tự nhiên có thể nói là tình yêu mù quáng “Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4, 10). Nhưng xét trên bình diện siêu nhiên chúng ta mới thấy được tình yêu vô biên, nhiêm mầu của Thiên Chúa.Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu. Hơn nữa Ngài đành mất tất cả miễn là để cứu chúng ta, để chúng ta được sống (1Ga 4, 9). và sống dồi dào, sung mãn, hạnh phúc.

          Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người. Nhưng những con người bất tín, điển hình là các nhà lãnh đạo Do thái đã đưa dẫn vào con đường bội nghĩa. Người đã sai các ngôn sứ đến và các ngài đã bị đối xử tàn tệ. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Người đến. Ngài đã bị họ xỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh trên Thập Giá. Nhưng chính nhờ Ngài, ơn cứu độ đã được thực hiện cho muôn người. Qua cái chết của Ðức Giêsu, một dân tộc mới được khai sinh, Giáo hội được chào đời.

          Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai các ngôn sứ này đến các ngôn sứ khác đến khuyên bảo dân Ítraen, nhưng họ không hề thay đổi, vẫn cư xử  một cách tồi tệ và giết các ngài. Thế nhưng lòng nhẫn nại của Thiên Chúa vẫn không hề vơi, cuối cùng Ngài sai chính Con Một của Ngài với hy vọng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng lòng gian ác của họ đã đạt đến cực điểm. Họ đã tra tay bắt lấy “Người Con Một” của Ngài và lôi ra ngoài thành thánh Giêrusalem mà giết đi.  Nhưng chính nhờ “Người Con Một” đó mà ơn cứu độ đã được thực hiện cho muôn người. Qua cái chết của Đức Giêsu, một dân tộc mới được khai sinh, Giáo hội được chào đời.

          Ngày nay, giáo hội đang đối diện với nhiều khó khăn thử thách mới của thời đại, nhiều hình thức bách hại mới đang diễn ra và gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Giáo hội hôm nay đang rất cần những tông đồ sẵn sàng lên đường làm chứng cho Tin mừng, làm chứng cho sự thật.

 

653    20-03-2019