Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Thiện tâm thôi là không đủ


Bác ái là có tấm lòng tốt, nhưng công lý thì không chỉ là vậy. Sự đồng cảm cá nhân là tốt và là nhân đức, nhưng nó không hẳn thay đổi cơ cấu xã hội, kinh tế và chính trị đang bất công biến nhiều người thành nạn nhân và dung dưỡng quá đáng những thành phần đặc quyền đặc lợi. Chúng ta cần phải công tâm và có lòng tốt, nhưng cũng cần có những chính sách tốt và công tâm.

Jim Wallis, khi bàn cụ thể về kỳ thị chủng tộc, đã nói thế này: Khi chúng ta biểu tình là chúng ta không đứng chung hàng ngũ với hệ thống bất công bằng cách nói rằng: “Tôi có những người bạn da đen,” chúng ta phải thách thức chính bản thân mình. Đây không chỉ là vấn đề trong lòng, mà là vấn đề về chính sách công. Chúng ta có thể có những người bạn da đen nhưng nếu chính sách của chúng ta mang tính kỳ thị chủng tộc, thì nơi này không có công lý. Thiện tâm của riêng mỗi người không phải lúc nào cũng làm nên một hệ thống công bằng cho tất cả mọi người.

Và chính từ điểm này mà chúng ta thấy sự phân biệt mấu chốt giữa bác ái và công lý, giữa thiện tâm cá nhân và nỗ lực cộng đồng để bảo đảm các hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị của chúng ta không phải là nguyên do gây nên mọi thứ mà chúng ta đang cố khắc phục bằng lòng bác ái. Những gì gây nên nạn nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, bất công kinh tế, thiếu công bằng về tiếp cận giáo dục và y tế, cùng sự vô trách nhiệm đối với thiên nhiên? Thái độ cá nhân, đúng là thế. Nhưng bất công cũng là kết quả do các chính sách xã hội, kinh tế về chính trị, khi chúng tạo nên những tình trạng làm nảy sinh nghèo đói, bất công, kỳ thị chủng tộc, đặc quyền đặc lợi, và thiếu ý thức về chính không khí mà chúng ta đang hít thở.

Tôi cho rằng, hầu hết chúng ta đều quen thuộc một câu chuyện thường được dùng để phân biệt giữa Bác ái và công lý. Chuyện như thế này: Có một thành phố xây cạnh bờ sông, nhưng lại nằm ở đoạn uốn khúc nên dân phố chỉ có thể thấy phần sông bọc quanh thành phố mình. Một ngày nọ vài đứa trẻ chơi gần sông thì thấy năm người trôi trên mặt nước. Chúng liền chạy đi tìm người giúp và dân phố làm việc mà bất kỳ người có trách nhiệm nào sẽ làm trong hoàn cảnh đó. Họ kéo năm người lên khỏi sông. Hai người đã chết và được chôn cất. Ba người còn sống. Một trong số đó là một đứa trẻ, và nó được một gia đình nhận nuôi ngay, một bà bị ốm nặng liền được đưa vào bệnh viện, cuối cùng là một thanh niên, liền có người giúp tìm việc làm và cho chỗ ở.

Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Ngày hôm sau, lại thấy thêm một số người trôi sông, và dân phố cũng làm hệt như hôm trước. Họ lo cho những người đó. Họ chôn cất người chết, cho người bệnh vào bệnh viện, tìm nhà nhận nuôi những đứa trẻ, và tìm công việc cùng chỗ ở cho người lớn.  Rồi cứ năm này qua năm khác, việc lo cho những người trôi sông dần thành một chuyện thường ngày, một phần trong đời sống của cộng đồng. Một số người đầy lòng nhân ái đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho những người trôi sông.

Dù họ vẫn là những con người quảng đại và thiện tâm, khi chăm lo cho những người trôi sông đến thành phố mình, nhưng… Đến lúc này, vẫn chẳng có ai đi ngược con sông để xem những người trôi sông từ đâu và vì sao mà ngày nào cũng xuất hiện.

Bài học quá rõ ràng: Chăm sóc cho những người trôi sông đến ngay nhà chúng ta là chuyện cần thiết, tốt lành và đầy tính Kitô, nhưng đi ngược dòng để cố thay đổi chuyện gì gây nên thảm cảnh đó lại là chuyện khác. Đấy là sự khác nhau giữa bác ái thiện tâm và công bằng xã hội.

Đáng buồn thay, chúng ta quá chậm hiểu điều này và do đó không thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu về công bằng xã hội. Quá nhiều người tốt lành, đầy lòng bác ái, lại không thấy ra đòi hỏi cần có công bằng còn cao hơn cả những đòi hỏi về việc bác ái cá nhân. Và chúng ta thường đủ thiện tâm để cho ai đó một tấm áo, nhưng lại không chịu nhìn xem vì sao tủ quần áo chúng ta đầy ắp mà lại có người không có nổi cái áo để mặc.

Nhưng đừng hiểu lầm chuyện này. Đòi hỏi của Tin mừng muốn chúng ta hành động vì công lý không phải là xem nhẹ lòng Bác ái. Bác ái vẫn là nhân đức tối cùng, và đôi khi sự khác biệt chủ động của chúng ta trong đời chính là tình yêu thương và tôn trọng mà chúng ta dành cho nhau. Sự thiện cá nhân của chúng ta đôi khi là ánh nến duy nhất đem lại ánh sáng cho chúng ta.

Nhưng sự thiện và ánh sáng đó cũng phải chiếu tỏa ra cho mọi người, trong cách chúng ta bỏ phiếu, trong những chính sách công mà chúng ta ủng hộ hay phản đối nữa.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

1609    19-11-2017