Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Thông minh so với khôn ngoan

 
Có một khác biệt rất lớn giữa người xuất sắc và người khôn ngoan, giữa xuất chúng và minh triết. Chúng ta có thể là người rất thông minh nhưng không khôn ngoan cho lắm. Dĩ nhiên lý tưởng là chúng ta cố gắng cả hai, nhưng không phải khi nào cũng được như vậy, nhất là ngày nay.
Chúng ta sống trong thời buổi cổ vũ cho sự xuất chúng hơn là khôn ngoan, chúng ta tự hào là người xuất sắc hơn người khác. Ai là người xuất sắc nhất? Ai là người vào được đại học ưu tú nhất? Ai là nhà kinh doanh giỏi nhất? Ai là người nổi tiếng nhất? Ai là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình, người vui vẻ nhất ở văn phòng hay ở bàn ăn gia đình? Ai là người xuất sắc nhất? Chúng ta không bao giờ hỏi: ai là người khôn ngoan nhất? Ngày nay trí thông minh cao hơn khôn ngoan, nhưng không phải lúc nào điều này cũng đúng. Chúng ta là những người am tường tin tức và thông minh nhưng lòng trắc ẩn của chúng ta không ở cùng tầm cao với tài năng chúng ta. Chúng ta là những người xuất sắc, nhưng không phải là người khôn ngoan.
Đâu là khác biệt giữa thông minh và khôn ngoan? Khôn ngoan là trí tuệ được tô điểm bởi sự hiểu biết (mà phân tích từ gốc rễ của nó, có nghĩa là thấm đậm đồng cảm). Cuối cùng điều làm nên sự khôn ngoan, đó là thông minh xây dựng trên sự thông cảm với sự phức tạp của thế giới, của con người, và điều này mang các hệ quả kèm theo.
Học tập, để thực sự hữu ích thì phải đi kèm theo sự tăng trưởng đồng đều với sự thông cảm. Khi không có điều này thì sự tăng trưởng luôn chỉ một chiều và dù nó mang lại một cái gì cho cộng đồng, thì nó luôn thiếu tầm hiểu biết để có thể giúp cộng đồng nối kết với nhau, hiểu nhau hơn và hiểu thế giới hơn. Khi trí thông minh không có sự thông cảm thì những gì nó đem lại thường không đóng góp vào lợi ích chung. Không đi cùng với thông cảm, trí thông minh luôn là kiêu ngạo và hạ cố ban ơn. Ngược lại học tập đích thực là khiêm tốn, quên mình và đồng cảm. Khi chúng ta phát triển trí tuệ mà không đủ đồng cảm thì tài năng của chúng ta luôn là nguyên nhân cho tính đố kỵ, hơn là quà tặng cho cộng đồng.
Trớ trêu thay, cuối cùng thì trí thông minh mà không đủ đồng cảm thì sẽ không xuất sắc, thay vào đó là một trí thông minh bị trì trệ, lỗi của nó không ở những gì nó đã được học (vì học là chuyện tốt), nhưng ở chỗ việc học đó đã bị ngừng trệ. Nó bị một hiểm nguy mà nhà thơ người Anh Alexander Pope gọi là, “học một chút là điều nguy hiểm”, khi chúng ta đọc một quyển sách quá kỹ nhưng là một quyển sách ít giá trị!
Người ta có thể phản đối ở đây và đưa ra lời biện hộ cho tính khách quan của khoa học. Khoa học thực nghiệm có phải là sản phẩm trí tuệ thuần túy không nhuốm màu bởi bất cứ một cái gì ngoài nó không? Có phải lý tưởng của tất cả học tập là hoàn toàn khách quan, không ở phía nào không? Sự đồng cảm đóng vai trò gì trong nghiên cứu thuần túy? Liệu con mắt hướng về đồng cảm có làm mờ đi tính khách quan thuần túy không?
Tính khách quan không tồn tại, kể cả trong khoa học cũng như bất cứ nơi nào khác. Khoa học ngày nay thừa nhận không bao giờ có thể hoàn toàn khách quan. Tất cả đều có lịch làm việc riêng, góc cạnh riêng và không thể giúp can thiệp (tuy nhiên có lẽ là đến vô cùng) với những gì nó đánh giá. Tất cả mọi người và mọi thứ, bao gồm cả khoa học đều có tiền đề (nói trại ra là tiền bản thể học). Do đó, vì tất cả học tập nhất thiết phải bắt đầu từ một góc cạnh, một tiền đề, một tiền bản thể học thì câu hỏi không phải là: Làm thế nào tôi có thể hoàn toàn khách quan, nhưng là: Điều gì phục vụ chúng ta tốt nhất ở góc cạnh học tập này? Câu trả lời là đồng cảm. Đồng cảm biến đổi thông minh thành khôn ngoan và khôn ngoan biến đổi học tập thành một cái gì phục vụ đúng đắn nhất cho cộng đoàn.
Tuy nhiên sự đồng cảm không được lẫn lộn với tình cảm hoặc ngây ngô như đôi khi đã xảy ra. Tình cảm và ngây ngô thấy lỗi trong chính trí thông minh, xem học tập chính nó là vấn đề. Nhưng học tập không bao giờ là vấn đề. Học tập một chiều, đấy mới là vấn đề, có nghĩa học tập không được đồng cảm soi sáng đủ, tìm tòi kiến thức mà không tìm tòi hiểu biết.
Tôi dạy cho các sinh viên sắp tốt nghiệp, chuẩn bị nhận sứ vụ trong giáo hội. Như thế, đối với họ, học cao không chỉ là có điểm cao, có bằng cấp danh dự, có đầy đủ thông tin, có học hoặc đơn giản đáp ứng cho tính hiếu kỳ trí tuệ và câu hỏi của mình. Qua chính ơn gọi của họ, họ đang phấn đấu để có khôn ngoan hơn là đơn thuần thông minh. Nhưng ngay cả họ, cũng như đa số người khác trong nền văn hóa chúng ta, họ đấu tranh để không học tập một chiều, để việc học của mình mang đến cho mình sự thông cảm cũng như kiến thức. Tất cả chúng ta đều đấu tranh với điều này. Cũng khó để cự lại với cám dỗ, cũng như nạn dịch trong nền văn hóa chúng ta, nghĩ rằng chắc chắn có vi trùng trong nước, nghĩ rằng mình phải thông minh xuất chúng biết nhiều tin tức hơn người khác, mặc, chúng ta sẽ đồng cảm sau đó.
Vì vậy bài này là lời kêu gọi, không phải là bài chỉ trích: Đối với tất cả chúng ta, cho dù chúng ta có nghiên cứu chính thức hay không; cho dù chúng ta có đang học các công nghệ thông tin mới nhất; dù chúng ta có đang cố giữ cho mình được thông tin đúng về mặt xã hội và chính trị hay không; dù chúng ta viết bài, viết sách, viết blog; dù chúng ta đang học để có việc làm; hoặc chúng ta đơn thuần họp nhau để thảo luận ở sở làm hay ở bàn ăn gia đình, chúng ta nên nhớ: không phải chỉ có thông minh là tốt mà còn phải chứng tỏ mình có lòng trắc ẩn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
1106    10-09-2019