Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Thư ĐGH. Phanxicô gửi cho các Linh mục

 

Anh em Linh mục thân mến,

Đã hơn 160 năm trôi qua từ ngày qua đời của cha thánh Curé xứ Ars, người mà Đức Giáo hoàng Piô XI đã chọn làm đấng bảo trợ của các linh mục giáo xứ trên toàn thế giới[1]. Vào ngày lễ của ngài, tôi viết thư này không chỉ cho các linh mục quản xứ, mà cho tất cả, những anh em linh mục của tôi là những người đã âm thầm “bỏ lại tất cả” để dấn thân trong cuộc sống hàng ngày nơi các cộng đoàn của anh em. Giống cha sở họ Ars, anh em phục “trong những chiến hào”, phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. (x. Mt 20,12), phải đối mặt với vô số tình huống, với nỗ lực của anh em để chăm sóc và đồng hành với dân Thiên Chúa. Tôi muốn nói một lời với từng anh em, thường là những người không phô trương và không tính toán, trong nỗi nhọc nhành, bệnh tật và khổ đau, anh em thực hiện sứ mạng phục vụ dân Chúa và với mọi người. Bất chấp những khó khăn của hành trình, anh em đang viết lên những trang đẹp nhất của đời linh mục.

Cách đây không lâu, tôi chia sẻ với các giám mục Ý về lo lắng của tôi rằng: ở một vài nơi, các linh mục của chúng ta cảm thấy bị tấn công và vu oan những tội lỗi mà họ không phạm phải. Tôi đã nói rằng các linh mục ấy cần tìm đến giám mục của mình, như người anh và người cha trấn an họ trong những thời điểm khó khăn này, khuyến khích và hỗ trợ họ trên bước đường[2].

Là người anh và người cha, tôi cũng muốn gửi thư này để tri ân các anh em trong danh xưng của dân Chúa trung thành và thánh thiện mà những gì anh em làm cho họ; và để khuyến khích anh em đừng bao giờ quên những lời Thiên Chúa đã nói cho chúng ta với tình yêu lớn lao trong ngày chịu chức Linh mục. Những lời đó là nguồn vui của chúng ta: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ….Thầy gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15,15)[3]

Nỗi Đau

“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta.” (Xh 3,7)

Trong những năm này, chúng ta chú ý nhiều hơn đến những người than khóc, thường họ chịu im lặng và bị đàn áp. Anh chị em của chúng ta là những nạn nhân của lạm quyền, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục từ một số thừa tác viên linh mục. Đây là thời gian đau khổ tột cùng trong cuộc sống của những người trải qua những lạm dụng như thế, nhưng trong cuộc sống gia đình họ và của toàn thể Dân Chúa cũng vậy.

Anh em đã biết, chúng ta cam kết thực hiện công cuộc cải cách cần thiết để khuyến khích một nền văn hóa chăm sóc mục vụ, để văn hóa lạm dụng sẽ không còn chỗ phát triển, mỗi ngày ít hơn. Nhiệm vụ này không nhanh cũng không dễ: nó đòi hỏi cam kết từ mọi phía. Nếu trong quá khứ, chính những thiếu sót có thể là một loại phản ứng, thì ngày nay chúng ta khao khát biến đổi, minh bạch, chân thành và đoàn kết với các nạn nhân. Để từ đó chúng trở thành đường lối cụ thể giúp ta tiến về phía trước. Điều này sẽ giúp đánh thức chúng ta chú ý hơn đến mọi hình thức đau khổ của con người.[4]

Nỗi đau này cũng đã ảnh hưởng đến các linh mục. Tôi đã thấy nó trong các chuyến thăm mục vụ trong giáo phận của tôi, và ở nơi khác, trong các cuộc họp và cuộc trò chuyện cá nhân với các linh mục. Nhiều người đã chia sẻ với tôi sự phẫn nộ của họ về những gì đã xảy ra và sự thất vọng của họ. Vì mọi việc khó khăn của họ, họ phải đối diện với thiệt hại đã gây ra, sự nghi ngờ và không chắc chắn đã phát sinh. Và nhiều vị cũng cảm thấy nghi ngờ, sợ hãi và thất vọng.[5] Tôi đã nhận được nhiều thư từ các linh mục bày tỏ những cảm xúc đó. Đồng thời, những lần gặp gỡ các cha xứ đã an ủi tôi. Các cha ấy nhận ra và chia sẻ nỗi đau, cùng sự khốn khổ của các nạn nhân và của Dân Chúa. Và các linh mục ấy còn cố gắng tìm những lời và hành động có khả năng truyền cảm hứng hy vọng.

Không phủ nhận hay bác bỏ rằng một số anh em của chúng ta bị ám hại. Sẽ bất công nếu không bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả những linh mục đó. Họ trung thành và quảng đại dành cả cuộc sống của họ để phục vụ tha nhân (x. 2Cr 12,15). Họ là hiện thân của người cha thiêng liêng có khả năng khóc với người khóc. Vô số linh mục làm cho đời sống của họ thành công việc của lòng thương xót trong các lĩnh vực hoặc tình huống, thường là thù địch, bị cô lập hoặc bị bỏ qua, thậm chí nguy hiểm đến cuộc sống của họ. Tôi thừa nhận và đánh giá cao tấm gương can đảm và kiên định của anh em; trong những lúc hỗn loạn, xấu hổ và đau đớn, anh em chứng tỏ rằng anh em đã vui tươi đặt cuộc sống của mình vào lan ranh vì lợi ích của Tin Mừng.[6]

Tôi luôn tin chắc rằng chúng ta vẫn trung thành với thánh ý Chúa. Những thời điểm thanh tẩy Giáo Hội này sẽ khiến chúng ta vui mừng và khiêm nhường hơn, và chứng minh rằng trong tương lai không xa, sẽ sinh hoa kết quả. “Chúng ta đừng nản lòng! Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người và biến tất cả chúng ta thành chính Ngài. Thiên Chúa đang để chúng ta chịu thử thách để làm cho chúng ta nhận ra rằng: Không có Ngài, chúng ta chẳng là gì. Ngài đang giải cứu chúng ta ra khỏi giả hình, thiêng liêng bề ngoài. Ngài đang thở hơi Thần Khí để khôi phục lại vẻ đẹp của Hiền Thê, là người bị bắt quả tang ngoại tình. Chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đọc lại chương 16 của sách Ezekiel. Đó là lịch sử của Giáo hội, và mỗi chúng ta có thể nói đó cũng là lịch sử của chúng ta. Cuối cùng, qua cảm giác xấu hổ của anh em, anh em sẽ tiếp tục hành động như người chăn chiên. Lòng khiêm nhường, hối cải của chúng ta thể hiện trong những giọt nước mắt thầm lặng trước những tội lỗi tàn bạo này và sự tha thứ vô ngần của Thiên Chúa là khởi đầu cho sự canh tân đổi mới lòng thánh thiện của chúng ta.”[7]

Lòng Biết Ơn

“Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em.” (Ep 1,16)

Hơn cả sự lựa chọn của chúng ta, ơn gọi là lời đáp trả tiếng Chúa mạnh mẽ. Thật tốt để chúng ta liên tục trở lại những đoạn Tin Mừng mà chúng ta thấy Chúa Giêsu đang cầu nguyện, tuyển chọn và kêu gọi những ai “để ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14).

Ở đây tôi nghĩ về một bậc thầy vĩ đại của đời sống linh mục trong đất nước của tôi. Đó là cha Lucio Gera. Trong khi trò chuyện với nhóm linh mục vào thời điểm hỗn loạn ở Châu Mỹ Latinh, cha ấy nói: “Luôn luôn, nhưng đặc biệt là trong thời gian thử thách, chúng tôi cần trở lại những khoảnh khắc sáng suốt. Ở đó khi chúng ta trải nghiệm lời kêu gọi của Chúa để dâng hiến đời mình cho sứ mạng của Ngài.” Bản thân tôi muốn gọi đấy là “bộ nhớ ơn gọi của chúng ta- the deuteronomic memory of our vocation”. Nó khiến mỗi chúng ta quay trở lại “với ánh sáng rực rỡ mà ân sủng Thiên Chúa đã chạm vào tôi kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình. Từ ngọn lửa đó, tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho ngày hôm nay và cho mỗi ngày, đồng thời mang lại sức nóng và ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa nhóm lên niềm vui khiêm nhường, một niềm vui mà nỗi buồn và đau khổ không thể lấy đi, một niềm vui tốt lành và thanh thản.”[8]

Ngày nọ, mỗi người chúng ta đã thưa tiếng “xin vâng”, “lời xin vâng” ấy đã đâm trồi nảy lộc trong lòng mỗi cộng đoàn Kitô hữu để cảm ơn “những vị thánh hàng xóm”[9]. Họ là người chỉ cho chúng ta thấy đức tin đơn sơ của họ thật đáng để cam kết trọn vẹn với Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài. “Lời xin vâng” có ý nghĩa rất quan trọng đến nỗi chúng ta thường khó tưởng tượng được tất cả điều tốt đẹp mà nó tiếp tục tạo ra. Thật đẹp biết bao khi một linh mục lớn tuổi nhìn thấy hoặc được những đứa trẻ đến thăm – bây giờ chúng đã lớn – người mà vị linh mục ấy đã rửa tội lâu lắm rồi, và bây giờ người ấy còn biết ơn giới thiệu gia đình của chính họ! Vào những lúc ấy, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được xức dầu để xức dầu cho người khác, và việc xức dầu của Chúa không bao giờ khiến ta thất vọng. Tôi được dẫn đến nói với các Tông Đồ: “Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em.” (Ep 1,16) và vì tất cả những điều tốt đẹp mà anh em đã làm.

Giữa những thử thách, sự yếu đuối và ý thức những hạn chế của chúng ta, “cám dỗ tồi tệ nhất là tiếp tục gặm nhấm những rắc rối của chúng ta”[10], để rồi chúng ta đánh mất quan điểm, phán đoán tốt và lòng can đảm của mình. Vào những thời điểm đó, điều quan trọng – Tôi thậm chí muốn nói là rất quan trọng – hãy trân trọng ký ức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của ta và ánh mắt thương xót của Ngài đã truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta trao đặt đời mình cho Ngài và cho Dân của Ngài. Và để tìm thấy sức mạnh giúp duy trì, với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta hãy ca lời chúc tụng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 136).

Lòng biết ơn luôn là một vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta có thể chiêm ngắm và cảm nhận lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những cách mà chúng ta đã cảm nghiệm về tình yêu Chúa, lòng quảng đại, hiệp nhất, cũng như lòng tha thứ, kiên trì, nhẫn nhục và lòng trắc ẩn Thiên Chúa. Khi ấy, chúng ta mới để Thần Khí Chúa ban cho chúng ta sự tươi mới, điều ấy có thể canh tân (và không chỉ đơn giản là vá lại) cuộc sống và sứ mạng của chúng ta. Giống như thánh Phê-rô vào buổi sáng diệu kỳ của mẻ cá, chúng ta có thể để mình nhận ra mọi chúc lành mà chúng ta nhận được, khơi lên trong chúng ta sự kinh ngạc và lòng biết ơn; từ đó chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Liền sau đó, hãy nghe Chúa lặp lại lời rằng: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.” (Lc 5,10). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Thưa các anh em linh mục, tôi cảm ơn lòng trung thành của anh em với những cam kết bạn đã thực hiện. Đó là dấu hiệu cho thấy, trong một xã hội và văn hóa tôn vinh sự phù phiếm, vẫn có những người không ngại thực hiện những lời hứa trọn đời. Thực tế, chúng ta cho thấy rằng chúng ta tiếp tục tin vào Chúa là Đấng chưa bao giờ phá vỡ giao ước, mặc dù chúng ta đã biết bao lần phá vỡ. Theo cách này, chúng ta tôn vinh lòng trung thành của Thiên Chúa, là Đấng tiếp tục tin tưởng chúng ta, tín nhiệm và tin tưởng vào chúng ta, vì tất cả tội lỗi và thất bại của chúng ta, và Ngài vẫn mời chúng ta hãy trung thành trở về. Nhận ra rằng chúng ta giữ kho tàng này trong những bình sành (x. 2Cr 4,7), chúng ta biết Thiên Chúa chiến thắng nhờ sự yếu đuối (x. 2Cr 12,9). Ngài tiếp tục gìn giữ chúng ta và làm mới lời kêu gọi của Ngài, trả lại cho chúng ta gấp bội (x. Mc 10,29-30). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì niềm vui mà anh em đã dâng hiến đời mình, thể hiện tấm lòng trong nhiều năm qua đã không chấp nhận khép kín và cay đắng, nhưng đã lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và dân Người. Một trái tim, giống như rượu ngon, đã không trở nên chua chát, nhưng nên phong phú theo tháng năm. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn bạn đã làm việc để gia tăng tình liên kết huynh đệ và tình bạn với các anh em linh mục khác và với giám mục của anh em, nhằm giúp đỡ và khích lệ lẫn nhau, chăm sóc những người bị bệnh, tìm kiếm những người xa cách, thăm hỏi người già và tham vấn họ, chia sẻ với nhau và học cách cười và khóc cùng nhau. Những điều này chúng ta cần biết bao! Nhưng cũng cảm ơn anh em vì sự trung thành và kiên trì của anh em trong việc thực hiện các sứ mạng khó khăn, hoặc vì những lúc anh em phải ra lệnh. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì những chứng từ về sự kiên trì và sức chịu đựng khoan dung trong việc mục vụ. Thông thường, với tiếng nói của chủ đoàn chiên[11], chúng ta thấy mình đang tranh luận với Chúa trong cầu nguyện, như Mô-sê đã can đảm cầu xin cho dân (x. Ds 14,13-19; Xh 32,30-32; Dt 9,18-21). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em đã cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Vì là những mục tử nhân lành trong Bí tích Hòa giải, anh em không khắt khe cũng không lỏng lẻo, nhưng quan tâm sâu sắc đến đoàn chiên của anh em và đồng hành với họ trên hành trình biến đổi sang cuộc sống mới mà Chúa ban cho tất cả chúng ta. Chúng ta biết rằng trên nấc thang của lòng thương xót, chúng ta có thể đi xuống chiều sâu của điều kiện con người – gồm cả sự yếu đuối và tội lỗi – đồng thời trải nghiệm chiều cao của sự hoàn hảo thiêng liêng: “Hãy thương xót như Cha là Đáng xót thương.”[12]Theo cách này, chúng ta “có khả năng sưởi ấm trái tim của tha nhân, đồng hành với họ trong đêm tối, trò chuyện với họ và thậm chí bước vào màn đêm và bóng tối của họ, mà chúng ta không lạc lối.”[13] “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em đã xức dầu và nhiệt tâm tuyên bố với mọi người, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (x. 2Tm 4,2) Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, tìm kiếm lòng cộng đoàn của anh em “để biết khám phá những nơi mà ước muốn cho Thiên Chúa sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại, trước kia rất thân thương, nay đã bị thui chột và cằn cỗi.”[14] “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì những lúc, với cảm xúc tuyệt vời, anh em đã ôm lấy tội nhân, chữa lành vết thương, sưởi ấm trái tim và thể hiện sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25-27). Không có gì cần thiết hơn điều này: khả năng tiếp cận, gần gũi, sẵn sàng để gần gũi với với anh chị em đau khổ của chúng ta. Thật mạnh mẽ biết bao với tấm gương của một linh mục sống giây phút hiện tại và không bỏ mặc vết thương của anh chị em![15] Nó phản ánh trái tim của người mục tử gia tăng hương vị thiêng liêng để nên một với đoàn chiên[16], một mục tử không bao giờ quên rằng mình đến từ đoàn chiên và bằng cách phục vụ đoàn chiên, vị mục tử ấy sẽ tìm thấy và thể hiện căn tính thuần khiết và đầy đủ nhất. Trở lại, điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng một lối sống đơn giản và khổ hạnh, từ chối các đặc quyền không liên quan đến Tin Mừng. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cuối cùng, chúng ta hãy cảm tạ sự thánh thiện của Dân Chúa, người mà chúng ta được mời gọi để chăn dắt. Qua đó, Chúa cũng chăn dắt và chăm sóc chúng ta. Ngài chúc phúc cho chúng ta bằng cách chiêm ngưỡng Dân trung thành  “trong việc cha mẹ họ nuôi dạy con cái với tình yêu thương vô bờ bến; trong những người nam và người nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình họ; nơi những người bệnh, người già không bao giờ mất đi nụ cười. Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu.”[17] Chúng ta hãy biết ơn từng người trong số họ, và trong những chứng từ ​của họ, hãy tìm sự hỗ trợ và khuyến khích. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

455    10-08-2019