Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Thử thách của quả tim

 

Tôi chưa bao giờ gặp lại Sophie. Nhưng nếu cô đọc đoạn này chắc cô sẽ mĩm cười. Tháng 9 năm 1987, khoảng một năm sau ngày tôi gặp cô Sophie trên xe lửa, cộng đoàn gởi tôi đến Toulouse học năm thứ hai chủng viện. Cộng đoàn gom tất cả chủng sinh của chu kỳ một vào một nơi để đào tạo. Tôi sẽ kể một kinh nghiệm rất đặc biệt, đau đớn nhưng cũng rất quan trọng cho tương lai linh mục của tôi.

Từ cuối năm trung học, với một vài bạn trẻ trong làng Bretagne, chúng tôi thành lập một nhóm bạn rất tương trợ nhau. Tất cả chúng tôi đều sốt sắng và hay tham dự vào các buổi canh thức cầu nguyện, có khi trọn đêm. Nhưng không phải tất cả mọi ngày chúng tôi đều dành cho cầu nguyện! Chúng tôi đi tắm biển, đi chơi tàu ở Saint-Malo, hay chúng tôi đến Mont-Saint-Miche để ăn bánh crêpe… ngắn gọn, một nhóm bạn vui vẻ!

Trong nhóm có một cô rất hợp với tôi. Cô nhỏ hơn tôi một tuổi. Chúng tôi là bạn bè với nhau, nhưng cô biết tôi muốn làm linh mục, còn cô thì có người yêu bên cạnh. Mùa hè trước khi vào chủng viện, cô cắt liên lạc với người yêu. Vì tôi rất thân với cô nên cô tâm sự với tôi, tôi an ủi cô. Chúng tôi càng ngày càng hợp nhau và tôi nhận ra cô đang… yêu tôi hay, để nhắc lại sự phân biệt mà tôi đề cập ở trên, cô bị lôi cuốn. Tuy nhiên cô rất chân thành, tế nhị và tôn trọng chọn lựa của tôi, cô không bao giờ nói với tôi và cô cẩn thận không tỏ ra thương tôi.

Về phần tôi, tôi cũng thấy tôi bị cô lôi cuốn, tôi rất thích có được cô là bạn, được cô xem trọng làm cho tôi cảm thấy mình đáng giá. Dù vậy tôi không tìm cách đặt một khoảng cách giữa chúng tôi vì tôi tin chắc vào ơn gọi của mình. Ngắn gọn, tôi không thấy nhập nhằng trong quan hệ này. Tôi “xử lý” được sự lôi cuốn này. Bạn này bạn kia trong nhóm bắt đầu chế nhạo tôi về tình bạn này, nhưng tôi bảo đảm với họ đây chỉ là một người bạn, một người em và chưa bao giờ tôi xác quyết mình sẽ là linh mục như bây giờ, tôi không lo lắng gì về khía cạnh này!

Và bây giờ tôi đến Toulouse để học năm thứ hai ở chủng viện. Ô là là, tai họa. Tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ cô quá chừng! Tôi cảm thấy một khoảng trống làm tôi xốn ruột xốn gan. Tôi yêu chăng? Không, không thể được, chỉ là một cô bạn… Dù vậy tôi nhớ giọng nói của cô, muốn nghe giọng nói này lại, muốn nhìn cô cười khi tôi nói đùa, cảm nhận ánh nhìn ngưỡng phục khi cô nhìn tôi… Tôi nhận ra, những gì tôi nghĩ chỉ là tình bạn thì lại ở trong hoàn cảnh bất ngờ, tôi không còn “xử lý” được gì. Tình cảm mạnh hơn là quan hệ trải nghiệm trong sự trong sáng nhất. Tôi biết là nếu tôi đi một bước đến với cô, cô sẽ không ngần ngại mở các cánh cửa đời cô cho tôi. Nhưng như vậy thì ơn gọi chức thánh của tôi sẽ như thế nào đây? Tôi quay về với Chúa Giêsu, tôi thử tìm ánh sáng trong lời cầu nguyện, trong Thánh Kinh…

Nhưng không có gì có thể cất đi cái kềm đang xoáy lòng dạ tôi.

Chuyện này cũng kéo dài vài ngày, tôi hoàn toàn lạc hướng, buồn bã, lo âu. Và một buổi sáng, trong giờ cầu nguyện riêng, tôi tự hỏi:

– René-Luc, bạn muốn bạn ở trong hoàn cảnh nào nhất?

Dĩ nhiên câu trả lời đến ngay lập tức với tôi là:

– Trở thành linh mục là điều tôi mong muốn nhất! Điều này không có nghĩa là những người được gọi có đời sống vợ chồng thì cho ít tình yêu hơn những người được gọi vào đời sống thánh hiến. Nhưng với tôi, René-Luc, tôi biết khi trở thành linh mục, tôi sẽ có thể cho nhiều tình thương hơn! Bài phúc âm Thánh Gioan tiếp tục vang lên trong lòng tôi:

– René-Luc, con có yêu Ta hơn những người này không?

– Lạy Chúa, Chúa biết tất cả, con chỉ là một người khốn khổ, nhưng Chúa biết con thương Chúa biết là dường nào!

Và thế là tôi lặp lại lời nói “vâng” với Chúa Giêsu, với chức thánh! Chỉ trong vài giờ cái kềm được cất đi, niềm vui trở lại lòng tôi.

Vài tháng sau khi gặp lại cô, lòng tôi thanh thản. Thế là chấm dứt, lòng trong sáng, nhẹ nhàng. Tôi không chia sẻ với cô những gì tôi đã trải qua, cô cũng không nói với tôi những gì cô cảm nhận trong lòng. Chúng tôi quá tôn trọng nhau để không nói hết tình cảm của mình, để có thể vì thế mà làm cho cả hai giao động.

Tôi không bao giờ cám ơn cô cho đủ đã tôn trọng tôi, đã không để tình yêu của cô lên hàng đầu, nhưng là chính tôi. Trong lãnh vực tình yêu, thật dễ dàng để có được ở người kia những gì mình muốn cho mình.

Chúng ta thấy, một người thánh hiến hay người muốn được thánh hiến, họ không thoát khỏi được các hoàn cảnh bất ngờ. Lại càng tế nhị hơn và trong vô thức, lại càng lôi cuốn nơi người kia cái gì bị cấm. Và cũng đúng vậy với những người bị lôi cuốn bởi những người đã lập gia đình. Điều này có lẽ còn dữ dội hơn đối với người thánh hiến: họ từ bỏ tình yêu loài người để cho Chúa, còn tôi, họ sẽ yêu tôi! Những người này còn tự cao ở một mức khác, mức “gần như thần thánh”. Vì thế người thánh hiến cần được giúp đỡ, và thường thường phương thuốc hay nhất là áp dụng câu ngạn ngữ xưa: xa mặt, cách lòng!

Trong đời sống chủng sinh của tôi, nhiều lần tôi phải đối diện với các phụ nữ có một thái độ nhập nhằng. Nhưng những chuyện này không thấm gì so với kinh nghiệm tôi có với cô bạn trẻ. Cô, chính xác, cô không bao giờ nhập nhằng. Cô cho thấy cô có tình cảm thật với tôi, nhưng cô vô cùng tôn trọng con đường riêng của tôi.

Từ đó, cô bạn đã gặp chồng của mình và tôi rất quý trọng, họ có những đứa con rất xinh đẹp. Chỉ vài năm sau, cùng với cô và chồng cô, chúng tôi chia sẻ rất chân tình những gì chúng tôi đã sống thời đó. Tôi cám ơn họ đã cho phép tôi nêu thử thách nhỏ này ra, vì tôi nghĩ thử thách này có thể giúp một số người, nhất là những người có ơn gọi sống đời sống thánh hiến và “rơi vào lưới tình”.

Ơn gọi được so sánh như việc sáng tác một bức vẽ trên gỗ. Phải làm nhiều lớp để có được hình dạng của bức ảnh. Tôi nghĩ ‘lớp’ kinh nghiệm tình yêu con người là cần thiết. Tôi không nói ở đây các quan hệ tình dục, nhưng kinh nghiệm sâu đậm cảm nhận mình đáng yêu và có khả năng yêu. Kinh nghiệm này không đặt lại vấn đề ơn gọi thánh hiến, ngược lại nó có thể mang lại cho đời sống thánh hiến một chiều kích cao cả hơn.

 

Marta An Nguyễn dịch

602    17-02-2019