Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Thực chất của đời sống


Vào hôm thứ Hai 3/2/2014, trong trang web về Tài Chánh của Yahoo.com, có một bài viết rất đáng lưu ý. Bài viết mang tựa đề “Tại sao người này lại nghỉ công việc tiền lương cả trăm ngàn và cho đi hầu hết tài sản của mình” (Why this millennial quit his 6-figure job and gave away most of his possessions).1

Đó là câu chuyện cuộc đời ông Joshua Fields Millburn, khi 27 tuổi ông là giám đốc trẻ nhất của một công ty viễn thông lớn nhất vùng Trung tây Hoa Kỳ (Midwest). Khi ông được yêu cầu soạn một kế hoạch để đóng cửa 8 tiệm bán lẻ và sa thải 41 nhân viên thì lúc nộp kế hoạch cho chủ chính ông cũng xin nghỉ việc.

Hai năm trước đó, trong vòng một tháng ông chứng kiến cảnh mẹ ông từ trần và hôn nhân của ông đổ vỡ. Ông nhìn lại sự nghiệp mà ông đã gầy dựng – số lương cả trăm ngàn một năm, một chức vụ oai vệ và một ngôi nhà đồ sộ đầy những đồ vật đắt tiền – nhưng ông không cảm thấy hoàn thành được điều gì. Thay vào đó, ông cảm thấy gánh nặng vì những gì ông tích lũy. Làm việc 80 giờ một tuần, ông bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn của chủ nghĩa tiêu thụ mà sau cùng nó đã tiêu hủy hôn nhân của ông và để lại cho ông $100,000 tiền nợ.

Sau đó ông nảy ra ý định được gọi là “chủ nghĩa tối thiểu” (minimalism), đó là một lối sống quyết tâm gạt bỏ những rườm rà trong đời sống và chỉ để ý đến những gì thực sự quan trọng. Trong thời gian tám tháng, ông Millburn chấm dứt mua sắm những gì không cần thiết, ông cho đi hầu hết các đồ vật ông có, và ông sống trong khu chung cư chỉ có một phòng ngủ ở Dayton, Ohio.

Một người cùng sở với ông cũng thích lối sống đơn giản và hai người đã thành lập một trang web có tên là TheMinimalists.com để phổ biến lối sống tối thiểu, số độc giả thường xuyên theo dõi các bài viết của hai ông khoảng 2 triệu người. Trong trang web này, họ viết, “chủ nghĩa tối thiểu là một lối sống nhằm giúp người ta tự hỏi những điều gì đóng góp giá trị cho đời mình.” Và cũng theo trang web ấy, có nhiều hình thức của lối sống tối thiểu tùy theo hoàn cảnh mỗi người, nhưng “mỗi con đường đều dẫn đến cùng một chỗ: một cuộc đời có thêm thời giờ, thêm tiền, và thêm tự do để sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Chủ trương của những người theo chủ nghĩa tối thiểu không xa lạ gì với những người Công Giáo chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu đã dậy chúng ta trong phúc âm. Chúa nói, “Trong đời sống, các con đừng lo lắng phải ăn gì hay uống gì, hay lo lắng phải mặc gì cho thân xác. Mạng sống thì đáng lo hơn thực phẩm, và thân xác thì đáng lo hơn quần áo.

Chúa Giêsu không nói chúng ta vô lo trước các nhu cầu căn bản, nhưng Chúa đặt lại sự hợp lý giữa mạng sống và thực phẩm, giữa thân xác và y phục. Có phải vì thức ăn ngon và đắt tiền mà tốt cho sức khoẻ đâu? Trong thời đại ngày nay, vì thức ăn quá ngon nên người ta ăn uống nhiều, mà cũng từ đó lại sinh ra quá nhiều bệnh hoạn: tiểu đường, cao máu, cao mỡ, đau tim, đau thận, đau đủ thứ.

Cũng thế, sự lành mạnh của thân xác thì quan trọng hơn vẻ hào nhoáng bên ngoài của y phục thời trang, của chiếc xe đời mới, hay của ngôi nhà đồ sộ sang trọng. Nhiều người phải cực khổ làm hai việc một ngày mới kiếm đủ tiền để trả cho tiền nhà, tiền xe, tiền quần áo mà ăn uống thì rất kham khổ. Ngay cả khi bị bệnh họ cũng không dám nghỉ làm để ở nhà chữa bệnh! Chúa đã nói, “Mạng sống thì đáng lo hơn thực phẩm, và thân xác thì đáng lo hơn quần áo. Có ai nhờ lo lắng mà kéo dài cuộc đời mình thêm chút nào không?” Thật đúng như vậy! Khoa học ngày nay xác nhận rằng những người thường lo lắng thì lại dễ bị bệnh về đường ruột, về tim mạch, dễ bị heart-attack.

Chúa nói tiếp, “Hãy xem hoa dại ngoài đồng, chúng không làm lụng, không thu góp vất vả, nhưng ngay cả cẩm bào của vua Solomon cũng không đẹp bằng các bông hoa đó… Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào kho lẫm, vậy mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng… Nào các con không quan trọng hơn chúng hay sao?” Qua câu này, Chúa Giêsu không bảo chúng ta hãy lười biếng, đừng có làm việc, nhưng Chúa muốn nhắc nhở chúng ta hãy để ý đến giá trị con người.

Sống trong một xã hội đề cao tiêu thụ, qua các quảng cáo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet, chúng ta bị giới con buôn tư bản lèo lái để chúng ta tin rằng nếu tôi mặc y phục thời trang đó, ngồi trên chiếc xe đó, tay cầm chiếc iPhone đời mới nhất thì tôi sẽ có giá trị! Bởi thế chúng ta mua sắm ngay cả những món hàng không cần thiết, ngay cả khi tình trạng tài chánh còn eo hẹp, và chúng ta sẵn sàng kéo cầy trả nợ để có được những thứ đó!

Chúng ta là những người theo Chúa Kitô, Chúa không cấm chúng ta tiêu dùng, không khuyến khích chúng ta lười biếng, nhưng Chúa dậy chúng ta hãy khôn ngoan suy nghĩ để thấy giá trị đó có thật hay không? Nếu có giá trị nó sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

Một người không có điều kiện tài chánh, khi chạy theo vật chất, họ sẽ phải làm việc nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn, họ sẽ mất đi sự bình an, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và như vậy đó là điều không khôn ngoan.

Và dù chúng ta có dư thừa khả năng tài chánh đi nữa, chúng ta cũng cần phải khôn ngoan khi chạy theo vật chất, khi mua sắm những thứ không cần thiết. Thói quen mua sắm đó sẽ khiến chúng ta tưởng rằng chỉ có vật chất mới đem lại sự vui sướng. Và rồi chúng ta quên đi một niềm vui khác – không phải cực khổ để tìm kiếm, không phải lệ thuộc vào vật chất và là nền tàng của mọi hạnh phúc – đó là niềm vui tinh thần.

Thế nào là niềm vui tinh thần?

Hãy lấy một vài thí dụ: một bữa ăn trong gia đình mà cha mẹ, vợ chồng, con cái quây quần với nhau thì hạnh phúc hơn một bữa ăn cao lương mỹ vị nhưng lủi thủi một mình.

Một mái nhà ấm cúng không hẳn phải đầy những bàn ghế đắt tiền, những trang hoàng xa hoa lộng lẫy, nhưng là một nơi mà cha mẹ hy sinh cho con cái, vợ chồng hy sinh cho nhau, và nhiều tiếng cười hơn là tiếng cãi nhau.

Nơi nào có tình yêu, có sự hy sinh, có sự chia sẻ, có sự tha thứ nơi đó là Nước Trời, là Vương Quốc Thiên Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu nhắc nhở trong bài phúc âm, “Trước hết, [các con] hãy tìm kiếm Nước Trời.”

Trước hết chúng ta hãy nghĩ đến thực chất của đời sống, đến hạnh phúc thực sự. Nếu tôi muốn sắm chiếc iPhone đời mới mà vợ tôi cằn nhằn vì còn nhiều thứ khác cần phải chi tiêu trong nhà thì tốt hơn tôi phải từ bỏ ý định đó. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.”

Nếu tôi muốn mua một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn hột soàn đang “on-sale” mà con tôi cần phải có máy điện toán để học hành thì tốt hơn tôi nên mua máy điện toán. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.”

Ở đâu có tình yêu, ở đó có Nước Trời. Ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc. Nhiều người Công Giáo lầm tưởng rằng Nước Trời là thiên đường ở đời sau nên họ sống ở đời này không khác gì người không có Chúa, bởi thế, họ mệt mỏi vì ganh đua vật chất, họ chán nản vì sự phù du của vật chất. Họ mất đi niềm vui thực sự mà Thiên Chúa muốn ban cho họ chỉ vì họ không nhìn đến giá trị tinh thần ngay trong đời sống hàng ngày.

Bài phúc âm hôm nay nhắc nhở chúng ta về hạnh phúc thực sự của một con người. Chúng ta cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở và những tiện nghi khác. Nhưng ngoài sung sướng thể xác, chúng ta còn có niềm vui tinh thần. Đó là nền tảng của mọi hạnh phúc. Và chân lý này vẫn không thay đổi dù cách đây 2,000 năm hay trong hiện tại. Lời Chúa vẫn có giá trị để chúng ta suy nghĩ và áp dụng vào thực tế.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

1. http://finance.yahoo.com/news/why-millennial-quit-6-figure-05835000.html;
_ylt=A0LEVr3gM_RSMUAAa_YPxQt.;_ylu=X3oDMTByNW1iMWN2BHNlYwNzcgRwb3MDNw
Rjb2xvA2JmMQR2dGlkAw--?soc_src=mediacontentsharebuttons
878    24-02-2017