Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tiếng kêu cứu của một linh mục tuyệt vọng

 

Chúng tôi nhận “thư này của một linh mục bị chết đuối” như chính tác giả tự nhận. Linh mục nói lên nỗi băn khoăn sâu thẳm khi luôn đối diện với sự dửng dưng với Chúa Giêsu, với sự mệt mỏi hy sinh mà không được đáp trả, với sự nản lòng cùng cực của mình. Một lời kêu gọi thảm thiết mà chúng tôi xin độc giả trả lời. Và nếu trong Mùa Vọng này, chúng ta mang đến niềm vui cho các linh mục của mình, yêu Chúa Kitô mà không chờ đáp trả?

 

“ ‘Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (Mc 4,38)’

Tôi không hiểu được những gì xảy ra với tôi. Từ nhiều tuần nay tôi bị sầu muộn, rồi tôi tự vấn. Không phải về chức thánh của tôi, cũng không phải trong chọn lựa dâng hiến tâm thân tôi cho Chúa Kitô… Tôi là linh mục và tôi muốn vẫn là linh mục.

Tôi hạnh phúc trong đời sống linh mục của mình nhưng chung quanh tôi là cả một đời sống hời hợt và dửng dưng và tôi thường tự hỏi mình làm gì ở đây. Ích gì để mang của ăn đến cho người không đói?

Tất cả làm cho tôi bực mình và phiền não, tôi không còn muốn đi ra ngoài, không muốn có sáng kiến. Tôi ở trong tình trạng mệt mỏi nặng. Có một chút gì trái ý dù là chuyện nhỏ nhất cũng thành một gánh nặng mà tôi không còn chịu thấu. Và những người muốn ăn cao lương mỹ vị mà tôi đem đến cho họ món ăn bình dân, họ ăn một nửa rồi bỏ thùng rác… Sự dửng dưng hoàn toàn với Chúa Giêsu, cách hời hợt, thủ lợi, tiện dụng làm cho tôi phẫn nộ và nhận chìm tôi… ‘Khi tôi cần, khi tôi cần hẳn hay’. ‘Đúng, tôi muốn tin, tôi muốn sống tốt miễn là nó mang lại cho tôi một cái gì đó …’ 

‘Tôi làm lễ rửa tội, lễ hôn phối mà tôi không thấy vui một chút nào…’

Tôi đọc trên báo lời tâm sự của một linh mục: ‘Tôi làm lễ rửa tội, lễ hôn phối mà tôi không thấy vui một chút nào…’ Tôi cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng không có niềm vui này. Nó trở thành nghiêm trọng và khó gánh. Tôi thường đi ngược với lương tâm của mình, tìm những lý do từ hão huyền đến tầm thường cho bầu khí và các yêu cầu làm bí tích mà không có đức tin, theo như chúng ta có thể nói như vậy.

Khi nghĩ như vậy, khi bị thất vọng về công việc mục vụ, tôi thường cho tại mình quá đòi hỏi, đi tìm một ‘Giáo hội tinh tuyền’ đóng cửa với những người phạm tội và những người thấp bé, những người đang trên đường đi.

Và rồi giáo xứ tôi và các thách thức của nó: thú vị với nhiều thách thức cần được thực hiện: vừa tuyệt vời nhưng cùng một lúc làm tôi sợ. Công trường thì mênh mông, công việc thì đủ loại. Bắt đầu bằng việc nào đây? Tất cả các chương trình mục vụ, các sáng kiến truyền giáo có vẻ không đáng kể trước một xã hội nghiền nát đạo công giáo, hạ uy tín kitô giáo… thật nản lòng. Dù vậy, hạt giống đã được gieo, phải tin vào đó… Phải tin ư? 

Và với ai, tôi có thể nói tôi thật sự quan trọng?

Và ai là người quan trọng với tôi? Ai là người tôi coi trọng? Và với ai, tôi có thể nói tôi thật sự quan trọng? Sự vô ơn mà tôi thường đối diện đã đè nặng trên tôi. Từ nhiều tháng nay, hàng ngày tôi bị giáo dân bao vây và đôi khi còn nói những chuyện không thật, họ bảo họ dựa vào tôi: những người trẻ gặp đâu hay đó đi tìm tương lai của họ. Những người hoàn toàn khác tôi, họ chìm trong xã hội tiêu thụ mà tôi đang đau khổ vì nó. Phí phạm, hời hợt, ích kỷ gần như là chân trời duy nhất và chủ yếu của họ…  Nhưng tôi không cảm thấy cần phải xem trọng, gần như không một chút thiện cảm nào dù là một cảm thông chân thành. Tôi có cảm tưởng mình là người “tham vấn không công”. Một loại “linh mục nhỏ bé dễ thương” (GPP, gentil petit prêtre) ân cần tiếp đón, không quá nhàm chán mà người ta quên nhanh chóng khi không cần dùng đến…

Dạo gần đây tôi không còn muốn làm công việc của mình

Tôi thường có cảm nhận mình cô đơn, không phải cô đơn thể lý hay tình cảm, dù nó có đó, nhưng cô đơn trong chức thánh còn tàn nhẫn hơn ở thế giới nhốt Chúa vào tủ: cô đơn của cảm giác hy sinh cho Chúa mà không được việc gì… Cứ miệt mài cống hiến, tôi cảm thấy mình kiệt sức dù tôi vẫn còn giữ niềm vui không chờ đáp trả, nhưng tôi cảm nhận một phần con người tôi bị ngộp thở, để cho sự nản chí thắng thế. Dạo gần đây, tôi không còn muốn làm công việc của mình. Tôi hay để việc đến ngày mai.

Trong số những người ở chung quanh tôi, có những người gần gũi tôi nhất, một số không chia sẻ cùng đức tin với tôi: tôi thường thấy họ nhân bản hơn các tín hữu. Những người không có cùng cái nhìn về chức thánh, về đời sống, về tính nhân bản, về sự nghèo khó của tôi, họ có những lời an ủi tôi hơn là những người đáng lý hiểu và yêu đời sống chức thánh của tôi, họ không nghi ngờ tình trạng sống độc thân của tôi. Tuy nhiên, theo lẽ bên cạnh anh chị em kitô hữu mà tôi được hiểu trong chức thánh của tôi, đúng không?

Tôi không còn biết tôi đang ở đâu… Chắc chắn tôi cần mang lại ý nghĩa cho mọi sự, tìm trong tôi hay trong Chúa những gì cho tôi hiểu điều gì là quan trọng nhất, không phải những gì tôi làm hay tôi không làm, bao nhiêu người tôi gặp, nhưng hiểu tôi là ai, điều gì tôi cố gắng làm cho Ngài, cho giáo dân một cách nhưng không… Và điều này trở nên khẩn cấp phải làm cho ngày hôm nay.” 

 Một cha xứ làng quê, còn trẻ, còn sẵn sàng phục vụ ở đây hay nơi khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

2139    30-11-2018