Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tiếng Việt thời LM de Rhodes: các từ chỉ màu sắc như 'mùi xanh, sắc xanh, sắc biếc' (phần 18) - tt

Cơ sở giải thích sinh vật của điển tích ‘mắt xanh’

 

Tương tự như nguồn gốc của chữ xanh - từ cây cối lúc mọc hay sanh ra, dù là tiếng Anh/Pháp hay Hán - mắt xanh (mắt đen) cũng có thể giải thích qua cấu trúc của con mắt con người. Đồng tử (pupil/A), lỗ tròn bên trong mống mắt, có khả năng thay đổi kích thước tùy theo mức độ ánh sáng của môi trường và trạng thái (tinh thần và thể chất) của cá nhân. Hình sau trích từ trang idesign.vn

 

xanh_05.jpg

 

Xem lại điển tích về Nguyễn Tịch có mắt xanh và mắt trắng, khi ông thích và chú ý đến người nào (hay sự vật gì) thì đồng tử của ông mở rộng để tiếp nhận ánh sáng vào mắt nhiều hơn, và để ông nhìn thấy nhiều chi tiết mà mình muốn nhìn hơn. Chính sự nở ra (dilation) của đồng tử làm cho mống mắt trở nên đen hơn bình thường và từ đó ta có cách dùng mắt xanh (thanh nhãn ~ mắt đen) để chỉ sự ưng ý hay tích cực. Ngược lại với trường hợp mắt xanh, khi không muốn "nhìn ai" thì đồng tử nhỏ lại và làm cho màu mống mắt nhạt đi hay trở thành "mắt trắng" hơn so với bình thường. Bạn đọc có thể xem chi tiết về hoạt động giãn nở của đồng tử mắt tùy theo cường độ ánh sáng trên youtube trang này chẳng hạn google.com hay trang youtube.com …v.v…

 

Tóm lại, mùi xanh/mắt xanh (VBL) cho thấy tiếng Việt vẫn còn bảo lưu dạng cổ xanh của thanh và có khuynh hướng dùng thanh để chỉ màu xanh da trời so với xanh chỉ màu xanh lá cây. Điều này phù hợp với quá trình cấu tạo chữ thanh, một màu liên hệ đến giai đoạn cây cối vừa mọc ra (sanh ra - xanh tươi). Tiếng Trung (Hoa) hiện đại ít dùng từ thanh/xanh[18] so với lam (xanh da trời) và lục (xanh lá cây). Vào thời LM de Rhodes cho đến thời LM Béhaine/Taberd, tiếng Việt đã dùng biếc (sắc biếc/VBL) để chỉ màu xanh da trời so với xanh (mùi xanh/VBL) chỉ màu xanh lá cây. Tuy nhiên, biếc sau này lại dùng để chỉ cây cối xanh sẫm (truyện Kiều[19]) và không thông dụng như xanh và do đó tạo ra sự pha trộn (dùng chung) của hai màu xanh như trong tiếng Việt hiện đại. Vấn đề trở nên thú vị khi thanh hay thinh có nghĩa là trong (lặng yên, bộ thủy hợp với chữ thanh biểu âm), làm cách dùng trời xanh hay trời thanh có phần giống nhau, đặc biệt là khi trời trong (không mây) thì cũng là lúc trời có màu xanh tự nhiên - hai hiện tượng này luôn đi đôi với nhau. Thanh còn có nghĩa là màu đen, dẫn đến cách dùng thanh nhãn (‘mắt xanh’ thật ra là 'mắt đen') thể hiện sự vui lòng hay ưng thuận. Nét nghĩa này có thể giải thích bằng sự nở ra (mở rộng kích thước) của đồng tử con mắt khi muốn quan sát điều mình thích thú hay khi mình chú ý đến ai[20]. Màu xanh lá cây còn được dùng trong bảng Swadesh (Swadesh list) để so sánh liên hệ giữa các ngôn ngữ vì các từ chỉ màu xanh thường được dùng khá ổn định[21] (không vay mượn trừ khi trong cùng một họ ngôn ngữ). Tính chất ổn định thấp của chữ thanh (xanh) còn thấy trong cách dùng thanh lâu 青樓: thời cổ đại chỉ cung điện của vua chúa hay các bậc quyền quý, nhưng từ thời Đường Tống lại có nghĩa là kĩ viện[22]. Hi vọng người đọc thấy thích thú/quan tâm với các gợi ý của bài này và sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt phong phú của chúng ta, cũng như khám phá thêm những hiện tượng ngôn ngữ thú vị dựa vào các tiến bộ khoa học cận đại.

 

4. Tài liệu tham khảo chính và phê bình thêm

 

1) Đào Duy Anh (1974) "Từ điển truyện Kiều" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

 

2) Gabriel Aubaret (1867) "Vocabulaire français-annamite & annamite-français & grammaire" in năm 1867, viết xong năm 1863. Sĩ quan hải quân Aubaret thông thạo chữ Nho và chữ quốc ngữ.

 

3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

 

(1774/Quảng Đông - Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

4) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

 

5) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

 

 (1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

 

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

 

7) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

 

8) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

 

9) Lý Lạc Nghị (1997/1998) "Tìm về cội nguồn chữ Hán" Jim Waters biên soạn, GS Trần Nghĩa/Vương Lộc hiệu đính - NXB Thế Giới (1998, Hà Nội).

 

10) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

 

 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

 

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

 

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

 

11) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

 

12) Nguyễn Cung Thông (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free

 

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr

 

(2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5A)" có thể xem toàn bài trên trang nghiencuulichsu.com hay facebook.com ...v.v...

 

(2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5B)" có thể xem toàn bài trên vandoanviet.blogspot.com …v.v…

 

13) Tuệ Tâm (2018) "Màu xanh – Màu sắc tượng trưng cho hy vọng của phương Đông" bài viết đăng trên mạng Tinh Hoa trang tinhhoa.net .

 

14) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).


Nguyễn Cung Thông
[23]

 


---------------

[1] Tại sao lại không dùng môi trường trong/sạch, trắng hay các màu khác mà lại mà lại dùng màu xanh lá cây?

[2] Theo một báo cáo khoa học gần đây từ đại học Copenhagen (2008) cho thấy đầu tiên có một người (ancestor - ông bà/tổ tiên) có mắt xanh cách đây khoảng 6 đến 10 ngàn năm. Đây là do sự đột biến gene (genetic mutation) - xem toàn bài trang này chẳng hạn sciencedaily ...v.v...

[3] Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc (1957) qua tựa đề "Mộng dưới hoa" rất nổi tiếng về sau. Có một số tài liệu ghi câu thơ thứ ba là "Mắt xanh là bóng dừa hoang dại".

[4] Theo cấu trúc Việt ngữ thì xanh xanh là hơi xanh, có lẽ "trời xanh xanh" (VBL) là trời thanh (trong) xanh vì thanh vẫn có thể hoán chuyển cho xanh. Quá trình biến đổi từ phụ âm xát/đầu lưỡi thành phụ âm tắc/đầu lưỡi chưa hoàn toàn chấm dứt vào thời LM de Rhodes sang An Nam: thí dụ như vi sang vẫn có thể dùng vi thang, lơ xơ ~ lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa ~ Sinua, nguyệt sa (nguyệt thoa).

[5] Điều này cho thấy khả năng tính từ có thể đứng trước danh từ vào thời VBL như cả trong các cách dùng cả lòng (tiếng Việt bây giờ là lớn gan), cả tiếng (tiếng Việt bây giờ là lớn tiếng), cả sáng, cả bụng, cả gan, cả giận, cả lời (tiếng Việt bây giờ là nhiều lời), cả sức … Thành ngữ tiếng Việt vẫn bảo lưu nét nghĩa cả (lớn): cả gan, cả ăn cả ỉa, cả mô là đồ làm biếng, cả vú lấp miệng em, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng …v.v…

[6] Xanh có các dạng chữ Nôm dùng bộ mộc ???? (có lý hơn vì liên hệ đến cây cối), chữ thanh  hay sau này lại dùng bộ thủ , chữ sanh/sinh , chữ sanh/sinh biểu âm hợp với chữ thanh biểu ý ...v.v...

[7] Có thể tiếng La Tinh không có từ đặc biệt chỉ màu xanh da trời (so với viridis ~ xanh lá cây) nên tiếng Pháp dùng từ bleu, tiếng Ý blu có gốc Germanic - tiếng Tây-Ban-Nha và Bồ-Đào-Nha lại dùng azul có gốc Ả-Rập. Tiếng Pháp bleu nhập vào tiếng Anh để cho ra dạng blue.

[8] Minh bộ mịch  là tối tăm, thăm thẳm (như bầu trời cao xa) - không nên lầm với Thanh Minh (tết) 清明 với minh bộ nhật  lại có nghĩa là vào khoảng thời gian ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 tháng 4 hàng năm.

[9] Còn gọi là xanh lá cam theo Aubaret, P.G. Vallot hay Génibrel (sđd).

[10] ĐNQATV (Tome II) trang 370 ghi màu thanh là màu xanh, sắc thanh là sắc xanh.

[11] caeruleus là chữ ghép từ caelum (bầu trời) hợp với hậu tố -uleus (làm nhỏ lại). Caeruleus có các nghĩa (a) thuộc về biển (b) thuộc về trời (c) liên hệ đến sông hay thần sông (d) màu đậm (xanh đậm) (e) tối tăm, ảm đạm

[12] Học giả Mao Hoảng 毛晃 (thời Tống) ghi rõ nghĩa của biếc là 深靑色 thâm thanh sắc (màu xanh đậm ~ xanh da trời). Vốn từ HV còn có các từ lam , thương  chỉ màu xanh thẫm. Lục là màu xanh (lá cây). Các từ biếc, lam, lục thường dùng chung với xanh trong tiếng Việt để chỉ nghĩa rõ hơn như xanh lam, xanh biếc, xanh lục ... Các từ ghép khác cho rõ nghĩa hơn (Taberd/1838) là xanh lè, xanh lẻo, xanh dờn dờn, xanh nghịt nghịt ...

[13] LM Béhaine/Taberd (17172/1773-1838) lại ghi thinh chữ Nôm là thanh  bộ nhĩ. Điều này dẫn đến các cách giải thích khác nhau về nguồn gốc cách dùng "làm thinh". GS Trần Quốc Vượng đề nghị “làm thinh” nói lên Phật tính trong tiếng Việt, cũng như áo ấm và áo lạnh, đánh bại và đánh thắng (Trong Cõi) …v.v…

[14] Aubaret (1867, sđd) ghi là sắc da trời, xanh da trời, màu xanh da trời (bleu/P).

[15] Theo "Từ nguyên" Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh (2004). Các nghĩa khác của thanh như địa danh, họ của người TQ, vỏ cây tre không nằm trong phạm vi của bài viết này. Cách dùng mắt xanh (thanh nhãn) tương tự như mây xanh (thanh vân 青雲) với nghĩa không hẳn liên hệ đến màu xanh (như trong ngôn ngữ hiện đại).

[16] Trích từ bài viết "Mắt xanh là gì?" của Phạm Tuấn Vũ - đăng trên trang mạng Bình Định on line (26/5/2018).

[17] Các câu ca dao này có thể thay đổi trong dân gian như "ví chẳng hại chồng thì cũng hại con", tuy nhiên vẫn mang hàm ý chính là chê bai (tiêu cực).

[18] Vấn đề trở nên phức tạp khi âm *xanh thời xưa cũng từng chỉ màu đỏ như chữ hiếm thanh (tần số dùng 93 trên 238569519) cùng cách đọc với thanh (xanh) 倉經切,音靑 thương kinh thiết, âm thanh (TV). Chữ hiếm xanh/sanh/trinh   ????   cũng có nghĩa là màu đỏ. Đây là các chủ đề cần được tra cứu sâu xa hơn để hiểu rõ hơn các cách dùng đặc biệt trên.

[19] Truyện Kiều dùng thanh (xanh) 2 lần, xanh 12 lần, biếc 4 lần, lục (xanh lá cây) 3 lần. Trời xanh(dùng 1 lần): trời xanh quen thói má hồnng đáng ghen (câu 6). Mắt xanh xuất hiện 1 lần trong truyện Kiều.

[20] Cũng như máy ảnh (camera) cần ánh sáng để chụp hình cho rõ, mắt người dựa vào kích thước của đồng tử để nhìn thấy chi tiết hơn. Đồng tử của mắt sẽ mở rộng khi phải tập trung (não bộ) để giải quyết vấn đề, hay khi đối diện một trường hợp hiểm nghèo (đồng tử mở lớn ra để cho thấy chi tiết hơn) và khi dùng một số chất kích thích như cocaine,  amphetamine ...

[21] Xanh/thanh hiện diện trong tiếng Việt và tiếng Hán cho thấy nhà ngôn ngữ Morris Swadesh không thật sự chính xác khi dùng từ chỉ màu xanh cho bảng so sánh gồm 100 từ (1971). Cũng như tiếng Tagalog (ở Phi-Luật-Tân) dùng từ asul chỉ màu xanh da trời và berde chỉ màu xanh lá cây (mượn từ tiếng Tây-Ban-Nha azul và verde) dù đã có từ bugháw và lunti(án) từ xa xưa. Nghiên cứu của Eric W. Holman và đồng nghiệp gần đây (2008) cho thấy mức ổn định (stability) của từ xanh lá cây (green/A) là 21.1% so với từ chỉ con chí (louse/A) 42.8% và số 2 (two/A) 39.8%. Thí dụ như bảng so sánh Leipzig–Jakarta (2009) không có từ chỉ màu xanh (blue, green) nhưng có từ chỉ màu đen (black/A) và đỏ (red/A) như trong bảng Swadesh.

[22] Kĩ viện là chỗ các kĩ nữ tá túc (nhà chứa, nhà thổ, lầu xanh ~ thanh lâu). Đây cũng là nghĩa hiện đại của lầu xanh. Trong truyện Kiều, lầu xanh xuất hiện 8 lần so với thanh lâu 1 lần: Lầu xanh có mụ Tú Bà (câu 809).

[23] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

843    23-07-2019