Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Tiếp đón khách lạ

 

Trong Kinh thánh của Do Thái luôn có một đòi hỏi đạo đức rất mạnh, là phải tiếp đón khách lạ, khách ngoại kiều. Điều này được nêu bật bởi hai lý do: Thứ nhất, dân Do Thái từng là khách ngoại kiều và dân nhập cư. Kinh thánh nhắc nhở họ đừng quên điều đó. Thứ hai, họ tin rằng sự mặc khải của Thiên Chúa thường đến qua những người lạ, qua những gì xa lạ với chúng ta. Niềm tin đó có phần không tách rời trong đức tin của họ.

Các ngôn sứ lớn cũng phát triển thêm tâm thức này. Họ dạy rằng Thiên Chúa thương người nghèo hơn, và do đó chúng ta sẽ được phán xét theo cách chúng ta đối xử với người nghèo. Các ngôn sứ lặp đi lặp lại lời này. Để thấy đức tin của bạn được xem là mạnh hay yếu, cứ nhìn vào công lý ở nơi bạn sống. Và công lý được phân định bằng cách nhìn xem những cô nhi quả phụ và khách ngoại kiều được sống thế nào.

Cô nhi quả phụ và khách ngoại kiều. Đây là ba nhóm người yếu đuối nhất trong xã hội. Và thông điệp của các ngôn sứ không nói suông. Đúng ra, đó là một lời mắng thẳng vào mặt những người thời đó, tỏ ra sùng đạo và tin rằng mình sẽ được phán xét dựa theo sự tuân giữ đạo một cách chặt chẽ và cứng ngắc.  Và cả thời nay, người ta thường xuyên loại công bằng xã hội ra khỏi tôn giáo.

Nhưng Chúa Giêsu đồng lòng với các ngôn sứ Do Thái. Với Ngài, Thiên Chúa không chỉ thương người nghèo hơn, mà Thiên Chúa còn hiện thân nơi người nghèo. Cách chúng ta đối xử với người nghèo là cách chúng ta đối xử với Chúa. Hơn nữa, lời các ngôn sứ cứ lặp đi lặp lại rằng chúng ta sẽ được phán xét tùy theo cách mình đối xử với người nghèo, đã được Chúa Giêsu khẳng định trong dụ ngôn về ngày Phán xét, trong chương 25 Phúc âm theo thánh Matthêu. Chúng ta đều quen, hoặc quá quen, với đoạn này. Chúa Giêsu đang trả lời cho chúng ta một câu hỏi: Ngày Phán xét như thế nào? Thước đo nào cho chúng ta? Chúng ta sẽ được phán xét thế nào?

Câu trả lời của Ngài thật thẳng thừng đến choáng váng, và có lẽ là những lời đầy thách thức nhất trong Phúc âm. Ngài bảo rằng chúng ta sẽ được phán xét theo, và chỉ theo, cách chúng ta đối xử với người nghèo, nghĩa là cách chúng ta đối xử với những người yếu đuối nhất. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nói rõ về “khách lạ,” khách ngoại kiều, người tị nạn: “Ta là khách lạ và các con đã tiếp rước… Ta là khách lạ và con đã không tiếp rước.”  Chúng ta được đứng bên phải hay bên trái trước mặt Chúa, là tùy vào cách chúng ta tiếp đón người khách lạ.

Và cũng cần nhấn mạnh một điểm trong đoạn này, đó là những người làm đúng và làm sai, đều biết mình đang làm gì. Cả hai đều biện bạch với Chúa. Nhóm thứ nhất nói rằng: “Chúng con đâu biết lúc đó chúng con phục vụ Chúa.” Còn nhóm thứ hai thì nói: “Nếu biết đó là Chúa, thì chúng con đã phục vụ rồi.”  Trong Phúc âm theo thánh Matthêu, tư cách môn đệ trưởng thành không dựa trên việc chúng ta tin rằng mình hiểu đúng, nhưng là dựa trên việc chúng ta hành động đúng.

Và tôi tin đây là nguyên tắc vô cùng thích hợp cho thời nay, khi chúng ta đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư ở các nước Phương Tây. Chắc chắn ngày nay chúng ta đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Hàng triệu người bị bách hại bất công, bị dọa giết, bị đuổi khỏi nhà và quê hương mình, họ không biết phải đi đâu, và chẳng có ai đón nhận họ cả. Là Kitô hữu, chúng ta không quay lưng lại với họ hoặc đẩy họ ra xa. Nếu tin Chúa Giêsu, chúng ta tin mình sẽ được phán xét theo cách chúng ta đối xử với người tị nạn hơn là theo cách chúng ta đi nhà thờ. Khi đứng trước Chúa trong ngày Phán xét và nói rằng: “Có lúc nào con thấy Chúa là khách lạ và không tiếp đón chứ?” Thì thế hệ chúng ta sẽ phải nghe thấy: “Ta là người tị nạn Syria và con đã không tiếp đón.”

Chắc chắn, nói thế này có vẻ ngây thơ, quá lý tưởng hóa và chính thống cực đoan. Vấn đề của những người tị nạn và nhập cư rất nhạy cảm và phức tạp. Các quốc gia đều có đường biên giới cần phải tôn trọng và bảo vệ, cũng như phải bảo vệ các công dân của mình nữa. Phải thừa nhận là có rất nhiều vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, và an ninh cần phải giải quyết.  Nhưng khi giải quyết chúng, thì chúng ta phải giải quyết với một nhận thức đã được nói rõ trong Kinh thánh, trong lời Chúa Giêsu, và trong các huấn giáo xã hội của Giáo hội: Chúng ta phải chào đón khách lạ, bất chấp những bất tiện và dù cho có nguy cơ.

Với đủ mọi lý lẽ theo chủ nghĩa thực dụng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, chúng ta có thể biện minh cho việc không chào đón họ, nhưng không bao giờ có thể lấy Kitô giáo để biện minh cho chuyện đó. Không tiếp đón khách lạ là đi ngược lại với tâm điểm thông điệp của Chúa Giêsu và nó khiến chúng ta dễ dàng quên đi rằng chúng ta cũng từng là người khách lạ trong cuộc đời này.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

4300    24-08-2017