Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tin Mừng hóa các lãnh vự 'dấu chỉ' hôm nay: Truyền Thông - Di Dân - Môi Trường

 

 
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 11.2019 - Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

UBGD.jpg

“Khi các ngươi thấy mây kéo lên từ phía tây, các ngươi nói ngay: ‘mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: ‘trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét” (Lc 12:54-56)

 

‘Dấu chỉ thời đại’ là thành ngữ gắn chặt với cách nói của Hội Thánh Công Giáo thời Công Đồng Vatican II, bắt đầu vào những năm 1960 dưới thời ĐTC Gio-an XXIII, liên quan tới nội dung các  đoạn Tin Mừng Mt 16:2-3 và Lc 12:54-56. Nó mang ý nghĩa như sau, Hội Thánh (như một tập thể, cũng như từng cá nhân Ki-tô hữu) cần phải biết lắng nghe, biết học hỏi từ các biến cố đang dồn dập xảy ra quanh mình trên thế giới, để nhận biết được điều Chúa đang muốn mình thi hành trong một hoàn cảnh cụ thể. Nói cách khác, Hội Thánh nơi các phần tử của mình - cách riêng các Ki-tô hữu giáo dân đang sống giữ đời, phải biết quan tâm sâu sắc tới những chuyển biến của thế giới hiện đại, hầu có thể trung thành với ơn gọi mình nhận được là thánh hóa bản thân và Tin Mừng hóa nó. Kể từ Công Đồng Vatican II tới nay, Tòa Thánh, qua các văn kiện huấn quyền ban hành, đã đặc biệt chỉ ra ba ‘dấu chỉ’ nổi bật đang in đậm nét trên thế giới hiện đại, những dấu chỉ mà mọi Ki-tô hữu bất luận không thể không bỏ qua trong sứ mệnh sống đạo và rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay, đó là: truyền thông, di dân và môi trường.

 

1/ Truyền thông

 

Ta nên nhớ rằng: Huấn thị về Các Phương tiện Truyền thông Xã hội Inter Mirifica là tài liệu thứ hai được Công Đồng ban hành rất sớm, vào ngày 04 tháng 12 năm 1963. Tài liệu này tuy ngắn ngủi, nhưng nói lên mối quan tâm sâu sắc của Công Đồng, là làm sao cho mọi Ki-tô hữu hiểu biết được về tầm quan trọng, cũng như ảnh hưởng sâu rộng của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hôi đối với việc xây dựng công ích, cũng như đối với hiệu năng của việc rao giảng Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay. Vấn đề truyền thông, qua triều đại các Giáo Hoàng kế tiếp sau đó, đã được Tòa Thánh dần bổ sung bằng nhiều văn kiện khác nữa, trong đó có Huấn thị Mục vụ về các Phương tiện Truyền thông Xã hội Communio et Progressio được ban hành vào tháng giêng năm 1971, một văn kiện dài và đầy đủ hơn. Hôm nay, đã hơn 50 năm hậu Công Đồng Vatican II, nhân loại đã chứng kiến những bước tiến bộ vượt bậc về các phương tiện truyền thông toàn cầu (thử nghĩ tới internet với các ứng dụng đa phương và đa năng của nó) cùng với tất cả ảnh hưởng chúng kéo theo, ngày càng tỏ ra vô cùng lợi hại cả về diện tích cực lẫn tiêu cực.  Chính vì thế mà ‘dấu chỉ truyền thông’ ngày càng lộ rõ tầm quan trọng và tính cấp bách đặc thù của nó.

 

Thiết tưởng lúc này hơn bao giờ hết, ta nên nhắc lại hướng dẫn rất nền tảng mà Công Đồng dành cho các Ki-tô hữu giáo dân trong lãnh vực này: “Trách nhiệm của các Mục tử là giáo huấn và hướng dẫn các giáo dân để họ, với sự nâng đỡ của chính các phương tiện truyền thông này, thăng tiến chính bản nhân họ cũng như toàn thể gia đình nhân loại, hướng tới phần rỗi cũng như việc thánh hóa mình. Ngoài ra, các giáo dân cách riêng phải nỗ lực làm sao cho các giá trị nhân bản và Ki-tô hữu thấm nhuần vào việc sử dụng các phương tiện này, sao cho chúng có thể đáp ứng cách hữu hiệu những ước mơ to lớn của nhân loại, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa.” (Inter Mirifica 03). Huấn thị cũng nhắc nhở các Ki-tô hữu cách cụ thể rằng, khi sử dụng các phươn tiện truyền thông, họ - trong tư cách cá nhân cũng như tập thể - cũng có trách nhiệm phải bảo đảm làm sao cho những gì mình nghe hoặc nhìn v.v. được lành mạnh và xây dựng về luân lý vung như đức tin. Họ có bổn phận xa tránh những nội dung có thể làm mình bị tổn thương trong đời sống đức tin, hay trái ngược với tinh thần Tin Mừng (xem Inter Mirifica các số 10-12).

 

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là đối với giới trẻ. Và điều này đòi hỏi một quan tâm và hướng dẫn đặc biệt từ phía các bậc phụ huynh và nhà giáo dục…, sao cho các em, giữa cơn bão truyền thông, biết tiếp thu các thông tin và kiến thức mình nhận được với nhận thức chọn lọc dựa trên các tiêu chuẩn Tin Mừng và luân lý lành mạnh và vững chắc (xin xem Inter Mirifica các số 16-17).

 

2/ Di Dân

 

Một ‘dấu chỉ thời đại’ quan trọng khác nữa của xã hội loài người hiện đại là hiện tượng ‘di dân’. Khác với quá khứ, khi mà hiện tượng di dân không chỉ giới hạn trong các cuộc tản cư, chạy loạn, lưu đầy hay di cư, hầu hết do các nguyên nhân thiên tai – đói kém, hay giặc giã - loạn lạc gây nên, và chỉ xảy ra cách lác đác, khoanh vùng hạn hẹp và mang tính nhất thời, ngày nay hiện tượng này đang bùng nổ rộng khắp, hầu như mọi nơi trên thế giới, và ảnh hưởng tới mọi lãnh vực của cuộc sống con người, như xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… thậm chí cả tôn giáo nữa (xin tham khảo Huấn Thị Erga Migrantes Caritas Christi của Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục vụ Chăm sóc Di dân và Người lữ hành số 01). Hiện tượng này chắc chắn kéo theo những hệ quả sâu đậm và lâu dài, cả tích cực lẫn tiêu cực, có khả năng làm huynh đảo cuộc sống từng người, từng quốc gia dân tộc, và toàn xã hội nữa. Nhìn chung hết và xa hơn nữa, người ta còn có thể nhận thấy nơi hiện tượng này: xã hội đang dần hình thành một lối sống mới, lối sống dựa trên sự di chuyển (tương tự như nếp sống du mục xưa kia), và kéo theo muôn vàn đổi thay sâu sắc, như những tương quan nhân vị mới, những suy tư mới, những tiến bộ mới, v.v… “Như thế, Hội Thánh coi hiện tượng di dân hiện nay như một ‘dấu chỉ thời đại’ đầy ý nghĩa, là một thách đố cần được khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo Tin Mừng bình an” (EMCC số 14).


Đúng thế, hiện tượng di dân đang cống hiến cho Dân Chúa một khả thể to lớn để canh tân niềm tin của mình hầu thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng (một cuộc ‘xuất hành đức tin và hy vọng’, theo cách nói của Đức Bê-nê-đi-tô XVI trong sứ điệp ngày quốc tế di dân năm 2013), đồng thời cũng là một thời cơ đầy thách đố để xây dựng hòa bình thế giới. “Cả trong Giáo hội và xã hội, các Ki-tô hữu giáo dân, các hiệp hội giáo dân, các phong trao Hội Thánh, giữa tất cả các khác biệt về đoàn sủng và tác vụ, được mời gọi cống hiến các chứng tá Ki-tô hữu, và sẵn sàng phục vụ di dân” (EMCC số 86). Đây còn được coi là vận may hiếm có để thăng tiến cách hữu hiệu vai trò của Ki-tô hữu giáo dân trong nội bộ Hội Thánh, cũng như ngoài xã hội. “Trong một Hội Thánh được Thần Khí Chúa thôi thúc, đang phấn đấu để trọn vẹn trở thành truyền giáo và phục vụ, thì việc tôn trọng các ân điển của mỗi người phải được đặt lên hàng đầu. Trong vấn đề này, tín hữu giáo dân phải có được quyền tự trị cao trong các lãnh vực, nhờ đó, họ chu toàn trọng trách Diakonia độc đáo của họ, như thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người già yếu, hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên, sinh động các hộ gia đình, dạy giáo lý, điều hành các khóa huấn luyện nghề nghiệp, làm việc trong các trường học và cơ quan hành chánh, xa hơn nữa, làm phụ tá phụng vụ và tư vấn trong các trung tâm cầu nguyện gặp gỡ và suy tư Lời Chúa” (EMCC số 86 cũng tham khảo thêm các số 87-88). Hiện tượng rộng lớn này không cho phép họ, nhất là trong tư cách Ki-tô hữu, đóng kín mình lại, nhưng phải mở ra cho các phục vụ quảng đại.

 

 3/ Môi trường sinh thái

 

Năm 2015, Đức Phan-xi-cô I đã ban hành Thông Điệp Laudato Sì – (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung) bàn về đề tài nóng bỏng là ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Trước hết, Thông Điệp này đã phác họa cho thấy sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm toàn cầu hiện nay, kéo theo những hậu quả vô cùng thảm khốc trên toàn nhân loại, điển hình là hiện tượng ‘biến đổi khí hậu’. Tiếp theo đó, văn kiện cống hiến cho các tín hữu nói riêng và mọi người nói chung, một nhãn quan Tin Mừng sâu sắc về tạo dựng, cơ sở của sự hiệp thông hoàn vũ. Sau khi đã đưa ra một phân tích mang tính khoa học về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, Thông Điệp cũng thử đưa ra giải pháp là thiết lập một khoa sinh thái toàn diện. Điều này nhất thiết đòi phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn về môi tường trong cộng đồng quốc tế, hầu tiến tới việc hình thành một chiến lược thống nhất trên cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, để đưa ra những quyết định khả thi cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Trong suốt tiến trình này, con người và sự phát triển chân chính của họ phải được đặt thành mục tiêu chính yếu và tối hậu, và luôn được nhắm tới. Hơn nữa về phần mình, trong khi giải quyết các vấn đề sinh thái và môi trường, các Ki-tô hữu sẽ tìm ra được linh đạo chân chính sâu sắc nhất cho mình, trong tương quan với Thiên Chúa – Đấng tạo dựng, và đoàn kết với các người anh em trong bình an và vui tươi. 

 

Thông Điệp được gửi tới mọi người thiện tâm chứ không phải chỉ riêng cho các Ki-tô hữu, nên nó  không có một lời trực tiếp nào gửi tới giáo dân. Tuy nhiên, giáo dân phải là những người bén nhạy nhất trước những lời kêu gọi thống thiết này, trong tư cách Ki-tô hữu cũng như công dân của thế giới. ĐTC kêu gọi họ: “Thách đố nghiêm trọng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng bao gồm luôn cả việc mang gia đình nhân loại xích lại gần nhau, hầu tiến tới một nền phát triển toàn diện và bền vững, bởi vì ta biết rằng mọi sự đều có thể biến đổi. Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta! Người không bao giờ khước từ kế hoạch yêu thương của Người, hay ân hận vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng cùng nhau làm việc để kiến thiết ngôi nhà chung. Lúc này cha muốn nhìn nhận, khích lệ và cám ơn tất cả những ai đã nỗ lực cách này hay cách khác duy trì việc bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ. Cách riêng cha đánh giá cao những ai không ngại mỏi mệt tìm mọi cách để giải quyết các hậu quả tang thương của việc môi trường bị hủy hoại đang tác động trên đời sống của những người nghèo nhất trên thế giới. Người trẻ đang đòi phải thay đổi; nhưng chính họ sẽ lấy làm ngạc nhiên: tại sao lại có những người dám tuyên bố mình đang xây dựng một tương lai tươi sáng mà lại không hề nghĩ đến cuộc khủng hoảng môi trường, và những đau khổ mà các người bị loại bỏ đang phải hứng chịu.” (Laudato Sì số 13) Và lời kêu gọi này được gửi tới tất cả mọi người chúng ta để cùng nhau chung tay, không trừ một ai: “Tất cả mọi người chúng ta, trong tư cách dụng cụ của Chúa, đều có thể cộng tác vào việc chăm sóc tạo dựng, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, can dự và khả năng của riêng ông/bà đó.” (Laudato Sì số 14)

 

Tóm lại, trong thế giới hôm nay, không một Ki-tô hữu nào có thể coi mình là chân chính, nếu không biết đọc những ‘dấu chỉ’ thời đại mà Chúa đang vạch ra để chỉ cho mình cách thích hợp nhất tuyên xưng đức tin và loan truyền Tin Mừng (nhất là khi đã có tiếng nói của Hội Thánh). Điều này đúng cho từng cá nhân Ki-tô hữu, nhưng cũng có thể đúng đối với mọi đoàn thể và tập thể trong Hội Thánh, ở mọi cấp mọi nơi (các hội đoàn, đoàn thể, dòng tu, cấp giáo xứ hay giáo phận…). Và đó cũng có thể được coi như tiêu chuẩn để đánh giá tính sống động của Tin Mừng nơi các Ki-tô hữu, đặc biệt giáo dân, tại một vùng hay lãnh thổ xác định.

 

 Câu hỏi gợi ý:

 

1/ Các cha mẹ Công Giáo trong vùng bạn sống quan tâm thế nào tới thái độ của các người trẻ trong việc sử dụng (hay lạm dụng) phương tiện truyền thông như ‘internet’?

 

2/ Bạn có cho rằng giáo xứ của bạn quan tâm tới vấn đề di dân không, nhất là trong việc tiếp đón và nâng đỡ họ, về vật chất cũng như tinh thần?

 

3/ Tình trạng vệ sinh môi trường của giáo xứ bạn (nhất là khi có số lượng giáo dân đông tập trung) có thật sự tốt hơn so với các địa phương khác không? Tại sao?

 

Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

854    06-11-2019