Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Tình bằng hữu thiết yếu

 

Tôi lớn lên luôn luôn được dạy cầu nguyện và giữ đạo đức cá nhân là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Đó là điều đương nhiên, không lẫn trốn đâu được.

Là một ki-tô hữu tốt, là biết cầu nguyện, một mình hay trong giờ phụng vụ và có hạnh kiểm đàng hoàng.

Nền giáo lý Công Giáo tôi lớn lên, dù không phủ nhận tầm quan trọng của công bình xã hội, nhưng ít nhấn mạnh đến việc dấn thân đấu tranh cho người nghèo, dù cuộc đấu tranh này cũng hiển nhiên và không trốn vào đâu được như cầu nguyện và hạnh kiểm cá nhân.

Nhận thức của Ki-tô giáo đã tiến bộ. Trong những năm gần đây, sự thay đổi quan trọng nhất trong lòng Ki-tô giáo có lẽ không phải là sự thay đổi do công đồng Vatican II mang lại, nhưng là sự tái xuất hiện ý tưởng cho rằng không thể có lành mạnh thiêng liêng nếu  không có công bình xã hội.

Các nhà thần học giải phóng của thế giới thứ ba và các nhà bảo vệ công bình xã hội trong nền văn hóa chúng ta đã góp phần thuyết phục lương tâm ki-tô rằng công bình xã hội là chuyện không nhân nhượng, nó không phải là một lựa chọn tùy tiện, có quyền chọn hay không chọn, cũng như cầu nguyện và hạnh kiểm cá nhân, cũng không phải là chuyện tùy tiện, muốn làm hay không cũng được.

Người ki-tô hữu lành mạnh là người cầu nguyện, sống một đời đạo đức tốt đẹp, và dấn thân giúp người nghèo. Cả ba đều là những yếu tố không nhân nhượng.

Nhưng nó không được mọi người chấp nhận dễ dàng, các căng thẳng gần đây trong Giáo Hội đã cho thấy như vậy.

Người ta thường kết án các phong trào công bình xã hội đã không nhấn mạnh đầy đủ đến việc cải hóa cá nhân, cầu nguyện cá nhân và đạo đức cá nhân. Họ bị chỉ trích đã tạo ra một thái độ thiêng liêng ẩn mình trong một lương tâm kém phát triển về mặt cá nhân; nói cách khác, khi bạn bảo vệ cho chính nghĩa thì cầu nguyện hay không cầu nguyện, thiên vị và hận thù, sống bên lề điều răn thứ bảy, đi nhà thờ hay không là chuyện không quan trọng.

Ngược lại, chung chung, các phong trào này bất bình Ki-tô giáo đã cá nhân hóa việc cải hóa một cách nguy hiểm, tạo ra một thái độ thiêng liêng ẩn mình trong một lương tâm kém phát triển về mặt xã hội; có nghĩa người kitô hữu tốt là người biết cầu nguyện, đi nhà thờ, giữ đúng điều răn của Giáo Hội về mặt tình dục, chẳng cần quan tâm đến việc bỏ lơ người nghèo hoặc có khi còn khai thác họ.

Lời kết án của cả hai phía đều có phần nào đúng và phần nào quá đáng nhưng, vào giây phút này, vì cán cân nghiêng về việc cải hóa cá nhân một cách nguy hiểm, tôi nghĩ Giáo Hội nên lắng nghe lời chỉ trích của các người bảo vệ công bình xã hội.

Trừ một vài cách nói hơi quá, lời phân tích của họ đúng đắn và nhức nhối:

Tại sao một ki-tô hữu không phớt lờ giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo Hội về việc cầu nguyện và đạo đức cá nhân, nhưng lại phớt lờ các giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo Hội về xã hội?

Lấy ví dụ, giáo huấn của Giáo Hội về luân lý giới tính (Tông Thư Về Sự Sống Con Người Humanae Vitae) trong đó cho thấy tiêu chuẩn để biết đâu là người ki-tô tốt, trong khi đó lại không để ý đến giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề xã hội (Tông Thư Mater et Magistra), cũng có cùng pháp lý về đạo đức và giáo điều.

Đây là một điều mất quân bình cần sửa chữa. Nhưng còn một điều mất quân bình khác nữa.

Đau đớn thay, cuối cùng chúng ta đều hiểu, chỉ cầu nguyện thôi thì không đủ, cần phải có công bình xã hội. Còn đau đớn hơn, ngày nay chúng ta còn nhận ra rằng, cầu nguyện và công bình xã hội cũng vẫn không đủ, cùng sát cánh bên nhau, nhưng chỉ có cầu nguyện và công bình xã hội cũng không đủ. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì có quá nhiều người vừa cầu nguyện vừa thực thi công bình xã hội mà vẫn giận dữ, chua cay: thay vì sống trong lòng biết ơn và hân hoan, thì họ lại sống trong hận thù. Họ thiếu gì? Ngắn gọn một chữ, tình bằng hữu.

Một đời sống thiêng liêng lành mạnh dựa trên ba trụ: cầu nguyện, công bình xã hội và tình bằng hữu. Tình bằng hữu cũng là điều thiết yếu, cũng không nhân nhượng như cầu nguyện và công bình xã hội. Không có nhiệt tâm và dịu dàng của tình bằng hữu đem lại, chắc chắn chúng ta mất đi lòng biết ơn và niềm vui.

Cầu nguyện, thực hành công bình xã hội là công việc có tính cách ngôn sứ. Nhưng đó là công việc khó khăn và cô độc. Các ngôn sứ bị ngược đãi, bất lực và bị ruồng bỏ. Vì thế, trong những điều kiện này, các ngôn sứ dễ giận dữ, tự kiêu, chua cay, thiên vị, thậm chí còn ghét bỏ người mà họ đang gắng sức giúp.

Khi điều này xảy ra, lòng biết ơn và niềm vui biến mất khỏi cuộc sống, chúng ta sống  trong giận dữ. Điều không tránh được là nó sẽ có tác dụng tai hại trên lời cầu nguyện và hoạt  xã hội của chúng ta.

Mọi người nhận biết chúng ta, không phải qua niềm vui và tình yêu, mà qua tính nóng gịân và cay chua của chúng ta. Những lời ngôn sứ của chúng ta không được nói lên từ tình yêu và đau khổ, nhưng từ phẫn nộ. Chúng ta lý tưởng hóa cái nghèo, chúng ta đánh mất mục tiêu của cuộc đấu tranh: hân hoan, chúc tụng, vui chơi, đón tiếp, tha thứ.

Chỉ có tình bằng hữu mới cứu được chúng ta. Những người bạn thương yêu chúng ta, thách đố chúng ta, làm chúng ta không còn chua cay và giúp chúng ta không bị giận dữ, những người bạn này cũng thiết yếu cho đời sống thiêng liêng như cầu nguyện và việc làm cho công bình xã hội. Coi thường tình bạn là chuốc lấy chua cay và hư hỏng.

Có ba câu hỏi then chốt để bạn tự đánh giá tình trạng sức khỏe thiêng liêng của bạn:

  1. Tôi có cầu nguyện mỗi ngày không?
  2. Tôi có đấu tranh cho người nghèo không?
  3. Tôi có tình bằng hữu để giúp tôi khỏi chua cay và giận dữ không?

Nguyễn Kim An dịch

530    03-04-2019