Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tình gia đình trong đời sống cộng đoàn





Gia đình! Hai tiếng thân thương mà mỗi khi nhắc đến chúng ta đều cảm nhận được sự thiêng liêng và ấm áp. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều mong ước mình được sống trong một gia đình hạnh phúc. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng một gia đình cộng đoàn hạnh phúc? Chắc chắn đây không phải chuyện đơn giản ngày một ngày hai hay chỉ là sự nỗ lực đơn lẻ của một vài thành viên thôi nhưng là sự cộng góp nhiệt tình của các thành viên trong cộng đoàn. Sau đây là bảy yếu tố mà tôi thấy là cần thiết hơn cả.

Thứ nhất, tinh thần cầu nguyện. Để có được một ngôi nhà vững vàng thì ngôi nhà đó phải được đặt trên nền móng vững chắc. Do đó, đời sống tu trì cũng phải đặt nền móng của mình trên “viên đá góc tường” là Đức Kitô. Nếu không đặt nền móng trên “viên đá Đức Kitô” thì đời sống tu của chúng ta rất dễ gãy đổ. Có đời sống cầu nguyện là có tất cả. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình.” Qua đời sống cầu nguyện các thành viên sẽ được gắn kết với nhau trong tình yêu của Đức Kitô là tấm bánh bẻ ra trao cho muôn người, từ đó mỗi thành viên cũng biết “bẻ mình” ra cho chị em sống xung quanh mình.

Thứ hai là sự chia sẻ. Sự chia sẻ tương quan hỗ trợ lẫn nhau là điều hết sức cần thiết, vì không có sự chia sẻ, cộng đoàn đơn thuần là một nhóm gộp lại sống chung mà không chung sống. Chia sẻ có nhiều cách thức như giúp đỡ công việc, chia sẻ tận tình cho những chị em mới đến hay những cách thức khi làm việc mà mình thấy hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng hay trong đời sống cộng đoàn, trong việc học hành… Chia sẻ giúp mỗi người trong đời sống cộng đoàn thêm tình huynh đệ, gắn bó với nhau. Chia sẻ không chỉ chúng ta cho đi, nhưng là nhận lại được nhiều hơn. Chúa Giêsu đã dạy “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv20, 35).

Thứ ba, tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là hoàn thành công việc được giao sao cho đúng thời, đúng buổi và làm một cách tốt nhất. Một cộng đoàn mà ai ai cũng lo lắng sao cho công việc chung được hoàn thành một cách chu đáo thì ai nấy đều vui tươi, trái lại mọi người làm việc cách bề bộn, không hoàn thành đến cùng, người khác phải làm tiếp hoặc làm lại phần của mình thì ắt hẳn bầu khí sẽ không được tốt, từ đó có thể dẫn đến tình trạng xung đột trong đời sống cộng đoàn. Điều này tương tự như một cỗ máy đang hoạt động bình thường nhưng có một chỗ bị hỏng thế là cỗ máy phải dừng hoàn toàn để sửa lại chỗ đó hoặc có thể vẫn cho ra sản phẩm nhưng sản phẩm không hoàn hảo hay còn gọi là “hàng lỗi”.

Thứ bốn, sự hi sinh. Người ta thường nói “tình yêu đích thực được đo lường bằng sự hi sinh.” Không có hi sinh tình yêu chỉ là giả. Trong đời sống cộng đoàn luôn có những công việc không tên, và rất cần những người hi sinh thầm lặng. Để có được sự hi sinh tự nguyện này chúng ta cần phải biết mục đích của sự hi sinh là gì? Chúng ta hi sinh vì ai? Đặc biệt là chúng ta đã xem cộng đoàn nơi chúng ta đang sống như là ngôi nhà đích thực của mình chưa hay chỉ là nơi tạm trú mà thôi. Khi đã coi cộng đoàn như là nhà của mình thì chúng ta sẽ không ngại hi sinh dấn thân, thấy việc là làm không tị nạnh hay hững hờ, mặc kệ.

Thứ năm, biết chấp nhận chị em như họ là. Để chung sống, để xây dựng tình gia đình đòi hỏi chúng ta phải biết chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận từng tính cách riêng, lối suy nghĩ riêng, nét văn hóa riêng của từng vùng miền. Người biết chấp nhận người khác là người dễ thích nghi, có tinh thần xây dựng hòa bình, và đặc biệt có tính cách giống Chúa Giêsu. Ngài đã tiếp nhận các học trò của mình với những cá tính khác nhau: người nóng tính, người ham địa vị, người dốt nát… Song, Ngài đã chấp nhận tất cả để chung sống và dạy dỗ họ thành những học trò tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết mình để sống hòa hợp, để chúng ta không trở thành những gánh nặng của nhau.
Thứ sáu, là sự tha thứ. Tha thứ là cái khó làm nhất của con người, nhưng nó lại là hành động đẹp nhất của con người. Người ta nói bức hình đẹp nhất của thế kỉ XXI là bức hình Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào thăm kẻ ám sát mình ở trong tù. Để tha thứ được đòi hỏi chúng ta phải có một đời sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi ta cảm nhận được tình yêu của Chúa ta mới dễ dàng tha thứ cho người khác. Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho bản thân mình. Nếu các thành viên trong cộng đoàn mà không biết tha thứ cho nhau thì cộng đoàn sẽ không bao giờ hạnh phúc và có nguy cơ tan rã và mọi người mang trong mình một sự bất mãn, hận thù. Và chúng ta cũng hãy ý thức rằng không có ai là hoàn hảo cả và từ đó chúng ta dễ tha thứ cho nhau hơn.

Thứ bảy, lòng biết ơn. Dân gian có câu: “ Chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ có tông.” Lòng biết ơn phải được thể hiện trong cộng đoàn của chúng ta. Lòng biết ơn giúp chúng ta biết trân trọng những gì chúng ta có và những gì chúng ta được nhận. Trước tiên, chúng ta phải biết ơn tới Đấng sáng lập, những vị tiền nhân đã đi trước để dọn  đường cho chúng ta, biết bao hi sinh gian khổ và cả những chống đối… Nhưng các ngài đã vượt qua tất cả để chúng ta có được đại gia đình Đa Minh hôm nay. Chúng ta không chỉ biết ơn tới những người quá cố mà thôi, nhưng chúng ta cần biết ơn tới các Bề trên, các Dì, các chị em hiện tại đang sống cùng sống với chúng ta. Cám ơn vì niềm vui, vì sự đóng góp cách này hay cách khác, những nỗ lực khác nhau để xây dựng cộng đoàn.

Để gia đình cộng đoàn được hạnh phúc, chúng ta không thể loại bỏ một trong những yếu tố trên. Do đó, chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày, đừng sờn lòng nản chí. Đó không chỉ là những yếu tồ làm cho chúng ta được hạnh phúc ở đời này mà thôi nhưng là những nấc thang dẫn chúng ta tới con đường hoàn thiện và hạnh phúc trên Nước Trời mai sau. Hoa Hướng Dương
1846    18-03-2019