Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tĩnh tâm ngày 1: Bài suy niệm

CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

KHAI MẠC TUẦN TĨNH TÂM

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể, trước mặt chúng con đây. Chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.

Lạy Chúa, ngày hôm nay, chúng con quy tụ về đây, quanh vị cha chung của Giáo phận là Đức Cha Phêrô, cùng với Đức Cha Phêrô giảng phòng, mà chúng con quen gọi với danh xưng trìu mến: “Ông Ngoại”, để tham dự tuần tĩnh tâm thường niên của Linh mục đoàn Giáo Phận Vĩnh Long.  

   Tâm tình trước tiên chúng con muốn dâng lên Chúa là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con trong một năm qua nơi Họ đạo, để công việc mục vụ của chúng con được tốt đẹp như thánh ý Chúa và như lòng ước nguyện của chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa vì Việt Nam trong những ngày này, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng dịu, nhờ đó chúng con mới có điều kiện trở về tụ họp trong ngôi nhà chung này để gặp gỡ nhau và gặp gỡ Chúa.

     Nhắc đến dịch bệnh, chúng con nhớ đến những nạn nhân của dịch bệnh và thiên tai. Lạy Chúa, năm vừa qua, thế giới cách chung và Việt Nam chúng con nói riêng, đã chịu ảnh hưởng nặng nề hậu quả của thiên tai và dịch bệnh: hết hạn mặn lại đến dịch bệnh bùng phát, rồi lại bão lũ và sạt lở làm thiệt hại rất nhiều về của cải vật chất lẫn sinh mạng con người. Chúng con xin dâng lên Chúa những ưu tư của chúng con. Xin Chúa nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn trong lúc này, và xin Chúa mở con tim và đôi tay của những nhà hảo tâm, để họ chia sớt những gánh nặng mà những nạn nhân của thiên tai và dịch bệnh đang phải gánh chịu.

    Lạy Chúa, bước vào tuần tĩnh tâm, xin cho chúng con biết lắng đọng tâm hồn để Lời Chúa vang lên với chúng con. Quả thật, suốt một năm hoạt động trong môi trường Họ đạo, có thể có những tiếng ồn của môi trường, tiếng ồn của công việc, tiếng ồn của những mối tương quan… Những tiếng ồn đó lấn át tiếng Chúa, làm cho tiếng Chúa không đụng chạm đến chúng con được. Thậm chí, trong một năm qua, chúng con chỉ biết nói mà không biết nghe; thì bây giờ, đây là dịp để chúng con, trong tĩnh lặng, lắng nghe tiếng Chúa chỉ dạy.

Vì thế, xin Chúa cho chúng con, trong tuần phòng này, biết chú tâm lắng nghe tiếng Chúa trong những giờ kinh nguyện, giờ suy gẫm, và những giờ gợi ý của Đức Cha giảng phòng. Chính những giờ phút ấy, tiếng Chúa nói với chúng con rõ ràng nhất. Và nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa chỉ dạy, chúng con sẽ dễ nhìn lại mình và điều chỉnh hướng đi cho đúng với thánh ý Chúa hơn.

    Cuối cùng, lạy Chúa, trong tuần phòng này, chúng con sẽ được Đức Cha giảng phòng chia sẻ đề tài “Sứ Vụ Rao Giảng Tin Mừng Của Hội Thánh”. Dù rằng rao giảng Tin Mừng không phải là việc làm mới trong Hội Thánh, vì nó đã có từ lúc khởi đầu. Nhưng với những đổi thay của đời sống xã hội, nhất là hiện tượng “toàn cầu hóa” với các cuộc di dân và sự pha trộn của các nền văn hóa, đang làm cho người ta xa dần những giá trị của Tin Mừng mỗi ngày một hơn; thì nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng là điều luôn cần thiết và cấp bách. Chính vì thế, đề tài này thật sự rất thiết thực cho chúng con.

Xin cho chúng con biết chú ý lắng nghe những điều Đức Cha giảng phòng chia sẻ, để tâm suy nghĩ  những điều mình lãnh hội, và cố gắng thực hiện những điều mình quyết tâm; ngõ hầu canh tân cuộc sống cũng như cách thức thi hành chương trình mục vụ của mình sao cho đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.

    Lạy Chúa, bước vào tuần phòng, xin Chúa đồng hành, và xin ơn Chúa nâng đỡ chúng con. Amen.  


GỢI Ý NGUYỆN GẪM HÀNG NGÀY

TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC

GIÁO PHẬN VĨNH LONG

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tin Mừng - Mt 10,16-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu.

Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ.

Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”.

Khởi Nguyện: Lạy Chúa, chúng con biết Chúa có nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng chúng con vì lý do này, vì lý do kia mà chưa nỗ lực tập trung chú ý, chưa để tâm lắng nghe tiếng Chúa. Xin Chúa giúp chúng con buông bỏ những lo toan tính toán, để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng con trong bài gẫm này.

1. Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng

Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã tiên báo cho các Tông đồ biết một sự thật sẽ xảy ra trong tương lai: Họ sẽ như con chiên đi giữa sói rừng (x. Mt 10,16a). Lời tiên báo ấy chỉ ra một thực tế rất phủ phàng và cay đắng: Các tông đồ như chiên hiền lành, không được bảo vệ che chở, bị phó mặc cho kẻ thù như sói dữ đầy hung hăng dữ tợn. Các ông có thể bị ghét bỏ, bị tấn công, thậm chí bị giết hại bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, thực tế ấy không đưa các ông đến sự bế tắc, mà đưa các ông đến chân trời mới của niềm hy vọng; bởi chính lúc đó, sức mạnh của Chúa sẽ được biểu lộ, như lời của Chúa Kitô quả quyết với thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu Côrintô: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Sự yếu đuối ở đây không phải là sự yếu đuối nơi đời sống luân lý, mà là sự yếu hèn thua thiệt trước thế lực của kẻ dữ.

Toàn thể lịch sử Giáo Hội dệt đầy những chân lý ấy: Sức mạnh của Chúa được tỏ hiện trong sự hèn yếu của Đức Kitô và các môn đệ của Người. Cũng thế, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam lớn mạnh từ sự hèn yếu nơi Các Thánh Tử Đạo. Các Ngài đã chấp nhận chịu sự thua thiệt để cho hạt giống đức tin bén rễ, đâm chồi, lớn mạnh và trổ sinh bông trái.

Các Linh mục của Chúa ngày hôm nay cũng không đi ngoài quy luật tất yếu của người môn đệ: cũng sẽ chịu sự ghét bỏ, bắt bớ và bách hại. Điều đó có làm cho chúng ta nao núng, lo lắng sợ sệt dẫn đến ngã lòng, thỏa hiệp trước sự dữ, sự ác hay không? Chúng ta có thật sự tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng có thể làm những điều vĩ đại trong sự yếu hèn của chúng ta hay không?

2. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu

Hiện diện trong môi trường sống đầy nguy hiểm bởi sự hung hăng tàn bạo của kẻ dữ, Chúa Giêsu khuyên bảo các môn đệ đừng đưa thân hứng chịu một cách vụng về, nhưng “hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16b).

Khi nói đến đặc tính khôn ngoan của con rắn, chắc rằng Chúa Giêsu không khai thác ý nghĩa khôn ranh tiêu cực của con rắn như sách Sáng Thế đã đề cập (x. St 3). Nhưng ở đây, trước hết, trong đời sống tự nhiên xã hội, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ phải có sự khôn ngoan cẩn trọng để giữ mình thoát khỏi những hiểm nguy đang rình rập. Thứ đến, khi liên hệ giữa hình ảnh con rắn trong sa mạc và Thập Giá Chúa Giêsu, thánh Phaolô đã khẳng định: “Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá và nơi Đấng Chịu Đóng Đinh” (x. 1Cr 1,18-25). Như vậy, “khôn như rắn” không chỉ là sự khôn ngoan thực tiễn là giữ mình thoát khỏi mọi hiểm nguy; nhưng còn là sự khôn ngoan thần linh, thể hiện trong mầu nhiệm Thập Giá: sẵn lòng để cho Chúa-Chịu-Đóng-Đinh lôi kéo mình lên với Ngài (x. Ga 12,32).

Song song với lời khuyên “khôn ngoan như con rắn”, Chúa Giêsu còn khuyên các môn đệ “đơn sơ như bồ câu” nữa. Đơn sơ mà Chúa Giêsu đề cập ở đây chính là sự đơn thành, không mưu mô giả dối, không mang tính chất hai mặt: “lòng nghĩ một đằng, miệng nói một nẻo”, nhưng hễ “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”, thêm thắt điều gì là do ác quỷ (x. Mt 5,37).

Như vậy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ Chúa vừa phải biết khôn ngoan cẩn trọng giữ mình khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc sống, nhưng cũng vừa phải biết đơn thành, không mưu mô giả dối để tìm lợi cho mình, và nếu cần, sẵn sàng để cho Chúa kéo lên thập giá với Người.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống trọn lời dạy của Chúa: Các ngài không phải là những người thích ra vẻ mình anh hùng, đòi tử đạo. Các ngài đã hòa nhập vào nếp sống của dân tộc một cách rất đỗi âm thầm, rất đỗi bình thường như bao người. Nhưng khi cần, các ngài đã không ngại hy sinh mạng sống mình để bảo vệ cho sự thật, bảo vệ cho niềm tin của mình.

Các Linh mục của Chúa ngày hôm nay cũng được mời gọi hãy biết khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Chúng ta phải hòa nhịp với dòng chảy của lịch sử dân tộc, chúng ta không tách mình vào thế đối nghịch với bất kỳ ai. Tuy nhiên, chúng ta không ngại nói lời sự thật và sống theo sự thật; cho dù sự thật đó có kéo chúng ta chịu treo lên thập giá với Chúa Giêsu đi chăng nữa. Xin Chúa cho chúng ta ý thức và sống được điều đó trong cuộc sống mình.

3. Để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết

Chúa Giêsu báo trước những gian khổ sẽ xảy đến cho các  môn đệ của Người, và khuyến khích họ kiên trì vượt qua, thậm chí vui lòng đón nhận dù có phải bước lên thập giá với Người đi nữa. Các môn đệ Chúa vui lòng đón nhận nó vì đó là cơ hội để họ làm chứng cho mọi người biết niềm tin vào Thiên Chúa của mình. Nếu kiên trì chịu đau khổ để làm chứng cho Chúa, họ sẽ được thưởng công xứng đáng và được ban tặng sự sống đời đời.

Điều này thật đúng khi nhìn vào gương mẫu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã chịu bao đau khổ, cực hình, và cuối cùng đổ máu đào để minh chứng cho niềm tin kiên vững của mình. Thánh Micae Hồ Đình Hy, hơn ba mươi năm phục vụ dưới ba triều vua, nhưng ngài đã không vì chút danh lợi trần gian mà chối bỏ đức tin, quyết một lòng trung thành với Chúa cho đến chết. Trước những lời chiêu dụ của nhà vua, ngài vẫn một lòng khẳng khái cương trực nói rằng: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô”.

Các Linh mục là những người được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên giống Chúa ngày một hơn; không chỉ giống Chúa Kitô chiến thắng vinh quang, mà còn nên giống Chúa Kitô chịu đau khổ nữa. Chính những lúc đối mặt với những khó khăn thử thách, chúng ta có ý thức mình cần phải kiên trì chấp nhận chịu khổ để nên giống Chúa, và để làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người hay không? Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh, xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con.

Kết Nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho Giáo Hội tại Việt Nam chúng con có nhiều chứng nhân anh dũng, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa, làm chứng cho niềm tin của mình.

Chúng con xin tri ơn các bậc tiền nhân, đã để lại cho chúng con một gia sản đức tin vô cùng quý giá, đã để lại cho chúng con những mẫu gương sáng ngời trong việc sống và làm chứng cho đức tin.

Là con cháu của các anh hùng tử đạo, chúng con không chỉ hãnh diện vì niềm tin kiên vững của cha ông, chúng con nhận thấy mình còn có bổn phận làm cho niềm tin ấy mỗi ngày một ngời sáng hơn, phải làm cho gia sản đức tin ấy mỗi ngày thêm phong phú và sâu sắc hơn. Xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, khơi lên trong lòng chúng con quyết tâm sống và làm chứng cho niềm tin của mình, như các bậc cha ông của chúng con khi xưa.  Amen.


CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mt 10,16-23

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang ngự thật trong Phép Thánh Thể, trước mặt chúng con đây. Chúng con thờ lạy Chúa.

     Lạy Chúa, ngày hôm nay, toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam hân hoan mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Có thể nói, đây là ngày giỗ tổ của người Công Giáo Việt Nam chúng con. Trong niềm hân hoan, chúng con xin chúc tụng, tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhiều gương sáng trong việc sống và làm chứng cho đức tin Công giáo; đồng thời chúng con cũng tri ân các bậc tiền bối, đã để lại cho chúng con gia sản đức tin vô cùng quý báu.

Lạy Chúa, Lời Chúa mà chúng con suy gẫm trong ngày hôm nay là một thử thách cho những ai muốn làm môn đệ đích thực của Chúa. Bởi vì trong Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa tiên báo cho các môn đệ của Chúa biết rằng, họ như chiên hiền lành, không được bảo vệ che chở, bị phó mặc cho kẻ thù như sói dữ đầy hung hăng dữ tợn. Họ có thể bị ghét bỏ, bị tấn công, thậm chí bị giết hại bất cứ lúc nào.

Thế nhưng lời tiên báo ấy không đẩy các môn đệ của Chúa vào sự bế tắt tuyệt vọng, nhưng đưa họ đến chân trời mới của niềm hy vọng, bởi chính lúc ấy, sức mạnh của Chúa được biểu lộ; đồng thời, đó cũng là cơ hội để các môn đệ Chúa làm chứng về Chúa trước mặt mọi người.

Khi nhỉn vào gương các anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng con nhận thấy các ngài đã sống đúng với sứ điệp Lời Chúa của ngày hôm nay. Các ngài cũng là những con người mang thân xác mỏng dòn như chúng con, cũng biết run sợ, biết yêu sự sống đời này. Các ngài cũng mang thân phận yếu hèn của người môn đệ, chịu thua thiệt trước sức mạnh của vua chúa quan quyền. Thế nhưng, trong giờ phút buộc phải quyết định dứt khoát liên quan một mất một còn, giữa sự sống và cái chết, giữa trung thành và phải bội, giữa Thiên Chúa và người đời, các ngài đã có một sự lựa chọn đúng đắn: dám nhận cái chết thể xác để được lãnh triều thiên chiến thắng, dám chịu thua thiệt để Chúa lớn lên, và dám đổ máu mình ra để vun tưới cho hạt giống đức tin lớn mạnh. Chính vì thế, tên tuổi của các ngài đã xứng đáng được ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội, để lưu danh muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cha ông chúng con khi xưa đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, dùng máu mình để làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái trên quê hương đất nước Việt Nam chúng con. Là con cháu các ngài, chúng con cũng được mời gọi noi gương các ngài, biết làm chứng cho Chúa và biết gieo trồng hạt giống đức tin, theo hoàn cảnh xã hội và thời đại của mình. Nếu như cha ông chúng con xưa kia đã dám chết cho niềm tin, thì ngày nay chúng con được mời gọi hãy dám sống cho niềm tin của mình; một cuộc sống kiên vững trong niềm tin, tràn đầy niềm hy vọng và đượm tình bác ái yêu thương. Xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con dám sống cho niềm tin, hầu trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

     Và lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ngày hôm nay, chúng con cũng được Đức Cha Phêrô giảng phòng chia sẻ hai mục đầu tiên của đề tài “Sứ Vụ Rao Giảng Tin Mừng Của Hội Thánh”, đó là nguồn gốc và tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng, và những đặc tính của việc rao giảng Tin Mừng.

Đức Cha Phêrô nhắc cho chúng con biết: Truyền giáo không phải là sáng kiến của Hội Thánh hay của một vị thánh nào, nhưng nó xuất phát từ ý định và chương trình đầy yêu thương của Chúa Cha, được Chúa Cha trao phó cho Chúa và Chúa Thánh Thần thực hiện, rồi đến lượt Chúa trao phó lại cho Hội Thánh tiếp tục sứ mạng của Chúa. Cho nên, truyền giáo là sứ mạng của Giáo Hội chứ không phải là công việc nhiệm ý, muốn làm thì làm, không muốn thì thôi.

Và chúng con cũng được Đức Cha cho biết, việc truyền giáo là một công việc cao quý, là một niềm vui; đồng thời đó là một công việc cấp bách và khẩn thiết, và là công việc thường xuyên phải làm. Vì thế, xin Chúa cho chúng con luôn ý thức sứ mạng truyền giáo của mình, để chúng con nỗ lực và hăng say đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

     Lạy Chúa, cha ông chúng con đã biến cuộc khổ nạn và tử nạn của mình nên cơ hội loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con, trong môi trường sống ngày hôm nay, biết dùng đời sống chứng tá của mình, nên lời rao giảng Tin Mừng sống động cho anh chị em xung quanh mình. Amen.

 Lm. Giuse Trần Tử Hiếu

1099    24-11-2020