Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Tinh thần giữ luật

 

Luật Môsê và lời các ngôn sứ là những điều cốt yếu trong Thánh Kinh, nhằm biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, đó là những điều rất cao cả và quan trọng, là thước đo lòng yêu mến của con người đối với Thiên Chúa, là tiêu chuẩn của sự thánh thiện, là con đường đi tới ơn cứu độ. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu làm sáng tỏ những chiều kích ấy, và Ngài làm cho nó nên trọn hảo, có ý nghĩa chân thực đúng thánh ý Thiên Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta tuân giữ giới luật của Thiên Chúa có giá trị mới mẻ đúng Tin Mừng hơn.

Tin Mừng hôm nay nằm trong phần công bố Nước Trời theo cách sắp xếp của Thánh sử Mat-thêu. Sau khi công bố về Tám Mối phúc, còn gọi là hiến chương Nước Trời, trên núi Chúa Giêsu đã giới thiệu về bản thân mình như một Mô-sê mới; Ngài đến để kiện toàn lề luật và Ngài cũng là Đấng ban luật. Đây chính là mối tương quan của Chúa Giêsu với Cựu ước. Ngài là Đấng Mêsia, Đấng phải đến và là Đấng Israel đang mong chờ. Nơi Ngài, mọi lời Thiên Chúa hứa và phán qua các ngôn sứ đều được thực hiện.

Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.

Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c.17). Thật vậy, Chúa Giêsu đã đẩy luật Mô-sê đi sâu vào phẩm chất của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chi theo hình thức bên ngoài “mã tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn sách.

Vì Đức Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định: Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó.

“Thầy bảo thật: Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (c.18) Một chấm, một phết ở đây không là dấu chấm phẩy trong câu văn tiếng việt của chúng ta, nhưng là những nét chấm, phết trong mẫu tự Do Thái. Đó là những nét nhỏ để phân biệt chữ này với chữ khác.

Vậy tại sao một dấu nét nhỏ trong lề luật không thể qua đi? Chúa Giêsu nhấn mạnh và nêu lên hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật. Vì lề luật được xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa. Và những gì là Thánh ý Chúa thì không được xem là nhỏ bé, tầm thường. “cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Chúng ta thấy ngôn từ này quen thuộc như lời Chúa Giêsu đã nói khi ở trên cây Thánh Giá trước khi trút hơi thở cuối cùng : Mọi sự đã hoàn tất… Đấng ban lề luật, Đấng xét xử lề luật đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Ngài đã kiện toàn luật Mô-sê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để từ nay đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người.

Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.

Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Làm một người Kitô hữu, chúng ta phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, và diễn đạt thánh ý Thiên Chúa qua chính đời sống của mình như là con người của Nước Trời.

Một khi chúng ta giữ luật Tin Mừng cách trọn hảo đầy đủ, chúng ta làm chứng cách hùng hồn hiệu quả và giá trị của Tin Mừng, chúng ta được trở nên hoàn thiện, nói lên lý tưởng và cùng đích cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải tuân giữ luật Chúa với lòng yêu mến Chúa và tôn trọng luật, vì đó là thánh ý của Chúa. Chúng ta giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn mang ý hướng tông đồ là nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình.

 

Trong tâm tình và ý hướng của mùa chay, chúng ta duyệt xét và chỉnh đốn cách giữ luật và tâm tình giữ luật của chúng ta, để chúng ta chỉnh đốn lại hầu đạt được con người mới, con người của Tin Mừng, con người của ơn cứu độ.
CTV TT VL 

977    19-03-2017