Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Tỉnh thức và cảnh giác

23/10/2018

Thứ Ba Tuần XXIX TN

 BÀI ĐỌC I: Ep 2, 12-22; Lc 12, 35-38

Tỉnh thức và cảnh giác

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì không biết giờ nào Thiên Chúa sẽ đến. Người đưa ra mẫu gương về người đầy tớ chờ đợi chủ. Người đầy tớ này luôn trong tư thế tỉnh thức: “thắt lưng và thắp đèn”, suốt đêm không hề chợp mắt để chờ đợi ông chủ trở về… Dường như anh luôn sống trong mối dây hiệp thông mật thiết với ông chủ của mình. Anh luôn nghĩ rằng ông chủ đang ở ngoài cửa, đang chờ đợi anh chạy đến chào đón ông. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chờ đợi Người trong tâm thức đó.

Thiên Chúa rất yêu thương con người và luôn muốn con người sống trong tình hiệp thông với Ngài. Vào buổi đầu tạo dựng, con người được sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa: “Ngày ngày, Thiên Chúa xuống viếng thăm và trò chuyện với con người”. Đến khi con người phạm tội, Thiên Chúa không cắt đứt mối dây hiệp thông với con người nhưng lại làm cho sợi dây đó thêm gần gũi và bền chặt hơn. Ngài đã cho Con Một của Ngài xuống thế, sống kiếp phàm nhân, để đồng phận và đồng cảm với con người. Với cái chết đầy tủi nhục trên thập giá, Người Con đã mang con người trở về với Thiên Chúa. Không chỉ có thế, Ngôi Hai Thiên Chúa còn luôn hiện diện giữa nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài ở đó và chờ đợi con người đến với Ngài.

Thiên Chúa còn muốn ta hiệp thông với Ngài qua tha nhân và qua vũ trụ này. Ngài ban cho chúng ta ngũ quan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới, để liên đới và yêu thương nhau.

Quả thật, khi ta mở ra với thế giới, chúng ta sẽ cảm nhận được thiên nhiên như một người bạn rất gần gũi và thân thiết, đồng thời cũng nhận ra được sự hiện diện của Chúa ẩn tàng trong những quy luật và những kỳ quan của vũ trụ. Khi ta tiếp xúc, giúp đỡ hay làm một việc gì đó cho tha nhân, ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi “sống với và sống cho”, đồng thời nhận ra được một điều: tha nhân không chỉ là hình ảnh của Chúa mà còn là chính Chúa (Mt 25, 35-45).

Người tôi tớ khôn ngoan là người biết ý chủ mình. Người tôi tớ tài giỏi là người đã biết suy đoán ý chủ lại còn luôn tỉnh thức sẵn sàng chu toàn việc bổn phận của mình (Lc 17, 10), và trung thành sinh lợi cho chủ từ những việc rất nhỏ (Lc 19, 17). Trái lại, hình ảnh phản diện là tên đầy tớ lười biếng bất trung, lại còn lu loa đổ thừa tại ông chủ khắc nghiệt (Lc 19,21), tên đầy tớ này chỉ làm cho ông thêm tức giận và, phần mình, hứng chịu hậu quả cơn thịnh nộ của ông mà thôi.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu chúng ta duy trì sự hiệp thông với ba mối tương quan đó là chúng ta đang sống tỉnh thức. Nhưng với thân phận bất toàn và đầy yếu đuối, điều đó thật khó thực hiện. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy Thiên Chúa dường như vắng bóng, Ngài đã bỏ rơi chúng ta. Đối mặt với thiên tai, đau khổ và bất công, chúng ta không cảm thấy thiên nhiên và tha nhân gần gũi với chúng ta nữa, mà xem tất cả là kẻ thù, là hỏa ngục.

Đôi khi, vì ích kỷ và kiêu ngạo, chúng ta rơi vào tình trạng“tỉnh mà không thức”, các giác quan có mà cũng như không. Chúng ta thờ ơ trước vẻ đẹp của cuộc sống, tàn phá thiên nhiên không thương tiếc, lãnh đạm trước những đau khổ và nhu cầu của anh em. Chúng ta bưng tai, bịt mắt trước sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời này. Nếu Chúa đến với chúng ta trong những lúc đó, chúng ta sẽ ra sao?

Mang tâm tình Tỉnh thức, ta nhớ lại và hãy luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ”(Mc 14, 38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến.

Thái độ chờ đợi của người Kitô không phải là một thái độ chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại vì sự chờ đợi tương lai và sẽ biết tương lai đó như thế nào, nên người Kitô hiểu rõ ý nghĩa hiện tại và sống hiện tại để đạt đến tương lai.

Được mời gọi luôn tỉnh thức chờ Chúa đến, chúng ta đáp lại bằng thái độ sống đạo sốt sắng. Cung cách sống đạo ấy được diễn tả qua một hình ảnh cụ thể “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Với bao lo toan của cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn hút theo nhịp sống đời thường, dễ phân vân trước chọn lựa theo con người tự nhiên hay tinh thần siêu nhiên, hơn – thiệt, được – mất khi theo Chúa.  Bề ngoài có thể ta vẫn sống đạo tốt đấy, nhưng kỳ thực chưa chắc tận đáy lòng “mến Chúa trên hết mọi sự.” Vì thế, “thức tỉnh” là thái độ cần thiết để hình thành thói quen ưu tiên cho Thiên Chúa trong các chọn lựa, ngõ hầu giữa trăm mối bận tâm của cuộc sống, chúng ta vẫn luôn thuộc về Chúa, chung hưởng niềm vui với Ngài.

Hiện trạng đời sống đạo của một số Kitô hữu ngày nay đã bị phai nhạt dần. Họ có thể sống và làm gương cho những người vô thần, thế mà họ lại sống như những người vô thần. Đáng lẽ ra Thiên Chúa phải ra tay hay đe dọa những người lợi dụng danh vọng, quyền bính để chà đạp người khác, vì tiền bạc mà làm mọi tội ác ngay cả giết người, vậy mà Thiên Chúa vẫn im lặng trước những sự dữ như thế. Chính vì điều này làm cho họ phải nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

          Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.

Trang Tin Mừng hôm nay đã nói, ông chủ sẽ quay về bất ngờ và phúc cho những đầy tớ nào còn tỉnh thức đợi chờ. Thiên Chúa sẽ đến bất ngờ, chúng ta sẽ không kịp sửa soạn nếu đang lúc chúng ta còn chìm đắm trong tội lỗi. Có một lần Don Bosco hỏi Đa Minh Saviô: "nếu con biết là một lát nữa đây con sẽ chết, vậy bây giờ con sẽ làm gì?" Saviô trả lời:"con vẫn tiếp tục chơi". Chúng ta cũng hãy như vị thánh nhỏ Đaminh Saviô, để cho mình luôn có một tâm hồn tinh tuyền đơn sơ, tránh bao có thể những dịp tội làm mất lòng Chúa. Điều đó chúng ta sẽ trở nên những người "đầy tớ" trung thành và tốt lành, thắp đèn sẵn sàng chờ đón "ông chủ" trở về.

Hãy tỉnh thức nghĩa là hãy luôn luôn hướng về Chúa, chờ đợi Chúa dù khuya dù mệt mỏi dù lâu ngày. Nhưng hãy tin rằng thế nào Chúa cũng đến như ông chủ thế nào cũng phải về nhà, mà khi ông về dù rất khuya mà thấy gia nhân vẫn sẵn sàng chờ ông. Ông chủ nhân hậu chính là Chúa Giêsu sẽ yêu thương săn sóc cho ta.

456    22-10-2018