Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

“Tôi biết tôi có thể chết khi đến nhà thờ”


Báo Pèlerin tham dự Tuần Thánh ở Ai Cập với các tín hữu kitô Cốp, những tín hữu bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công vào hai nhà thờ ngày chúa nhật Lễ Lá 9 tháng 4-2017.

Tại Ai Cập, đa số các nhà thờ kitô giáo giống như trại quân đội Mỹ ở Fort Knox. Cổng an ninh với cảnh sát vũ trang bằng súng kalachnikov kiểm soát các lối vào. Các lối vào, các tường rào chung quanh đôi khi còn có các thanh chắn, biến thành lối đi quanh co với nhiều hàng rào chặn. Vào dịp Tuần Thánh, nhà thờ được trang hoàng bằng các màu sơn trắng, xanh, hồng. Nỗi sợ một cuộc tấn công vẫn còn hằn trong tâm trí.

Alexandria và Tanta là hai nhà thờ bị các tên khủng bố tự sát của Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công, làm cho 44 người bị thiệt mạng. Các cuộc tấn công này đã xảy ra trong thánh lễ chúa nhật Lễ Lá. Sau vụ tấn công, nước Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp và củng cố an ninh. Ngày 13 tháng 4 nhà nước loan tin đã nhận diện được một trong các tên đánh bom tự sát ở nhà thờ Tanta.

Cự lại bằng lời cầu nguyện

Bà Eman, một tín hữu người Cốp 36 tuổi cho biết: “Sáng nay khi đi lễ Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nghĩ đến hiểm nguy bị tấn công. Tôi biết tôi có thể chết ở nhà thờ bất cứ lúc nào. Tôi rất sợ”. Bà Eman ngồi ở sân nhà thờ Thánh Gia trong khu vực El-Zaytoun. Trong những năm 1970, Đức Mẹ đã hiện ra ở khu vực ngoại ô này.

Các bạn đồng nghiệp nói với tôi: “Đừng đi nhà thờ, điên hay sao!”

Cũng trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, cô Sandra, 27 tuổi, đến nhà thờ Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu ở khu vực Shubra, nơi có cộng đoàn người Cốp. Tín hữu kitô ở Cairô rất sùng kính Thánh Têrêxa. Cô cho biết: “Đến nhà thờ là cả một thách thức. Các bạn của tôi đều nói ‘đừng đi nhà thờ, điên hay sao! Nhưng đó là điều mà các tên khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng muốn: ‘quý vị tín hữu kitô cứ ở nhà’. Vì thế tôi phải đi, tôi chống họ bằng lời cầu nguyện. Tôi tiếp tục đi nhà thờ năm này qua năm khác với bất cứ giá nào”.

Một vài người còn nghĩ các vụ tấn công trong Mùa Chay mang một ý nghĩa thiêng liêng. Anh Michael, một hướng đạo sinh trẻ, 21 tuổi ở nhà thờ Thánh Gia cho biết ‘anh không sợ ai’: “Các vụ tấn công này giúp tôi cảm nhận sự thương khó của Chúa Giêsu trên thập giá.”

Tái kiến thiết một “Ai Cập hòa bình”

Cha Patrick, một linh mục Dòng Carmêô đến Cairô năm 2010 lặp lại: “Tuần Thánh này là tuần chúng tôi sống thật sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Năm nay sự đau khổ của Chúa Kitô là sự đau khổ của toàn dân Ai Cập. Không phải chỉ là tưởng niệm sự tử đạo của Chúa Kitô nhưng là sự Thương Khó của Ngài được hiện thực hóa”. Nhưng sau Thương Khó là sự Sống lại… và Đức Phanxicô sẽ đến vào ngày 28 và 29 tháng 4. Đó là nội dung bài diễn văn của Thượng phụ công giáo người Cốp Ibrahim Isaac Sidrak đọc cho các tín hữu ngày 13 tháng 4. Đa số người Cốp Ai Cập là người theo chính thống giáo và họ có “giáo hoàng” riêng của họ.

Cha Patrick nói với báo Pèlerin: “Sau các vụ tấn công, nhiều người cảm nhận một nỗi đau khủng khiếp, sau đó là giận dữ, và đôi khi bị nản chí. Tôi cố gắng để không thiêng liêng hóa sự kiện nhưng đặt sự kiện dưới ánh sáng của đức tin kitô: đó là hy vọng”.

Thượng phụ chính thống Ibrahim Isaac Sidrak đặt nhiều hy vọng ở chuyến đi hòa bình của Đức Phanxicô cho một Ai Cập hòa bình: “Chuyến thăm này thật sự rất quan trọng đối với chúng tôi, cho cả người Ai Cập cũng như cho tín hữu kitô, không phải chỉ người công giáo mà thôi. Sau các vụ tấn công, Đức Phanxicô có thể hủy bỏ chuyến đi nhưng ngài không hủy. Điều đó chứng tỏ ngài đến với chúng tôi, với nước Ai Cập: một người bạn của những người quý giá nhất, của những người ở gần bên cạnh bạn khi bạn gặp khó khăn”.

Đoàn kết vượt trên các biên giới

Đức Ông Mgr Pascal Gollnisch, giám đốc Hành động Đông phương (Oeuvre d’Orient) cho biết: “Ngay khi tôi nghe có hai vụ tấn công mà tín hữu kitô là nạn nhân, tôi mua vé máy bay đi Cairô ngay”. Đức Ông Pascal Gollnisch là giám chức người Pháp, đứng đầu tổ chức Hành động Đông phương, một tổ chức giúp các tín hữu kitô trên hơn hai mươi nước.

Đức Ông tuyên bố: “Tôi cảm thấy quan trọng là phải đến cùng cầu nguyện với họ. Các bạn sẽ nói ‘cầu nguyện để làm gì? Cầu nguyện chẳng thay đổi được gì’. Nhưng biết được rằng, ở đây, tại thủ đô Cairô, cũng như trên toàn thế giới, mọi người cầu nguyện cho họ lúc này, đó là điều rất quan trọng. Tôi chỉ mang đến thông điệp này, hoàn toàn không có tính cách chính trị. Tôi nghĩ, như nhiều người Pháp cảm nhận đối với các tín hữu kitô này”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

645    20-04-2017