Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tội lỗi chúng ta và lòng thương xót Chúa

Thứ Ba tuần II MV

Mt 18, 12-14

TỘI LỖI CHÚNG TA VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Thiên Chúa đã tạo dựng ra con người là Adam và Evà, Ngài cho hai ông bà được ở trong vườn địa đàng vui với thú vật và sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, Adam và Evà đã phạm tội, đã bất tuân để đi ra khỏi vườn địa đàng và chạy ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô đã không ngần ngại nói bản chất của tình thương Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Ngài là một người Cha đầy nhân hậu, là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Ngài luôn luôn yêu thương con người vô cùng.

Giáo Hội vẫn mời gọi mỗi người tín hữu hãy sống lòng thương xót Chúa trong suốt cuộc hành trình trên đường về quê trời, vì lòng thương xót là cốt lõi của Kitô giáo, là trọng tâm của Tin Mừng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ kết thúc, không bao giờ mệt mỏi. Bởi vì Thiên Chúa luôn nhân từ và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người.

Và vì yêu thương nên Thiên Chúa không đành lòng nhìn con cái mình mãi bước đi trong bóng tối và sai lầm. Ngài đã cất bước lên đường để đi tìm và cứu chữa những con người hư mất. Lịch sử cứu độ là lịch sử đi tìm những con chiên lạc, và khi đã tìm thấy rồi, Ngài vui mừng, âu yếm đặt chúng trên vai để vác về. Nhưng rồi con người lại quen đường cũ và cứ mãi bước đi trong bóng tối lầm lỗi. Hành trình của những con chiên đi lạc và hành trình của một Thiên Chúa luôn yêu thương con người, hành trình của những bước chân ra đi và trở về đã tạo nên một cuộc hành trình cứu độ và yêu thương. Khi đi tìm con chiên lạc, người chăn chiên không bỏ rơi chín mươi chín con chiên khác, nhưng trao đàn chiên của mình cho những người bạn đồng hành của mình chăm sóc.

Điều quan trọng và trên hết đó là mỗi một con chiên đều quan trọng và quý giá đối với người mục tử. Đối với Thiên Chúa mỗi người trong chúng ta có một vị trí đặc biệt trong trái tim của Ngài. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng Ngài cũng rất công bằng. Khi chúng ta phạm tội Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta tự quay trở về, nhưng Ngài đi tìm chúng ta và thậm chí ngay cả đánh đổi mạng sống của Người Con của Ngài.

Sứ mạng của Chúa Giê-su đến trần gian không phải là kêu gọi người công chính nhưng là để kêu gọi người tội lỗi ăn năn sám hối, hoán cải và quay trở về với Thiên Chúa.

Ai khiêm tốn và nhìn nhận mình yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn tha thứ và giúp sức cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã nhìn nhận mình là tôi tớ yếu đuối chắng có gì để vênh vang. Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa ban. Bên cạnh đó thánh Augustinô đã xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên thì Người sẽ tránh xa con.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ chân tình và gởi đến những người thiện chí đang khao khát một cuộc biến đổi nội tâm: “Thiên Chúa luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng sợ đến gần Người! Người có một con tim thương xót! Nếu chúng ta cho Người thấy các vết thương nội tâm và tội lỗi của chúng ta, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là lòng thương xót tinh tuyền”.

Trong Hội Thánh, nhờ Bí tích Thánh tầy, mọi người đều bình đẳng về phẩm giá trước mặt Thiên Chúa, thì mỗi người lại được Thiên Chúa yêu thương quý trọng một cách đặc biệt và riêng biệt. Nhưng trong cộng đoàn lại luôn có những người yếu đuối dễ tổn thương, những người gặp nhiều thử thách trong cuộc đời hơn.

Họ là những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn. Những người này dường như được Thiên Chúa quan tâm hơn và Người không muốn cho một ai trong số họ phải hư mất. Nếu Thiên Chúa đã muốn như thế thì tại sao cộng đoàn và nhất là những người có trách nhiệm lại có thể bỏ rơi mà không nâng đỡ họ? Quan tâm và giúp đỡ nhau là trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đoàn.

Ai trong chúng ta mà không yếu đuối? Ai trong chúng ta lại không gặp thử thách, đôi khi rất nặng nề? Chúng ta cần xác tín một niềm tin rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, không bao giờ Chúa muốn chúng ta phải hư đi mất. Chúng ta cần đến Chúa. Chúng ta cần đến sự nâng đỡ của cộng đoàn để cùng nhau tiến bước. Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết nhìn sang người anh em của mình để quan tâm giúp đỡ họ, để không một ai phải hư mất.

Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là “các tiên tri chuyên loan báo thảm họa”, có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc… để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.

Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài…

Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Qua trang Tin Mừng, ta hiểu rằng: tình thương là sức mạnh lớn lao có khả năng cảm hóa và biến đổi con người, nó giúp cho con người sống tốt hơn, sống yêu đời hơn và sống có mục đích hơn. Chúa chính là tình yêu, Ngài luôn mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy dành những sự ưu ái và trao ban tình thương, bình an của chúng ta cho những người bé mọn, những người đang lầm đường lạc lối và nhất là những người chưa nhận biết Thiên Chúa.

 

 

2440    12-12-2017