Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tổng Giám mục Cordileone: Kỳ thị chủng tộc là một loại vi-rút

Tổng Giám mục Cordileone: Kỳ thị chủng tộc là một loại vi-rút

Tổng Giám mục Cordileone: Kỳ thị chủng tộc là một loại vi-rút. Sách Công vụ Tông đồ giúp chúng ta cách để chống lại

americamagazine.org, Tổng Giám mục Salvatore Joseph Cordileone, 2021-04-16

Một phụ nữ ở Oakland, California trong cuộc biểu tình và canh thức ngày 23 tháng 3 năm 2021 để phản đối bạo lực nhắm vào người gốc Á. (Ảnh CNS / Brittany Hosea-Small, Reuters)

Các tội ác chống người châu Á đang gia tăng ở Hoa Kỳ. Tại San Francisco, nơi có đông người dân châu Á, Đức Tổng Giám mục Salvatore Joseph Cordileone đã có bài giảng về vấn đề này trong thánh lễ cầu cho hòa bình ở Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời ngày 10 tháng 4.

Trong một bài hát chính thức khác của thành phố xinh đẹp của chúng ta (không phải bài Tôi để quả tim tôi ở lại San Francisco (I Left My Heart in San Francisco của Tony Bennett), chúng ta nghe những lời mở đầu sau:

San Francisco hãy mở Cổng Vàng của bạn.

Bạn không để một người lạ nào chờ bên ngoài cổng của bạn.

San Francisco, đây là đũa thần của bạn,

Rằng tôi sẽ không đi lang thang nữa.

 

Bài hát tiếp tục kể về chiến tích của người San Francisco rời thị trấn để đi lang thang, chỉ để trở về nhà và thấy mình an toàn, chúng ta có thể giải thích theo một cách khác, một cách phù hợp với cá tính và lịch sử thành phố chúng ta.

San Francisco luôn là nơi đến chính của người nhập cư. Chúng ta nghĩ đến làn sóng đông đảo người nhập cư Ailen và Ý đã đến đây rất sớm trong lịch sử thành phố và đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở thành phố. Hiện nay thành phố có rất nhiều người nhập cư từ Mexico, Trung Mỹ và các khu vực khác của Mỹ la-tinh, họ đi tìm tự do để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh mọi áp bức.

Tuy nhiên, trong thành phố chúng ta, từ đầu cho đến bây giờ, nhóm nhập cư liên tục đến thành phố chúng ta là những người nhập cư Trung quốc, ban đầu họ đến để xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa, bây giờ họ làm việc trong ngành công nghệ. Từ đó, thành phố cũng tiếp nhận những người nhập cư từ nhiều quốc gia khác ở châu Á. Thành phố của chúng ta có tiếng là thành phố đón nhận người nước ngoài, nơi giao hòa giữa các nền văn hóa đa dạng, nơi tất cả đều có thể giữ bản sắc của mình và phát triển trong cộng đồng, nơi mà không còn ai đi lang thang để tìm ngôi nhà tiếp nhận và ổn định.

Bạo lực chủng tộc sẽ là điều khủng khiếp ở đây, đặc biệt chống lại người châu Á, những người đã từng là một phần quan trọng trong cuộc sống và văn hóa của thành phố từ đầu đến bây giờ – đó là điều thực sự đáng lo ngại. Sự gia tăng đáng báo động về bạo lực kỳ thị, ngay cả ở thành phố San Francisco, đã biện minh cho những lời của Đức Phanxicô nói về vấn đề này tháng trước.

Vi-rút kỳ thị không bao giờ biến mất, nhưng chúng ta có nhiều cách để chủng ngừa nó.

Trong câu Tweet ngày 21 tháng 3, Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc – Đức Phanxicô đã so sánh phân biệt chủng tộc với một “vi-rút” không biến mất, nhưng biến thể và thích ứng. Ngài nói: “Phân biệt chủng tộc là một loại vi-rút nhanh chóng biến đổi và thay vì biến mất, chúng lại ẩn nấp và chờ đợi. Các vụ kỳ thị liên tục làm chúng ta xấu hổ vì chúng cho thấy, tiến bộ xã hội thực sự không như chúng ta nghĩ.”

Chúng ta không đạt được thành tựu như chúng ta nghĩ khi đón nhận, hội nhập, sống trong hòa bình giữa một cộng đồng dân cư đa dạng. Vậy chúng ta phải làm gì?

Vậy mà cuối cùng chúng ta lại nhận được sự hỗ trợ quý báu từ đại dịch Covid. Kế hoạch triển khai vắc-xin đang hoạt động; người dân được tiêm ngừa. Nhưng việc tiêm ngừa  không tiêu diệt được vi rút; thay vào đó, nó giúp chúng ta không bị nhiễm khi tiếp xúc với vi-rút. Và chúng ta vẫn còn nhiều chuyện để tìm hiểu về các loại vắc-xin này, và vẫn còn phải tìm hiểu thêm: hiệu quả của chúng với các biến thể, thời gian tiêm kéo dài bao lâu và liệu sau này có cần tiêm nhắc lại hay không, liệu người đã được tiêm chủng có thể vẫn làm lây vi-rút cho người khác hay không.

Vi-rút kỳ thị chủng tộc có nhiều điểm tương tự như vậy: nó không bao giờ biến mất, nhưng chúng ta có nhiều cách để tiêm ngừa cho bản thân chống lại nó, dù chúng ta phải luôn bảo vệ bản thân để không bị lây nhiễm. Nhưng chúng ta dùng thuốc chủng nào để tiêm ngừa?

Chúng ta không cần tìm đâu xa hơn ngoài sách Công vụ Tông đồ để có câu trả lời. Trong bài đọc một ngày chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Cv 4: 32-35, qua việc mô tả đời sống cộng đồng tín hữu kitô đầu tiên, chúng ta đã thấy: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.”

Việc tiêm chủng chống phân biệt chủng tộc có thể tóm trong một từ: đức hạnh. Những đức tính: rộng lượng, vị tha, tin cậy, trung thực, khiêm tốn, can đảm, xác tín, tha thứ và thương xót.

Chúng ta thấy ở đây những phẩm chất tạo nên một cuộc sống chung hòa bình và hài hòa là điều có thể: Mỗi người trước hết và trên hết nghĩ đến lợi ích của người kia, chứ không phải những gì họ sẽ rút lợi từ người kia. Người quảng đại chia sẻ tất cả những gì mình có để đóng góp vào lợi ích chung của cộng đồng. Và các tông đồ là những người được giao phó việc phân phối của cải này vì họ xứng đáng với lòng tin tưởng của cộng đồng – cũng như của chính các thành viên, trong việc rộng lượng chia sẻ tất cả những gì họ có. Mọi người đều đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, và điều này đòi hỏi rất nhiều ở lòng khiêm tốn.

Chúng ta so sánh điều này với các tông đồ trước khi họ được Đấng Phục sinh đến thăm. Điều gì đã ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của họ? Sợ hãi và nghi ngờ. Đoạn Tin Mừng chúng ta nghe trong thánh lễ là đoạn Ga 20: 19-31, Thánh Tôma bị cho là “Tôma nghi ngờ”. Nhưng rõ ràng, trong các tường thuật khác nhau của Tin Mừng về những lần hiện ra sau khi Chúa sống lại, tất cả môn đệ đều nghi ngờ. Chính cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, hằng sống đã biến họ thành những sứ giả của… cái gì? Anh chị em lưu ý đến sứ mệnh mà Chúa gởi cho họ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Đó là sứ mệnh của tha thứ, sứ mệnh của lòng thương xót. Sự sợ hãi và nghi ngờ được biến đổi thành can đảm và niềm tin, để truyền bá lòng thương xót của Chúa trên thế giới. Sợ hãi và nghi ngờ dẫn đến bạo lực; lòng can đảm và xác tín của lòng thương xót dẫn đến những đức tính cần thiết cho một cộng đồng đa dạng để sống trong hiệp nhất và hòa bình.

Nói một cách ngắn gọn, việc tiêm chủng chống lại phân biệt chủng tộc có thể tóm trong một từ: đức hạnh. Những đức tính này được mô tả rõ ràng trong các bài đọc ngày chúa nhật Lòng thương xót: độ lượng, vị tha, tin cậy, trung thực, khiêm nhường, can đảm, xác tín, tha thứ và tất nhiên là lòng thương xót.

Thành phố San Francisco chúng ta hãy làm gương. Chúng ta hãy làm cho Cổng Vàng của chúng ta trở thành biểu tượng đích thực của một thành phố sẽ không để người lạ chờ bên ngoài cổng, nơi kẻ lang thang sẽ nói: “Tôi sẽ không đi lang thang nữa.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

709    20-04-2021