Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống - ch 7

CHƯƠNG BẢY

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

202. Mục vụ Giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hoá. Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề, và các thương tổn của họ. Sự lan rộng và tăng trưởng của các hiệp hội và các phong trào chủ yếu gắn với người trẻ có thể được giải thích như là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ lưỡng cách thức các nhóm tham dự vào định hướng mục vụ tổng thể của Hội Thánh, cũng như cần có sự hiệp thông nhiều hơn nữa giữa các nhóm, và sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ. Mặc dù không luôn dễ dàng tiếp cận người trẻ, vẫn có hai khía cạnh chúng ta đang lớn lên: sự ý thức toàn thể cộng đồng phải tham gia vào công cuộc Phúc âm hoá người trẻ, và nhu cầu cấp bách để người trẻ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ.

Một mục vụ mang tính hiệp hành (synodalité)

203. Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo. Vì vậy, sẽ dư thừa nếu tôi dừng ở đây để đưa ra một cẩm nang mục vụ giới trẻ hay những hướng dẫn thực hành mục vụ. Tốt hơn là hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ.

204. Người trẻ giúp chúng ta nhận ra nhu cầu phải có những phong cách làm việc và chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng mọi thứ phải được lên kế hoạch, với các cuộc họp định kỳ và thời gian biểu ổn định, thì đa số những người trẻ ngày nay ít quan tâm đến kiểu cách mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn và mời người trẻ đến với các sự kiện mà nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn để chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa, nghe những câu chuyện thực của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn.

205. Đàng khác, chúng ta nên xem xét nhiều hơn đến những thực hành đã mang lại hiệu quả, như những phương pháp, ngôn ngữ và mục tiêu tỏ ra hữu hiệu trong việc đưa người trẻ đến với Chúa Kitô và Hội Thánh. Ta không cần quan tâm đến nguồn gốc hay nhãn hiệu, là “bảo thủ hay cấp tiến”, là “phe hữu hay phe tả”. Điều quan trọng là chúng ta tận dụng tất cả những gì phát sinh hiệu quả tốt lành và thông truyền hữu hiệu niềm vui Tin Mừng.

206. Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”. [111]

207. Bằng cách này, qua việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể diễn tả tốt hơn một thực tại đa diện kỳ diệu mà Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô phải trở thành. Hội Thánh có thể thu hút người trẻ chính vì mình không là một thực thể hiệp nhất đồng chất, nhưng trong một mạng lưới các ơn ban đa dạng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ và luôn đổi mới Hội Thánh, bất chấp sự nghèo nàn khốn cùng của Hội Thánh.

208. Tại Thượng Hội đồng, nhiều đề nghị cụ thể được nêu lên nhằm đổi mới Mục vụ Giới trẻ và giải phóng nó khỏi những cách thức không còn hiệu quả vì thiếu khả năng đối thoại với nền văn hoá của người trẻ thời đại. Dĩ nhiên, tôi không thể liệt kê tất cả những điều đó ở đây. Có thể tìm thấy một số đề nghị trong Văn kiện kết thúc của Thượng Hội đồng Giám mục.

Những đường hướng hoạt động chính yếu

209. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách vắn tắt rằng Mục vụ Giới trẻ bao gồm hai hướng đi chính. Một là tìm kiếm, mời và kêu gọi để hấp dẫn các bạn trẻ mới hướng các bạn tới với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn.

210. Về điểm thứ nhất, tìm kiếm, tôi tin tưởng nơi người trẻ, chính họ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc âm hoá những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Sứ điệp Tin Mừng đầu tiên được loan báo, dù trong một “kỳ tĩnh tâm ấn tượng”, hay qua một cuộc trò chuyện trong quán bar, vào dịp nghỉ lễ ở trường học, hay trong bất cứ một đường lối diệu kỳ nào của Thiên Chúa, có thể làm thức tỉnh một kinh nghiệm đức tin sâu sắc. Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác.

211. Trong khi tìm kiếm, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ biểu lộ sự thân tình, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại và tương giao hiện sinh chạm đến được lòng người, tác động đến cuộc sống, đánh thức những khát khao và hy vọng. Người trẻ cần được tiếp cận qua văn phạm của tình yêu, chứ không phải bằng cách thuyết giảng chiêu dụ. Người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai, dù còn đầy giới hạn và yếu đuối, cố gắng sống đức tin chân thành. Đồng thời, chúng ta cũng phải cố tìm tích cực hơn nữa những cách thức để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.

212. Về việc thăng tiến, tôi muốn nhắc nhở một điều quan trọng. Ở một số nơi, sau khi được giúp đỡ để có được một kinh nghiệm đậm đà về Thiên Chúa, thay vì được tạo điều kiện để gặp gỡ Chúa Giêsu Đấng đã chạm đến trái tim họ, người trẻ chỉ được tham dự những cuộc gặp gỡ “huấn luyện” lên lớp về những vấn đề đạo lý và luân lý như: những sự dữ trong thế giới ngày nay, về Hội Thánh, về học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, về hôn nhân, về kiểm soát sinh sản và những chủ đề khác. Kết quả là nhiều người trẻ chán ngán, mất đi lửa nhiệt thành gặp gỡ Chúa Kitô và niềm vui bước theo Người. Nhiều người bỏ cuộc, còn những người khác thì buồn chán và tiêu cực. Đừng quá lo lắng truyền đạt thật nhiều nội dung giáo thuyết, nhưng trước hết, chúng ta hãy cố đánh thức và giúp các bạn đào sâu những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu. Theo lời của Romano Guardini: “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn […] thì mọi sự sẽ trở nên một biến cố liên hệ trong tình yêu đó”.[112]

213. Bất cứ dự án giáo dục hay chương trình thăng tiến nào cho người trẻ chắc chắn cũng phải bao gồm việc đào tạo giáo lý và luân lý. Đây cũng là một điểm quan trọng được quy tâm vào hai trục chính. Một là đào sâu lời rao giảng tiên khởi kerygma, vốn là kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu. Hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ.

214. Đây là điều đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) mà tôi thiển nghĩ giờ đây cần được nhắc lại. Một đàng, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục vụ Giới trẻ “Lời rao giảng tiên khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn lời rao giảng tiên khởi ấy. Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta”. [113] Vì thế, Mục vụ Giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí là sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan. Thế nhưng, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị gặp gỡ Chúa bằng một loại hình “tuyên truyền” có tính giáo điều nào.

215. Đàng khác, bất kỳ kế hoạch Mục vụ Giới trẻ nào cũng nên kết hợp rõ ràng với những phương tiện và nguồn lực khác nhau, để giúp người trẻ triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đoàn, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), “là sự chu toàn Lề luật” (Rm 13,10) và là cách tốt nhất thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa, thì nó phải chiếm một vị trí chính yếu trong mọi chương trình đào tạo và thăng tiến người trẻ.

Các môi trường phù hợp

216. Các tổ chức, đoàn thể của chúng ta cần phát triển và củng cố cho thật tốt hơn khả năng đón tiếp thân tình, vì nhiều bạn trẻ cảm thấy bị bỏ rơi. Ở đây, tôi không nói đến các vấn đề trong gia đình, mà muốn nói đến một kinh nghiệm tương tự liên hệ đến các trẻ em, người trẻ và người lớn, cha, mẹ và con cái. Đối với những kinh nghiệm “mồ côi” của người thời đại ngày nay, có lẽ cũng bao gồm cả chúng ta nữa, các cộng đoàn như giáo xứ hoặc trường học nên tạo những cơ hội để mỗi người cảm nghiệm tình yêu vị tha và triển nở, được khẳng định và trưởng thành. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ là con cái kế thừa những ước mơ thất bại từ cha mẹ và ông bà, những ước mơ bị thiêu rụi bởi sự bất công, bạo lực xã hội, ích kỷ. Bao nhiêu là người cảm thấy bị trốc gốc! Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tan hoang, thật khó để họ có thể giữ được sống động ngọn lửa của những giấc mơ và hoài bão lớn. Nếu lớn lên trong một sa mạc trống rỗng ý nghĩa, làm sao người trẻ có thể nuôi dưỡng ước muốn dâng hiến để gieo mầm sống? Kinh nghiệm của sự đứt đoạn, trốc rễ và sụp đổ những điểm tựa nền tảng, bị tác động thêm bởi nền văn hoá truyền thông ngày nay, tạo ra một cảm giác “mồ côi” sâu sắc, đáp lại điều đó chúng ta phải tạo ra một môi trường hấp dẫn và đầy tình huynh đệ, nơi đó người trẻ có thể sống có định hướng.

217. Dựng “nhà” là dựng một “gia đình”. “Đó là học cảm nhận mình được liên kết với người khác qua một mối quan hệ liên đới vượt trên sự thực dụng hay sự vụ, cảm nhận được đời sống của mình đượm “tình người” hơn. Dựng “nhà” là để cho sấm ngôn mặc lấy xác phàm và để những ngày giờ đời ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập những mối dây liên kết bằng những hành động hằng ngày đơn giản ai cũng làm được. Một mái nhà, như mọi người chúng ta biết rất rõ, cần được chung tay dựng xây. Không ai được phép thờ ơ hay đứng ngoài cuộc, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây nên ngôi nhà ấy. Điều này giả thiết ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn học biết kiên nhẫn, học biết tha thứ lẫn nhau, và bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, cần bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Để kiến tạo những mối liên kết vững chắc, phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày bởi lòng kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách phép lạ xảy ra: ở đây tất cả chúng ta cảm nhận được sự tái sinh, tất cả được sinh ra một lần nữa, bởi vì chúng ta cảm nhận được bàn tay chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa giúp chúng ta có thể mơ ước về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó là một thế giới thần thiêng hơn.”[114]

218. Trong khung cảnh này, các tổ chức của chúng ta cần tạo cho người trẻ không gian của riêng họ, để họ có thể tổ chức thoải mái, họ có thể tự do đến và đi, cảm thấy được đón tiếp và có thể đi lại tự nhiên và tin cậy để gặp gỡ những người trẻ khác, khi gặp đau khổ chán chường, hay khi vui mừng hân hoan. Những nơi như thế đã được thực hiện ở một số nhà thờ có các nhà sinh hoạt và các trung tâm dành cho người trẻ. Trong nhiều hoàn cảnh, những nơi đó trở thành khung cảnh thân thiện người trẻ có thể sống kinh nghiệm tình bằng hữu, nam nữ hẹn hò, gặp gỡ nhau, chia sẻ niềm say mê âm nhạc, giải trí, thể thao, cũng như suy niệm và cầu nguyện, mà không phải bận tâm nhiều đến chi phí. Bằng cách đó, chúng ta mở đường cho việc loan báo sứ điệp Tin mừng thiết yếu qua sự tiếp xúc cá nhân, là cách mà không một phương pháp mục vụ nào khác có thể thay thế được.

219. “Tình bạn và sự trao đổi, ngay cả trong những nhóm có cơ cấu ít nhiều, thường đem đến cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương giao, trong bối cảnh mà mình không bị đánh giá hay bị phê phán. Kinh nghiệm nhóm cũng là một thuận lợi rất lớn để chia sẻ đức tin và giúp nhau làm chứng. Người trẻ có khả năng dẫn dắt người trẻ khác và sống một đời tông đồ đích thực giữa những người bạn của mình”. [115]

220. Nói thế không có nghĩa là họ nên cô lập mình và đóng kín mọi liên hệ với các cộng đoàn của giáo xứ, những phong trào và những tổ chức tôn giáo khác trong Hội Thánh. Nhưng họ sẽ hoà nhập tích cực hơn vào những cộng đoàn mở ra cho họ, sống đức tin, tha thiết toả chiếu Đức Kitô, vui tươi, tự do, đầy tình huynh đệ và tinh thần dấn thân. Những cộng đoàn này có thể trở thành những kênh chuyển thông nơi đó họ cảm thấy có thể vun trồng những mối quan hệ quý giá.

Mục vụ giới trẻ trong môi trường giáo dục

221. Trường học chắc hẳn là một môi trường thuận tiện để tiếp cận thiếu nhi và người trẻ. Vì trường học là nơi ưu việt để phát triển con người, nên cộng đoàn Kitô hữu đã luôn rất quan tâm huấn luyện giáo viên và các nhà quản trị, thành lập các trường của mình với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục người trẻ, Thánh Thần đã khơi lên rất nhiều đặc sủng và chứng tá thánh thiện. Tuy nhiên, các trường cần cấp thiết tự kiểm điểm, nếu chúng ta lưu ý đến kết quả mục vụ của nhiều tổ chức giáo dục, sẽ thấy nhiều trường thường tập chú vào một kiểu giáo dục đức tin nào đó ít có khả năng khơi dậy những kinh nghiệm đức tin lâu bền. Hơn nữa, một số trường Công Giáo dường như được tổ chức chỉ để tự bảo tồn chính mình. Sợ thay đổi khiến các trường không thể chấp nhận được sự bấp bênh và phòng thủ trước các nguy cơ, cả nguy cơ thật lẫn tưởng tượng, có thể có do một sự thay đổi bất kỳ mang lại. Trường học mà biến thành một “hầm trú ẩn” bao bọc học sinh tránh xa những sai lầm “từ bên ngoài” là một biếm hoạ cho xu hướng này. Nhưng hình ảnh ấy phản ánh một cách đáng lo ngại về những gì mà nhiều người trẻ đang phải trải nghiệm khi họ tốt nghiệp từ một số cơ sở giáo dục ấy. Họ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo chúng, họ cũng không được học cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống vội vã của xã hội. Thật ra, một trong những niềm vui lớn nhất của một nhà giáo dục là nhìn thấy học trò của mình trở thành một con người mạnh mẽ, thống nhất, chủ động và có khả năng cống hiến.

222. Trường học Công Giáo vẫn là nơi chính yếu để loan báo Tin mừng cho người trẻ. Điều quan trọng là cần nhớ một vài tiêu chuẩn hướng dẫn được trình bày trong Tông hiến Veritatis Gaudium về việc canh tân và phục hưng các trường học và các đại học theo hướng “mở ra” truyền giáo. Đó là kinh nghiệm về lời rao giảng tiên khởi (kergyma), đối thoại ở mọi cấp bậc, các phương thức liên ngành và xuyên ngành, cổ võ nền văn hoá gặp gỡ, khẩn thiết tạo lập các mạng lưới và lựa chọn phục vụ những người thấp kém nhất, những người bị xã hội bỏ rơi.[116] Cũng quan trọng không kém là khả năng hội nhập kiến thức của trí óc, với con tim và đôi tay.

 

223. Đàng khác, chúng ta không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hoá. Hội Thánh luôn muốn phát triển nền giáo dục văn hoá tốt nhất cho người trẻ. Hội Thánh không được từ chối công cuộc ấy, vì người trẻ có quyền được như thế. “Đặc biệt ngày nay, quyền được giáo dục tốt có nghĩa là bảo vệ sự khôn ngoan, tức là, tri thức nhân văn và phát triển nhân bản. Chúng ta rất thường bị điều khiển bởi những lối sống tầm thường phù phiếm, lôi kéo chúng ta theo đuổi sự thành công rẻ tiền, hạ giá sự hy sinh và tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng giáo dục là không cần thiết trừ phi nó đem lại hiệu quả cụ thể tức thời. Không, giáo dục giúp chúng ta biết chất vấn, ngăn ngừa chúng ta không bị u mê bởi cái tầm thường, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta cần đòi lại quyền của mình không để bị lung lạc bởi những “thứ quyến rũ” tràn ngập ngày nay làm sao lãng khỏi cuộc tìm kiếm này. Ulysse, để không bị đắm bởi khúc hát của mỹ nhân ngư vốn hay làm mê hoặc các thủy thủ khiến họ lao thuyền vào ghềnh đá, đã tự trói mình vào cột buồm và buộc những người đồng hành phải bịt kín tai lại. Còn Orpheus thì lại có cách đối phó khác với khúc hát của các nàng tiên cá: chàng tấu lên một giai điệu còn hay hơn có sức mê hoặc các mỹ nhân ngư kia. Đây là nhiệm vụ cao cả của các con, đó là đáp lại những điệp khúc làm tê liệt xã hội của trào lưu tiêu thụ về văn hoá bằng những lựa chọn năng động và quyết liệt, bằng sự tìm tòi, hiểu biết và chia sẻ.”[117]

661    19-01-2020