Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Trái tim tinh tuyền của Mẹ

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

2 Tm 4:1-8; Tv 71:8-9,14-15,16-17,22; Mc 12:38-44

TRÁI TIM TINH TUYỀN CỦA MẸ

Lời cầu nguyện nhập lễ của phụng vụ trong lễ Trái Tim Vô Nhiễm giúp chúng ta hướng về sứ điệp quan trọng của lễ mà chúng ta mừng kính tình yêu của Mẹ với lời khẩn xin : “Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị trái tim tinh tuyền của Mẹ Maria để trở thành nơi trú ngụ của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con là dân Chúa tuyển chọn, được trở thành những đền thờ của vinh quang Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con, là những người con thiêng liêng của Mẹ, được kết hiệp luôn mãi trong tình thắm thiết với Con của Mẹ và không bao giờ để tội lỗi làm chúng con lìa xa Chúa.”

Thánh tâm Chúa Giêsu là dấu chỉ tình thương vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người, thì Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu, nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tuy nhiên, một cách đặc biệt, khi tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng tôn kính tình yêu hiền mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm. Trong Tân Ước, sách Tin Mừng theo Thánh Luca có hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ Maria trong đoạn 2 câu19: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng.” (Lc 2, 51).

Trong Cựu Ước, trái tim dược xem như biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Đối với nhân loại, đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (6,5). Khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

Cũng chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa. Đó là lời đáp cho sứ thần Truyền Tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ. Đức Kitô, chính Ngài: khi được người phụ nữ trong đám đông ca tụng phúc cho cung lòng người nữ đã sinh thành ra Chúa, thì Ngài đã trả lời: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” (Lc 11,28). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp đầu tiên, Đấng Cứu Chuộc Con Người, đã viết, “Mầu nhiệm của Cứu Độ đã được hình thành trong trái tim của Đức Trinh Nữ Thành Nazaret khi Mẹ thưa lời Xin Vâng.’

Sau khi Nguyên Tổ sa ngã, dù con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương Ađam và Evà. Người muốn họ và tất cả loài người phát xuất từ hai ông bà được sống trong tình nghĩa với Người nên đã sai Đấng Cứu Chuộc đến để giao hòa con người với Thiên Chúa (St 3,15) và phục hồi tình trạng ơn thánh cho chúng ta.

Ta thấy trái tim thứ nhất có sứ mạng tuân hành thánh ý Thiên Chúa Cha, nhập thể và nhập thế để trở nên của lễ đền tội cho nhân loại: “Này con đây, con đến để thực thi ý ngài” (Dt 10, 8-9). Nhưng để có thể xuất hiện trong cuộc đời này, trái tim thứ nhất rất cần có sự cộng tác của trái tim thứ hai để cho thánh ý được nên trọn. Thiên Chúa không phải chờ lâu, trái tim thứ hai đã mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Sứ Thần Gabriel : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1, 38).

Và bắt đầu từ đó, hai trái tim hòa quyện với nhau, trở nên một tâm tình, một ý chí và một lòng mến: yêu Trời, yêu đời và yêu người, đến nỗi ta không bao giờ có thể tách biệt 2 trái tim ấy ra.

Có lẽ chính vì ý thức như vậy nên liền sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mừng lễ trái tim vô nhiễm Mẹ Maria để muốn nói lên rằng Mẹ và Con Yêu Dấu của Mẹ đã liên kết với nhau chặt chẽ, đã đồng tâm nhất trí với nhau, đã một lòng một ý vâng lời Thánh ý Thiên Chúa Cha và hoàn toàn dâng hiến cho nhân loại. Có lẽ không có hình ảnh nào cao cả cho bằng hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá.

Chính lúc lưỡi đòng đâm thâu trái tim Con của Mẹ thì cũng là lúc trái tim Mẹ nát tan. Có lẽ để chứng thực điều đó nên vào ngày 13/6/1929, khi hiện ra với Chị Lucia, Mẹ đã cho Chị nhìn thấy trái tim của Mẹ bốc lửa và bị vòng gai quấn chung quanh, bên cạnh là Thánh Giá Chúa Giêsu lơ lửng trên trần nhà nguyện.

Ta thấy tình thương của Mẹ Maria đối với con người không ngừng bị xúc phạm. Hình ảnh trái tim của Mẹ bị lưỡi gươm đâm thấu mà cụ già Simêon đã cho thấy điều đó. Và trong sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế gian gây nên biết bao thương tích. Bởi đó, một trong ba mệnh lệnh Fatima là “Hãy đền tạ trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria”.

Chiêm ngưỡng Trái tim Mẹ vẹn tuyền thanh sạch, đầy tình yêu thương, trọn lành thánh thiện, trung thực phản ảnh ưu phẩm toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta nhìn thẳng vào quả tim tội lỗi sắt đá của chúng ta, xin Trái tim Vô nhiễm Mẹ cải hoá quả tim chúng là với những tâm tình tốt lành thánh thiện.

Thật vậy, khi trao ban thánh Gioan cho Mẹ Maria, Đức Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ Maria. Bởi đó, dù thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khoẻ mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Ma-ri-a dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim Mẹ.

Qua việc mừng Lễ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Ma-ri-a, Hội Thánh  muốn nhắc nhở con cái mình: Người Công Giáo đã được trở nên con cái Mẹ, thì phải nên giống Mẹ năng đến Nhà Thờ gặp Chúa, vì mỗi khi phạm tội là ta lạc mất Chúa, hãy trở lại Đền Thờ để tham dự Thánh Lễ, nhờ Chúa ta được thanh tẩy, và cho ta tham dự vào ơn Vô Nhiễm của Mẹ. Như lời thánh Gioan nói: “Mầm giống của Đức Ki-tô lưu lại trong kẻ ấy, và kẻ ấy không thể phạm tội, bởi chưng đã được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 3,9). 

861    06-06-2018