Trên những nẻo đường

thanh hien va su vu 1

Một ngày nọ, tôi rảo bước trên những con đường thơm mùi nương rẫy, những mái nhà cao thấp ẩn hiện qua những hàng cây bên lộ, những đám trẻ nô đùa hồn nhiên chạy nhảy làm tăng sức sống, niềm vui và hy vọng, bởi “trẻ em là một món quà và một sự giầu có lớn cho nhân loại và cho Giáo Hội”. Đâu có trẻ là ở đó có tương lai, tương lai gia đình, tương lai xã hội, tương lai Hội Thánh.  ĐTC Phanxicô nói: “Trẻ em mang lại sự sống, niềm vui và hy vọng và liên lỉ nhắc nhở cho chúng ta biết điều kiện cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa: đó là không coi mình là tự đủ, nhưng cần sự trợ giúp, tình yêu và ơn tha thứ”. Một phút chạnh lòng, tôi thầm cầu xin Chúa cho các em ngày càng lớn lên như Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazarét và ước mong mình có được sự đơn thành của trẻ thơ với những bài học trẻ thơ dạy cho người lớn.

Con đường phía trước vẫn còn dài lắm, vả  lại tôi cũng chưa quen đường đất lắm, nhưng chủ yếu là đi thăm nên tôi cứ an bình lặng lẽ nhịp chân giữa bầu trời nắng nhẹ, tạt vào nhà nọ, ghé sang nhà kia – ai cũng vui và cảm động thấy dì đến thăm. Và kìa trước mặt tôi một cụ già đang cẩn thận bước đi với cây gậy trong tay. Tôi vội bước nhanh hơn đến gần bên chào và nắm tay cụ. Cụ dừng bước nhìn tôi và nói: “Con chào dì”. Lời nói của cụ thật khiêm tốn khiến tôi bị thu hút về cụ.  Nhìn làn da nhăn nheo xếp nếp trên khuôn mặt, nhưng tôi đọc thấy niềm vui trong khóe mắt của cụ. Cụ nói: “Mời dì vào nhà con chơi. Nhà đây này”. Tôi sung sướng đáp: “Vâng, con cùng đi với cụ…”

sứ vụChẳng mấy chốc cụ và tôi dừng bước trước căn nhà cấp 4, bên trong nhà một bàn thờ nhỏ, một cái bàn gỗ đã cũ với bốn cái ghế…  Cụ mời tôi ngồi rồi chậm rãi kể chuyện cho tôi nghe…Cụ nói: “Dì ơi, cuộc đời con vất vả, gian khổ lắm, còn được đến hôm nay là nhờ Chúa hết. Chúa lo lắng mọi sự cho con. Nên cho tới bây giờ con cái lập gia đình hết rồi, nhưng mỗi lần chúng nó đến thăm, con vẫn cứ bảo con cái của con đừng vì tiền mà thất đức…Con luôn nói với các cháu: được tất cả mọi sự mà không được chính Chúa thì ăn thua gì!…”.  Cụ bà tuy 80 tuổi mà nói chuyện thật hay, thật chân thành – thì ra để khỏi phiền toái con cháu, và dễ dàng đọc kinh cầu nguyện, hai ông bà cụ ở với nhau trong căn nhà nhỏ này, ông 85 tuổi nhưng rất vui vẻ, còn đi chợ được để bà làm bếp… Và ngày nào hai cụ cũng dẫn nhau đi nhà thờ đọc kinh, dâng lễ… Tôi cảm thấy thật đáng trân trọng vì tình yêu chung thủy và nếp sống giản đơn của hai cụ, giữa cuộc sống mà nhiều gia đình hôm nay bị xáo trộn và ly tán thì vẫn còn đó những cuộc đời thủy chung cao đẹp. Tôi nhớ lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người trẻ: “Các người già là những người nam nữ, là cha mẹ đã đi trước chúng ta trên cùng con đường của chúng ta, trong nhà của chúng ta, trong cuộc chiến đấu thường ngày của chúng ta cho một đời sống xứng đáng hơn. Họ là những người nam nữ từ đó chúng ta đã nhận được rất nhiều, Người già không phải là một người xa lạ. Người già là chính chúng ta: trong ít lâu nữa, hay lâu sau này, nhưng không thể tránh được, cả khi chúng ta không nghĩ tới nó. Và nếu chúng ta không học đối xử tốt với ngưòi già, thì người ta cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy”. Và ĐTC nói thêm: “ Người già có một trách nhiệm lớn lao trong đời sống gia đình và cộng đoàn: trách nhiệm chia sẻ sự khôn ngoan, chia sẻ đức tin. Vì người già là người nắm giữ di sản khôn ngoan, di sản đức tin và đời sống tinh thần. Họ phải chuyển giao di sản ấy cho người trẻ”.

Tôi cám ơn Chúa vì cuộc gặp gỡ này cũng như bao cuộc gặp gỡ khác trên những nẻo đường sứ vụ mà tôi hạnh phúc được trải qua, khi cùng với Hội Dòng vâng lời Hội Thánh để “đi ra”, với niềm tin hiệp thông là đã có “một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng… vì biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu chúng ta trước”. Đó chính là đòn bảy đỡ nâng tôi, đem lại lợi ích thật lớn lao, giúp tôi có thể dấn bước, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác (x Th NVTM số 24): người già có, người trẻ có, kẻ bị tật nguyền, người lại lấy chiếc giường làm bàn thờ cuộc sống!…  Tất cả họ là đối tượng của Lòng Thương Xót Chúa. Trong trái tim của Thiên Chúa có môt chỗ đặc biệt cho họ, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (x Th NVTM số ). Họ không rao giảng nhưng thực sự họ đã tặng cho tôi một bài học thật ý nghĩa bằng chính cuộc sống của họ!… 

 

Bỗng hình ảnh Đức Maria vội vã rảo bước trên nẻo đường từ Nazarét đến Ain Karim – một trinh nữ thanh xuân đến với người chị họ cao niên làm tôi suy nghĩ: Cuộc đời này sẽ đẹp hơn biết bao, nếu trái tim của mỗi người dễ nhạy cảm và biết mở ra như Mẹ, học được tâm tình của Mẹ. Mẹ sẽ chỉ cho chúng ta một con đường: con đường gặp gỡ giữa những người trẻ và người già mà tương lai của một dân tộc nói chung và Hội Dòng nói riêng nhất thiết đòi phải có cuộc gặp gỡ ấy: “những người trẻ mang lại sức mạnh để tiến bước và người già củng cố sức mạnh ấy với ký ức và sự khôn ngoan”; đồng thời Mẹ cũng giúp chúng ta biết nghe lời Chúa dạy về lòng thương người, và chấp nhận để cho lời ấy thúc đẩy, vang dội trong đời sống chúng ta như đang dội vang nơi đời sống Hội Thánh, vì Hội Thánh chính là khí cụ của Lòng Thương Xót.

Năm Thánh Lòng Thương Xót đã khép lại nhưng mọi người được mời gọi để tiếp tục sống ân sủng cao quý này trong suốt cuộc đời. Tôi tin tưởng ở Đức Maria, người đã đem Đức Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ cũng sẽ đồng hành đồng hành với chúng ta suốt dòng đời, dùng tình mẫu tử để mở lòng chúng ta ra đón nhận đức tin. Là người mẹ thực sự, mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa (x Th NVTM số 286), để chúng ta –không phân biệt người già hay người trẻ, khỏe mạnh hay yếu đau – luôn có được trái tim “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu, sẵn sàng dấn bước vào những nẻo đường của Tin Mừng theo hoàn cảnh và cách thế riêng của mình, để “Niềm vui Tin Mừng làm sinh động tất cả” trong chính Đức Kitô là “Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14:6); Ngài “vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 11:33).

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Phượng