Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Trưởng thành đối với người trẻ đáng mong ước

Trưởng thành đối với người trẻ đáng mong ước


Sinh thành, dưỡng dục con cái, mong chúng trưởng thành, thành người, thành thân, tự lo liệu cho mình, mới yên lòng. Thầy cô dạy dỗ học sinh, cung cấp đủ tri thức và nhân cách, để các em ra đời, bay thật cao thật xa, mới mong hoàn thành trách nhiệm trồng người. Cha xứ dạy kinh, dạy giáo lý và đời sống thiêng liêng cho đoàn chiên để giữa bao giông tố của cuộc đời, đức tin của con cái mình vẫn kiên vững mới thanh thản tâm hồn... Nói tóm lại cha mẹ, thầy cô hay cha xứ đều mong muốn cho con cái hay học trò của mình trưởng thành. Vậy trưởng thành là gì? Trưởng thành có cần thiết không? Làm thế nào để trưởng thành?

Trưởng thành là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, “trưởng thành là phát triển đến mức hoàn chỉnh, đầy đủ về mọi mặt. Nó cũng có nghĩa là trở nên lớn mạnh, vững vàng qua quá trình thử thách rèn luyện.” Dựa trên khái niệm đó, chúng ta có thể nói một người trưởng thành là một người phát triển hoàn chỉnh về thể xác, tâm lý, tình cảm, và tâm linh. Muốn trưởng thành, một người phải được giáo dục toàn diện: giáo dục thể chất, đào tạo tri thức, đạo đức, và tâm linh để có sống đúng với nhân phẩm.

Theo thánh Công đồng Vatican II, trường thành là ý thức tự trị cũng như ý thức trách nhiệm để các tín hữu trưởng thành trên bình diện tinh thần và chân lý “trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự lập và trách nhiệm, điều rất cần cho sự trưởng thành của nhân loại trên bình diện tinh thần và luân lý” [1]. Như thế, người trưởng thành là người tự lập và có trách nhiệm. Tự lập có nghĩa là có thể đứng vững về tài chính, về tâm lý, tình cảm và các quyết định. Người trưởng thành còn là người có trách nhiệm về các quyết định của mình cũng như trách nhiệm với gia đình, xã hội và giáo hội.

Đối với các kitô hữu, sự trưởng thành còn là việc tự do chọn lựa ơn gọi, chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn ơn gọi, và sống hết mình cho sự chọn lựa đúng đắn ấy. Kitô hữu trưởng thành còn là người có suy nghĩ riêng, biết tin vào ai và biết theo ai. Một khi đã biết, đã tin, đã theo thì theo với tất cả ý thức trách nhiệm và theo một cách triệt để. Người mà chúng ta tin và bước theo là chính Đức Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống đã viết: “Sự trưởng thành đích thực của người trẻ không phải chỉ là sự phát triển thể lý và ngoại hình, tài năng và kiến thức mà còn là dấn thân tìm kiếm tâm linh. Tìm kiếm Chúa, giữ lời Chúa, tìm cách đáp lại lời Chúa, bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ”[2].

Trưởng thành có thực sự cần thiết?

Trưởng thành thật sự rất cần thiết bởi một người không trưởng thành không thể sống xứng với nhân phẩm. Một người không khoẻ mạnh chẳng bao giờ có thể làm tốt những công việc nặng nhọc được trao phó. Một người tâm lý bất ổn sẽ phản ứng thất thường, buồn vui lẫn lộn, không kiếm chế được tình cảm và ý chí của mình. Một người không có nhân cách tốt chẳng bao giờ có thể cư xử đúng mực với mình và với người khác.

Đối với các kitô hữu trẻ, sự trưởng thành nhân bản còn là nền tảng cho sự trưởng thành Kitô giáo. Ngoài những đức tính nhân bản như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, công dung, ngôn, hạnh, các tín hữu còn phải tập luyện các đức tính Kitô giáo như khôn ngoan, tiết độ, công bằng, can đảm, tin, cậy, mến và sống các lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục theo bậc sống. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng, trường thành nói chung và kitô giáo nói riếng đối với các bạn trẻ đáng ước vọng lắm thay!

Làm thế nào để trưởng thành?

Có nhiều cách thức để trưởng thành và mỗi khía cạnh trưởng thành đều có những phương cách tập luyện khác nhau. Đối với sự trưởng thành thể lý, ngoài nhu cầu ăn uống cụ thể, mỗi người cần tập thể dục, chơi thể thao, tập dưỡng sinh, ăn uống, ngủ nghỉ sao cho điều độ... Để trưởng thành tình cảm, người ta cần tập sống lành mạnh, thiết lập và điều chỉnh các mối quan hệ sao cho quân bình. Để trưởng thành nhân cách, mỗi người cần tập luyện các đức tính tốt như: nhân nghĩa lễ trí tín, công dung ngôn hạnh; loại bỏ tham sân si, nhất là luôn tập sống bao dụng độ lượng với mọi người.

Ngoài sự trưởng thành thể lý, nhân bản, tình cảm, các kitô hữu trẻ còn phải tập sống đức khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm, tin, cậy, mến và các lời khuyên Phúc âm theo bậc sống. Muốn đạt được các nhân đức ấy, các tín hữu phải học hỏi, tập luyện, và cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các bạn trẻ “giữ ‘kết nối’ với Đức Giêsu để được ‘kết hợp trực tuyến’ với Người , vì con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với sức mạnh và sự thông minh của mình. Giống như con lo lắng để không mất kết nối Internet, hãy luôn bảo đảm rằng con luôn kết nối với Chúa. Điều này có nghĩa là không ngắt cuộc đối thoại với Chúa, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ cho Người nghe mọi chuyện của con và khi con không biết rõ ràng con nên làm gì thì hãy nói với Ngài ‘Lạy Chúa Giêsu ở địa vị con, Người sẽ làm gì?’”[3]

Nói về sự trưởng thành của người trẻ, chúng ta vừa mừng vừa lo. Mừng vì trong thế giới hiện đại, người trẻ có rất nhiều phương tiện và điều kiện để rèn luyện bản thân. Lo vì dường như người trẻ có quá nhiều thứ để theo đuổi nên việc trưởng thành lại là thứ yếu. Các bạn trẻ dễ bị lôi kéo vào cuộc sống hưởng thụ, phóng khoáng, bất chấp kỷ luật. Hậu quả là không ít bạn trẻ lớn xác mà bé tâm hồn, có nhiều thứ có thể đem lại lợi ích cho mình và cho người khác, nhưng chúng lại trở nên vô nghĩa với các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ thụ động hơn chủ động trong những quyết định cho mình và những quyết định liên quan đến người khác.

Tóm lại: Trưởng thành là sự chín chắn quyết định, chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đủ nghị lực chu toàn sứ mạng được trao phó. Sự trưởng thành này mang tính quyết định thành công hay thất bại cho đời người. Muốn có được sự trưởng thành đúng nghĩa, mỗi người trẻ phải không ngừng học hỏi, phấn đấu, rèn luyện trong thử thách và chuyên chăm giữ “kết nối” với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện. Tiến trình vươn tới sự trưởng thành vừa là niềm lạc quan nhưng cũng là những bận tâm lớn của những người hữu trách. Ước mong cho các bạn trẻ hiều được thế nào là trưởng thành, ý nghĩa tầm quan trọng của trưởng thành trong đời sống, và nhất là nỗ lực rèn luyện hầu có thể trưởng thành mọi mặt như cha mẹ, người hữu trách và Thiên Chúa mong đợi.

[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 55
[2] ĐTC Phanxicô, Chúa Kitô Đang Sống, số 158, Nxb. Tôn giáo, Tr. 99
[3] ĐTC Phanxicô, Chúa Kitô Đang Sống, số 158, Nxb. Tôn giáo, Tr. 99

 Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

1162    14-05-2020