Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Truyền giáo thời @

 

 
 
Thời đại kỹ thuật số, con người đang sống trong thế giới phẳng, khoảng cách Đông – Tây rút ngắn nhờ công nghệ thông tin tiên tiến, truyền thông trở nên dễ dàng và thuận tiện. Có khi nào chúng ta tự nghĩ mình sẽ sử dụng những phương tiện truyền thông để thực hành bổn phận truyền giáo của mình một cách hữu hiệu nhất?

 

Ngồi nhâm nhi ly cà phê, anh bạn hỏi tôi:

– Gần đây, người ta bàn nhiều về văn hóa đọc, em có thấy ngày nay văn hóa đọc của người trẻ khác với thời bọn mình không?

– Khác nhiều chứ! Em tới cửa hàng sách thấy thể loại thì phong phú, thiết kế mỹ thuật, nhưng phải nói như thế nào nhỉ? Thật khó diễn tả sao cho đúng!

– Có nghĩa là các đầu sách phát triển hơn, hình thức dường như phong phú hơn, nhưng nội dung thế nào thì chưa thể biết được?

– Em nghĩ nội dung chắc cũng phong phú hơn đó.

– Vậy thì văn hóa đọc vẫn đang được gìn giữ và phát triển, thế sao Công giáo chúng ta không nghĩ tới phát triển các đầu sách có giá trị truyền giáo nhỉ? – Anh bạn tôi băn khoăn đặt câu hỏi.

– Ừ nhỉ! Sao em chưa nghĩ tới bao giờ! À, mà mới đây anh có đọc cuốn “Đạo Yêu Thương” của Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm không? Cuốn sách giới thiệu đạo Công giáo cho người chưa biết đạo đó?

– Cuốn sách được thiết kế như hình hộp đĩa CD phải không?

– Đúng đó. Cuốn sách được viết như những bài giới thiệu, giọng văn gần gũi, bình dân, rất dễ hiểu. Trong đó còn có những thống kê về số lượng người theo các tôn giáo, diễn tả mô hình tổ chức Giáo triều Roma…

Tôi tranh thủ giới thiệu với anh bạn.

– Đọc sơ sơ mấy trang đầu thấy được lắm, anh không nghĩ cuốn sách nhỏ đó lại chất chứa nhiều nội dung phong phú như thế!

– Vậy thì anh về đọc tiếp đi, anh sẽ thấy hết nội dung cuốn sách thú vị và đầy ý nghĩa. Và anh cũng có thể giới thiệu sách đó cho những người chưa biết gì về Đạo Công giáo. Cuốn đó tuy nhỏ nhưng có thể giúp người đọc hiểu ra nhiều điều về các tôn giáo, giải đáp cách cô đọng, khoa học sự khác nhau giữa các đạo như: Tin Lành, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Kitô Giáo…

– Thế hả? Phân biệt sự khác nhau giữa các tôn giáo là điều không dễ đâu. Ngày xưa ở đại học, khi học môn tôn giáo, tới phần đó, anh phải làm đề cương, kẻ bảng – tô màu và cày ngày cày đêm để phân biệt sự khác nhau giữa tôn giáo này với tôn giáo kia, “trầy da tróc vảy” như thế mà vẫn rối như tô mì ăn liền thời sinh viên. Khi thi vấn đáp, anh còn lúng túng đến toát mồ hôi. Một kỷ niệm nhớ đời!

– Ha… ha… ha… Đúng là nhiều khi chúng ta lao đầu vào học mà không nghĩ đến tìm phương pháp nào đó để học đỡ vất vả, dễ nhớ và hiệu quả! Hôm nay, anh về đọc lại cuốn “Đạo Yêu Thương”, anh sẽ thấy tất cả.

– Ồ, anh tin mà. Vì nó là cuốn Đức Cha viết cho người muốn tìm hiểu về Đạo Công giáo. Có lẽ chúng ta cần nghĩ tới nhiều cách truyền giáo khác nữa trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Tại sao chúng ta không có thêm những ấn phẩm như thế nhỉ? Tại sao chúng ta không sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại nhỉ?

– Xưa quá rồi anh ơi! Anh không thấy các trang Web Công giáo nhan nhản ra đó sao? Cuốn sách “Đạo Yêu Thương” của cái chương trình gì đó, à… “Chương trình Chuyên đề Giáo Dục” xuất bản nhằm ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay đó. Họ cũng có trang Web hoạt động thường xuyên với các đề tài truyền giáo. Rồi, anh không thấy giáo phận nào chẳng có trang Web? Nhưng không phải vì thế mà công cuộc truyền giáo dễ dàng đâu. Mới đây, chuẩn bị cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sứ điệp kêu gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế việc rao giảng cho người ngoài Kitô Giáo là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo hội là truyền giáo: Giáo hội được sinh để “ra đi”.

– Đúng, truyền giáo là bổn phận của mỗi người mà nhiều khi, nói đúng hơn là hiếm khi nào chúng ta nhớ tới bổn phận đó. – Anh bạn tôi trầm ngâm.

– Có lẽ chúng ta phải nhìn lại mình thôi anh! Phải nghĩ đến làm một việc gì đó có ý nghĩa cho Giáo hội và những anh chị em chưa biết Chúa. – Tôi gợi ý.

– Cũng khó lắm! Nhưng không phải vì thế mà bó tay. Anh nghĩ hiện nay có nhiều tổ chức, nhiều cá nhân cũng đang thao thức điều đó. Cái chương trình gì mà em vừa nói, à! Chương trình Chuyên đề phải chăng họ cũng đang thao thức làm được điều có ý nghĩa cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa. Chúng ta thử đến tìm hiểu xem sao, biết đâu cùng với họ chúng ta có thể góp phần mình xây dựng Giáo hội Việt Nam, cũng là xây dựng chính cuộc đời của mình.

Nghe anh bạn nói giống như “triết lý”, tôi gật gù: Đúng là bao năm qua mình chưa bao giờ thao thức, chưa bao giờ nhớ tới sứ vụ Kitô hữu của mình, chưa bao giờ nhớ tới sứ vụ “ra đi” mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang nhắc nhớ. Thật là khiếm khuyết biết bao!

– Mời anh chị mua giùm tờ vé số! – Lời mời của người bán vé số dạo đánh thức suy nghĩ của tôi.

Tôi chợt nghĩ mỗi Kitô hữu, một khía cạnh nào đó cũng giống như người bán vé số dạo, hay tựa như những người tiếp thị, giới thiệu Tin Mừng cho người khác. Thế mà, bao năm qua, tôi chưa bao giờ làm được điều đó!

Phong Linh

595    15-07-2018