Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tự biết mình

11.9 Thứ Sáu

1Cr 9, 16-19. 22b-27; Lc 6, 39-42

TỰ BIẾT MÌNH

          "Hãy tự biết mình" là lời khuyên có ý nghĩa rất sâu xa từ ngàn xưa của các bậc minh triết. Đức Lão Tử sinh khoảng thế kỷ thứ VI trước CN, từng viết trong Đạo Đức Kinh : " Tri nhân giả trí; tự tri giả minh." (Biết người là trí (khôn); biết mình là sáng suốt), nhằm đề cao đức tính tự biết bản thân, thành thật nhận định trung thực phẩm chất của chính con người mình, nên được gọi là "minh".

          Còn cái biết về kẻ khác là cái tri thức của giác quan hay kinh nghiệm, không cần có bản lãnh sáng suốt vượt trên tư ngã.. Triết gia Hy lạp Socrates (399 – 470 TCN) cũng nổi tiếng với phương ngôn "Hãy tự biết mình" và tự khẳng định rằng : " Có một điều tôi biết chắc chắn là tôi không biết gì cả", ý nói cái biết thế giới hiện tượng không phải là cái biết đích thật, tức không phải chân lý. Vậy tự biết mình có nghĩa là:
Biết bản thể thiêng liêng của mình:
"Con biết con là ai đó chăng?
Con ôi, lý đạo ráng tầm phăn;
Con là không phải tâm phàm xác,
Con vốn chơn thần Thượng Đế ban."

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với nội tâm để có thể nhận ra những ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm, những đam mê, những ham muốn đang điều khiển con người mình hầu mỗi ngày biết “lấy cái xà ra khỏi mắt mình”, để cảm thông, tha thứ cho nhau và nhất là có thể “thấy rõ và lấy cái rác ra khỏi mắt của anh em” mình.

          Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.

          Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân.

          Thực tế,  ta rất dễ dàng phê phán và nhìn thấy những khuyết điểm của người khác nhưng thật khó nhận ra những lầm lỗi thiếu sót của bản thân. Bởi vì, mang thân phận con người chúng ta rất dễ bị các yếu tố tình cảm chi phối, nên cái nhìn rất dễ lệch lạc. Khi vui ta nhìn mọi cái theo lăng kính màu hồng, khi buồn ta nhìn mọi thứ đều màu xám, khi hứng khởi thì mọi thứ đều màu xanh... Khi nhìn vào chính lòng mình ta lại bị lăng kính cái “tôi” chi phối. Do đó “cái tôi” càng lớn ta càng thấy mình tốt đẹp, trong sáng, hoàn hảo. Càng có địa vị, có uy tín ta càng khó nhìn ra và chấp nhận những lầm lỗi khuyết điểm của  mình.

          Để biết mình cần chúng ta đi sâu vào thinh lặng nội tâm để nhận ra sự hiện diện diện của Thiên Chúa, để lắng nghe sự dạy dỗ của Ngài, để được Ngài soi sáng tâm can hầu nhận ra những tội lỗi, những khuynh hướng xấu đang đè nặng tâm hồn, làm mờ mắt tâm linh, làm ta phải xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân và xa lạ với chính mình. Biết mình giúp ta nhận ra những ưu điểm để phát huy và những nhược điểm để khắc phục. Biết những giới hạn của mình sẽ giúp ta bao dung, cảm thông trước những giới hạn của người khác, nhìn nhận và tôn trọng những tài năng và khác biệt của tha nhân để giúp nhau thăng tiến, cùng nhau kiến tạo cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập yêu thương. Sự biết mình chân thực sẽ giúp ta đủ sáng để nhìn đúng những thiếu sót của tha nhân; giúp ta đủ chân thành, khiêm tốn và yêu thương giúp nhau hoán cải để trở nên hoàn thiện mỗi ngày.

          "Hỡi người, hãy tự biết mình", đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". "Hãy sám hối" trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

          Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. "Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã", nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.


639    08-09-2020