Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Từ châu Phi về, Đức Phanxicô kêu gọi hòa bình phải được xây dựng trên tha thứ

 

Trên máy bay từ Madagascar về Rôma, trong cuộc phỏng vấn truyền thống sau mỗi chuyến đi, Đức Phanxicô nhắc đến niềm vui của trẻ em, ngài mời gọi các Quốc gia chăm lo cho các gia đình. Ngài cũng tố cáo chủ trương bài ngoại và thực dân hóa tư tưởng. Trên bình diện Giáo hội, ngài yên tâm không sợ chỉ trích dù ngài luôn cầu nguyện để không có ly giáo.

Người dân ngài gặp trên đường hãnh diện bồng con họ cho ngài nhìn, xin ngài hôn con họ, ban phép lành cho con họ, đó là niềm vui lớn nhất của Đức Phanxicô. Ngài đã thấy niềm vui này ở Phi Luật Tân, ở Cô-lông-bi và bây giờ ở Madagascar. Trong cuộc họp báo trên máy bay ba giờ sau khi máy bay cất cánh, ngài nói với các nhà báo: “Trẻ con là kho báu của người nghèo”.

 

Đức Phanxicô nói nhiều về chuyến đi, ngài trả lời với các ký giả địa phương có mặt trên chuyến bay và nhắc đến kỷ niệm ghi nhớ nhất của mình: đám đông khổng lồ 800 000 người, có thể lên đến 1 triệu người tham dự buổi canh thức chiều thứ bảy và thánh lễ sáng chúa nhật hôm sau. Hàng trăm ngàn người Madagascar ngồi dưới đất với chăn mền của họ, nhưng nhất là với đức tin mặc cho mưa gió, bụng đói và cảnh nghèo của họ. “Có những người nghèo, có những người chưa ăn chiều hôm đó nhưng họ rất vui”. Ngài không bao giờ quên “những người muốn ở lại với Giáo hoàng”. Và ngài cảnh báo chống lại những người “muốn tách ra với tinh thần vui vẻ đại chúng này”. Theo ngài, “nỗi buồn của những người ở một mình là một trong các dấu hiệu đầu tiên của những người quên nguồn gốc văn hóa của mình”. 

 

Bảo vệ gia đình và người trẻ là bổn phận của Quốc gia

Đứng trước châu Phi, một châu “có đời sống trẻ” thì “bà già châu Âu” đã ngừng sinh con. Đức Phanxicô dừng lại ở vấn đề thực tế này và mời gọi mọi người suy nghĩ “riêng” về chuyện này, về mùa đông nhân khẩu học của lục địa già. Ngài nói: “Tôi nghĩ sự tiện nghi thoải mái là gốc rễ”, thay vì đáp ứng với thách thức của việc sinh con và cùng đi theo con, thì người dân muốn trước hết có đời sống đầy đủ vật chất, nhưng đời sống này lại thường kéo theo sự không tin tưởng vào tương lai.

Đức Phanxicô đánh giá cao việc Thủ tướng Maurice muốn đất nước của ông có hệ thống đào tạo và giáo dục miễn phí cho trẻ em. Khi nhắc câu chuyện một em bé gái bị lạc cha mẹ giữa đám đông trong thánh lễ ở Port-Louis và đã được cảnh sát giúp đỡ, ngài nhấn mạnh đến “bổn phận Quốc gia phải chăm lo cho các gia đình và người trẻ. “Đó là nhiệm vụ của Quốc gia phải đưa họ tiến về phía trước.” 

Hòa bình phải được xây dựng trên tha thứ, chứ không phải trên chiến thắng

Trước đó Đức Phanxicô đề cập đến tiến trình hòa bình lâu dài ở Mozambic, một thỏa hiệp được ký năm 1992 với sự giúp đỡ của Cộng đoàn Sant’Egidio. Ngài cũng trích thông điệp lịch sử của Đức Piô XII trước Thế Chiến Thứ Hai trong đó Đức Piô nhắc lại: “Không có gì bị mất với hòa bình, nhưng tất cả có thể mất với chiến tranh”. Ngài đã nói với các nhà báo, ngài đã khóc khi đi thăm nghĩa trang quân đội Redipuglia, và bất cứ khi nào đi dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ, ngài đều suy nghĩ đến khía cạnh đen tối của cuộc chiến. Nhưng chúng ta không được gióng lên tiếng kèn chiến thắng. Như bất cứ ở đâu, hòa bình thì “mong manh” và hòa bình phải được chăm sóc như chúng ta chăm sóc trẻ sơ sinh, với “dịu dàng và rất nhiều tha thứ.”

Một nhà báo Mozambic hỏi ngài suy nghĩ gì về nạn bài ngoại ở đất nước ông, ngài nhanh chóng trả lời, đây không phải chỉ là vấn đề của châu Phi. Ngài khẳng định: “Bài ngoại là một căn bệnh.” Ngày nay bài ngoại thì cũng giống như thế kỷ vừa qua chủ nghĩa nazi và phát xít biện minh cho luật chủng tộc của họ, ở châu Phi thì với nạn diệt chủng ở Rwandais, với biến thể của não trạng “bộ lạc”. Ngài cảnh báo: “Thông thường chủ nghĩa bài ngoại đi cùng với chủ nghĩa mị dân và chúng ta luôn phải chiến đấu với các hiện tượng này”.

Nói về những ngày ở châu Phi, ngài cho biết mình đánh giá cao tinh thần liên tôn được sống qua nhiều cách khác nhau ở ba nước ngài đi thăm. “Tôn trọng tôn giáo là quan trọng, và đó là lý do tại sao tôi nói với các nhà truyền giáo không được chiêu dụ”. Một đề nghị có tính cách tôn giáo lại làm theo cách chiêu dụ và không học cách “thờ phượng Chúa trong sự thật” thì đơn thuần “không phải là tín hữu kitô”.

Giao tiếp mang tính nhân văn hơn

Như đã hứa trong chuyến đi, Đức Phanxicô dành thì giờ đặc biệt cho đặc phái viên của hãng tin Efe Tây Ban Nha, năm nay kỷ niệm 80 năm thành lập. Ngài cho biết ngài không loại Tây Ban Nha ra khỏi chương trình thăm viếng của ngài, dù ngài dành ưu tiên cho các nước nhỏ hơn.

Sau đó trả lời câu hỏi về truyền thông, ngài nhắc các nhà báo phải đi “thực tế” hơn là nói chung chung. Phối hợp hai khía cạnh này có thể làm hư khía cạnh đầu tiên. Mặt khác, “giao tiếp phải là con người”, tôi muốn nói xây dựng, nghĩa là phải làm cho người kia lớn lên. Giao tiếp không bao giờ là công cụ của chiến tranh. 

Thực dân hóa và môi trường cần được bảo vệ

Đức Phanxicô muốn vai trò của các tổ chức quốc tế được tăng cường. Còn về các quốc gia thuộc địa trước đây, ngài nhận xét, ngay cả khi họ giải phóng quốc gia đã chiếm, họ vẫn thường bị “cám dỗ ra đi với một cái gì đó trong túi”. Nhưng dù sao điều ngài quan tâm nhất hiện nay không phải là thuộc địa địa lý, vấn đề gần như không còn, nhưng thuộc địa ý thức hệ, “đi ngược lại với bản chất” của dân tộc đã nhân danh sự đồng hóa mà loại bỏ căn tính.

Còn về việc bảo vệ môi sinh, chủ đề trụ cột giáo huấn và cũng là chuyến tông du châu Phi của ngài, Đức Phanxicô nhắc lại phải “bảo vệ môi sinh, sinh thái đa dạng, bảo vệ dưỡng khí, đó là sự sống của chúng ta”. Ngài nhắc lại Vatican đã cam kết loại các túi nhựa dẻo.

Còn về nạn tham nhũng đôi khi bị cho là nạn dịch của châu Phi, Đức Phanxicô trả lời: “Nhân công làm bất hợp pháp chúng ta cũng thấy ở châu Âu, chứ không phải chỉ có người châu Phi phát minh ra. Trả người làm việc nhà chỉ một phần ba lương xứng đáng của họ, cũng không phải do người châu Phi phát minh ra. Các phụ nữ bị lừa, bị bóc lột bán dâm ở các thành phố lớn của chúng ta cũng không phải do người châu Phi phát minh ra. Ở chúng ta, cũng có sự khai thác này, không những trong phạm vi môi sinh mà cả ở con người.

Ly giáo và nhẹ nhàng

Câu trả lời cuối cùng đề cập đến sự chỉ trích của người Mỹ về triều giáo hoàng của ngài, gần đây được đề cập trong quyển sách mới xuất bản ở Pháp Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi Giáo hoàng (Comment l’Amérique veut changer de Pape (Nicolas Senèze, nxb. Bayard). Đức Phanxicô công nhận: “Các phê bình không phải chỉ có ở người Mỹ, nhưng có một số nơi, cả ở Giáo triều. Ít nhất, những người nói nói chuyện này họ có lợi thế của sự trung thực để nói lên”. Còn vấn đề ly giáo thì ngài bình tâm.

Ngài nói, trong Giáo hội luôn có “lựa chọn ly giáo. Tôi không sợ ly giáo, tôi cầu nguyện để không xảy ra”. Ngài nhận xét, một quan điểm ly giáo luôn là “một sự tách rời của giới tinh hoa bị kích động bởi một ý thức hệ tách rời khỏi giáo điều.” Một đạo đức cứng nhắc có thể kích hoạt “các con đường ngụy ly giáo và sẽ kết thúc xấu”. Ngài nhấn mạnh, do đó chúng ta phải “hòa nhã với những người bị cám dỗ bởi các cuộc tấn công này, vì họ đang trải qua một vấn đề. Chúng ta phải nhẹ nhàng đi cùng với họ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

377    11-09-2019