Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Từ Đức Ky-tô hoàn vũ đến cứu độ trong các tôn giáo - tt

Từ Đức  Kytô-hoàn vũ của Teilhard đến lý thuyết Thiên-Nhân-Hoàn vũ hiệp thông của Panikkar[5]

 

Như đã nói trên kia, Teilhard không biết gì mấy về các tôn giáo bạn, nên cũng không quan tâm đến sự cứu độ trong các tôn giáo ấy khi viết “Đức Kytô-hoàn vũ”. Nhưng Raimon Panikkar khi đó, vì sống bên Ấn giữa những tôn giáo lớn, nên mang Đức Kytô-hoàn vũ của Teilhard tới phủ bóng cứu độ trên các tôn giáo này.

 

Với Panikkar, Thiên Chúa là Cha-Con-Thánh Thần. Vũ trụ trong có loài người được Cha tạo dựng qua Ngôi Lời là Con, nên tất cả lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài, và liên hệ ấy vọt cao tới đỉnh điểm trong biến cố Nhập thể, ở đó liên hệ thành Hiệp thông, và Hiệp thông này được Panikkar gọi là Hiệp thông Hoàn vũ (Kosmos)-Thiên (Theos)-Nhân (Anêr) : Cosmotheandric Communion.

 

Vâng, không chỉ có thần linh-hóa nhân loại, mà thần linh-hóa toàn vũ trụ nữa, và sự thần linh hóa mở rộng đến toàn không gian, và xuyên suốt thời gian từ đầu đến cuối, nơi và qua nhân tính “Đức Kytô toàn phần (Christus totus)”. Cũng theo Panikkar, loài người nơi nhân tính Đức Kytô đã thành con Thiên Chúa “cách tự nhiên” khi Chúa Thánh Thần được sai đến trong lòng ta mà kêu lên Abba, Cha (Rom.8.15-16), dù thánh Phaolô thêm danh hiệu “nghĩa tử” để phân biệt với vị thế Ngôi Con, Logos.

 

Con người được thần linh-hóa, mà con người cũng là thân xác nữa, nên qua thân xác  sự thông hiệp mở rộng đến cà vũ trụ vật chất luôn. Vâng, Chúa Giêsu Kytô vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con loài người, vừa là “anh em của Hoàn vũ” nữa. Và mầu nhiệm Đức Kytô là mầu nhiệm của toàn bộ thực tại Thiên-Nhân-Hoàn vũ, ba cái không lẫn lộn, nhưng cũng không phân cách.

 

Chỉ có một Nhập thể, và Nhập thể ấy là dứt khoát, nên cũng chỉ có một cứu độ duy nhất do Con Chúa làm người đã chịu chết và phục sinh, cứu độ cho toàn thể nhân loại từ khởi nguyên đến mãi mãi sau này. Và sự Hiệp thông Hoàn vũ-Thiên-Nhân cũng tác động vào các biểu hiệu lịch sử nơi các tôn giáo ngoài Kytô-giáo, dù các khuôn mặt lịch sử (giáo tổ) không phải là môi giới (mediator) giữa Trời và con người như Chúa Giêsu, nhưng lại khiến cho sự môi giới của Chúa trở nên dễ dàng (facilitator).

 

Nói tóm lại, theo Raimon Panikkar, thì các tôn giáo bạn, cùng với giáo tổ của họ, có một vai trò trong kế hoạch cứu độ của Đức Kytô, cũng là Kytô-hoàn vũ. Còn vai trò ấy quan hệ thế nào, tới mức độ nào so với cứu độ do Con Thiên Chúa thành người, thì chúng ta hãy tìm hiểu những ý kiến thần học liên quan trong bài của Lancy Monteiro s.j. sau đây:

 

Những ý kiến thần học về cứu độ trong các tôn giáo[6]

 

Qua Ngôi Lời, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn vật, với loài người là trung tâm. Kế đó, để cứu chuộc, cũng chính Ngôi Lời được sai đến nhập thể, rồi bằng cái chết và phục sinh, giải thoát chúng ta khỏi sự tội và sự chết, đồng thời thông đạt sự sống siêu nhiên như nước mạch vọt tới Hằng sinh. Cho nên, tất cả kế hoạch cứu độ xuất phát từ Đức Kytô, nhờ đó Kytô-giáo được thành lập khi Chúa về Trời đã sai Thánh Thần đến. Đó là niềm tin truyền thống, niềm tin Kytô-tâm hướng (Christo-centric) của Giáo hội. Trong các tôn giáo bạn, cứu độ nếu có cách nào đó, thì cũng phải quy về cho Ngôi Lời nhập thể thôi.

 

Thế nhưng bên Ấn lại có những ý kiến giảm nhẹ tính Kytô-tâm hướng ấy khi giải thích cứu độ trong các tôn giáo bạn bằng những hệ biến hóa (paradigm) Thiên Chúa-tâm hướng (Theo-centrism), Ngôi Lời-tâm hướng (Logo-centrism), hay Thánh Thần-tâm hướng (Pneumato-centrism), nghĩa là bằng những sức mạnh bên trên Đức Kytô lịch sử.

 

a/Thiên Chúa-tâm hướng trong tương quan với Kytô-tâm hướng

 

Thiên Chúa chúng ta không phải là Đấng siêu việt ngự tít tắp trên cao, bằng chân như vại trước cảnh khốn cùng của trần thế, mà Ngài vẫn có mặt trong suốt lịch sử loài người để cứu vớt và trao ban chính mình. Sự có mặt và tự trao ban ấy vọt tới đỉnh điểm trong biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa thành người. Qua Chúa Giêsu, các tín hữu được thần linh hóa sẽ hiệp nhất trong Thân mình (sôma) Chúa là Giáo hội. Còn bên ngoài Giáo hội, sự cứu độ được thực hiện bởi Thiên Chúa siêu việt Ngài tỏ mình ra cho loài người nói chung và can thiệp vào lịch sử các dân tộc. Đây là chủ trương Thiên Chúa-tâm hướng. Thiên Chúa-tâm hướng không phủ nhận Kytô-tâm hướng, nhưng được dùng riêng để giải thích ơn cứu độ trong các tôn giáo không Kytô-giáo.

 

Ủy ban Quốc tế Thần học (ITC) đã lên án chủ thuyết Thiên Chúa-tâm hướng (vốn được đặt bên trên Kytô-tâm hướng) ấy khi được dùng giải thích sự kiện đa tôn giáo, nhất là khi coi Môi giới Chúa Kytô chỉ là một trong những môi giới, dù là môi giới tốt nhất, chứ không phải duy nhất.

 

Quả thế, phải nhìn  nhận Đức Giêsu Kytô là Môi giới cứu độ duy nhất, dù cho người ngoài Kytô-giáo cũng vậy, như Kinh thánh nói rõ :

 

_” Ngoài (Đức Giêsu Kytô), không có ai đem lại cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ vào danh ấy mà chúng ta được cứu.” (Công vụ tông đồ, 4.12)

 

_”Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : Đức Kytô Giêsu, Đấng đã hiến thân làm giá chuộc mọi người.”  (1Tim.2.5)

 

b/Mgôi Lời-tâm hướng trong tương quan với Kytô-tâm hướng

 

Ngay từ hồi khai nguyên Hội thánh, nhiều giáo phụ đã dùng tiếng Logos (Lời, Lý) của triết học Zenon để chỉ Con Thiên Chúa, Đấng mà qua Ngài Thiên Chúa đã tạo thế và sắp đặt tất cả trong ngăn nắp. Ngay Tiền ngôn Phúc âm theo Gioan cũng sử dụng tiếng Logos này rồi. Theo Tiền ngôn, chẳng những vũ trụ được tạo thành qua Ngôi Lời, mà nơi Ngôi Lời còn có sự sống siêu nhiên dành cho những ai đón nhận Ngài và tin vào Ngài. Sự sống ấy cũng là ánh sáng soi cho kẻ ngồi trong tối tăm.

 

Vì sự sống và ánh sáng của sự thật từ Ngôi Lời mà đến, nên để giải thích có cứu độ trong các tôn giáo bên ngoài, một số thần học gia đã quy sự cứu vớt ấy cho Ngôi Lời, và đấy là chủ trương Ngôi Lời-tâm hướng. Theo mấy thần học gia này, Đức Giêsu Nazareth không vét cạn Ngôi Lời vĩnh cửu, nên Ngôi Lời này hành động giữa loài người cả trước và sau biến cố Nhập thể, trong các tôn giáo bạn. Có điều người ta vẫn nhìn nhận hai luồng cứu độ (nơi Ngôi Lời hằng cửu và nơi Ngôi Lời nhập thể) có liên quan tới nhau, chứ không tách biệt.

 

Cái sai lệch của  chủ thuyết Ngôi Lời-tâm hướng là đặt Ngôi Lời vĩnh cửu ở vị thế bao quát hơn Ngôi Lời nhập thể, khi nhận định Ngôi Lời nhập thể là “Totum Verbum, sed non Totum Verbi” {Ngài là Ngôi Lời hoàn bị, nhưng Không phải Toàn bộ Ngôi Lời}”. Thậm chí có người còn cho rằng có thể còn những nhập  thể khác để thành giáo tổ khác luôn. Điều ấy đi ngược với niềm tin truyền thống của chúng ta, là chỉ có một Nhập thể duy nhất, vĩnh định, do đó cũng một nhiệm cục (economia) cứu độ xuất phát từ Đức Giêsu Nazareth qua cái chết và sự phục sinh của Người!, đúng như thánh Phaolô khẳng quyết :

 

-“…Thiên Chúa đã muốn cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Người (Đức Giêsu), cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ màu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã mang lại an bình cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên Trời.” (Col.1.19-20)

 

c/Thánh Thần-tâm hướng trong tương quan với Kytô-tâm hướng

 

Để giải thích sự kiện đa tôn giáo, một số thần học gia cũng chủ trương Thánh Thần-tâm hướng. Theo họ, thì Chúa Thánh Thần có mặt và hành động khắp hoàn vũ, cũng như suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chứ không giới hạn trong Do Thái giáo, rồi Kytô-giáo.  Vâng, Thánh Thần sáng soi và tác động vào mọi tâm hồn, mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Mọi nguyện cầu đích thực đều được thúc đẩy bởi Thần khí. Và như vậy, hoạt động của Ngài không thu hẹp ở hoạt động  của Thánh Thần Đức Kytô phục sinh.

 

Chủ trương như thế hẳn là không hợp với Thánh kinh, bởi  lẽ Tân Ước luôn coi Thánh Thần là Thần khí Đức Giêsu Kytô, và coi mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể là nơi chốn cho sự Đổ tràn Thần khí (Cv.2.32-33). Vẫn Thần khí ấy của Đức Kytô đổ xuống trên ai Ngài muốn, dù trước hay sau biến cố Phục sinh, dù trong Giáo hội hay trong một vài tôn giáo khác.  Quả thế, chỉ có một nhiệm cục cứu độ tập trung nơi Chúa Kytô! Cũng không có Thần khí nào khác ngoài Thần khí Chúa Kytô!

 

Tổng luận

 

Ngày xưa, niềm tin Kytô-tâm hướng hết sức mạnh. Ai nấy xác tín rằng Chúa Giêsu là Môi giới duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để rồi bằng khổ nạn Người giải thoát chúng ta khỏi tội và sự chết, bằng phục sinh Người mang tới nước mạch vọt tới Hằng sinh.

 

“Ngoài Đức Kytô, không có cứu độ”, nguyên lý  ấy thôi thúc người người ra đi truyền giáo, không chỉ các tông đồ, mà cả nhưng người lo ăn uống cho các bà góa như thầy Philiphê. Thậm chí cả Apollô chưa được dìm (rửa) nhân danh Chúa cũng truyền giáo luôn.

 

Đến thế kỷ IV-V, bách đạo thì hết, mà truyền đạo thì bao quát hết đế quốc La mã, thậm chí tới Ấn độ (với thánh Tôma) luôn, nên phong trào mở đạo cũng phai nhạt dần. Phải chờ đền thế kỷ XVI-XVII, khi các đoàn tầu buôn và tầu chiến Tây phương đã khám phá châu Mỹ và châu Á, thì phong trào truyền giáo mới khởi động lại.

 

Có điều gần đây,  nhất là sau công đồng Vatican II, cởi mở hơn và nhìn ra những điều tốt đẹp trong khá nhiều tôn giáo xuất phát từ Ấn, lắm thần học gia bắt đầu nghĩ đến một cứu độ nào đó Thiên Chúa dành cho các dân tộc Viễn đông. Dẫu sao, thì với phần đông những nhà tư tưởng này, cứu độ nói trên nếu có, thì cũng phải quy về cho Ngôi Lời nhập thể thôi.

 

Có điều một số vị bên Nam Á muốn tiến xa hơn khi giải thích sự kiện đa tôn giáo bằng những chủ thuyết như Thiên Chúa-tâm hướng, Ngôi Lời-tâm hướng, Thánh Thần-tâm hướng, do đó hạ thấp Kytô-tâm hướng, và như vậy sai lệch với niềm tin truyền thống của Giáo hội chúng ta.

 

                                            *

 

Bây giờ, rời bỏ những tranh cãi lý thuyết (chỉ liên quan đến những gì tổng quát), chúng ta hãy đi vào những gì cụ thể trong các tôn giáo bạn. Mà cái cụ thể, thì bên cạnh những điểm tốt, không thiếu gì những cái mà ta không chấp nhận nổi.

 

Cũng phải phân biệt nơi một tôn giáo cái gì thuộc hiện trạng  với khởi thủy và nguồn gốc của nó. Vâng, có những tôn giáo xuất phát từ tín ngưỡng đa quỷ thần (như Ấn giáo thời Vêda), cùng với bao hủ tục trong thờ tự, để rồi tiến hóa thành khá tốt đẹp như ta thấy ngày nay. Một hai tôn giáo nào đó cũng có thể được lập nên với ý đồ không mấy trong sáng của giáo tổ, nhưng lại đặt nền trên một số những tin tưởng tốt đẹp.

 

Ở hiện trạng của một tôn giáo, tín hữu trong tôn giáo ấy chỉ có thể dựa vào lương tri có Thánh thần soi sáng mà xoay sở giữa những gì còn tốt đẹp thấy xung quanh, nhờ đó đạt cứu độ phần nào. Và sự sáng soi, thôi thúc ấy cũng là do Thánh Thần khí  của Chúa Kytô, dù họ chưa nhìn nhận Chúa Kytô.

 

Hoành Sơn

(dongten.net 19.08.2019)

 

[1] Đồng nam là trai tân, đồng nữ là gái tân, chưa bị nhiễm uế, mới được dùng để tế thần.

 

[2] Abel và Cain là hai con của Adong-Evà. Vì ghen tị, nên Cain đã giết Abel bởi Abel dâng của lễ đẹp ý Thiên Chúa.

 

[3] La Messe sur le Monde; MD (le Milieu Divin).III.2.

 

[4] MD, Tổng kết ¨Ngày tái giáng.

 

[5] Trong phần này, tôi viết theo M. Amaladoss, The cosmic Christ : from J. Dupuis to R. Panikkar through T. de Chardin, đăng trong Vidyajyoti Journal of Theological reflection, số tháng 3-2019, tr.192-206.

 

[6] Xx. Dr. Lancy Monteiro s.j., God’Presence and Theological tensions in a Theology of Interreligious dialogue, đăng trong Vidyajoti Journal…, Nov. 1918, tr. 851-876..

311    20-08-2019