Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Từ Đức Ky-tô hoàn vũ đến cứu độ trong các tôn giáo

Từ Đức Ky-tô hoàn vũ đến cứu độ trong các tôn giáo


 
Để chuẩn bị cho Ngôi Lời nhập thể hòng cứu vớt toàn loài người, Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái, tách hẳn họ ra khỏi dân ngoại cùng với tín ngưỡng và thờ tự thấp hèn của đám dân này. Nên mệnh lệnh quan trọng của Chúa trong Giao Ước cũ là cấm ngặt Israen sống chung với họ và lây nhiễm những tệ tục như sát tế đồng nam, đồng nữ[1] (Tv.106 (105}.35-38).

thienchua.jpg

Kịp đến khi Con Thiên Chúa giáng trần, bằng cái chết và sự phục sinh, đã mang tới cho nhân loại sự sống mới nó là mạch nước vọt tới Hằng sinh, và Hội thánh được Chúa Thánh Thần thiết lập,  quy tụ lại một cách chặt chẽ thành Thân mình (sôma) Chúa Ky-tô, thì thái độ của Giáo hội cũng là tách riêng, ban đầu chỉ làm phép Thánh tẩy cho người Do Thái hay đã Do Thái hóa thôi; kế đó khi dân ngoại được gia nhập rồi, thì Giáo hội cũng theo Do Thái mà coi rẻ người bên ngoài là quê kệch (goim).

 

Chủ trương mở cửa và đối thoại với các tôn giáo bạn chỉ bắt đầu sau công đồng Vatican II (1962-1965), nhất là sau khi các nhà truyền giáo có dịp tiếp xúc với những tôn giáo như Bà la môn giáo, Phật giáo vốn có truyền thống tu hành rất sớm và huyền nghiệm cao.

 

Cứ xem như trước đây, khi giáo phụ bắt đầu biết đến triết học Platon và Zenon của văn minh Hy lạp, họ đã sửng sốt và đánh giá cao thế nào về nền triết học ấy, coi đây như một chuẩn bị cho Tin mừng, ngang bằng với luật Maisen của Do Thái vậy. Nói chi đến Khổng giáo, Lão giáo của Trung quốc, nền nhân bản ấy còn cao sâu gấp mấy triết học Hy Lạp nữa! Nói chi đến Phật giáo và Jaina-giáo vói đời sống tâm linh và truyền thống tu hành có sớm hơn cả đời sống ẩn tu của Phaolô-Antoan.

 

Một khi đã nhìn nhận những điều tốt đẹp như vậy trong một số tôn giáo rồi, các nhà truyền giáo đổi hẳn cách nhìn, và nghĩ rằng Thiên Chúa cũng thương dân ngoại và tự trao ban mình cho họ cách nào đó, dù vẫn quy mọi cứu độ vào Đức Giêsu Kytô. Nhiều thần học gia không còn nhìn Chúa Kytô đóng khung trong Giáo hội nữa. Vai trò của Người có tính hoàn vũ hơn, và cái nhìn ấy được hoàn thiện trong lý thuyết của Teilhard de Chardin (1881-1955), lý thuyết “Đức Ky tô hoàn vũ (Le Christ cosmique)” được trình bày trong cuốn Môi trường thần linh (Milieu divin). Đức Ky tô ấy cũng là đích điểm W có mặt ngay trong hiện tại của mọi thụ tạo để cuốn hút tất cả về phía cánh chung.

 

Quả thực, cha Teilhard, một tu sỹ Dòng Tên, tuy không biết và không chú ý đến các tôn giáo bạn, nhưng cái nhìn của cha đã gợi hứng cho nhiều nhà thần học bên Ấn để họ mang áp dụng “Đức Ky tô hoàn vũ” vào  cứu độ-học trong các tôn giáo.

 

Thật ra, cái nhìn mở rộng về vai trò và sứ mệnh Đức Kytô đã manh nha nơi thánh Phaolô và nơi nhiều giáo phụ đã dựa vào thánh Phaolô mà suy tư.

 

Thánh Phaolô và giáo phụ

 

Đúng là với thánh Phaolô tông đồ dân ngoại, hành động cứu thế của Đức Giêsu Kytô mở đến toàn thế giới, như được trình bày trong thư Colossê; và Chúa cũng là cùng đích của tất cả trong thư Ephêsô.

 

Chúng ta hãy bắt đầu với bài thi ca trong chương I Colossê:

 

-“9Người là Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng tử sinh ra trước mọi thụ tạo, 16vì trong Người muôn vật được tạo thành trên Trời cũng như dưới đất, hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa dựng nên nhờ Người và trong Người. 17Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18Người…là Trưởng tử trog số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng đầu. 19Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Người, 20cũng như muốn nhờ Người mà muôn vật được hòa giải với nhau và làm hòa với mình…”

 

Trong đoạn văn nói trên, Đức Kytô vừa được nhìn dưới bộ mặt Ngôi Lời vĩnh cửu, vừa được nhìn dưới bộ mặt Ngôi Lời thành người luôn. Dưới hai bộ mặt ấy, tầm ảnh hưởng của Người bao trùm tất cả trên Trời lẫn hoàn vũ.

 

Nếu trong thư Colossê, hành động của Chúa Kytô mở rộng tới hoàn vũ, thì trong thư Ephesô ở đoạn I.9-10, Người lại là đích điểm để quy hồi tất cả nơi mình :

 

-“9(Thiên Chúa) cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu, và đó là kế hoạch yêu thương do Ngài định trước nơi Đức Kytô, 10 là đưa thời gian tới viên mãn, là quy tụ tất cả (panta) những gì trên Trời dưới đất nơi Đức Kytô…”

 

Giáo phụ Irênê thành Lyon (130-208) cũng nhìn theo như vậy khi cho rằng : Ở tư thế là  Ngôi Lời Con Thiên Chúa, Đức Kytô đã tô tạo và sắp xếp hoàn vũ trong trật tự để làm tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa Cha, để rồi khi nhập thể, Người lại mang sự sống thần linh tới cho những ai được thấy Cha, và đây là đích điểm của chương trình cứu chuộc. Cũng theo thánh Irênê, ngay từ đầu Con Thiên Chúa đã hiện diện trong mọi thụ tạo để khải thị Cha cho bất cứ ai Người muốn trên mặt đất (hiểu ngầm rằng không chỉ cho dân Do Thái thôi).

 

Thánh Clêmentê thành Alexandria cũng nghĩ giống thế khi cho rằng : Nếu Thiên Chúa ban cho người Do Thái luật lệnh để dẫn họ đến với Ngài, thì  triết học của người Hy Lạp cũng đóng vai trò Giao Ước (cũ) Thiên Chúa ban cho đám dân đó.

 

Đối với thánh Augustinô, cứu độ cũng mở đến loài người như vậy khi thánh nhân  nghĩ :”Hội thánh khởi đầu từ Abel[2]”. Thế  nghĩa là Hội thánh, cách nào đó, đã bắt đầu từ khởi thủy loài người.

 

Nói một cách chuẩn xác, Thiên Chúa đã trao ban mình cho nhân loại ngay từ khi có loài người, để rồi Giao Ước Thiên Chúa-Loài người sẽ vọt cao tới đỉnh điểm và vĩnh viễn nơi mầu nhiệm Nhập thể. Và như thế, tầm mở bao la của Đức Kytô-hoàn vũ, như được trình bày trong Môi trường thần linh (Milieu divin) của Teilhard de Chardin (1881-1955) thực ra đã có nền tảng trong thánh Phaolô và giáo phụ. Tầm mở ấy chẳng những vô biên về không gian, mà còn xuyên suốt thời gian, ngay từ thuở có con người.

 

Đức Kytô hoàn vũ trong Môi trường thần linh của Teilhard

 

Hẳn là Teilhard không hề quan tâm đến các tôn giáo ngoài Kytô-giáo khi viết cuốn Môi rường thần linh, và hẳn cha (một linh mục Dòng Tên) cũng không biết đến cái nhìn rộng mở (về vai trò Đức Kytô} nơi các giáo phụ khi họ suy tư về thánh Phaolô. Quả thế, Teilhard chỉ là một nhà khoa học và có đức tin sâu xa: Sống vào thời ngự trị của thuyết Tiến hóa, bắt đầu từ trong Sinh vật học, kế đó mở rộng sang toàn vũ trụ vật chất với thuyết Bigbang, cha muốn chuyển sự Tiến hóa ấy từ lãnh vực tự nhiên sang siêu nhiên bằng cách lấy Đức Kytô làm đích điểm W của toàn cuộc tiến hóa.

 

Sau đây, tôi xin trích đoạn nói riêng về học thuyết Teilhard trong bài “Teilhard de Chardin hay Khoa học với Đức tin” mà tôi đăng trong nguyệt san Công giáo và Dân tộc số tháng 11-2003, trang 16-30:

 

“Tiến hóa về phía điểm W-Kytô

 

Bằng mầu nhiệm Nhập thể, Đức Kytô đã thành “nguyên tố của Thế giới” và “hội tụ nơi mình cái Tâm (psychisme) của Trái đất”. Đức Kytô chỉ được nói đến ở cuối tập Hiện tượng Con người, nhưng rồi sẽ thấm nhiễm toàn bộ tập sách quan trọng khác của Teilhard là “Môi trường thần linh” (Le Milieu divin).  Cha viết Môi trường thần linh với mục đích hộ giáo đứng trước các nhà khoa học vô thần (MD.Nhập đề), nhưng viết trong những tâm tình rất thiêng liêng. Vâng, có thể liệt kê tác phẩm này vào loại sách thiêng liêng tuy rằng nó trình bày vũ trụ và hoạt động con người trong công cuộc xây đắp Vũ trụ ấy, cái Vũ trụ nó chói sáng lên vì phản chiếu mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Thánh Thể.

 

Là Trung tâm của mọi trung tâm, Chúa Kytô từ giữa Loài người và Trài đất mà tỏa sáng, khiến tất cả trở nên trong suốt, để nơi tất cả, loài người chúng ta diện kiến và thờ lạy Đấng Tối cao. Là Trung tâm, Ngôi Hai thành người cũng là Đích điểm W. Ở điểm tận cùng này, Chúa đang thu hút hết thảy về phía hoàn thiện cánh chung. Nếu người ta quen xem cứu độ cánh chung như diễn ra trên sự tan hoang của Tận thế, thì thay vì Tận thế, Teilhard lại nhìn ra Trời mới đất mới của Isaia (65.17) và Phêrô (3.13). Vâng, suy tư theo  thánh Phaolô, cha cho rằng về cuối, Thiên nhiên sẽ được vinh quang hóa cùng với anh em Chúa Giêsu và con cái của Cha (Rom.8.19-21).

 

Thêm vào đấy, nếu người ta quen nhìn cứu độ như của tùng cá nhân, thì Teilhard lại nhấn vào tính cộng đồng của cứu độ ấy, và đây cũng là cách nhìn Giáo hội theo Phaolô : Giáo hội Huyền thân của Chúa.

 

Vâng, theo cha, cuộc tiến về Đất hứa vừa là của từng người, vừa là của toàn Giáo hội, với toàn Thế giới bám đeo theo. Và câu “Đây là Mình Thầy…” không chỉ khép lại ở tấm bánh, chén rượu, mà mở đến toàn khối Vật chất của mọi thời gian[3].

 

Cũng vì Siêu nhiên không ly cách

 Tự nhiên, nên sự toàn thắng cánh chung của Đức Kytô sẽ liên hệ mật thiết với sự hoàn thành việc xây dựng trần gian của nỗ lực chung nhân loại.[4]”

311    20-08-2019