Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Tự ngã, Chúa, và Sứ vụ

 

Nhà thần học nổi tiếng Hans Urs von Balthasar từng nói rằng chúng ta có thể sống với hai bản ngã – tự ngã và thần ngã.

Chúng ta sống với tự ngã khi chúng ta lấy nguồn sinh khí căn bản từ bản ngã của mình với những thăng trầm mà bản ngã chúng ta trải qua trong cuộc sống, cảm thấy ổn khi mọi việc tốt đẹp, chán nản khi ngược lại. Khi sống với tự ngã, chúng ta dễ dàng bị và thường thường bị thoái chí, cáu giận và chán chường.

Chúng ta sống với Thần Ngã khi chúng ta lấy nguồn sinh khí căn bản từ điều gì đó vượt cao trên bản thân chúng ta, từ Chúa. Khi chúng ta làm được, thì những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày không gây ảnh hưởng quá sâu đậm tới chúng ta, chúng ta ít bị ngã lòng, cáu giận và chán nản hơn vì chúng ta lấy ý nghĩa và sinh khí từ một điều gì vượt cao hơn những biến thiên trong bản ngã chính mình.

Không nơi nào điều này lại đúng hơn trong sứ  vụ, nơi mà chúng ta luôn luôn hoặc là quá tự mãn khi mọi việc diễn tiến tốt đẹp hoặc quá thoái chí và giận dữ khi mọi việc không như ý. Có một câu chuyện trong truyền thuyết thần bí của đạo Hồi minh họa điều này một cách xuất sắc. Câu chuyện có nhiều dị bản nhưng tất cả đều có chung một thông điệp, và đây là phiên bản tôi thấy quen thuộc nhất:

Ngày xửa ngày xưa có một chàng trai trẻ, lòng thành tâm và đầy lý tưởng, chàng trai cảm thấy có tiếng gọi thôi thúc mình rao giảng cho thế giới nghe về thách thức và sự an ủi của Chúa. Vì vậy chàng đi vào rừng sâu và theo học các Trưởng lão. Những người này rèn luyện chàng, và khi cảm thấy chàng đã sẵn sàng, họ đặt tay lên người chàng, chúc lành cho chàng, rồi phái chàng ra đi để rao giảng về thách thức và sự an ủi của Chúa.

Và chàng trai làm như thế này: Mỗi ngày, chàng thường đến một khu phố vào lúc giữa trưa, khi quảng trường khu chợ đông đúc nhất, và rồi kêu to: “Có ai muốn nghe về thách thức và an ủi của Chúa không?” Luôn luôn có một người nào đó, một người già, bước tới và nói: “Có, chúng tôi sẽ nghe anh nói về điều này.” Và vị cao niên đó dẫn chàng trai về nhà, sau bữa cơm tối, một số người họp lại. Nhưng không có nhiều người đến cho lắm, một số người tới muộn, một số về sớm, và chàng trai cảm thấy họ lắng nghe chàng nói chỉ vì lịch sự, mà không thật sự quan tâm. Vì thế, sau những buổi như vậy, chàng trai trẻ thường quay về nơi trú ngụ của mình với tâm trạng trống rỗng, thoái chí, nghĩ rằng đây chắc chắn không phải là những người mà vì họ chàng được mời gọi để làm sứ vụ.

Sự việc cứ vậy trôi đi, trong một thời gian dài, một thời gian ngắn, hay dài ngắn gì đó: hàng ngày, chu trình này cứ tiếp diễn: Chàng đi vào một khu phố, kêu to lên hỏi có ai muốn nghe về thách thức và an ủi của Chúa hay không, rồi luôn luôn có một vị cao niên bước tới và dẫn chàng về nhà; hàng đêm có một nhóm nhỏ tụ tập, một số người đến muộn và một số về sớm, loch sự lắng nghe, đặt ra những câu hỏi lịch sự, và rồi chàng lại quay về với tâm trạng trống rỗng và thoái chí.

Cho tới một ngày nọ, chàng đến một khu phố như mọi khi vẫn đến, kêu to lên như mọi khi vẫn kêu, và một người cao niên bước tới như mọi bận. Nhưng lần này sự việc khác hẳn: thay vì dẫn chàng về nhà mình, bậc cao niên đó dẫn chàng tới quảng trường thành phố, ở đó đã có đặt một bục nói chuyện và rất nhiều ghế ngồi. Tối hôm đó, quảng trường chật kín người, không ai đến muộn cũng không ai về sớm, họ ngồi chăm chú lắng nghe và đặt ra những câu hỏi sâu sắc tới tận đêm khuya.

Trở về nơi trú ngụ đêm đó, chàng cảm thấy tràn trề sinh khí và suốt cả ngày hôm sau, chàng phấn khởi làm việc để chuẩn bị những gì sẽ nói vào buổi tối. Và khi tới quảng trường thành phố tối hôm đó, quang cảnh cũng y như đêm trước, một đám đông lớn đã tụ tập. Nhưng, khi chàng chuẩn bị bước lên bục để nói, thì vị cao niên nọ giật tay áo chàng và nói: “Tối nay một người khác sẽ nói, không phải anh”. Và rồi cũng giống như đêm hôm trước, không có ai tới muộn cũng không ai về sớm, tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe và đặt cho diễn giả những câu hỏi sâu sắc tới tận đêm khuya.

Nhưng chàng trai trẻ cảm thấy trống rỗng và không thể để tâm lắng nghe. Khi buổi nói chuyện kết thúc, chàng quay về nơi trú ngụ, lòng bắt đầu rấm rứt thấy vỡ mộng. Sáng hôm sau, chàng xếp khăn gói với chút đồ đạc ít ỏi của mình, và vừa khi chàng bắt đầu rời thành phố, ngay ven thành, vị cao niên nọ gặp chàng và hỏi: “Tại sao anh lại rời bỏ chúng tôi?” Chàng trai trẻ trả lời: “Có vẻ như các bác không cần tôi rao giảng cho các bác nữa, các bác đã có người khác rồi.”

Vị cao niên nắm tay áo chàng và ôn tồn nói: “Để tôi cho anh một lời khuyên: Cái người đầy tự mãn đêm hôm trước và cái người quá thất vọng đêm hôm qua, cả hai người ấy đều không phải là anh. Hãy ở lại với chúng tôi và hãy để chúng tôi dạy cho anh biết mình là ai.”

Những lời lẽ thông thái, hết sức thông thái, mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với mức ta tưởng ban đầu.

J.B. Thái Hòa dịch

987    17-11-2017