Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Từ Velay đến Limousin (3-5)

Từ Velay đến Limousin (3-5)

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Một công đồng cho hòa bình

Vừa mới về đan viện Puy làm bề trên 2 tháng, Antôn nhận lệnh đi Bourges, nơi sẽ diễn ra công đồng quốc gia do giáo hoàng Honorius III tổ chức ngày 30 tháng 11 năm 1225. Hồng y đặc sứ Tòa Thánh Saint-Ange chủ trì cuộc họp cùng với sáu tổng giám mục, hàng trăm giám mục, các bề trên Tỉnh dòng, các bề trên tu viện. Họ có hai nhiệm vụ, loại bỏ dị giáo cathar và ổn định tình trạng ở Languedoc. 

Thẻ vàng cho giáo sĩ

Được xem là người đi giảng giỏi nhất thời đó, Antôn phụ trách bài diễn văn khai mạc. Antôn hiểu, để đạt được mục đích phải tấn công vào gốc rễ sự dữ: sự chểnh mảng của hàng giáo sĩ mà đạo đức lỏng lẻo và thiếu niềm tin vào Tin Mừng đã làm cho người dị giáo cathar có lý do chỉ trích và bây giờ họ thu hút một số người công giáo thiếu đào tạo đi theo họ.

Thẻ đỏ cho giám mục

Khi bắt đầu bài nói chuyện của mình, Antôn tấn công mãnh liệt các tệ nạn làm mất danh dự giáo sĩ: nạn buôn thần bán thánh, tham vọng, thích xa hoa, keo kiệt, không có đường hướng thiêng liêng, không vâng lời Luật dòng… Rồi Antôn còn đi xa hơn. Được trực giác thiêng liêng cho biết về hành vi sai trái của Giám mục Sully, Antôn hướng về giám mục và nói cho riêng ngài: “Thưa giám mục, tôi muốn nói với ngài… Khốn cho mục tử nào bất trung đã làm cho đàn chiên của mình đi lạc, họ không bảo vệ đàn chiên khỏi bị chó sói hung dữ cắn!”

Khi đó Antôn tấn công “một vài tật xấu bí mật đã hành hạ lương tâm giám mục và làm cho cuộc đời của giám mục không còn danh dự”. Sau đó Antôn tố cáo các nghi ngờ ẩn giấu của ngài và nhấn mạnh đến các sự thật đức tin công giáo với tài liệu dẫn chứng, các chỉ dẫn chắc chắn mà kẻ phạm tội cảm thấy tâm hồn mình được soi sáng và trong lòng dâng lên niềm hối tiếc. Thay vì nổi giận chống Antôn, giám mục đến quỳ dưới chân Antôn và xưng tội với Antôn. Vì ngài xem đây là hình phạt hợp pháp đối với các lỗi lầm của mình, mọi người đều thấy và đều biết, vì thế cần được tố cáo công khai. Thêm nữa, sự trở lại của ngài chân thành và lâu bền: từ đó cho đến bảy năm sau khi ngài qua đời, ngài là “mục tử theo trái tim của Chúa và là người trung thành giữ đức tin”.

Sự trở lại của một người do thái

Một số nhà viết tiểu sử ghi lại một “phép lạ con la” khác ở Bourges. Chúng ta không nhắc lại chi tiết ở đây nhưng có thể nói đến tên của của ông “ Zacharie Guillard”, nhân chứng trong vụ này. Sau khi trở lại ông bỏ tiền ra xây một nhà thờ có tên “Thánh Phêrô Guillard”. Có phải đây là một bằng chứng xác thực cho phép lạ Thánh Thể ở Bourges không? Thêm nữa đây là một vụ trở lại mới, vụ trở lại của một người do thái. 

Khi mưa không có hiệu lực 

Danh tiếng dám chỉ trích công khai một giám mục và làm cho giám mục chân thành trở lại được biết ở Bourges nhiều hơn các chỗ khác nên đã có rất nhiều người đến nghe Antôn giảng. Thêm nữa, Giám mục Sully lại công khai ca ngợi Antôn.

Một ngày mùa hè nọ, Antôn phải giảng trên một cánh đồng rộng lớn ngoài thành phố, Tổng Giám mục đi theo đoàn rước đến đó và được người của giám mục đi theo hộ tống. Một đám đông đã tụ họp ở đó, nhóm nào theo mục tử và các nhân vật vị vọng địa phương của mình theo nhóm đó. Trời rất đẹp và nóng. Antôn ở trên mô đất cao làm bục giảng và bắt đầu giảng. Bỗng mây mây đen kìn kịt kéo đến, sấm sét vang trời, mưa bắt đầu rơi. Sợ cơn giông đến, giáo dân sửa soạn ra về. Nhưng Antôn xin họ ở lại và với một giọng tin chắc, Antôn trấn an họ: “Xin anh chị em đừng ra về, đừng sợ cơn mưa. Tôi mong Chúa không bao giờ phụ lòng tin chúng ta đặt vào Ngài: tôi hứa là không một giọt nước mưa nào rơi xuống trên anh chị em”. Nghe lời Antôn nói, không ai ra về và mưa ngừng rơi. Không ai bị ướt trong khi chung quanh vùng đó nước mưa rơi như suối… Vào cuối bài giảng, mọi người có mặt thấy cánh đồng nơi họ tụ họp hoàn toàn khô ráo, nhưng đất chung quanh thì bị ngập lụt.

Khi Antôn rời Bourges, người dân muốn tỏ lòng biết ơn nhà dòng đã có trong hàng ngũ của mình một người rao giảng tài ba, họ hứa sẽ tài trợ để xây một đan viện Dòng Phanxicô.

Một công đồng cho đức tin

Vừa xong nhiệm vụ ở Bourges, Antoine về lại đan viện Puy sau vài ngày giảng thần học cho các tu sĩ Dòng Phanxicô ở Châteauroux, một tu viện được xây năm 1213. Antôn không có thì giờ nán lại lâu ở Puy vì tháng 9 năm 1226, Antôn nhận lệnh đi Arles để giảng cho các tu sĩ Dòng Phanxicô ở Midi, nước Pháp, tại đây các tu sĩ Dòng có cuộc họp tổng tu nghị. Thánh Phanxicô muốn gởi Antôn đến các cuộc họp như thế này để Antôn nhắc cho các anh em tín lý và xin họ trung thành giữ Luật dòng. Vào thời điểm này Phanxicô thấy sức khỏe mình đã suy kém và không còn sức lực. Trong tình trạng yếu đuối này, Phanxicô nghĩ mình không có vinh dự và niềm vui mà ngài hằng mơ ước, được nhìn thấy và nghe người tu sĩ khiêm nhường Forli trở thành nhà hùng biện, người làm cho bao nhiêu người được trở lại, người làm phép lạ như chúng ta biết. Mặt khác Chúa cho Phanxicô biết mình còn rất ít thì giờ để sống.

Người rao giảng Thập giá

Như chúng ta có thể hình dung, Antôn được người ở Arles nhiệt tình đón tiếp. Ngày 14 tháng 9, ngày lễ “Suy tôn Thánh giá”, Antôn giảng đề tài: Sự Thương Khó của Đấng Cứu Chuộc và dòng chữ ghi trên Thập giá “Giêsu Nadarét, vua người do thái.” Toàn thể cử tọa lặng thinh nghe giảng, đặc biệt Antôn nói với giọng thuyết phục với các chữ rất xúc động như sau:

“Trên thập giá, Chúa Giêsu Kitô giang hai tay ra như giương đôi cánh, Chúa đã nhận và vẫn còn nhận những ai đến nương tựa bên Ngài; Ngài giấu họ trong vết thương của mình để chống cơn giận dữ của lũ quỷ; và trên thiên đàng, các vết thương của Ngài có một ngôn ngữ để bảo vệ chúng ta bên cạnh Chúa Cha, Người không đòi hỏi trả thù nhưng xin lòng thương xót. Ôi con người, xin yên tâm nếu còn hy vọng vào Chúa.”

Như thường lệ, Antôn khi nào cũng nhắc đến Đức Mẹ: “Mẹ đến bên ngai Chúa vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Như Thánh Bernard đã nói, Mẹ cho Chúa Con thấy dạ đã nuôi dưỡng Ngài…” Và Antôn không thể kết thúc mà không nhắc đến sức mạnh vết thương của Chúa Kitô: “Chúa Con tỏ lộ cạnh sườn và các vết thương trước mắt Chúa Cha và đã làm Chúa Cha dịu lòng. Nhưng vết thương của quả tim thì giống như thành phố mặt trời vì nó ở bên cạnh cánh cửa thiên đàng đã mở.”

Thánh Phanxicô ký thác

Chính ở giây phút này trong bài giảng của Antôn mà Chúa đã ban cho Thánh Phanxicô ơn huệ mà ngài hằng mong ước: được thấy và nghe “giám mục” của mình trước khi chết. Và giây phút được lựa chọn tốt cho Phanxicô, người mang các dấu thánh đau đớn ở cạnh sườn, ở tay, ở chân của Sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Sư huynh Monaldo là nhân chứng được đặc ân thấy sự hiện diện của Thánh Phanxicô. Khi ngẩng đầu lên, trong khi các người khác còn chiêm niệm, sư huynh thấy “chân phước Phanxicô ở trên không, hai tay giương ra trên thập giá và ban phép lành cho cộng đồng. Sư huynh là người duy nhất thấy nhưng lúc đó các anh em khác cũng cảm thấy có sự kết hợp thiêng liêng và họ tin vào lời của sư huynh”. Khi đó, Thánh Phanxicô chuẩn bị về gặp Chúa, Đấng ngài hằng yêu mến sau khi xác nhận với cộng đoàn hiện tượng ở hai nơi của mình.

Chúng ta có thể đưa ra hai giả thuyết để giải thích cho sự hiện diện kỳ diệu này của Thánh Phanxicô:

– Ngài muốn khuyến khích các anh em đang họp đông đảo ở đây noi gương Antôn, người rao giảng trên thập giá;

– Ngài muốn nhìn tất cả, ban phép lành cho họ, một ánh mắt cuối cùng của tình yêu…

Marta An Nguyễn dịch

527    21-09-2019