Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Vài suy tư về việc phân định ơn gọi linh mục dưới góc nhìn của ratio 2016

Vài suy tư về việc phân định ơn gọi linh mục

dưới góc nhìn của ratio 2016 [1]

 

I. Tiếp nối và đào sâu một góc nhìn

 

Tính chất “truyền thống” trong giáo huấn của Giáo Hội được thể hiện qua cách trình bày ý tưởng nơi các văn kiện: các tham chiếu từ những văn kiện trước đó được lưu ý cách đặc biệt.Tính chất “truyền thống” ấy giúp giữ gìn tính tông truyền trong giáo huấn, nhưng không vì thế mà thiếu đi tính chất độc đáo của các văn kiện đến sau. Giáo Hội vẫn suy tư và khám phá khi đứng trước những tình hình mới của đời sống Giáo Hội, của đời sống nhân loại. Như thế, khi đọc một văn kiện đến sau, bên cạnh cái nhìn “tiếp nối” cần phải khai thác những góc nhìn được đào sâu, được khám phá nơi văn kiện mới đó.

 

Trong cách nhìn đó, tôi muốn suy tư về việc phân định ơn gọi linh mục dưới góc nhìn của Ratio 2016 của Bộ Giáo Sĩ. Cách nhìn của Ratio 2016 không loại trừ những cách nhìn, những tiêu chuẩn của các văn kiện trước, nhưng đưa ra một góc nhìn khá đặc sắc để vận dụng những thành quả đi trước, đồng thời cũng cho thấy những điều hết sức cốt yếu, quan trọng.

 

 

II. Góc nhìn của Ratio 2016: người môn đệ

Thiết nghĩ trước hết cần phải nhắc đến diễn biến làm phát sinh góc nhìn của Ratio 2016.

Từ trước đến nay, các chủng viện được giao cho Bộ Giáo Dục Công Giáo chịu trách nhiệm. Đến ngày 16.01.2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong tự sắc Ministrorum Institutio đã tuyên bố giao cho Bộ Giáo Sĩ đảm trách các chủng viện. Nguyên do được nêu ra là vì Bộ Giáo Sĩ trước nay vốn chịu trách nhiệm về việc thường huấn linh mục, nay trao cho Bộ này việc đào tạo các ứng viên linh mục để làm thành một công cuộc đào tạo “duy nhất”. [2]

 

Việc thay đổi cơ quan chịu trách nhiệm về các chủng viện đưa đến một cách nhìn khác về việc đào tạo linh mục. Với “sở trường” của mình, xem ra Bộ Giáo Dục Công Giáo lưu ý nhiều đến việc đào tạo tri thức. Điều ấy ảnh hưởng đến các chủng viện, các học viện đào tạo linh mục. Bốn chiều kích của việc đào tạo toàn diện được nói đến trong tông huấn Pastores dabo vobis của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1992 (là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1990) đã được các nơi lưu tâm, nhưng chỉ với Ratio 2016 này thì những lưu tâm ấy mới được Bộ đặc trách trình bày cách chính thức và đầy đủ trong một hướng dẫn đào tạo linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis). [3]

 

Với bận tâm về việc đào tạo toàn vẹn, Ratio 2016 đã đưa ra cách nhìn về linh mục như là người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử. Vì thế, tôi cũng muốn suy tư về việc phân định ơn gọi từ góc nhìn về linh mục như là người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử. Nếu linh mục như là người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô thì người được coi là có ơn gọi cũng phải mang những tính chất của người môn đệ ấy.

 

Nói như thế không có nghĩa là Ratio 2016 đã thay đổi “những tiêu chuẩn” để chọn lựa ứng viên chức thánh. Những tiêu chuẩn trước nay vẫn còn đó: một con người có những đức tính nhân bản, có nội tâm sâu sắc, một ứng viên có khả năng trí thức và có khả năng trong việc mục vụ. Điều Ratio 2016 đưa ra là một “dấu nhấn”. Hay nói đúng hơn, từ góc nhìn về linh mục như người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Ratio 2016 đã vận dụng những tiêu chuẩn kia thành một tổng hợp mới.

 

 

III. Việc phân định ơn gọi theo cách nhìn về linh mục như người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử [4]

• Ratio 2016 đưa ra cái nhìn xuyên suốt về việc đào tạo với hình ảnh người môn đệ: toàn bộ đời sống của kitô hữu đều là môn đệ của Chúa Kitô:

 

“Công cuộc đào tạo linh mục tiếp nối ‘hành trình đào tạo [duy nhất] của người môn đệ'. Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh tẩy, được nên hoàn thiện với các bí tích khai tâm Kitô giáo khác, được đón nhận như tâm điểm của đời sống lúc vào chủng viện, và được tiếp tục trong suốt cuộc đời. Đương nhiên là đào tạo khởi đầu ở chủng viện khác biệt với thường huấn, do có những thời hạn, phương thức và mục tiêu riêng biệt, nhưng đào tạo khởi đầu cùng với thường huấn làm nên một quá trình đào tạo tiệm tiến duy nhất được thực hiện trong cuộc đời người môn đệ linh mục; người môn đệ linh mục mãi vẫn luôn học theo Thầy và sẽ không bao giờ ngưng làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy.” [5]

 

Như thế, việc đào tạo chủng sinh không phải là bắt đầu vào giai đoạn được đào tạo làm môn đệ, nhưng đã phải bắt đầu từ trước đó; và hoàn tất giai đoạn đào tạo này, khi đã làm linh mục, không có nghĩa là từ nay không còn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô nữa! Ratio 2016 dùng từ “môn đệ linh mục” (le disciple prêtre) [6] để nói lên điều đó. Ratio này gọi giai đoạn đào tạo ở chủng viện là “đào tạo tiên khởi” và giai đoạn thường huấn khi đã làm linh mục là “đào tạo thường xuyên”. Như thế, giai đoạn thường huấn không đóng vai trò phụ thêm, bổ túc được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng thực sự là quan trọng, bởi vì kéo dài suốt cả cuộc đời linh mục. Tóm lại, tâm thế của người môn đệ phải là tâm thế thường hằng nơi người đi theo ơn gọi (sequela Christi).

 

Trong tiến trình duy nhất như vậy, ứng viên ơn gọi không thể không có thái độ của người môn đệ được. Đó là điều kiện phải có và có cách vững bền nơi ứng viên.

 

• Linh mục giáo sư Amedeo Cencini, khi trình bày cách hiểu về từ ngữ “docibilitas”, đã gọi đó là “bí mật lớn” (le grand secret) của đào tạo. Ngài giải thích docibilitas là “apprendre à apprendre” (đào tạo cho biết học, để cho mình được đào tạo/ teachableness, aptness in learning). [7]

 

 

Những chuẩn mực trong việc đào tạo được trình bày nơi bốn chiều kích của Pastores dabo vobis (nhân bản, tâm linh, tri thức và mục vụ) là rất cần thiết. Tôi xin lặp lại: rất là cần thiết, cần phải duy trì. [8] Tuy nhiên, trong khi thực hành, do lỗi của mình, chúng ta “khung hóa”, “số hóa” để dễ lượng giá. Ứng viên lịch sự, lễ phép, giữ kỷ luật tốt; đi lễ không bỏ ngày nào, làm các việc đạo đức, sổ sách thiêng liêng đầy đủ; điểm số các môn học cao, dự lớp-học tập chuyên cần; làm việc mục vụ thành công, quy tụ được nhiều người, xây được nhiều công trình. Nhưng theo cha Cencini, điều đó không đủ.

 

Những đánh giá theo khung điểm, theo mẫu mực... dễ làm cho người được đào tạo và cả nhà đào tạo cảm thấy hài lòng, an tâm, và dừng lại ở đó. Người học cao không muốn nghe người khác, người đã học đến trình độ được công nhận nào đó thì không muốn học nữa;người được đánh giá (hay tự đánh giá) là đạo đức, tu lâu năm không muốn nghe những người “hỉ mũi chưa sạch” trong đường tu; những người chức vụ cao trong Giáo Hội tự xem minh (hay được xem) là đồng nghĩa với lòng đạo đức cao hơn, nhiều ơn Chúa Thánh Thần hơn, nên không chịu nghe người dưới.! Đó là “lối đào tạo cứng”.

 

Mẫu người cần được đào tạo là người biết luôn sẵn sàng để học, biết lắng nghe, biết nhìn xem, biết suy tư, tìm kiếm một điều gì đó. Đó là “lối đào tạo mềm”. Đào tạo xong mà lại chưa xong! Người đó nhìn những gì đang diễn ra chung quanh, nghe người khác nói, đón nhận hoàn cảnh sống trong thái độ tìm kiếm, suy nghĩ xem đâu là điều Chúa muốn, đâu là con đường Chúa đang dẫn minh đi. Đó là thái độ của người môn đệ. Các môn đệ đi rao giảng về, kể lại cho Thầy Giêsu nghe “những thành công vang dội” của minh, nhưng họ lại được Thầy Giêsu dạy cho biết phải vui mừng vì điều gì mới đúng (x. Lc 10,17-20).

 

Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây là việc làm theo thánh ý Chúa trong cuộc sống và sứ vụ là hết sức quan trọng. Có thể tôi rất nhiệt thành trong việc mục vụ, thu được nhiều “thành công”, nhưng vẫn có thể đó chỉ là làm theo ý minh, chương trinh của minh, dù ý đó, chương trình đó có vẻ tốt lành, thánh thiện! Như thế, thái độ biết nhìn, biết nghe, biết suy nghĩ, biết tìm kiếm là rất cần thiết để khám phá thánh ý Chúa và làm theo ý Ngài.

 

• Người đi theo ơn gọi là người được gọi để thực hiện công trình của Thiên Chúa, không phải là công trình của bản thân, ngay cả công trình của Giáo Hội theo nghĩa trần thế cũng không phải. [9]

 

Do đó, để phân định ơn gọi nơi ứng viên chức thánh, những đánh giá, “những thang điểm” là cần thiết và mang tính tham khảo. Cần lưu ý nhiều hơn đến thái độ môn đệ của ứng viên. Đó có phải là một người biết lắng nghe cách thiện chí các ý kiến của người khác (của bất cứ ai), biết phục thiện? Người ấy có biết đối thoại để tìm chân lý, tim điều đúng (hay chỉ “cãi cố”, “cãi lấy được”, dù biết minh sai). Người ấy có biết tìm lợi ích chung hay chỉ lý luận và làm theo ích lợi của bản thân? Người ấy có biết nhìn cái hay nơi người khác để học hỏi hay chỉ khoe khoang cái hay của minh (cái mà mình tưởng là hay!). Người ấy có biết nhìn ra những lời mời gọi nơi các hoàn cảnh sống, nơi các biến cố, nơi môi trường đào tạo, nơi các chỉ dẫn của nhà đào tạo? Nói chung, đó là người “dễ bảo”, “ngoan ngùy” theo đúng nghĩa có từ ngữ ấy.

 

Về mặt từ ngữ, Ratio 2016 nhắc 11 lần những từ cùng gia đình ấy: docibilitas, docilité, docile. Nhiều chỗ khác, văn kiện không dùng thuật ngữ này, nhưng có cùng ý tưởng.

    - Chương V nói việc đào tạo chủng sinh đi đến chỗ để cho minh được đào tạo, nhìn lại đời sống và để minh sẵn sàng được sửa lỗi bởi anh em hầu thích hợp với thúc đẩy của ân sủng (xem giới thiệu của số 58).

    - Trong chiều kích tâm linh: tương quan đích thực với Chúa Kitô và trở nên dễ bảo với Chúa Thánh Thần (số 42), mục đích của việc 

đồng hành cá nhân là giúp trở nên dễ bảo với Chúa Thánh Thần(số 45-46).

    - Toàn bộ đời sống trong ơn gọi là một cuộc đào tạo liên tục để trở nên môn đệ và được dạy bảo bởi Chúa Thánh Thần (số 68), giai đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là trở nên dễ bảo với hoạt động của Thiên Chúa (số 69).

    - Giai đoạn phó tế và linh mục: trở nên dễ bảo với những quyết định của giám mục (số 77).

    - Trở nên dễ bảo với Chúa Thánh Thần (số 101), việc linh hướng chỉ hữu hiệu khi chủng sinh trở nên dễ bảo (số 107), sự nghèo khó giúp trở nên dễ bảo (số 111), chứng từ của cộng đoàn những nhà đào tạo biết trao đổi sẽ giúp chủng sinh dễ bảo trong việc đào tạo (số 132).

 

Đó là những hướng dẫn cụ thể của Ratio 2016 trong việc đào tạo chủng sinh trở nên dễ bảo, trở nên môn đệ của Thầy Giêsu.

 

• Ratio 2016 chia giai đoạn đào tạo tại chủng viện thành 2 giai đoạn nhỏ và gọi tên là “giai đoạn đào tạo người môn đệ” và “giai đoạn đồng hình đồng dạng”. Hai giai đoạn này nối kết với nhau rất chặt chẽ, bởi vì người môn đệ đích thực coi thầy mình là khôn ngoan nhất, là vị thầy duy nhất, thì cũng là người muốn nên giống thầy mình trong mọi sự, từ suy nghĩ, chọn lựa đến mọi hành vi trong cuộc sống của mình.

 

Dĩ nhiên, tiến trình đào tạo người môn đệ và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô diễn ra trong suốt cuộc đời. Những cách gọi “giai đoạn đào tạo người môn đệ” và “giai đoạn đồng hình đồng dạng” nhằm đề nghị, trong hai giai đoạn đào tạo khởi đầu, phải chú ý đặc biệt đến việc ý thức mình là người môn đệ cũng như phải hiểu lời gọi vào thừa tác vụ và đời sống linh mục như công cuộc nên đồng hình đồng dạng liên lỉ với Chúa Kitô. [10]

 

Như vậy, ứng viên ơn gọi cũng phải thể hiện cho thấy mình càng ngày càng xác tín hơn trong việc chọn lựa sự khôn ngoan của Tin Mừng hơn là khôn ngoan của người đời, chọn lựa Chúa Giêsu làm Thầy của mình, muốn nên giống Thầy Giêsu ngày càng hơn, muốn bước theo Chúa Giêsu Kitô (sequela Christi).

 

Hoàn thành giai đoạn Đào Tạo Người Môn Đệ (Triết học) phải đưa chủng sinh đến xác tín chọn Chúa Giêsu làm Thầy và đến ước muốn ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu. Tuy nhiên, hai điều ấy (môn đệ và đồng hình đồng dạng) cũng phải được thể hiện theo những mức độ khác nhau trong giai đoạn tìm hiểu trước chủng viện và khi đã làm linh mục nữa.

 

Nếu chủng sinh không có xác tín chọn Chúa Giêsu làm Thầy của mình, không muốn sống giống như Thầy Giêsu, và có khi còn cười ngạo những người muốn sống theo sát Tin Mừng hơn, thì họ sẽ là ai (không thể là môn đệ của Thầy Giêsu) và họ sẽ rao giảng về ai trong sứ vụ linh mục của mình?!

 

Đây là một tiến trình mang tính tích cực và dấn thân. Đã đành là không bao giờ họ đạt tới đích được, nhưng luôn ước muốn đi tới và đi tới mãi. Vì thế, những chủng sinh giữ kỷ luật, làm các việc bổn phận “đầy đủ”, nhưng mang tính “vừa phải”, “cầm chừng”, thì chưa đủ cho hành trình làm môn đệ và nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu được! Người được phân định là có ơn gọi không phải là người không sai phạm những quy định, làm đủ những việc được đề ra, nhưng phải là người luôn thao thức, băn khoăn, luôn tìm kiếm những con đường để theo sát Thầy Giêsu hơn.

 

Kết luận

Linh mục là một ơn gọi không phải là một nghề nghiệp. Do đó, đào tạo linh mục không chỉ là thực hành một số công việc, tuân theo một số công thức, quy định và lượng giá việc đào tạo ấy theo một số thang điểm có sẵn. Được mời gọi vào đời sống linh mục là được mời gọi đi vào một tương giao, là trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô: học cùng Ngài, sống như Ngài và thi hành sứ vụ mục tử trong ngôi vị của Ngài (in persona Christi). Như vậy, người đi theo ơn gọi không phải chỉ là người giỏi về kiến thức, khéo về kỹ năng, nhưng còn phải và trên hết phải là người có thể và muốn đi vào mối tương giao Thầy-trò với Chúa Giêsu Kitô, để mình trở nên người được thúc đẩy bởi Thánh Thần của Đấng Phục Sinh hầu làm cho Nước Thiên Chúa được thể hiện ngay trong cuộc sống hôm nay với những người chung quanh.

Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Nguồn: Tập San Hiệp Thông / 
HĐGMVN số  103 (Tháng 11 & 12 năm 2017)

_____________ 

[1]. Bộ Giáo Sĩ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis) (8/12/2016), bản dịch của Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh trực thuộc HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo, 2017. Trong bài này, xin viết tắt là Ratio 2016.

[2]. x. Ratio 2016, Dẫn nhập, số 3.

[3]. Ratio trước do Bộ Giáo Dục Công Giáo ban hành năm 1970 và được cập nhật

năm 1985 cho thích hợp với Bộ Giáo Luật 1983.

[4]. Bài viết này nhắm đến các đối tượng để phân định ơn gọi là các chủng sinh đang trong giai đoạn đào tạo trước chủng viện và trong thời kỳ ở chủng viện nữa.

[5]. Bộ Giáo Sĩ, Hồng ân ơn gọi linh mục (2016), Dẫn nhập, số 3 và Chương IV. Đào tạo khởi đầu và thường huấn, số 57.

[6]. xem chú thích ở trên.

[7]. X. Amedeo Cencini, “Ayez entre vous les mêmes sentiments qui sont dans le Christ Jésus”. Vers un modèle actuel de formation initiale et permanente. Bài trình bày trong Session “La Première Formation et le discernement de la vocation pradosienne”, tháng 7 năm 2017.

Từ ngữ “docibilitas” được dịch trong tiếng Việt là “dễ bảo”, “ngoan ngùy”. Trong tiếng Việt, từ ngữ này có khi mang nghĩa tiêu cực. Có thể đó là tính tốt nơi trẻ em, nhưng cũng có nghĩa là điều đó là thuộc tính của trẻ em. Người lớn có suy nghĩ, có lập trường, có quan điểm riêng sẽ không như vậy! Tuy nhiên, nói đúng ra, đó lại là thái độ của Tin Mừng: Nước Trời được mạc khải cho những người bé mọn như vậy (x. Mt 11,25). Chân phước Antoine Chevrier nói rằng: người ta lý luận nhiều quá nên đã giết chết Tin Mừng!

[8]. Ratio 2016 cũng trình bày về bốn chiều kích này và đánh giá theo các chiều kích đó (x. số 58).

[9] x. Phanxicô, tông huấn Evangelii Gaudium (2013), phần “Trả lời không với tinh thần thế tục”, số 93-97.

 

[10] Bộ Giáo Sĩ, Hồng ân ơn gọi linh mục (2016), Dẫn nhập, số 3.

706    21-02-2020