Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Vatican hướng đến trung hòa khí thải carbon vào năm 2050

Vatican hướng đến trung hòa khí thải carbon vào năm 2050

 

Ðể thực thi một nền sinh thái toàn diện, Tòa Thánh đã đề ra hai phương hướng hành động chính: giảm tối đa lượng khí thải và ủng hộ đẩy mạnh giáo dục đào tạo về bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

 

Các biện pháp hành động đã được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nêu ra trong sứ điệp truyền hình gởi đến Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến được Liên Hiệp Quốc phối hợp với một số nước tổ chức vào ngày 12.12.2020 vừa qua nhân kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết. Ðức Thánh Cha nhận định, đại dịch Covid-19 và tình trạng Trái đất nóng dần lên “gây ảnh hưởng không chỉ về mặt môi trường, mà còn về đạo đức, xác hội, kinh tế, chính trị” và dẫn đến nhiều hệ luy cho “cuộc sống của những người nghèo nhất và yếu thế nhất”. Vì vậy, nhân loại cần phải có trách nhiệm thúc đẩy bằng tình liên đới và sức mạnh tập thể cho “nền văn hóa của sự quan tâm” mà trung tâm sẽ là phẩm giá của con người và những lợi ích của cộng đồng.

Giáo hội mời gọi xây dựng lối sống mới, thân thiện với môi trường - ảnh: Caritas Internationalis

 

Cụ thể, Tòa Thánh đã đặt ra mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nghĩa là lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người sẽ bằng với lượng khí CO2 bị hấp thụ (chẳng hạn trong quá trình quang hợp của các loài thực vật). Vatican sẽ lập nhiều dự án về giảm phát thải và góp phần vào nỗ lực chung về hấp thụ khí nhà kính. Tòa Thánh sẽ tăng cường về mặt quản lý môi trường, bao gồm sử dụng một cách tiết kiệm hơn nữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên; gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; phân loại và xử lý rác; ưu tiên cho các nguyên liệu có thể tái chế; đầu tư thêm các giải pháp khoa học, công nghệ đáp ứng xu hướng phát triển bền vững…

Từ nhiều năm qua, thành quốc Vatican đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ Ngôi nhà Chung Chúa ban. Nhiều tòa nhà tại quốc gia nhỏ nhất thế giới được lắp các tấm pin quang năng để năng lượng tái tạo có thể dần thay thế năng lượng hóa thạch. Một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng khác là nước cũng được quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí. Từ năm 2019, Vatican đã ngưng bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và mới đây, đã cho thay thế dần dàn xe hơi của Tòa Thánh thành các loại xe điện hoặc xe “lai” (sử dụng cùng lúc xăng, dầu với các loại nhiên liệu xanh).

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP 21 vào năm 2015, nơi thỏa thuận Paris đã được ký kết - ảnh: ANSA

 

Tuy các nỗ lực “sống xanh” của Tòa Thánh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 sẽ còn một chặng đường dài phía trước. Ðể thực hiện mục tiêu này, các chính sách hay biện pháp kỹ thuật vẫn chưa đủ, mà còn cần một “tiến trình giáo dục, đào tạo” cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, để “lan tỏa lối sống mới, và một nền văn hóa của sự quan tâm, của phát triển bền vững được xây dựng bằng tình huynh đệ và dựa trên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên”. Tiến trình giáo dục có thể được triển khai với hệ thống 216.000 trường học Công giáo và 1.750 Ðại học Công giáo trên thế giới, với khoảng 70 triệu học sinh, sinh viên. Ðây chính là những hạt nhân để đóng góp cho một “thế giới mới”, biết trân trọng và luôn gìn giữ Công trình Sáng tạo của Chúa. “Ðã đến lúc phải thay đổi xu thế. Chúng ta đừng cướp của các thế hệ sau niềm hy vọng về một tương lai sáng lạn hơn”, Ðức Thánh Cha kết luận. 

 

Mỹ hỗ trợ triển khai năng lượng sạch tại Việt Nam

Ngày 14.12, dự án An ninh Năng lượng Ðô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) để chính thức hóa sự hợp tác nhằm hỗ trợ EVN mở rộng triển khai “điện mặt trời trên mái nhà”.

Nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam đang ở mức tăng trưởng 10% hằng năm, khiến cần phải sử dụng các công nghệ năng lượng sạch, hiện đại để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đồng thời cung cấp dịch vụ điện cho hơn 20 triệu hộ gia đình. Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, EVN đã đặt ra các mục tiêu cao về tăng công suất “điện mặt trời trên mái nhà” vào năm 2025 và đang đưa ra các biện pháp nhằm giúp người tiêu dùng hiểu và sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời cũng đặt ra những thách thức mới đối với nguồn doanh thu của EVN, đồng thời mang đến các tác động tiêu cực tiềm tàng tới lưới điện, như giảm chất lượng điện áp hoặc tổn thất điện năng.

Ðể giải quyết những thách thức này và mục tiêu cuối cùng là tăng công suất điện mặt trời, EVN sẽ tiến hành phân tích tác động tài chính đối với đơn vị điện lực trong các kịch bản triển khai quang năng khác nhau tại thành phố Ðà Nẵng, với sự hỗ trợ của USAID thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác. Kết quả là các nhà hoạch định chính sách và đơn vị điện năng sẽ thấy được các tác động ngắn hạn trong giai đoạn đầu phát triển các chương trình điện mặt trời. Thông qua biên bản ghi nhớ, USAID cũng sẽ giúp EVN đánh giá tác động kỹ thuật của hệ thống quang năng tới mạng lưới phân phối điện và nâng cao năng lực của EVN trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến lưới điện. Ngoài ra, EVN sẽ được hỗ trợ trong việc thiết kế và thực hiện các chiến dịch truyền thông sáng tạo nhằm thúc đẩy đầu tư và lắp đặt hệ thống “điện mặt trời trên mái nhà”.

Trong 5 năm qua, USAID đã cam kết hỗ trợ hơn 40 triệu USD cho ngành năng lượng tại Việt Nam và dự kiến ​​sẽ cam kết thêm 36 triệu USD trong 5 năm tới. USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và đơn vị điện lực để áp dụng các thực hành quốc tế tốt nhất trong việc thiết kế và triển khai hệ thống nhằm đảm bảo việc tiếp cận nguồn năng lượng an toàn, bền vững và đáng tin cậy.

 

Lan Chi

295    03-03-2021