Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Về người di dân, Đức Phanxicô không có ý định im lặng

 

Không có các ký giả, chỉ có một người quay phim và một nhiếp ảnh gia chính thức ở Đền thờ Thánh Phêrô trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành cho người di dân, tị nạn sáng thứ hai 8 tháng 7-2019.

Sáng thứ hai 8 tháng 7, Đức Phanxicô dâng thánh lễ ở nhà nguyện Đền thờ Thánh Phêrô, một thánh lễ đánh dấu 6 năm ngài đến đảo Lampedusa với người tị nạn. Dù thông điệp của ngài về người di cư dường như không ai nghe, nhưng Đức Phanxicô muốn tiếp tục nhắc lại phẩm giá của tất cả cuộc sống con người.

Sáu năm tính từng ngày sau chuyến đi Lampedusa, chuyến đi đầu tiên trong triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô không có ý định im lặng về người di dân. Bằng chứng là ngài dâng thánh lễ sáng thứ hai 8 tháng 7 tại nhà nguyện trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho “các nạn nhân các vụ đắm tàu ở biển Địa Trung Hải”, cho các người cứu hộ và cho “lòng can đảm của sự thật, cho sự tôn trọng đối với mỗi cuộc sống của con người trong mỗi chúng ta”. 

Ở Lampedusa, Đức Phanxicô công kích sự “dửng dưng”

Về chủ đề này, Đức Phanxicô biết mình thua cuộc trong cuộc chiến dư luận ở phương Tây. Chỉ cần nhìn phản ứng thù nghịch trên các mạng xã hội phản hồi với từng quan điểm của ngài.

Nhưng Đức Phanxicô không làm việc theo kết quả của các cuộc thăm dò. Dù ngài biết những gì ngài nói không được phần lớn người công giáo phương Tây ưa thích, ngài không có ý định im lặng khi phẩm giá con người bị vi phạm, vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và Chúa Kitô đã nhập thể trong hình hài con người.

“Đau buồn vô hạn” với những người bị chết đuối ở Rio Bravo

Vì thế, ngày 26 tháng 6, ngài đã không ngần ngại bày tỏ nỗi đau buồn vô hạn của mình khi thấy bức hình người cha người Salvador Oscar Alberto Martinez Ramirez  và con gái Angie Valeria bị chết đuối ở Rio Bravo khi họ định đến Mỹ. Thêm một lần nữa, bức ảnh này đưa nước Mỹ vào thảm kịch nhập cư đã có từ bao nhiêu năm nay.

Một bức ảnh sau đó được truyền thông Vatican dùng để báo động tình trạng người di dân ở biên giới Mỹ-Mêhicô mà tháng tư vừa qua, Đức Phanxicô đã giúp nửa triệu đôla, số tiền giúp đỡ lớn nhất chưa bao giờ được Đức Phanxicô chi trong quỹ riêng của mình.

Kêu gọi giúp đỡ các hành lang nhân đạo ở Libya 

Ngày chúa nhật 7 tháng 7, trong giờ Kinh Truyền Tin ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã phản ứng với vụ đánh bom gần đây vào trung tâm giam giữ người di dân ở Libya đã làm cho 53 người thiệt mạng, ngài kêu gọi tổ chức “hành lang nhân đạo” giúp đỡ những người di dân cần đến sự giúp đỡ nhiều nhất. “Cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận các sự kiện trầm trọng như vậy”.

“Cuộc sống của con người phải được cứu bằng mọi cách” 

Còn về vùng Địa Trung Hải, cách đây mười mấy ngày, có vẻ như Vatican ở bên cạnh nữ thuyền trưởng Carola Rackete của tàu Sea Watch 3, người đã không ngần ngại cho tàu cập bến ở Lampedusa để đưa người di dân lên bờ, bất chấp sự phản đối của ông Matteo Salvini, Bộ trưởng bộ Nội vụ cực hữu của Ý.

Ngày thứ bảy 29 tháng 6, trong lễ kỷ niệm hàng năm của nhật báo Ý Avvenire, Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã nhấn mạnh: “Tôi tin rằng cuộc sống con người phải được cứu bằng mọi cách. Đó phải là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta, phần còn lại chỉ là thứ yếu”. 

Thuyền trưởng Carola Rackete 

Các giáo sĩ Ý hỗ trợ thuyền trưởng Sea Watch

Lời tuyên bố của nhân vật “thứ 2” của Vatican, bình thường ngài rất cẩn thận không bao giờ để cho thấy mình can thiệp vào chính trị nước Ý, cho thấy vấn đề này vượt xa vấn đề chính trị như thế nào.

Bảo vệ người di dân là một cuộc chiến phò sự sống

Nếu những người theo chủ nghĩa mị dân luôn có các bài diễn văn yêu nước dựa vào các tài liệu tham khảo kitô giáo, khi họ ở trong tư thế là những người bảo vệ bản sắc châu Âu trước một “cuộc xâm lược”, thì ngược lại, Giáo hội nhắc cho Âu châu nhớ giá trị cơ bản của phẩm giá con người được thừa hưởng trực tiếp từ kitô giáo.

Đó là lý do tại sao, trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan năm 2018, Đức Phanxicô đã không ngần ngại đặt việc bảo vệ người di dân trong cuộc chiến phò sự sống. Dù sứ điệp khó được chấp nhận, nhưng Đức Phanxicô không có ý định im lặng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hình ảnh thánh lễ sáng thứ hai 8 tháng 7 tại nhà nguyện Đền thờ Thánh Phêrô cho người di dân

   

355    09-07-2019