Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Vì sao có đề xuất cần chứng chỉ tiền hôn nhân mới được đăng ký kết hôn

 

 
Ngày 13-1-2020 vừa qua, báo Thanh Niên Online (TNO) có đăng tải bản tin cho hay tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, đề nghị bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình. [1]

kethon.jpg

VÌ SAO CÓ ĐỀ XUẤT PHẢI CÓ CHỨNG CHỈ TIỀN HÔN NHÂN?

 

Nêu ý kiến tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức chiều 13-1-2020, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và trong cơ sở giáo dục nói riêng thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của gia đình.

 

Tiến sĩ Thủy cho biết nhiều phụ huynh mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn nên phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà hoặc những người khác, cho cả các nhà trường. Ông Thủy cũng cho rằng, trẻ em bị xâm hại hoặc phạm tội đều xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”.

 

Từ đó, ông Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội. Ông nhấn mạnh, cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn và ông đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…

 

Lý giải về kiến nghị của mình, TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu, thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại nói chung và tại cơ sở giáo dục nói riêng có trách nhiệm rất lớn của gia đình. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong vấn đề này.

 

Tưởng cũng nên cung cấp thông tin sau để tham khảo: Gần 1.700 trẻ em bị xâm hại tình dục trong năm 2019 [1]

 

Theo Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, từ năm 2015 – 2018, xảy ra gần 7.000 vụ xâm hại trẻ em, với 7.000 đối tượng, xâm hại khoảng 7.000 trẻ em. Riêng năm 2019 xảy ra hơn 2.000 vụ, với gần 2.300 đối tượng, xâm hại khoảng 2.100 em, trong đó xâm hại tình dục là hơn 1.700 (chiếm trên 80% tổng số vụ) với khoảng 1.700 đối tượng, xâm hại gần 1.700 em. Cá biệt, có những vụ xảy ra trong môi trường học đường, nơi luôn được coi là môi trường an toàn cho học sinh, có vụ hậu quả rất nghiêm trọng, khiến trẻ tử vong, gây bức xúc trong dư luận.

 

Cục Cảnh sát hình sự đánh giá, tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là trong các cơ sở giáo dục đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành giáo dục mà còn đối với xã hội. Đây là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo đức, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học, nơi mà các em tin tưởng được bảo vệ, chăm sóc.

 

Đặc biệt trong cuộc hội thảo này, ông Thủy cũng dẫn chứng như ở Úc thì một trong những điều kiện đăng ký kết hôn là phải hiểu được kết hôn có ý nghĩa gì và tự do chấp nhận trở thành vợ chồng của nhau. Còn Pháp, những người muốn kết hôn phải có một lá thư viết tay thể hiện mong muốn kết hôn của bạn và chỉ định danh tính của người vợ, chồng tương lai của bạn, lá thư này cũng có thể chỉ định các điều kiện của cuộc họp, kiến thức lẫn nhau của vợ chồng tương lai, kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn.

 

Một ví dụ khác mà ông Thủy dẫn ra là người Công giáo trên khắp thế giới, trước khi bước vào cuộc hôn nhân, các cặp đôi phải tham gia lớp học tiền hôn nhân. Đây là lớp học bắt buộc của người Công giáo và thông thường sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng. Ở lớp học này, bên cạnh những kiến thức về tôn giáo, các cặp đôi sẽ được học các kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, tại lớp học tiền hôn nhân, những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, những bài học về sự xung đột, xung khắc cũng được đề cập đến. Theo ông Thủy, những bất đồng về lối sống, quan niệm sống khi sống chung trong một gia đình có tam, tứ đại đồng đường cũng sẽ dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn. Thậm chí, hai bạn có lấy nhau và ra ở riêng ngay thì những xung khắc xung đột vẫn sẽ xảy ra.

 

Tiến sĩ Thủy cũng cho biết ở lớp học tiền hôn nhân, các linh mục phụ trách cũng sẽ chỉ cho các bạn trẻ khái niệm thế nào là yêu, thế nào là sống chung trong một đời sống mà người ta phải sống vì nhau, sống với nhau. Sống để cùng nhau đạt được mục đích mà mục đích ở xã hội này đó là tạo lập cho mình một gia đình êm ấm, vợ chồng đề huề, con cái thành đạt giỏi giang.

 

PHẢN ỨNG VỀ ĐỀ XUẤT NÀY

 

Ngay sau khi có đề xuất này, một số báo chí trong nước (TNO, Lao Động online…) và đài VTC7 (Chương trình 22+ lúc 22g) đã đăng tải và đề cập đến thông tin này ngay và đồng thời cũng chia sẻ những ý kiến phản hồi của nhiều người. Xung quanh đề xuất bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình đang bắt đầu gây ra nhiều tranh cãi. Tất nhiên, có người tán thành, có người phản đối. Những người tán thành đề xuất này thì cho rằng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân như một điều kiện để đăng ký kết hôn là điều cần thiết và nên thực hiện ngay. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến e ngại rằng việc này không khả thi vì sẽ gây khó khăn, phức tạp cho cuộc sống của nhiều người.

 

* Báo TNO ngày 14-1-2020 cho hay: [2]

 

- Nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất của tiến sĩ Thủy vì “việc này rất cần thiết, có ích cho các cặp vợ chồng trước khi bước vào cuộc sống chung”.

 

- Một bạn đọc ở TPHCM nói: "Đề xuất hay! Rất hợp lý và văn minh! Mình ủng hộ hết mình".

 

- Một bạn khác ở TPHCM cũng nêu ý kiến: "Rất cần thiết! Bên Thiên Chúa giáo đã làm việc này từ lâu rồi, họ gọi là khóa học giáo lý hôn nhân. Khóa học này dạy về cách làm chồng, cách làm vợ, cách làm cha mẹ, kiến thức thai sản cơ bản, kiến thức về dân số... Nếu cả nước triển khai khóa học tương tự như thế này thì bạo hành gia đình sẽ giảm hẳn, dân số tăng vô tội vạ sẽ giảm hẳn, kiến thức thai sản của vợ chồng cũng tăng".

 

- Một bạn ở HN cho biết: "Việc cần có chứng chỉ tiền hôn nhân là rất tốt, đề xuất này rất hay. Tuy nhiên, phải tính để chỉnh sửa giáo trình sao cho ngắn gọn, phù hợp".

 

- Trong khi đó, một bạn ở TP.HCM cho biết ý kiến: "Ai quan niệm là không có thời gian rảnh rỗi để đi học thì có lẽ nên suy nghĩ lại. Thời gian đi học này là thời gian đầu tư cho gia đình tương lai của mình. Người ta muốn làm gì thì cũng phải đầu tư, vậy tại sao lại không chịu đầu tư cho gia đình tương lai của mình? Ai không đầu tư cho gia đình tương lai của mình, người đó sẽ có một gia đình què quặt".

 

Bên cạnh nhiều người ủng hộ thì cũng có không ít ý kiến phản đối.

 

- Một bạn ở TP.HCM cho rằng: "Đề xuất xa rời thực tế. Thêm cái chứng chỉ này thì giống như "đẻ" thêm một cái giấy phép con. Nếu họ không học nhưng vẫn kết hôn thì có cấm được không và dựa vào đâu để cấm?".

 

- Một bạn ở Bình Dương thì đặt vấn đề: "Nếu vậy người không biết chữ sẽ không bao giờ kết hôn được, hoặc là những người có bầu rồi không có chứng chỉ cũng không được đăng ký kết hôn để chạy bầu hay sao?".

 

- Một bạn ở Quảng Bình thì góp ý: "Nhìn về mục đích của ý tưởng thì thấy đây là cách nghĩ có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên việc ban hành chứng chỉ có thể gây ra phản ứng vì người ta nghĩ tới cái giấy phép con nhiêu khê, chi bằng đưa nội dung này vào giảng dạy ở cấp phổ thông trung học. Kiểu dạy kỹ năng về xây dựng hạnh phúc gia đình, kỹ năng nuôi dạy em bé... cho các cháu học sinh".

 

* Trong khi đó, báo Lao Động Online ngày 15-1-2020 cũng đưa tin: [3]

 

Trước đề nghị bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau được đưa ra. Song phần lớn đều ủng hộ và cho rằng đây là một ý tưởng hay, có trách nhiệm xã hội, cần được nghiên cứu cẩn thận, tạo tính khả thi để sớm áp dụng vào thực tế.

 

Trước đề xuất trên, không ít người đã đưa ra các ý kiến phản bác.

 

- Một độc giả bày tỏ đây là một đề xuất vô lý. Họ lý giải: “Cũng như con cá sinh ra là đã biết bơi thì chuyện hôn nhân theo luật tự nhiên con người đã biết. Theo độc giải này, học chứng chỉ chỉ dành cho những ai quá rảnh, còn những người bận công việc tối ngày thì không có thời gian để học”.

 

- Một số người lại cho rằng chỉ cần học Luật Hôn nhân và Gia đình là được, không cần phải có thêm lớp học tiền hôn nhân nào.

 

- Một ý kiến khác của một bạn đọc nêu: “Theo tôi, nên khuyến khích thôi chứ không nên ép buộc. Nếu hợp và tốt thì dần người dân sẽ theo và được xã hội thừa nhận. Còn nếu không hợp thì có đưa vào luật cũng chỉ là trò cười. Tôi thấy đây giống như kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Ai học tập trung được sẽ nhanh và tốt hơn một chút. Ai không có thời gian và điều kiện sẽ học thông qua thực tế, người thân, môi trường xung quanh. Cái gì cũng cần tự nguyện và làm được cũng có quá trình chứ không nên ép buộc”.

 

Tuy nhiên, đối nghịch lại các ý kiến phản bác đề xuất của TS. Nguyễn Xuân Thủy là khá nhiều ý kiến đồng tình và ủng hộ của mọi người. Theo đó, những người ủng hộ cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em đang lên tới mức báo động; trẻ vị thành niên phạm pháp ngày càng nhiều; chưa kể tỷ lệ ly hôn cũng gia tăng vì thanh niên giờ có lối sống nhanh và nhạt do thiếu sự dạy dỗ, quan tâm và chăm sóc từ gia đình. Cho nên, xét từ góc độ rộng thì đây là một đề xuất đúng đắn.

 

Thậm chí có nhiều bạn đọc sẵn sàng phân tích mặt được nếu đề xuất bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình được áp dụng.

 

Cụ thể, nếu tham gia vào lớp học về hôn nhân và gia đình theo nội dung của đề xuất, những cha, mẹ tương lai sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về mặt sức khỏe sinh sản, cách làm chồng, cách làm vợ, cách nuôi dạy con cái, cách ứng xử trong cuộc sống gia đình…

 

- Một bạn đọc cho ý kiến: “Công nhận là nếu ép đi học thì hơi phiền phức nhưng một khóa học sẽ làm thay đổi nhiều thứ. Thà rằng bỏ ra vài tháng học để biết, học để hiểu hơn về cuộc sống hôn nhân, để tránh rối ren, tránh đổ vỡ còn hơn để bao trẻ em chịu thiệt thòi do các gia đình có vấn đề hay các đôi vợ chồng trẻ vụng về trong cuộc sống hôn nhân”.

 

- Cùng bày tỏ sự đồng tình, một bạn khác nói: “Cần có tiền hôn nhân là rất tốt, đề xuất này rất hay. Nhìn về mục đích của ý tưởng thì thấy đây là cách nghĩ có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, việc ban hành chứng chỉ có thể gây ra phản ứng vì mọi người sẽ nghĩ tới cái giấy phép con nhiêu khê. Đề xuất này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, chỉnh sửa giáo trình sao cho ngắn gọn lại để phù hợp với nhịp độ sống của nhân dân ta. Từ đó mới tạo được tính khả thi để sớm áp dụng vào thực tế”./.

 

Aug. Trần Cao Khải

 

________________ 

 

[1] thanhnien.vn

 

[2] thanhnien.vn

 

[3] laodong.vn

605    19-01-2020